“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” Tác giả: Nhà thơ Nguyệt Vũ


Mỗi ngày nhìn số ca nhiễm và tử vong của Sài Gòn, tôi thấy tim mình thắt lại. Cảm giác bất lực thật vô cùng khó chịu. Bất lực và buồn thương làm cứng đơ hết mọi cảm xúc mỗi sớm mai.

Khi dịch ở Sài Gòn mới bùng phát, có khoảng 10 ngàn người mắc tôi đã nghĩ “cháy ở đâu thì chữa ở đó” bởi nhìn thấy dòng người di dân tự phát đi khắp các ngõ ngách của đất nước mà kinh sợ. Và đúng như vậy, từ Sài Gòn dịch theo người hồi hương bùng phát khắp các tỉnh miền Nam. Có nằm mơ cũng không thể nghĩ rằng có ngày Việt Nam con số ca nhiễm đến hơn 348 ngàn người và chưa hề có xu hướng dừng. Chưa hết tỷ lệ tử vong 2.4% của cả nước 3.7% ( ở Sài Gòn) đã ở mức cao của thế giới rồi (số liệu ngày 23/8/2021)

Vậy mà đọc báo thấy người Sài Gòn vẫn ra đường mỗi ngày cả triệu lượt người.

Tôi tự hỏi nguồn cơn của thảm họa này là gì?

Điều đầu tiên phải nói đến là chủng virut Delta vô cùng nguy hiểm, lây lan nhanh chóng mặt. Việt Nam đã thành công trong đợt dịch trước nên có phần chủ quan lơ là trước đợt dịch này chăng?

Tiếp đó là các đợt giãn cách xã hội liên tiếp quá dài ngày, người dân Sài Gòn vốn không có thói quen tích trữ lương thực, thích lối sống phóng khoáng, tụ tập, quán xá ồn ào đã bắt đầu bức bối. Họ ra đường nhiều, một số người thậm chí không đeo khẩu trang, chưa tuân thủ giãn cách xã hội một cách triệt để.

Việc di dân tự phát khiến dịch lan rộng đến các tỉnh thành khác. Sài Gòn là nơi tập trung dân cư của khắp mọi miền đất nước nên việc khó quản lý là không tránh khỏi. Khi dịch bùng phát, thành phố có lệnh giãn cách xã hội, rất nhiều người ngoại tỉnh đã hồi hương bằng mọi phương tiện: xe máy, xe đạp và thậm chí là đi bộ. Bất chấp việc mang dịch bệnh đi khắp nơi, bất chấp mọi khó khăn nguy hiểm trên đường. Họ sợ đói, sợ dịch và chỉ tâm niệm một điều chạy trốn và chạy trốn khỏi Sài Gòn, khi họ không còn kế sinh nhai nữa. Như không nhìn thấy ngày mai khi chưa nhìn thấy sự trợ giúp nào từ phía Chính quyền ngoài các chỉ lệnh“ngăn sống, cấm chợ”. Chính quyền chưa có những biện pháp an dân quyết liệt và kịp thời, có lẽ bị trói buộc bởi nhiều cơ chế, chính sách… Và có lẽ Chính quyền chưa đủ gần dân để hiểu họ cần gì nếu thành phố thực hiện giãn cách xã hội?

Cư dân mạng đã có những cảm xúc đa chiều, một số đã vô hình chung cổ súy cho việc di dân tự phát. Điều này cũng ảnh hưởng đến sự quyết liệt của Chính quyền trong việc thực thi nghiêm ngặt Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Hệ thống y tế quá tải dù các y bác sỹ đã làm việc kiệt sức. Điều này là đương nhiên vì chính quyền chỉ đưa ra các kịch bản 30 ngàn ca chứ đâu phải hàng trăm ngàn ca như bây giờ. Thật quá đau lòng khi không ít các F0 trở bệnh nặng mà không có bệnh viện tiếp nhận và kết cục những cái chết Covid đơn độc và đớn đau hơn cho những người còn sống.

Các ca tử vong tăng lên đột ngột, hệ thống lò thiêu quá tải… một lần nữa gây hoang mang trong cộng đồng.

Việc cứu trợ trực tiếp không được thực hiện mạnh như các đợt thiên tai bão lũ, đơn giản là vì dịch bệnh, các tổ chức từ thiện không thể đến tận nơi cứu trợ những người gặp khó khăn. Chưa có một tổ chức từ thiện chính quy nào đủ mạnh, đủ uy tín để nhân dân trao gửi thiện tâm của mình.

Vậy giải bài toán này như thế nào? Đó là một bài toán vô cùng khó bởi cả thế giới chịu bó tay trước đại dịch đâu chỉ Việt Nam. Dù Việt Nam đã thành công trong việc chống dịch đợt đầu năm 2020 nhưng biến thế mới Delta lần này nguy hiểm hơn gấp nhiều lần. Đây là một cuộc chiến cam go và khốc liệt thực sự chứ không chỉ là chống dịch như một thành tích nữa.

Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước và cũng là nơi đông dân nhất. Một thành phố đang khỏe mạnh trong guồng quay cuộc sống đô thị ồn ào sôi động như thế bỗng dưng bị khựng lại vì dịch. Cuộc sống của 17 triệu dân bị đảo lộn, Chính quyền đã có nhiều quyết sách chống dịch nhưng số ca nhiễm mỗi ngày một tăng khiến nhân dân vừa hoang mang vừa thất vọng. Số ca tử vong tăng lên mỗi ngày khiến cả nước nghẹn lòng thương nhưng cũng thật buồn khi thấy người dân Sài Gòn vẫn chưa thực hiện 5K một cách triệt để, chưa đồng lòng tuyệt đối cùng Chính quyền chống dịch.

Nói ra điều này thật đau lòng nhưng chúng ta đã thua trận đầu trong cuộc chiến này. Và những cái chết đớn đau, cô độc tận cùng cô độc vẫn đang diễn ra mỗi ngày, vò xéo trái tim của cả trăm triệu nhân dân Việt Nam.

Tôi hiểu được cái khó của Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh khi lãnh đạo một thành phố đông dân nhất nước, nhưng “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, hãy dựa vào dân lúc này để bảo vệ cuộc sống của họ và gia đình họ chứ không chỉ vì thành tích chống dịch nữa. Thiết nghĩ liệu có nên thay đổi khẩu hiệu “Quyết tâm chiến thắng dịch Covid” bằng khẩu hiệu: “Quyết tâm bảo vệ cuộc sống của nhân dân bằng mọi giá” hay không?. Và với kim chỉ nam này chắc chắn cách làm của Chính quyền sẽ khác đi và lòng dân sẽ thuận hơn.

Thay vì phạt tiền những người không đeo khẩu trang nơi công cộng hãy yêu cầu họ vào phục vụ các bệnh nhân F0 một tuần chẳng hạn. Điều này sẽ giúp đỡ các y bác sỹ trong việc chăm sóc bệnh nhân, mặt khác khi nhìn thấy bệnh nhân Covid đau đớn như thế nào, chết như thế nào rồi họ sẽ tự quyết định có đeo khẩu trang hay không.

Thay việc giãn cách dài ngày, hết đợt này qua đợt khác mà không triệt để bằng cách thiết quân luật trong 3 tuần. Người Sài Gòn đừng ra đường nữa. Vì dịch lây lan do tiếp xúc, không tiếp xúc chắc chắn sẽ hạn chế được dịch bệnh. Nhưng để làm được điều này phải lo được cuộc sống cho dân đã, nhất là những người nghèo, những người lao động tự do. Chủ trương “lấy sức dân lo cho dân” là tốt nhưng nếu dân lo cho dân chưa đủ, Chính quyền vẫn phải lo cho dân nghèo đủ nhu yếu phẩm để họ có thể sống và vượt qua đại dịch.

Tôi thích cách chống dịch của Đà Nẵng, quyết liệt và dứt điểm. Dù số ca nhiễm chưa cao nhưng thành phố đã quyết định lock down một tuần, trước đó đã thông báo cho dân biết để chuẩn bị. Một người bạn ở Đà nẵng cho biết: “Cứ hai hoặc ba ngày tổ trưởng dân phố lại đến hỏi từng nhà xem họ có cần hỗ trợ gì không. Yêu lắm chị ạ”. Đi từng ngõ gõ từng nhà như thế bảo sao dân Đà Nẵng một lòng tuân thủ theo Chính quyền.

Và nói gì thì nói nếu không có sự đồng lòng của 17 triệu dân Sài Gòn thì mọi nỗ lực chống dịch của thành phố sẽ đổ xuống sông xuống biển. Và buồn thương không biết đến bao giờ. Kết hợp giữa chống dịch và an dân một cách nhuần nhị, tôi tin rằng Sài Gòn phồn hoa sẽ hồi sinh trở lại.

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” – muốn được dân đồng thuận phải gây dựng được lòng tin nơi họ. Việc người Sài Gòn vẫn ồ ạt chen chúc nhau đi mua đồ siêu thị khi nghe tin thành phố tăng cường giãn cách (mặc dù quân đội sẽ cung ứng thực phẩm đến từng nhà dân) cũng là điều đáng suy nghĩ (họ vẫn chưa tin là cuộc sống của mình sẽ được đảm bảo ư?). Hãy nói với dân rằng: “bạn hãy ở trong nhà, có chúng tôi luôn đằng sau cánh cửa nhà bạn“.

Về việc di dân tự phát, thiết nghĩ thành phố Hồ Chí Minh cần phối hợp với các tỉnh. Ngoài việc đi sâu đi sát từng ngõ nhỏ, giúp người ngoại tỉnh thực phẩm, tiền thuê nhà nên chăng kêu gọi các chủ thuê nhà giảm và cho nợ tiền thuê nhà cho đến khi hết dịch. Người Sài Gòn vốn giàu lòng trắc ẩn, tôi tin họ sẽ đùm bọc đồng bào mình. Nếu những người quản lý ở tầm vĩ mô biết yêu cầu các tỉnh cùng dốc sức lo cho dân của tỉnh mình, động viên họ ở lại Sài Gòn, cung cấp tiền bạc, thực phẩm cho họ duy trì cuộc sống tại chỗ, thậm chí trả tiền thuê nhà cho họ. Kinh phí này chắc chắn sẽ ít hơn kinh phí chống dịch mà mấy chục ngàn người này hồn nhiên mang virut đến tận hang cùng ngõ hẻm của cả nước. Nếu các tỉnh nào lo được cho dân của tỉnh đó thì bố trí phương tiện đón họ về, xét nghiệm sàng lọc và đưa đi cách ly luôn để ngăn ngừa dịch bệnh cho địa phương mình.

Hải Phòng đã làm một việc rất cảm động là hỗ trợ mỗi hộ dân khó khăn đang sinh sống ở Sài Gòn trong thời gian dịch bệnh là 2 triệu một hộ. Hay nhất là họ chuyển khoản trực tiếp cho người nhận. Tôi thích câu “Hải Phòng là không lòng vòng”. Cách làm cụ thể, thiết thực rất đáng yêu này là một cách làm đáng để các tỉnh khác noi theo.

Hệ thống y tế vốn đã quá tải từ khi chưa có dịch, bây giờ dịch bệnh như thế không quá tải mới là chuyện lạ. Đã đến lúc Chính phủ nên dừng toàn bộ các dự án xây dựng tượng đài thay vào đó là các dự án xây dựng bệnh viện cho dân. Đào tạo thêm lực lượng y, bác sỹ làm sao khi sinh viên thi vào trường đại học y không còn quá khó khăn nữa khi chúng ta gấp ba lần số thí sinh được tuyển chọn và có đầy đủ việc làm khi họ ra trường. Vấn đề này không chỉ riêng thành phố Hồ Chí Minh mà là của cả nước.

Nhân bài viết này, tôi xin gửi tới các y bác sỹ đang căng mình chống dịch lời biết ơn sâu sắc nhất. Đất nước mình đang trông chờ phần lớn vào các anh, các chị.

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” câu nói của Nguyễn Trãi mãi là kim chỉ nam cần khắc cốt ghi tâm, nhất là trong thời buổi dịch giã cam go này. Lo cho dân từ cái kim sợi chỉ đến cái lò thiêu xác là công việc của các cấp Chính quyền. Năm 2020 Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh bị kỷ luật vì yêu cầu các lò thiêu phải báo cáo công suất. Năm nay khi dịch bệnh xảy ra lò thiêu quá tải thì trách ai bây giờ? Việc an sinh xã hội đâu chỉ là những lời hoa mỹ mà cần tầm nhìn xa hơn.

Yên dân là mọi chính sách cần phù hợp với ý nguyện của dân, lo cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân để tận hang cùng ngõ hẻm dân không đói, không bệnh tật nữa. Tư tưởng ấy, chân lý ấy là nền tảng trong mọi quyết sách, chiến lược, chiến thuật của Chính quyền

Có quá nhiều bài toán khó để giải cùng lúc cho Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh lúc này nhưng chúng ta có quyền hy vọng dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi khi toàn Đảng, toàn dân thành phố đoàn kết một lòng chống dịch quyết liệt hơn, dứt điểm hơn. An dân và chống dịch cùng lúc bằng sức mạnh nội lực của nhân dân Sài Gòn là chính cùng với sự hỗ trợ của cả nước, tôi tin thành phố Hồ Chí Minh sẽ chiến thắng không chỉ Covid mà còn có được niềm tin yêu của nhân dân không chỉ riêng Sài Gòn mà là nhân dân của cả nước trong đó có tôi.

Người Sài Gòn ơi, thương lắm và yêu lắm! Cuộc chiến này khốc liệt quá hãy gắng sức vượt qua mọi khó khăn để lo cho chính các bạn và gia đình. Và nếu bạn ổn hơn hãy lo cho bạn bè và những người xung quanh bạn. Chúng ta chống dịch vì bạn, vì tôi và vì cả dân tộc Việt. Một ngày Sài Gòn còn đau, cả nước sẽ còn đau.

Mong lắm một ngày thành phố đáng yêu này sẽ phù hoa trở lại, thành phố lại tràn ngập những nụ cười khi chúng ta vứt bỏ hết các khẩu trang. Tôi muốn được ôm các bạn thật chặt trong vòng tay của mình.

Và sau này mỗi khi nhớ lại những ngày Sài Gòn buồn thương thế này thì hãy coi như thành phố vừa trải qua một giấc mơ buồn.

Sài Gòn ơi, mong lắm một khúc khải hoàn ca!

Nguồn: Báo Văn nghệ

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder