Vĩnh biệt vườn địa đàng – Tiểu thuyết của Bão Vũ – kì 13ì

Kỳ 13

Sáng chủ nhật, trời oi bức từ sáng sớm. Vĩ vẫn còn ngái ngủ, vừa ngáp vừa vác những hòm bánh xếp lên chiếc xe chuyên chở bánh.

Lát sau, Jemy cũng  xuống sân khiêng bánh với Vĩ. Cô bé bảo:

– Hôm nay có thi đấu tennis ở trường, em phải dậy sớm khởi động theo cách này. Xong ca làm, anh chở em đến sân thể thao, được không?

Vĩ nhắm mắt gật gật đầu và cố nhịn một cái ngáp thật to. Nó muốn nằm lăn ra sân ngủ tiếp. Đêm qua Vĩ thức rất khuya viết cho bố một bức thư dài. Jemy cười khúc khích khi thấy Vĩ ngủ gật, khiêng hòm bánh bước đi như say rượu. Cô bé phải cố giữ cho khỏi rơi hộp bánh.

Chợt có những tiếng rít căng thẳng ghê rợn và tiếng ầm ầm dữ dội như có ai đang đập phá trong xưởng bánh. Vĩ giật mình tỉnh ngủ, nhìn quanh. Có hai kẻ bịt mặt bằng bít tất đen, cách che mặt của những tên cướp, đang bắn xối xả bằng súng tiểu liên nòng ngắn. Chúng bắn lung tung như để doạ những người thợ làm bánh. Những loạt đạn căng thẳng quất ầm ầm vào vách tôn và những vỏ thép của máy móc. Giống như trong những phim. Phản ứng phòng thân đã khiến Vĩ vội vã làm như những nhân vật trong các cảnh phim hành động của Mỹ. Vĩ bỏ hòm bánh, kéo Jemy nằm rạp xuống mặt sân để tránh làn đạn. Mọi người quanh đấy cũng bắt chước Vĩ nằm sấp xuống mặt sân. Tên cướp thứ ba từ trên gác lao xuống, tay ôm một chiếc hộp gỗ màu đen chạy vội ra chiếc ô-tô cũng là một chiếc xe chuyên chở bánh đỗ gần đấy. Hắn bước qua người Vĩ, khinh thường như bước qua một khúc gỗ. Vĩ phản xạ, lật người gạt một chân vào chân tên cướp làm hắn ngã đập mặt xuống đất, cái hộp văng ra. Vĩ chặn chân kia lên cái hộp.

Có tiếng bà Khởi thét vào máy điện thoại:

Cảnh sát! Nhà tôi  bị cướp! – Bà nói tiếng Anh, nhưng là thứ tiếng Anh bà đã nhờ phiên âm ra tiếng Việt rồi học thuộc lòng những câu cần thiết cho những trường hợp như thế này.

Chiếc xe của bọn cướp vội phóng đi, bỏ lại cái hộp gỗ.

Bà Khởi hốt hoảng chạy sầm sập xuống thang gác, khóc ầm lên:

– Giời hại tôi! Hết hoạ này đến hoạ khác. Đến đi ăn mày mất thôi.

Nhưng bà đã nhìn thấy cái hộp gỗ dưới chân Vĩ. Jemy đang đứng run cầm cập trong tay Vĩ. Cô bé chứng kiến cảnh tượng dữ dội như trong phim găng-xtơ xảy ra ngay tại nhà mình. Bà Khởi vồ lấy cái hộp, bật chốt khoá, nhìn rồi reo lên như vừa được cải tử hoàn sinh:

– Còn cả. Lạy giời lạy Phật cứu mạng.

– Vĩ đấy. – Jemy nói với mẹ – Chính Vĩ đã lấy lại chiếc hộp.

– Thật thế à? Thế thì cậu là người cứu sống chúng tôi… Phúc đức quá… Chúng nó làm tan nát cả nhà tôi. Từ nay, cậu không phải trả tiền nhà nữa. Chỉ trả tiền điện nước – Bà oà khóc, ôm chặt cái hộp lập cập bước lên gác. Jemy cũng vội vàng lên phòng riêng.

Mọi người đã hoàn hồn, nhưng vẫn còn đứng ngơ ngác. Lúc ấy xe cảnh sát mới đến. Bọn cướp đã biến mất. Cảnh sát chỉ còn việc chất vấn và nghi ngờ. Bọn cướp đã rất nhanh tìm ra chỗ cất đồ nữ trang của bà chủ mà không cần tra hỏi ai. Cảnh sát nghi người trong xưởng bánh đã tổ chức vụ cướp. Bà Khởi nghi ông chồng bày ra trò này, nhưng bà không nói ra, sợ rắc rối và mất thể diện. Còn ông Khởi báo với cảnh sát rằng ông nghi cho Di.“Có lần hắn sồng sộc lên gặp vợ tôi để hỏi về số lượng bánh trong khi vợ tôi đang cất hộp nữ trang, mà quên chưa chốt cửa ngoài”. Vĩ được nhờ làm phiên dịch. Vĩ cố ý dịch khác đi: “Có thể một người trong số khách hàng đã đến khi vợ tôi đang cất hộp nữ trang.” Nhưng ông Khởi dẫn cảnh sát đến tận nơi Di đang làm việc chỉ vào anh ta nói một thứ tiếng lai tạp Anh-Việt, rằng chính hắn, tên thợ nướng bánh này đã thông đồng với bọn cướp. Bề ngoài của anh thợ bánh thô lỗ đã khiến cảnh sát nghi ngờ Di.

Vĩ vẫn cố cứu anh Di:

– Ông ta nói rằng có thể anh thợ nướng bánh này biết người khách hàng đó.

– Nếu vậy, người thợ này cũng phải về sở cảnh sát để giúp chúng tôi tìm ra kẻ phạm tội.

Vĩ phải nói cho anh Di biết sự việc. Di gầm lên, lao vào ông Khởi. Sẵn cái xẻng gỗ nướng bánh trong tay, Di đánh gục ông Khởi bằng một nhát đập. Cảnh sát vội bẻ tay Di, khoá lại và dẫn ra xe. Nếu không mắc tội dồng lõa với bọn cướp, Di cũng bị kết tội đánh trọng thương người khác trước mặt cảnh sát. Bị  hai người cảnh sát lôi đi, Di ngoái đầu lại nhìn Vĩ, gào lên:

– Vĩ, bảo vệ chị Nhu. Lão chó bị anh cho ăn đòn một lần. Nó thù anh…– Nhưng một cơn ho đã cắt ngang tiếng kêu gào của Di. Anh bị giúi đầu tống vào chiếc xe cảnh sát trong khi vẫn ho rũ rượi. Hai chiếc xe màu đen trắng dữ tợn với chữ “Police” bên sườn chồm đi. Chiếc xe cấp cứu cũng tới đưa ông Khởi đi bệnh viện. Vĩ đứng ngây ra. Mọi người trong xưởng bánh nhốn nháo. Sự việc diễn ra trước mắt Vĩ, như một cảnh tượng không có thật. Chị Nhu ôm mặt bật khóc, rồi bíu vào vai Vĩ, nói trong tiếng khóc:

– Khổ thân anh Di, Vĩ ơi.

Di bị viêm phổi vì làm việc lâu bên lò gas, nhưng giấu bệnh, tự chữa linh tinh, sợ bị đuổi việc. Đến lúc bị bắt, anh không cần giữ nữa, cứ ho thỏa thích. Di biết mình sẽ không bao giờ trở lại xưởng bánh nữa, đã nhờ Vĩ bảo vệ chị Nhu, người phụ nữ mà anh thương yêu.

Lão Khởi đã để ý đến chị Nhu từ lâu. Chị Nhu chăm chỉ làm việc và rất lễ phép với ông bà chủ. Một lần chị ốm mệt phải nghỉ việc. Bà chủ vào thành phố. Lũ trẻ di học. Mấy người thợ lúi húi trong xưởng bánh. Lão Khởi len lén lên phòng chị Nhu. Anh Di đã chú ý, theo lên. Chị Nhu đang sốt, chợt thấy lão Khởi thở hồng hộc chồm lên người, chị choàng tỉnh, thét lên. Lão bịt miệng chị, dỗ dành. Chị chống cự. Đến lúc ấy anh Di mới lôi lão lên bằng một tay, giập đầu lão vào tường, may cho lão là tường vách bằng gỗ. Rồi anh tống lão lăn lông lốc xuống cầu thang như đẩy cái bao bột. Cầu thang cũng bằng gỗ, lão chỉ bị mấy vết thâm tím trên mặt, hôm sau nói là trượt chân ngã. Cả ba người, lão Khởi, chị Nhu và anh Di đều có lý do riêng để giữ kín chuyện. Chị Nhu và anh Di sợ mất việc. Chị Nhu còn sợ bị đánh ghen. Bà khinh ghét ông, chửi ông là “đồ thối tha khốn nạn” nhưng chắc bà vẫn không muốn có kẻ chia xẻ cái “đồ thối tha” ấy với bà.

Trong xe cảnh sát, Di đã trút cơn phẫn nộ vào một gã cảnh sát đã thô bạo với anh. Khi Di căm phẫn kêu gào, gã cảnh sát đã ngáng cây gậy bọc cao su vào miệng anh như cách làm với một con thú dữ. Được, chúng mày dồn tao đến cùng đường, tao cũng phải thành thú dữ. Tay bị trói, cũng không dùng được răng để cắn, Di đã lấy hết sức đập trán vào mặt gã cảnh sát làm hắn giập sống mũi, bất tỉnh. Trong cuộc hỏi cung Di đã chịu một trận đòn thù kinh khủng.

Hai tuần sau, chị Nhu và Vĩ được thông báo đến gặp anh Di trong tù. Tấm vách kính dày ngăn cách tù nhân và người đến thăm. Anh Di gầy rộc. Đôi mắt trũng sâu, thất thần, ánh lên sung sướng khi nhìn thấy chị Nhu và Vĩ. Anh ghé sát vào tấm kính dày có khoan mấy lỗ nhỏ để lưu thông âm thanh. Di ho nhiều. Nhà tù chỉ chữa qua loa cho anh. Di nhờ Vĩ giúp làm giấy ủy thác để chị Nhu rút tiền nhà băng hộ anh khi cần thiết.

Tòa án không tìm ra chứng cứ để kết tội Di thông đồng với bọn cướp. Di không thuê luật sư, chỉ có người phiên dịch của toà án giúp anh tự bào chữa bằng những lời chối cãi ấp úng ngắc ngứ với lý lẽ của một người ít học. Di đã nhập quốc tịch Tân Êđen, nên chịu hình phạt theo nước này. Anh bị tù mười tám tháng vì tội đánh người và gây thương tích cho cảnh sát.

Nhưng Di đã chết trong bệnh viện nhà tù vì bệnh viêm phổi cấp tính. Chắn còn vì hậu quả của trận đòn thù trong đồn cảnh sát nữa. Chị Nhu được mời đến nhà tù để nghe công bố di chúc của Di. Vĩ đi cùng chị Nhu để phiên dịch.

Tờ di chúc nguệch ngoạc những dòng chữ của một người ít học, và có một bản dịch sang tiếng Anh kèm  theo.

…Tôi có 18.000 NED gửi tại Bank thuộc Quận 3 của thành phố James Hawkins ( giấy tờ kèm theo). Tôi xin tặng 2.000 NED cho bà Lê Thị Nhu là người làm công của xưởng bánh New-Việt. Tôi xin tặng 1.000 NED cho ông Trần Văn Vĩ  là sinh viên của trường Bách khoa James Hawkins.

Nếu nhà tù không cho tôi được hưởng tiền mai táng thì xin trừ khoản chi phí đó  trong số tiền của tôi.

Số tiền còn lại, xin nhờ bà Lê Thị Nhu gửi về cho mẹ tôi ở Việt Nam theo địa chỉ: …”

Những đồ dùng của tôi còn ở xưởng bánh mì, xin giao lại cho bà Lê Thị Nhu.

 

Ghi chú:  Xin bà Nhu giữ lại một khoản tiền tùy ý  trong số tiền  của tôi để thời gian bà Nhu còn ở trên đất Tân Êđen này, hàng năm vào ngày chết của tôi, làm ơn sắp một mâm cơm Việt Nam, để thắp hương cho tôi.

Ôi, người Việt. Di cũng lo sợ khi anh ta là một cô hồn đói khát ở cõi âm ty lạnh lẽo.

Cuối bản di chúc viết tay là lời chào rất thân thiết tốt lành đến chị Nhu và Vĩ. Di nhờ hai người không tiết lộ cho mẹ và chị của Di biết chuyện anh ta đã chết và chết trong tù. Anh nhắc lại lời nhờ cậy Vĩ bảo vệ chị Nhu không để lão Khởi hãm hại. Và anh thề sẽ hoá thành một con quỷ ghê gớm để báo oán lão Khởi. Nhưng phần cuối đó không thích hợp với một bản di chúc nên không được dịch ra tiếng Anh, tuy nó vẫn có trong bản tiếng Việt.

Chị Nhu và Vĩ đã không nhận khoản tiền anh Di tặng cho họ. Cả những đồ dùng cũ của Di có thể bán được, chị Nhu cũng bán đi và Vĩ đã gửi tất cả về cho mẹ Di món tiền mà con trai bà đã kiếm được bằng nỗi cực nhục ở xứ người.

“Con đường tới tương lai của chúng ta rải bằng bánh mì ”. – Vĩ nhớ tới câu nói của anh Di hôm chị Nhu làm bữa cơm  mừng Vĩ được vào làm ở xưởng bánh mì. Con đường rải bánh mì ấy đã đưa người thợ làm bánh ấy đến nhà tù rồi sau đó, đến nghĩa địa.

 B.V

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder