Cà Mau trong tiếng Khơ Me có nghĩa là “nước đen”. Có lẽ thảm rừng U Minh bạt ngàn những đước và tràm trút lá xuống đây, mà xa xưa người dân đã gọi tên vậy. Dọc hai bên đường đi, màu xanh ngút mắt. Không có rừng núi trùng điệp thì có bạt ngàn đầm lầy và kênh rạch. Đất và nước xen nhau lùa gió thổi qua thổi lại…
Cà Mau trong tiếng Khơ Me có nghĩa là “nước đen”. Có lẽ thảm rừng U Minh bạt ngàn những đước và tràm trút lá xuống đây, mà xa xưa người dân đã gọi tên vậy. Dọc hai bên đường đi, màu xanh ngút mắt. Không có rừng núi trùng điệp thì có bạt ngàn đầm lầy và kênh rạch. Đất và nước xen nhau lùa gió thổi qua thổi lại.
Một trong những hành trình của chúng tôi là hướng về mũi đất Cà Mau, ai cũng háo hức. Đến được khách sạn Mường Thanh thì đã chiều muộn, nhận phòng và nghỉ ngơi. Ý định ban đầu là lát nữa tôi tối, vài người rủ nhau đi lượn quanh lối phố Cà Mau nhưng không thành. Có lẽ ai cũng mệt mỏi sau những chặng đường dài lóc cóc trên ô tô.
Mũi Cà Mau là nơi đặt cột mốc tọa độ GPS 0001 (cây số 0). Xế một đoạn gần cột mốc này là một đài mang biểu tượng hình con tàu no gió, vươn mũi ra biển. Đây là nơi duy nhất có thể quan sát được cả mặt trời mọc và lặn. Mũi hướng về phía tây, thuộc xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cách thành phố Cà Mau hơn 100 cây số. Biển Đông nằm bên trái. Bên phải là Vịnh Thái Lan.
Cà Mau trong tiếng Khơ Me có nghĩa là “nước đen”. Có lẽ thảm rừng U Minh bạt ngàn những đước và tràm trút lá xuống đây, mà xa xưa người dân đã gọi tên vậy. Dọc hai bên đường đi, màu xanh ngút mắt. Không có rừng núi trùng điệp thì có bạt ngàn đầm lầy và kênh rạch. Đất và nước xen nhau lùa gió thổi qua thổi lại.
Sáng sớm ăn xong, chúng tôi lên ca nô vượt sông Cửa Lớn để ra đất mũi. Trời thoáng bay vài hạt mưa rồi lại tạnh, mát dịu, không khí thật dễ chịu. Ai từng ở Hà Nội vào những ngày hè nực nội mới thấm hết được cái khoái trá, cái tinh khiết của trời đất nơi này.
Mấy anh mấy chị xúm lại mua những chiếc khăn rằn làm kỷ niệm. Cọp chị cũng làm một cái vấn lên đầu, hệt bà má Năm Căn. Chàng họa sỹ Hoàn Thiện làm những động tác điệu đàng với chiếc khăn rằn quấn ngang. Đúng là anh Hai Lúa thứ thiệt. Nhiều pô ảnh được chớp liên tù tỳ.
Chúng tôi miễn cưỡng đúp cái áo phao vào người, ngự ca nô cao tốc vượt sông Cửa Lớn. Mặt sông hôm nay lặng sóng nhưng sóng từ đuôi động cơ cao tốc thì khuấy đảo tung tóe. Nhiều lúc hai chiếc ca nô xáp gần rồi vượt nhau, ngỡ như đang tham gia một cuộc rượt đuổi ngoạn mục. Sóng chồm lên, bọt trắng tung tóe. Dần quen, cái vẻ e sợ ở một vài gương mặt nhường cho vẻ thich thú.
Ở đây chằng chịt những luồng lạch ngang ngang dọc dọc. Chốc chốc ca nô lại bẻ lái ngoặt vào một lạch một luồng đi mới. Không biển báo, không ký hiệu chỉ dẫn, thế mà như có sẵn một “đường mòn” từ trước, cứ thế lao đi.
Nhìn sang hai bên, đâu đâu cũng mênh mông rừng xanh, nước bạc. Đước và tràm xen nhau cắm rễ tủa xuống mặt nước, lá thì vượt lên trùm mướt mát. Dọc bên kênh chỗ thưa thớt, chỗ ken đặc những ngôi nhà đủ kiểu, kiên cố có, tạm bợ có. Cái tạm bợ thì tôn cũ han rỉ quây quanh làm tường làm mái, nhiều cái quây cả bằng vải bạt và bao tải. Từ ca nô, tôi cố ngó vào và lia máy ghi lại, tất cả chỉ thấy lờ mờ tăm tối và lộn xộn.
Những ngôi nhà khang trang được xây gạch và mái bê tông, sơn màu bắt mắt. Nghe nói hầu hết đó là những gia đình có ruột thịt đang ở nước ngoài. Họ là những thuyền nhân vượt thoát sống sót, được nước sở tại cho cư trú, nay là Việt Kiều.
Sau chừng một giờ là cập bến, đặt chân lên Đất Mũi. Những ý nghĩ trong tôi lại bộn rộn. Vùng đất liền được cho là gần xích đạo nhất của Tổ Quốc tràn trề ánh nắng. Cái khác biệt ở đây là nắng và gió, là cái cảm khoái của hít thở. Ta có thể tự do hít thở thật sâu và nhảy chân sáo như đứa trẻ bên cây rừng và bên biển nước.
Tôi có một nỗi tiếc là tôi đang ở rất gần với những địa danh: Rừng U Minh – sân chim Ngọc Hiển – đảo Hòn Khoai – bãi biển Khai Long mà không thể đến được vì ràng buộc với tour đi. Cái máu lang thang một mình tự do tự tại luôn trỗi dậy trong tôi vào những lúc này…
Đặt chân lên Đất Mũi là tôi đã thầm hỏi: giờ này em ở đâu? Ta nói yêu, ta yêu đủ thứ đủ cái, nhưng có lẽ viển vông hết. Cây đước cây tràm kia muốn sống trụ được, nó phải tự thân xòe ra tua tủa những rễ, cắm vào sóng gió mà tồn tại. Biển rộng lớn lắm. Hồn cốt non nước là những cây tràm cây đước này đây. Tình yêu là em, là tôi. Em có như tôi, tôi có như em, ta đau cái đau không được sinh nở mở cõi?
Một ngày, một đời người, mũi non sông này nở sinh ra được mấy tấc, mấy sải dao quăng? Sinh nở được rồi còn phải trần thân dưỡng giữ nó trước những thịnh nộ của biển cả. Sinh mạng bao nhiêu kiếp người, mồ hôi và máu nữa, hàng ngày hàng giờ tan loãng ra rồi đọng lại thành nắm đất này. Kẻ nào dám nhân danh ai bán đứng đi 1 tấc của Tổ Quốc? Dù bán dưới hình thức nào, đội lốt một cái vỏ nào thì cũng là tội lỗi trước hết với nơi này. Tôi nghĩ đến Mục Nam Quan, bây giờ địa đầu ấy ở đâu?
Miên man với những ý nghĩ này và một tứ thơ bất chợt hiện ra. Khi dừng chân bên cột mốc, bên biểu tượng con tàu hướng mũi lao ra biển, trong tôi bề bộn cảm xúc. Giá mà hạ bút để viết hết ra được lúc ấy.
Tôi và Hương Thảo Nguyên lộn đi lộn lại mấy lần với cột mốc và biểu tượng, vừa là để chụp hình, vừa là nhìn ngắm. Tôi ghi lại được khá là nhiều hình ảnh của vùng đất này, và vẫn thắc thỏm mong có một ngày một mình một tay nải trở lại.
Trong tôi hình ảnh những con người neo vào đất và nước ở đầu mũi của non sông để gìn giữ từng tấc đất không màng giàu sang, không nghĩ đến thừa thãi phì gia, ám ảnh mãi. Tôi nghĩ đến những kẻ đang rỡn mặt làm giàu vô sỉ trên từng tấc đất mà ghê. Thành hoàng của nơi này là những mảnh ván vỡ, đâu phải những tượng đài đang được tung hô…
Buổi trưa ấy ăn cùng mọi người mấy món đặc sản biển nơi này, tôi vẫn không dứt được khỏi những ý nghĩ ấy. Những con cua bò ngang và những con cá lóc tội nghiệp qua miệng tôi dường như vô hồn, không hương vị. Có thể ai đó cho là tôi xạo, ra vẻ ta đây. Nhưng họ đâu biết tôi đã từng ăn đến nỗi dị ứng với cua biển từ nhiều năm trước. Bao nhiêu năm cứ thấy cua là rùng mình sợ, phải mãi gần đây mới hết.
Tôi cũng như ai đấy, đến đây không phải để thưởng thức món ngon vật hiếm. Cũng không phải để tung tẩy ở một miền đất lạ để hưởng cái cảm khoái được mơ màng. Tôi đến để chiêm nghiệm xét nét con tim mình còn biết rung cảm trước những bàn chân khai mở cõi hay không…
Đêm ấy tôi lại ngồi xếp đặt con chữ cho thành bài thơ từ ý nghĩ của mình lúc trên Đất Mũi. Bài thơ tự do tôi viết nhanh và ngon lành nhưng bài lục bát kế theo thì ngắc ngứ mãi. Phải mấy ngày sau tôi mới vừa lòng với cách diễn ngôn của lục bát.
Cảm ơn Cà Mau Mũi Đất đã cho tôi những cảm xúc viết. Cảm ơn tất cả các bạn đã kết tạo cùng hành trình của tôi.
Xin đưa lại 2 bài thơ ấy vào đây. Ai chưa đọc chắc sẽ hiểu một phần tâm tư tôi dành cho nơi này.
NGHĨ LÚC Ở CÀ MAU ĐẤT MŨI
Lúc anh chạm chân và tay vào Đất Mũi
Em ở đâu?
Em có biết trong con người anh ra sao không ?
Không làm được cây đước xòe chùm rễ cắm vào đất này, nói yêu mấy cũng viển vông
Anh đau cái đau không được cùng mũi đất này sinh nở bờ cõi…
*
Biển rộng lớn lắm, hồn cốt non nước còn vô cùng vô tận hơn
Khí cốt người mở đất và người giữ đất
Chỉ tôn thờ một sự thật
Bất cứ nhân danh nào cũng không bán đứng được non sông …
*
Không mua đứng được nhau dù lắm đong đưa loan phượng tía tía hồng hồng
Sợi chỉ se từ thành quách thành đô nào cũng không trói nhau được mãi
Mũi Đất này là mũi tên lao đi đòi biên ải
Câu thơ Nguyễn Du Hợp Phố ngọc châu về…
*
Anh chạm vào Đất Mũi chín si mười mê
Yêu như yêu em – yêu quá
Càng yêu trái tim càng muốn vỡ
Càng muốn tan ra thành sa bồi, lắng thành trầm tích nuôi gốc đước hí hóp thở
Nhỏ nhoi mấy cũng đủ buộc sóng gió phải lùi …
NGHĨ Ở NƠI MỞ ĐẤT
Thương làm sao Đất Mũi ta
Thương bao con nước đổ ra ập vào
Đước
Tràm
Bủa rễ mà cao
Phù sa kết lại rì rào thành quê…
*
Dọc ngang sông nước ba bề
Một bên biển
Sống tựa kề vào nhau
Con tôm con cá đọt rau
Lòng “bưng biền” lách chèo làu làu bơi…
*
Bát cơm nhiều lúc còn vơi
Áo đôi manh
Ngực trần phơi khét mù
Cánh chim gọi bạn quần cư
Sơn hà dài rộng khởi từ bước chân…
*
Mặc đâu xưng tụng thánh thần
Lầu cao gác tía tranh phần hùm beo
Mũi thuyền –
Mũi Đất phận nghèo
Vẫn lao thân mở gieo neo thành làng…
*
Mảnh ván vỡ hóa thành hoàng
Nắm xương vùi đất cho vàng lên ngôi
Biển như đứa trẻ mồ côi
Ta nhao về phía Em ngồi đợi ta…
T.Đ.L