VHP: Dịch giả, đại tá Phạm Thanh Cải, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, và Hải Phòng vừa ra đi khi tài năng đang nở rộ. Đột ngột và đau xót, nhà văn Nguyễn Hữu Thăng đã có bài viết tiễn biệt người đồng nghiệp tài hoa. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Đột ngột quá! Đau xót quá!
Tôi chỉ có thể thốt lên như vậy khi nghe tin Phạm Thanh Cải đột ngột qua đời vào chiều ngày 31/3/2020 khi mới 65 tuổi. Anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Hải phòng, đại diện tạp chí Cửa biển của Hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng tại Hà Nội và Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ dịch Hội Nhà văn Hà Nội từ năm 2015, là bạn văn thơ rất gần gũi với tôi và nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả khác.
Lần đầu tiên tôi quen Phạm Thanh Cải vào năm 2011 khi tham gia trang thơ Việt Nam Thi đàn, một trang thơ trên mạng có tới cả nghìn hội viên khắp trong nước và ở cả nước ngoài. Khi đó, Phạm Thanh Cải lấy bút danh Lính Thủy, là Điều hành viên chính của Trang thơ. Tôi bị thu hút bởi bức ảnh mang quân hàm đại tá hải quân, rất nhiều bài thơ đủ thể loại: Đường luật. lục bát, thơ tự do…, nhiều bài khá hay. Chúng tôi khá tâm đắc với nhau khi họa thơ, giao lưu câu đối. Ở trang mạng này và sau đó ở trang mạng Đôn Thư quê mẹ, Phạm Thanh Cải đã sáng tác, giao lưu đến cả trăm câu đối, nhiều câu khá độc đáo, như câu đối:
Tết đã đến, viết câu đối mừng Xuân, cùng bài thơ chúc Tết tung vần, muôn nhà vui không khí Tết.
Xuân đang về, làm bài thơ chúc Tết, bên câu đối mừng Xuân thả ý, vạn nẻo đẹp sắc màu Xuân.
Đến năm 2012, trong dịp hội ngộ ở bên Hồ Tây của những thành viên phía Bắc của Trang thơ Việt Nam Thi đàn, tôi mới trực tiếp gặp anh. Đó là một sĩ quan hải quân thấp đậm, luôn sôi nổi, nhiệt tình, cởi mở. Từ đó chúng tôi trở thành bạn văn thơ khá thân thiết. Tôi đã giới thiệu anh tham gia CLB Thơ dịch Hội Nhà văn Hà Nội. Đến tháng 10/2015, tôi và Phạm Thanh Cải trở thành Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm CLB này. Đến cuối năm 2019 thì hai chúng tôi cùng được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Tác giả cùng dịch giả Phạm Thanh Cải
tại Lễ kết nạp của Hội Nhà văn Việt Nam
Càng gần gũi với Phạm Thanh Cải, tôi càng khám phá và cảm phục sự đa tài của anh. Ngoài CLB Thơ dịch, tôi biết anh từng là Điều hành viên các trang thơ lucbat.com, trang thơ Việt Nam Thi đàn (vnthidan.com), Điều hành viên trang Blog – thường gọi nôm na là Xóm Lá do Giáo sư Nguyễn Lân Dũng làm “trưởng xóm”, là Phó Chủ nhiệm CLB Thơ Đường luật Phạm Đạo Phú. Tham gia trang mạng “Đôn Thư quê mẹ” của các trí thức quê hương Bộ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo Phạm Vũ Luận và khá nhiều CLB thơ khác. Anh không chỉ sáng tác, biên tập, tổ chức sự kiện… mà còn có vai trò một phóng viên chụp ảnh, ghi hình, rồi về nhà dựng phim, sửa ảnh, trang trí trên mạng rất đẹp cho các CLB mà anh tham gia.
Ngay từ nhỏ, Phạm Thanh cải đã nổi tiếng học giỏi, từng nhận quà tặng của Bác Hồ, anh giỏi cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Khi trưởng thành, từ năm 1972 anh là học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, sau đó công tác tại Viện Kỹ thuật Hải quân cho đến khi nghỉ hưu năm 2013. Trong lĩnh vực kỹ thuật, anh không chỉ giỏi về chuyên ngành kỹ thuật của Hải quân mà còn tự học và giỏi cả chữa đồng hồ, ti vi, đồ điện và đặc biệt là giỏi công nghệ thông tin. Mặc dù ở ngành kỹ thuật, nhưng Phạm Thanh Cải yêu nghệ thuật văn thơ, âm nhạc và có năng khiếu rất sớm trong lĩnh vực này. Anh không chỉ sáng tác văn thơ và đăng bài trên báo chí văn học từ thời trẻ mà còn sáng tác cả các bài hát chèo, hát xẩm, hát văn, cải lương… cho đơn vị, địa phương trình diễn. Anh đã từng được tặng bằng khen của Cục Chính trị Hải quân về thành tích là thông tin viên xuất sắc báo Hải quân Việt Nam, danh hiệu Tác giả xuất sắc trong hội diễn văn nghệ Cục Kỹ thuật Hải quân, giải C tác phẩm xuất sắc nhân kỷ niệm Ngày Thông tin Hải quân, giải nhì thi câu đối xuân của Hội Nhà văn Hải Phòng.
Điều đáng ngạc nhiên và khâm phục là Phạm Thanh Cải không được đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ nào, cũng chưa từng học tập ở nước ngoài, nhưng anh đã tự học và giỏi cả 3 ngoại ngữ: Hán, Anh, Nga. Thời gian đầu tham gia CLB Thơ dịch, anh dịch thơ tiếng Hán, sau đó dịch cả thơ tiếng Anh, tiếng Nga. Trong dịch thơ, Phạm Thanh Cải luôn chú ý tiêu chí “tín” trong 3 tiêu chí “tín”, “đạt”, “nhã”, nên thơ dịch của anh thường sát nghĩa nguyên tác, ngôn từ nhiều bài vẫn khá chau chuốt.
Hãy thử đọc một vài đoạn thơ do anh dịch:
Thơ chữ Hán dịch sang thể lục bát:
Hồng Sơn đỉnh núi trăng soi
Tràng An ngàn dặm sáng ngời tình đêm
Ngọc xưa đâu có còn nguyên
Hạt Châu nào đáng vẹn tuyền công danh…
(Ký hữu – Nguyễn Du, Việt Nam)
Thơ tiếng Anh:
Khi em chết trong tháng Tư rạng rỡ
Trời vẩy tóc mưa lướt thướt ướt đầm
Dù tim anh có khổ đau, tan vỡ
Em bây giờ cũng chẳng quan tâm…
(Khát khao – Sara Teasdale, Mỹ)
Thơ tiếng Nga:
Mãi mãi buổi chiều chúng mình tạm biệt
Lửa cháy lên, đỏ thẫm rực trên trời
Những cánh buồm căng trên thuyền lướt sóng
Hải âu kêu xao xác giữa biển khơi…
(Tình yêu – Andrew Bely, Nga)
Rồi anh bắt đầu dịch văn xuôi, chủ yếu là truyện ngắn và cực ngắn, bình luận văn học gửi đăng báo. Chỉ vài năm sau khi tham gia CLB Thơ dịch Hội Nhà văn Hà Nội, Phạm Thanh Cải đã dịch đăng liên tục vài trăm bài thơ và văn xuôi trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam và các báo, tạp chí văn nghệ nhiều địa phương khắp hai miền Nam, Bắc. Đến năm 2018, anh đã tập hợp những bài đã đăng và chưa đăng báo, in thành 2 cuốn sách đồ sộ “Thi nhân kim cổ 5 châu” và “Truyện ngắn đặc sắc 5 châu”, mỗi cuốn hơn 900 trang! Dịch giả Thúy Toàn đã nhận xét đây là “thành tựu đáng nể”, dịch giả Lê Đức Mẫn cũng nhận xét “đạt được nhiều thành công” khi hai ông giới thiệu Phạm Thanh Cải vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Từ khi tham gia CLB Thơ dịch Hội Nhà văn Hà Nội và trở thành Phó Chủ nhiệm CLB, Phạm Thanh Cải đã có những đóng góp đáng kể đối với sự phát triển của một CLB thơ dịch hiếm hoi của cả nước, có bề dày truyền thống 23 năm. Anh có tài sưu tầm trên mạng những bài thơ hay của các thi nhân nổi tiếng khắp thế giới bằng nhiều ngoại ngữ khác nhau, 1 bài thơ lại có thể sưu tầm kèm theo 4 – 5 bản dịch ngôn ngữ khác để giúp hội viên giỏi ngoại ngữ nào dịch theo ngoại ngữ đó, tạo điều kiện và hứng thú để mọi hội viên đều tham gia dịch. Anh lập trang mạng của CLB để các hội viên giao lưu và thu hút nhiều dịch giả – nhà thơ ở xa tham gia. Anh ghi hình, chụp ảnh, biên tập sách… giúp cho sinh hoạt CLB ngày càng phong phú và có chất lượng. Trong sinh hoạt CLB, anh luôn đóng góp những ý kiến thẳng thắn, chân thành để mỗi hội viên nâng cao trình độ dịch thơ.
Phạm Thanh Cải đam mê công việc thơ văn, dịch thuật đến kỳ lạ, có những khi anh thức gần trắng đêm để quyết dịch cho xong một tác phẩm. Có lẽ sự đam mê đó đã ảnh hưởng đến sức khỏe nên người ta thấy anh ngày càng béo phì, mắt kém dần. Anh mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, phì đại tiền liệt tuyến, suy nhược thần kinh… Nhưng mỗi khi giao lưu, chuyện trò với anh, bạn bè vẫn vẫn luôn thấy anh năng nổ, hoạt bát, chưa hề thấy biểu hiện của sự mệt mỏi, chán nản.
Trong cuộc sống, quan hệ bạn bè, Phạm Thanh Cải luôn có quan hệ rộng, thân thiện, nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Anh sống và làm việc ở Hải Phòng suốt cuộc đời binh nghiệp, đến khi nghỉ hưu mới chuyển gia đình lên Hà Nội, ở đâu anh cũng quen thân nhiều bạn thơ văn. Trong CLB Thơ dịch, anh đã đến thăm nhiều gia đình. Tôi còn lưu giữ bức ảnh anh chị đến chúc tết gia đình tôi mới 2 tháng trước… Mỗi khi có thành viên CLB đau ốm, anh thường quan tâm thăm hỏi, động viên.
Phạm Thanh Cải mất đi khi tài năng vẫn đang nở rộ, không chỉ là tổn thất của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, Hải Phòng, mà còn là tổn thất to lớn đối với CLB Thơ dịch Hội Nhà văn Hà Nội, CLB Thơ Phạm Đạo Phú mà anh là Phó Chủ nhiệm. Anh mất đi, để lại nỗi đau thương không gì bù đắp nổi đối với gia đình, họ hàng…
Thật đau xót là anh lại ra đi đúng vào thời điểm giai đoạn 3 dịch bệnh Covid-19, gia đình, cơ quan không thể tổ chức trọng thể lễ tang! Bạn bè chỉ có thể gửi nén tâm nhang, cầu chúc cho anh Phạm Thanh Cải được thanh thản nơi vĩnh hằng! Xin anh hãy nhận lấy ở bạn bè, người thân niềm tiếc thương vô hạn./.
1/4/2010
N.H.T