Kỳ 12
Đêm, Vĩ ngồi viết thư cho bố. Từ nay đêm nào Vĩ cũng viết vài dòng cho bố, như ghi nhật ký, như hàng ngày nói chuyện với bố, có dịp sẽ gửi về. Nhớ lại những ngày ở nhà, chính bố là người bạn tri kỷ của Vĩ.
Con biết là bố không bao giờ giận con, nhưng con vẫn xin lỗi bố. Đã có lúc con ghét bố vô cùng, thậm chí còn coi thường bố. Xin bố đừng trách con. Có lần bố bảo, người thân có lúc khinh ghét ta, thì đừng lấy làm buồn; vì chính ta cũng không ít lần tự khinh ghét mình. Biết khinh ghét mình là người có nhân cách, là còn giữ được lương tâm. Chỉ những kẻ vô lương tâm mới luôn tự bằng lòng về mình, coi mình như thánh nhân không có gì để ân hận, không hề biết tự dằn vặt. Bây giờ, con ân hận và thương bố vô cùng.
Vĩ không biết, chiều hôm ấy, mọi người vẫn đứng trên sân ga chờ máy bay cất cánh đưa nó đi rồi, chiếc xe mới trở về, buồn như xe tang. Những người trên xe ngồi im lặng. Không ai nói về Vĩ, cũng chẳng cả những câu chuyện vu vơ, thời tiết…
Lúc mọi người mời ông Vĩnh xuống cái quán ăn bên đường, ông lắc đầu: “Các cháu cứ xuống ăn đi, chú mệt. Tuấn gọi thức ngon cho anh em ăn.” Quán cơm mang tên người chủ, chỉ một từ “Lẻ”, nghe quê nhưng buồn, biệt lập heo hút giữa đồng không mông quạnh, xa làng xóm nhưng có tiếng với món thịt gà nướng. Khi lũ trẻ ăn xong, ông Vĩnh mới xuống xe uống một chén trà nguội loãng nguội ngắt rồi thanh toán tiền ăn. Xe chạy tiếp đoạn đường cuối về P. Cánh đồng hai bên đường tối dần. Trên xe, mọi người vẫn im lặng. Ông Vĩnh gục đầu vào lưng ghế trước như ngủ gà ngủ gật vì suốt một ngày vất vả. Thật ra, ông khóc. Ông không làm gì được để giúp cho đứa con trai khi nó đã quyết dấn thân vào một nơi xa lạ đầy những bất trắc.
*
Gần sáng, Vĩ thức giấc vì những tiếng gào thét kinh khủng. Vĩ cố thoát khỏi giấc ngủ. Tiếng một loài thú gì đó. Con báo đói mất mồi. Con mèo rừng động đực. Vĩ cố vùng thoát khỏi bóng đêm đen của rừng thẳm để chạy trốn một tai hoạ đang ập xuống. Vĩ tỉnh ngủ, mồ hôi chảy khắp người. Nó lắng nghe. Đó là tiếng người nhưng trong cơn phẫn nộ tột cùng làm cho biến dạng đi trở thành tiếng dã thú. Những tiếng xỉ vả, nguyền rủa:
– …. Đồ khốn nạn! Thằng thối thây! Thằng chó chết!…
Vĩ tỉnh hẳn.
Tiếng của bà Khởi, bà chủ xưởng bánh đang chửi rủa một kẻ thù nào đó.
– Mày giết tao đi. Mày ăn thịt tao chưa đủ sao? Tiền của tao. Máu thịt của tao… – Rồi tiếng khóc cất lên kêu gọi trời đất, bố mẹ thê thảm như trong một đám ma.
Tiếng cánh cửa sổ bật mở tung đập mạnh vào tường, rồi tiếng quát của một cô gái, giọng ngái ngủ:
– Những con quỷ khát tiền, im đi! Cô ta nói tiếng Anh. Jemy.
Vĩ không ngủ được nữa. Không hiểu gia đình bà chủ có chuyện gì.
Chị Nhu đã nói với Vĩ về chuyện nhà chủ.
Họ từ Sài Gòn sang đây. Ông là người Bắc, giáo viên tiểu học ở một thành phố lớn. Bà vợ là con nhà tư sản. Anh giáo nghèo kiết xác nhưng có mã ngoài bệ vệ lịch sự, nên cưới được cô con gái nhà giàu. Sang Tân Êđen, bà vợ đem theo tiền của bố mẹ, mở xưởng bánh này. Ông chồng không có đồng vốn nào, chỉ là người giúp việc cho vợ. Nhưng ông lười nhác và cho rằng cái nghề giáo viên tiểu học không dính dáng gì đến nghề làm bánh để có thể giúp vợ cai quản một xưởng bánh, nên ông không tham dự vào chuyện kinh doanh của vợ.
Họ có ba người con. Một anh con cả đang học đại học ngành Thương mại ở Luân đôn. Cô con gái đang học năm cuối trường trung học, và cậu bé con đang học tiểu học. Ông sẽ có ích hơn cả việc kinh doanh của vợ nếu ông lãnh lấy phần dạy bảo con cái theo sở trường nghề nghiệp của mình. Ông sẽ trở nên rất đáng kính hơn trước mắt vợ con và mọi người nếu ông biết chăm lo việc học hành và sự nghiệp của các con.
Nhưng ông đã không thế. Ông lý sự, giáo sư đại học của xứ Mít Đặc nhà mình sánh được với người ta chỉ được vài lão, đếm trên đầu ngón tay. Mấy lão ấy thì hoặc đã ngoẻo, hoặc bị thui chột, hoặc đã cao chạy xa bay biệt xứ từ lâu rồi. Còn loại sản xuất hàng loạt như ông thì chỉ đáng vứt đi. Sang đây, biết điều thì hãy nên ngồi chơi còn có ích hơn là làm việc. Nói thế nhưng ông không chơi bình thường như người ta. Ông tìm đến những nữ đồng bào có cảnh ngộ bất thường để giải buồn. Mà những người như thế ở đây có nhiều. Có người đi sang đây trước chồng con. Có những người về nước sau các ông chồng bị trục xuất về nước trước vì có chuyện rắc rối, trộm cắp, ma túy. Và những bà độc thân quá lứa không được ai nhìn tới. Ông tìm đến những người đàn bà ấy. Thì cứ cho là ở cái tuổi năm mươi, sống nhàn hạ sung sướng, ông có thể làm chuyện đó cho vui vẻ. Bà lại lùi một lần nữa. Nhưng ông đã vì chuyện vui vẻ với các nữ đồng bào tha hương mà làm hại cơ nghiệp của bà không ít lần.
Có một gã da đen phóng mô-tô đến xưởng bánh, đem theo hai can lớn chứa loại hoá chất gì đó sền sệt như dầu máy, màu đen, có mùi rất khó ngửi. Một thứ chất thải công nghiệp. Hắn tưới cái dung dịch quỷ quái đó vào khắp các bao bột mì trong kho hắt cả vào trong khoang lò nướng bánh, và vung vãi khắp nơi. Không ai dám ngăn cản cái gã đen như quỷ sứ, cơ bắp ghê gớm hơn cả võ sĩ Maicơn Tai-sơn. Gã hộ pháp làm xong việc bẩn tưởi đó rất nhanh, hắn chùi tay vào mớ khăn trắng tinh vẫn dùng nhồi bột rồi trèo lên mô-tô. Trước khi phóng xe đi, hắn nhã nhặn bảo mọi người:
– Chồng của bà Loan Việt Nam cám ơn ông Khởi đã chăm sóc vợ hắn trong thời gian hắn về châu Phi.
Hàng tuần sau, mọi người vẫn còn buồn nôn vì cái mùi kinh khủng. Bà chủ lò bánh phải tốn một khoản tiền lớn để thuê các chuyên gia vệ sinh công nghiệp làm sạch nhà xưởng, phải mua bánh giá đắt của xưởng bánh khác để bán giữ khách. Lại phải mất rất nhiều tiền cho việc xin chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh; rồi quảng cáo, khuyến mãi lấy lại tín nhiệm cho xưởng bánh.
Ông Khởi còn tìm cách lấy trộm tiền của vợ để đi Casino đánh bạc và luôn luôpn thua. Ông đã có một đứa con riêng ở thành phố này và mẹ nó đã buộc được ông phải chu cấp hàng tháng, dĩ nhiên bằng tiền của bà chủ lò bánh. Bà không thể ly hôn vì đó chính là điều ông muốn. Bà sẽ phải chia tài sản cho ông theo luật định.
Cuối cùng, bà phải chịu ông như người ta chịu đựng một căn bệnh mãn tính suốt đời.
Đây là lần đầu tiên Vĩ nghe thấy bà chủ xưởng bánh rủa xả ông chồng thậm tệ. Không hiểu bà có ý chọn cái thời điểm mọi người ngủ say, hay đúng lúc này bà thấy được một vụ tàn phá mới của ông. Mấy đứa con ông đã biết cảnh này nhiều lần. May là hai ông bà đều không biết nhiều tiếng Anh nên chúng có thể tha hồ nói những câu hỗn xược, gọi cha mẹ là “bọn quỷ khát tiền”, như Jemy vừa thét lên.
Vĩ không thể ngủ tiếp được nữa. Nó nhớ tới những đêm khó ngủ trong cái ngỏ hẻm ở quê nhà. Cái ngõ ấy ban đêm khuya vắng, vang lên những thanh âm của đám người cùng khổ diễu qua lối ngõ dưới cửa sổ phòng nó. Những gã nghiện, những cô gái điếm và bọn bắt trộm chó, mèo.
Vĩ nằm chờ ca làm sáng, trước khi đi học.
Mấy hôm trước thằng Danh bảo Vĩ:
– Bà bác em có vẻ thích anh đấy. Em bảo anh là con một ông to, nhưng bất đồng với bố mẹ nên bỏ sang đây. Bà ấy bảo, con ông nhỏ cũng được, chỉ cần tử tế và có chí. Bà ấy định nhắm anh cho Jemy. Nếu anh ô-kê, em xúi thêm vào, chờ sang năm, bà chị đủ tuổi kết hôn, anh gật đầu là anh thu được bao nhiêu là lợi, hơn cả nằm mơ.
– Lợi gì?
– Tiền “các kiểu”.
– Những kiểu tiền gì?
– Tạm tính, một là không mất tiền thuê làm “hôn thê”. Chuyện này anh biết thừa rồi. Là thuê người ta giả vờ lấy mình để được nhập quốc tịch Niu. Danh bắt chước cách gọi tắt New Edenland của đám bình dân ta ở bên này. Mà không hiểu sao người ta cứ gọi “hôn nhân” là “hôn thê”, trong khi “hôn thê” đúng nghĩa chỉ là “người vợ”.
– Hai là?
– Hai là tiền ăn ở bằng không. Ba là học phí được miễn giảm khi đã là công dân Niu. Bốn là tiền tiêu sài được cấp mà không phải đi làm.
– Năm?
– Là tương lai sau này chẳng phải lo gì cả. Bà ấy đang tính cách dẫn độ ông bác em về nước rồi vứt cho họ nội với ít tiền. Như kiểu “không cải tạo được, trả lại để gia đình giáo dục” ấy. Nhưng ông bác rất tỉnh, luôn hô: thà chết bên này chứ không về nước. Cho dù ông bác ở lại thì anh với Jemy cũng vẫn được một phần lò bánh này. Tổng cộng các khoản, cả một đống tiền chứ ít à?
Cả một đống tiền. Vĩ phì cười trong đêm tối. Vĩ đã chẳng mơ đến chuyện được một bà Emilia giàu sang nhận làm con nuôi là gì?
Jemy đang học trung học năm cuối. Cô theo học trường dành riêng cho nữ sinh, cũng gần trường học của Vĩ.
Hà tự lái xe đi học. Có lần, một gã Kivi thô kệch say rượu chui vào ô-tô của Jemy đòi đi nhờ và không chịu xuống. Cô bé không sao đuổi được gã Kivi thì may có Vĩ đến. Vĩ lôi gã Kivi xuống xe, rồi đưa Jemy về.
Sau lần ấy, Jemy đã giúp Vĩ thi lại để lấy bằng lái xe của Tân Êđen. Cô bé bảo:
– Anh học cạnh trường của Jemy. Đi chung xe sẽ tốt cho cả hai.
Vĩ nghĩ đến khoản dư của món tiền mua vé tháng xe buýt. Nó cười, tự giễu cợt rủa mình: “Đồ công tử keo bẩn! “.
B.V