Vĩnh biệt vườn địa đàng – Tiểu thuyết của Bão Vũ

Vanhaiphong.com: – Tiểu thuyết VĨNH BIỆT VƯỜN DỊA ĐÀNG của nhà văn Bão Vũ do Nhà Xuất bản Công an Nhân dân ấn hành, dày hơn 500 trang, gồm 30 chương và phần Kết, với gần 40 nhân vật có tên, với nhiều trường đoạn nối liền quá khứ huyền ảo và thực tại khắc nghiệt theo thủ pháp đồng hiện.

Qua vòm cửa của gian tịch thất khắc khổ, những kẻ khao khát hạnh phúc đã choáng ngợp trước cảnh sắc kỳ diệu của khu vườn thần tiên với lá hoa tươi thắm dưới làn ánh sáng thiên đường. Câu chuyện huyền hoặc về khu vườn Địa đàng đã ám ảnh những nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết đến trang cuối cùng.

Ông Vĩnh, một công chức chân thực thuần khiết, hơn thế, ông còn là một nhà thơ chìm đắm trong huyễn tưởng về một thiên đường Thi Ca. Ông ngơ ngác giữa một xã hội đang chuyển hóa mạnh mẽ với những giá trị căn truyền thống đã biến dạng. Gia đình ông, một gia đình thị dân trung lưu đã bị chấn động đến độ rạn nứt trầm trọng trước khi thích nghi với chuyển biến tích cực tất yếu đó.

Vĩ, con trai ông Vĩnh, mới tốt nghiệp đại học, là một thanh niên trí thức có lòng tự trọng cao, nhưng chịu ảnh hưởng sâu sắc tính cách của người cha thi sĩ, và bị mê hoặc về vùng đất tươi đẹp trong ký ức của ông nội từng là người lính thuộc địa viễn chinh. Sau những ngày thất nghiệp bế tắc, Vĩ được đi học nước ngoài như một sự giải thoát. Chính tại miền đất lạ trong câu chuyện huyền ảo của ông nội, Vĩ đã trải qua cuộc mưu sinh cực nhọc, và thường ngày chứng kiến cảnh trạng cùng khốn của những kiếp sống tha phương, những con người từng bị quyến rũ bởi hấp lực từ khu vườn Địa đàng, cũng như Vĩ.  

   “Vĩnh biệt vườn địa đàng” thuộc trong số rất ít tiểu thuyết đương đại viết về thân phận những du học sinh, những người Việt ở nước ngoài, đã tạo được một giá trị riêng trong thể loại văn học này. Tích hợp nhiều nguồn tư liệu, tiếp cận nhiều nhân vật và sự việc có thật trong những năm cuối thế kỷ 20, để rồi nhà văn Bão Vũ đã kể cho độc giả câu chuyện về những con người đi tìm hạnh phúc nơi xứ người. (Một số địa danh trong tiểu thuyết này không có trên bản đồ, mặc dù phần chính của câu chuyện đã xảy ra ở những nơi có thật với những con người thật.)

 Những nhân vật chính của tiểu thuyết có nội tâm phức tạp, luôn day dứt về Định mệnh. Trong những hoàn cảnh đặc thù, với một không gian trải rộng từ trong nước đến một quốc đảo xa lạ, có những số phận gắn kết với nhau từ lòng nhân ái; và có cả những va đập khốc liệt trong đấu tranh sinh tồn. Câu chuyện cho thấy nghị lực sống của người Việt trong những hoàn cảnh khắc nghiệt và cả trong đối kháng với những ảo tưởng. Ý chí thay đổi số phận, và ý thức tự hoàn thiện nhân cách của các nhân vật như một biểu trưng về bản lĩnh của người Việt xa xứ.

Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tiểu thuyết VĨNH BIỆT VƯỜN ĐỊA ĐÀNG của nhà văn Bão Vũ đã được giản lược và biên tập cho phù hợp với việc đăng tải dài kỳ. Và để thích hợp với hình thức của báo điện tử, tác giả Bão Vũ đã gửi kèm những bức tranh (được chuyển từ ảnh bằng phần mềm FSket ) hình ảnh miền đất địa đàng, nơi các nhân vật trong tiểu thuyết đã trải qua, để minh họa cho mỗi kỳ.

 

PHẦN THỨ NHẤT

 

Kỳ 1

 

… 6 giờ tối, Vĩ rời căn phòng máy lạnh của anh Kỳ. Gió hầm hập như hơi bếp lò thổi dọc phố. Dòng người xe xuôi ngược trong con phố hẹp và nóng như cái ống dẫn hơi đốt. Ánh đèn đường màu da cam ủng, loại đèn đường đặc biệt dùng cho những xứ có tuyết và sương mù, không hiểu sao lại nhập về nước mình làm mặt người nào cũng tái xạm xấu xí. Vĩ chọn một chiếc xích lô nhìn không đến nỗi bẩn lắm, nhảy lên, buông lỏng toàn thân như trong chiếc ghế bành. Chiếc xích-lô như thả trôi trong luồng người xe. Những người ấy, xe ấy Vĩ đã gặp đi gặp lại hàng ngày, quen đến phát chán. Cái thằng đầu to, tóc cắt ngắn như trọc đang cưỡi chiếc Rebel 300 kềnh càng kia, chừng mười bảy tuổi, cơ bắp cuồn cuộn vì tập tành và tẩm bổ theo lối cưỡng bức cấp tốc, cái cổ ngắn bạnh treo sợi giây chuyền bạc to tướng bỏ ra ngoài chiếc áo bò không có tay. Ngày nào Vĩ cũng thấy nó phóng ầm ầm xuống mạn cầu Đoạn. Nó đi giao mối hàng cấm; đến một cái ổ nào đó thực hiện hợp đồng bảo kê; đi ăn cướp, hay chỉ là phóng ào ào xuống cái nơi vắng vẻ thoáng đãng ấy cho hả một cơn cớ vớ vẩn gì đó, rồi về? Còn ông thợ xây đội mũ lá, quần thủng, áo dính đầy vôi trên chiếc xe đạp tàng kia, chắc nhà ở làng Đằng Gia dưới kia, cái làng chuyên trồng hoa và làm thợ nề. Ông ta đạp đi đạp về hàng ngày, mặt lúc nào cũng hớn hở. Có lẽ vì lúc nào sau chiếc xe đạp tàng cũng có một thứ vớ vẩn gì đó, những mảnh gỗ đầu thừa đuôi thẹo, những thanh sắt phế phẩm cong queo, hoặc dúm xi măng kiếm thêm được ngoài tiền công sau mỗi buổi làm. Và cả cái bà già gầy còm đen đủi buôn hàng đồng nát kia nữa. Vĩ đã nhìn thấy bà ta từ lâu lắm rồi, khi nó còn học trung học. Đến bây giờ, bà ấy vẫn thế; vẫn khép nép đôi quang thúng đi trên vỉa hè, né tránh, nhường bước bất kỳ ai, như sợ làm phiền người ta vì sự lam lũ của mình. Mặt bà lúc nào cũng u ám một nỗi lo lắng. Vĩ nhớ, chỉ có một hai lần mặt bà ta tươi tỉnh. Chắc là những lần mua được hàng ăn cắp, hay là gặp người bán đồ cũ hào phóng. Những chiếc ô-tô bóng loáng kia nữa, trông cũng giống như những con gián chui ra từ trong các kẽ tối ẩm mốc. Những con người và cảnh vật ấy đều như đã cũ kỹ từ trước đó rất lâu rồi.

Chắc những người kia cũng nhìn Vĩ và nghĩ như vậy. Họ cũng thấy cái mặt Vĩ cũ kỹ phát chán, cho dù nó thường được khen là đẹp trai, cao ráo, mặt mũi sáng sủa. Ngày nào họ cũng thấy Vĩ trên con đường này. Vì ngày nào Vĩ cũng đến nhà anh Kỳ nằm đọc sách, xem phim hành động Mỹ, chưởng Hồng Kông, nghêu ngao vài câu hát buồn…. Chán tâấ cả những thứ đó thì ngủ. Ngủ triền miên cả những lúc không phải giờ ngủ.

Cậu Dương, em út của mẹ Vĩ cũng thất nghiệp từ lâu.

Xí nghiệp sản xuất xe đạp giải thể gần chục năm nay. Cậu Dương là thợ hàn, chẳng có việc gì làm. Vợ cậu xin đi du lịch bên Úc khi thằng Du mới hai tuổi, rồi ở luôn bên ấy, thỉnh thoảng gửi ít tiền về cho hai bố con. Vợ cậu Dương đẹp, thấy nói đã lấy lão người Hoa là chủ xưởng xà phòng mợ ấy làm.

– Mụ bảo chỉ vờ cưới để được cư trú vĩnh viễn. Lão chủ tốt với mụ lắm. Chẳng biết thật giả thế nào. Mà thật cũng chả sao. Có bị thần kinh mới quay về đây với thằng chồng nghèo kiết này.

Cậu Dương làm mọi nghề linh tinh. Chế tạo cửa sắt xếp, rửa xe, cho thuê bát đĩa bàn ghế, trông xe đạp… . Rồi sau, cậu nhập hội đánh bạc chuyên nghiệp. Tiền qua tay cậu như nước qua ống cống. Có lúc được bạc triệu; có lúc nhẵn túi phải sang vay mẹ Vĩ. Mẹ thương cậu em út, thường giấu bố cho cậu vay.

Cậu Dương và Vĩ rất thân nhau. Thỉnh thoảng có tiền, Vĩ xẻ cho cậu một ít. Lúc được bạc, cậu cho lại Vĩ nhiều hơn. Lúc ấy cậu hãnh diện vì cũng có tiền cho người thân. Cậu Dương cười, mắt ươn ướt:

– Mày lớn rồi. Có tiền, trai gái tí tỉnh cũng được, chỉ cần cẩn thận. Nhưng đừng có nghiện gì. Tao nghiệm, đời cứ say mê bất cứ cái gì cũng khốn khổ.

Cậu Dương mê say đánh bạc. Có những ngày dài cậu ở một nhà chứa bạc, đấu óc mụ mị, cậu quên hết mọi thứ. Những quân bài sống động gắn bó ăn ý với cậu như đám thuộc hạ thân tín mà cậu là một thuật gia cao cường, nhập hồn vào các quân bài, rung cảm theo diễn biến của ván bài. Những quân bài chỉ là những miếng bìa có hình vẽ vụng về, ngây ngô như một thứ bùa chú, nhưng trong canh bạc, chúng có mãnh lực ghê gớm, khiến người ta mê mẩn. Cậu Dương không cho ham mê đánh bạc là một thứ nghiện ngập. Đó là một thú chơi của tài trí, kiên nhẫn, khát vọng và có cả cái mà như bố Vĩ, một nhà thơ, gọi là thần cảm nữa. Bố Vĩ cũng bảo: Sự được thua, thắng bại trong ván bài chỉ để minh hoạ cho triết lý “sắc sắc không không” của cuộc đời.

Cậu Dương uống rượu tốt và cầm cái chai cũng thích thú như khi cầm những quân bài trong tay. Cậu say mê cả hai thứ, nhưng khi cần thiết, cậu vẫn tỉnh. Đó chính là nỗi khổ của cậu.

Cậu vẫn rất yêu và nhớ vợ mình, cô Hương. Có lúc cậu và thằng Du nói chuyện về người mẹ: “Con có biết mẹ là ai không? ” – “ Có. Mẹ Hương. Mẹ Hương ơi!” Thằng bé lờ mờ trong ý thức về một người mẹ.

*

Có tiếng kêu hoảng hốt trên hè phố, ngay sát chiếc xích-lô đang chở Vĩ.

– Cướp…Cứ…ứ…ướp…!

Một thằng bé tay lấp lánh sợi dây chuyền vàng, lao đến chiếc xe máy đỗ sát vỉa hè, có một thằng khác ngồi nổ máy sẵn. Nhưng thằng cướp không tới được chiếc xe máy. Nó bị một người ngáng chân, ngã đập mặt xuống mặt hè. Chiếc xe máy lao đi. Đám đông như đã chờ sẵn ở đâu đó nhanh chóng xô tới như một làn sóng đen đặc trùm lên thằng bé kẻ cướp đấm, đá, dận, đạp… Những kẻ vô công rồi nghề ngồi uống rượu nhạt, trà loãng trong những hàng quán bẩn thỉu; những kẻ chẳng biết làm gì, chỉ vơ vẩn chờ dịp tham dự vào một chuyện lộn xộn nào đó để hả một cái thú vô danh, để giải thoát một điều bức bối thường trực trong cái đầu tù mù ngột ngạt.

Thằng cướp và những người đánh nó không hề kêu la gào thét. Những kẻ đánh và kẻ bị đánh đều hối hả, hổn hển và bật khỏi họng những tiếng “hực, hự ” như đang cùng làm một việc gì đó vất vả,  quan trọng. Vĩ suýt bật cười vì cảnh tượng kỳ cục đó.

Thằng cướp cố vùng dậy, mặt đầy máu, nó giật lùi đến một quầy hàng, dựa vào đó, cúi gập người, ôm đầu đỡ đòn một cách bình tĩnh. Vĩ nhận ra thằng cướp giống thằng Hảo, con của dì Nga, em mẹ nó. Thằng Hảo đã đi tù từ hai năm nay. Vĩ thấy trong người khó chịu như khi thấy người thân của mình đang bị đánh đập.

– Đi thôi, chuyện thường ở phố. – Vĩ giục ông xích lô đang dừng xe hớn hở xem tận mắt pha đấm đá sống cũng có máu đổ như phim chưởng. Ông xích lô đạp đi chầm chậm, vẫn ngoái cổ lại nhìn.

Thằng Hảo trở thành kẻ cướp chuyên nghiệp từ khi mười lăm tuổi. Đã hai lần tù. Có lần gặp Vĩ ngoài phố, Hảo reo lên khoe vừa mới làm ăn ở Sài Gòn ra. Rồi nó đưa Vĩ vào hàng chả nem ngon có tiếng trong một ngõ hẻm. Được mấy miếng, Vĩ chợt nghĩ ra rằng mình đang ăn nem bằng tiền của những người lạ nào đó. Như có những cặp mắt đang khinh bỉ nhìn nó nhai, nuốt. Cặp mắt của những người bị mất cắp nhìn sâu vào trong miệng Vĩ có miếng chả nem đang bị nghiền lẫn với nước dãi. Vĩ ngừng nhai, muốn nhổ miếng chả nem ra. Giá có tiền trả cho bữa ăn, Vĩ sẽ ăn đến cùng những miếng chả nem được chế biến cầu kỳ làm dậy mùi vị tinh tế, như chỉ dành riêng cho những người giàu sang.

Vĩ buông đũa:

– Tao thôi. Hôm nay yếu bụng.

Hảo như cụt hứng. Vĩ gọi bao thuốc lá ngồi phì phèo.

Cái thằng bé rất giống Hảo đang bị đám đông cuồng nộ đánh đập tàn tệ. Nó sẽ chết vì trận đòn hội chợ. Biết đâu chính là thằng Hảo? Vĩ bảo người đạp xích-lô :

– Ông quay lại chỗ cướp vừa rồi.

Ông xích lô hớn hở vội quành xe ngay:

– Vụ này xem sướng mắt lắm. Thằng ấy có võ, tránh đỡ đòn rất siêu.

Đúng là thằng Hảo. Mặt nó đã trở lại bình thường, nhưng là khuôn mặt đầy máu. Thân hình Hảo mềm oặt, tay bị khoá. Hai người cảnh sát khiêng Hảo dằn vào thùng chiếc mô-tô ba bánh, như quẳng một bao cát. Người bị cướp dây chuyền là một bà béo đang bù lu bù loa:

– Sợi dây chuyền của tôi… Sợi dây một cây hai vàng với mặt ngọc sa-phia. Giời ơi là giời!

Đám đông lao xao:

– Dây chuyền đâu? Hay là nó nuốt mất.

– Không! Nó bị ngáng ngã giập mặt, rồi bị giã túi bụi. Chưa kịp nuốt.

– Bố nào hôi mất rồi….

Chiếc mô-tô ba bánh réo còi chồm đi, xẻ dọc luồng người xe trên đường phố. Bóng đèn tín  hiệu màu tím loang loáng. Đầu Hảo rũ rượi đầy máu lúc lắc bên mép thùng xe như một hình nhân bằng giẻ. Chắc nó bị giập mặt, trật con ngươi mắt, hay là vỡ quai hàm. Vĩ muốn gọi Hảo, như để an ủi rằng có người thân ở bên cạnh nó lúc này. Nhưng, như thế Vĩ sẽ bị coi là đồng bọn của tên cướp. Lòng Vĩ trào lên thương xót. Chồng dì Nga bỏ vào Nam từ khi thằng Hảo còn học lớp bốn. Dì chú ấy buôn hàng Trung Quốc một thời, rồi thua lỗ nợ nần chồng chất. Vợ chồng lục đục. Dì Nga lăng mạ, chửi mắng chồng sa sả suốt ngày. Chú ấy hiền, chỉ cười trừ. Rồi không chịu mãi được, chú đem đứa con gái lớn vào Sài Gòn, chạy trốn những món nợ, và chạy trốn cả bà vợ nanh nọc. Dì Nga buôn bán vật vờ, không đủ ăn, chăm chỉ đến các chùa chiền cúng bái cầu phúc lộc. Thằng Hảo tự lớn như cỏ dại. Và nó đi ăn cắp.

Vĩ thấy mình như nhẫn tâm. Đáng lẽ nó phải nhận ngay ra Hảo rồi nhảy xuống tìm cách giải thoát cho thằng em khốn nạn khỏi đám người cuồng nộ, say máu đấm đá.

Hảo bị nhừ đòn. Nó sẽ ra toà lần nữa, và đi tù lâu hơn trước. Phải báo cho dì Nga biết.

– Ông cho đến chân cầu Vượt. – Vĩ bảo người đạp xích-lô.

Gần đến lối ngõ nhà dì Nga, đường bị tắc vì một vụ đâm xe. Vĩ thay đổi ý định. Biết tin này, người đàn bà đã mụ mị vì những nỗi khổ chồng chất sẽ chẳng biết làm gì ngoài việc thắp hương trên bàn thờ, thì thụp khấn vái, và khóc. Mà không phải lần đầu Hảo bị tù tội.

Vĩ trở về nhà. Bà nội đợi Vĩ ở cổng. Bà đã đứng ở đấy từ lâu. Vĩ nắm cánh tay gầy khẳng như thanh gỗ của bà:

– Bà chờ cháu làm gì, mỏi chân, muỗi đốt. Sao bà không xem  tivi hay ngủ sớm cho khoẻ.

– Con cứ bỏ nhà đi suốt ngày như thế, bà ngủ sao được. Xe máy của con đâu rồi?

– Con để ở nhà anh Kỳ. – Vĩ không nói chuyện thằng Hảo, để bà khỏi lo Vĩ sẽ trở thành trộm cướp nếu nó cứ thất nghiệp mãi.

Vĩ đi qua khu vườn, bước lên những bậc tam cấp. Bà nội vẫn còn đứng sau cánh cổng đã khoá, nhìn ra ngõ. Dù Vĩ đã về, bà vẫn chờ như sự chuyển đổi chậm chạp của ý thức. Suốt đời bà bồn chồn đợi chờ lo âu vì chồng, con, và bây giờ vì thằng cháu nội.

 

 

*

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder