Vĩnh biệt vườn địa đàng – Tiểu thuyết của Bão Vũ – kì 14

Kỳ 14

Bắt đầu kỳ nghỉ hè, đám sinh viên nghèo vội đi tìm việc làm để kiếm tiền dùng cho học kỳ sau. Phải cạnh tranh quyết liệt mới có thể dành được một chân rửa bát, lau chùi quét dọn cho các nhà hàng hay là đi hái táo, bới khoai cho các nông trại ; khá hơn là phụ việc trong một xưởng thợ nào đó…. Vì thế giá nhân công tạp dịch ở các đô thị thời kỳ này rẻ hơn lúc bình thường.

Một giáo sư dạy tiếng Anh có cảm tình với Vĩ đã giới thiệu nó làm phiên dịch cho một đoàn công tác Việt Nam được một tổ chức phi chính phủ ở thành phố Hawkins mời đến làm việc ở Surga. Một cơ hội hiếm có, vừa được chút tiền lại vừa được đến Surga, hòn đảo ở phía Tây Bắc Tân Êđen, trong số những hòn đảo đẹp trên vùng biển Thái Bình Dương, nơi nghỉ mát của các nhà đại tư bản, được tán tụng là một thiên đường thu nhỏ, như tên của nó. Surga, tiếng địa phương là “Thiên đường”. Vĩ cười, lại một vườn Địa đàng nữa.

Từ Hawkins, đoàn khách đến đảo Surga bằng máy bay. Bầu trời Surga xanh trong, nhưng không khí oi nồng ngột ngạt đến khó thở. Cô gái tên là Nely thuộc một tổ chức phi chính phủ ở Surga đưa đoàn khách đi quanh đảo. Surga rực rỡ màu sắc của kỹ thuật điện tử trong chương trình quảng cáo. Còn ở đây phong cảnh bệch bạc, sơ sài, thô thiển, và rác ở khắp nơi. Xe dừng trước một bức tường đắp bằng loại đất màu vàng nhạt, một loại vật liệu tự nhiên của đảo này, khi ninh kết rắn như đá. Nely bảo mọi người:

– Chúng ta vừa đi qua một bức tường đá kiên cố hơn bức tường này, nhưng bây giờ không còn dấu vết gì. Thời vị thống đốc tiền nhiệm của đảo này, dân chúng đã phá sập bức tường trong một cơn phẫn nộ.

– Vì sao người ta lại làm thế? – Vĩ dịch câu hỏi của ông tiến sĩ, trưởng đoàn.

– Khi đó trên đảo triển khai xây dựng dự án kinh doanh của con trai thống đốc, một dự án rất tồi tệ vì nó không thèm để ý đến lợi ích của người dân, thậm chí nhà cầm quyền còn dùng vũ lực để cưỡng đoạt vườn đất của dân đảo, nên họ rất tức giận. – Nely nói thêm: – Trong Topten Tham nhũng  ở khu vực này, Surga được xếp hàng đầu.

– Có loại Topten thế? – Một ông trong đoàn hỏi.

– Phải. – Nely trả lời – Còn có những Topten xấu nữa ở đây. Như Topten Bẩn, Topten Lừa gạt, Topten Bất lực,… dành cho những hòn đảo nổi bật của đảo quốc này.

Topten Lừa gạt là thế nào? – Vĩ hỏi Nely.

– Hội đồng Quản trị của đảo hứa hẹn rất nhiều mà chẳng làm gì cả, hoặc làm ít nhưng tự khuếch trưong lên gấp bội, trong khi người dân phải đóng thuế, nộp các khoản tiền phạt vạ phi lý và góp cả sức lực cho công ích nữa.

Vĩ phiên dịch. Ông tiến sĩ cười to:

– Hay thật.  Xin hỏi, tiêu chuẩn để được xếp vào Topten bất lực?

– Nghĩa là không có khả năng làm cho những kế hoạch lớn lao, những dự định tốt đẹp trở thành hiện thực. Vì sự bất tài, dốt nát, vì lười nhác và vì thói tham nhũng tư lợi vô hạn dịnh của các vị trong Hội đồng Quản trị.

Sau bức tường bí ẩn trong kia là biệt khu của những nhà tài phiệt, những VIP của các quốc gia thịnh vượng và cả những nhân vật lừng danh đã hết thời, đang mai danh ẩn tích để tiêu phí khoản tiền cuỗm được.

Nely đưa đoàn khách đến một ngôi đền cổ có từ thế kỷ thứ 8. Ngôi đền xây theo phong cách kiến trúc Ấn Độ, màu xám xịt ảm đạm nằm trên một mỏm núi nhô ra biển. Bên lối vào đền, một ông già thổ dân mình trần, quấn tấm sà-rông ngồi trước một cái mẹt bày những túi ni lông nhỏ trong đựng những củ lạc. Khuôn mặt đen đủi gắn cố định nụ cười lấy lòng và đôi mắt nhìn du khách như van xin. Trên vai ông, một con khỉ nhỏ màu lông hung hung ngồi vắt vẻo. Cả một bầy khỉ chạy nhảy lăng xăng quanh đó.

Lũ khỉ hoang ở đây được chiều chuộng nên rất dạn người. Du khách mua những gói lạc của ông già để ném cho lũ khỉ. Mặt biển dưới kia cách chỗ mọi người đang đứng đến năm chục thước như vực thẳm. Rất đông du khách đang tựa vào lan can hướng máy ảnh ra ngoài khơi xa. Những con sóng khổng lồ lớp lớp kế tiếp nhau ầm ầm đập vào vách đá vỡ vụn thành bọt trắng xóa. Vĩ nhận ra một điều khác thường, những người chụp ảnh không hề để ý đến cảnh tượng vừng mặt trời lớn màu da cam đang chìm xuống mặt nước nhuốm cả một vùng biển thành màu vàng rực rỡ, họ chăm chú hướng máy ảnh về một điểm hư không trên biển.

– Người ta đang chờ đợi ánh sáng xanh sẽ xuất hiện ở đấy. – Nely nói, vẻ trang trọng như nói về một điều thiêng liêng – Một truyền thuyết của những cư dân gốc ở đảo này nói rằng, ai nhìn thấy ánh sáng xanh ấy một lần trong đời sẽ có phúc lớn.

Những đứa trẻ da ngăm đen, tóc hoe, mắt to hồn nhiên, ăn mặc lôi thôi lếch thếch, kéo áo du khách, chìa ra những đồ lưu niệm thô sơ chế tạo từ các loại vỏ sò hến.

Ông già thổ dân thu dọn đồ nghề lặng lẽ đi ra phía bờ biển, trải manh chiếu cói trên mặt cát rồi ngồi xếp bằng tròn, nhìn về phía mà “ánh sáng xanh” sẽ xuất hiện. Lũ khỉ chí choé dành ăn bên cạnh ông. Trên đôi vai đen đủi gầy gò của ông, con khỉ hung ngồi âu yếm bới mớ tóc hoa râm như để bắt chấy cho chủ. Có lẽ đó là một con khỉ mồ côi được ông già nuôi riêng.

Ông già khẽ lẩm nhẩm những câu gì đó như lời cầu khẩn, mắt đăm đăm nhìn về hướng các tay săn luồng ánh sáng xanh đang giương máy ảnh kiên nhẫn chờ đợi. Ông cũng mong được thấy luồng ánh sáng kỳ diệu ấy? Ông đã ngồi đây hàng nửa thế kỷ, chắc đã nhiều lần nhìn thấy ánh sáng xanh, vậy mà dường như ông là người nghèo nhất đảo này.

Mặt trời đã xuống sát mặt biển. Ánh sáng xanh không xuất hiện.

Đêm xuống. Cả đoàn công tác đi ăn bữa tối trên bãi biển. Một bà lão ngồi trên bậc thềm rụt rè chìa ra bàn tay xương xẩu. Người đi qua, không ai để ý. Vĩ nhìn thoáng thấy mớ tóc xám bạc giống mớ xơ đay cũ, đôi mắt trong suốt vô hồn như hai lỗ thủng trên khuôn mặt gầy màu xám buồn rười rượi. Một bà già thổ dân Surga. Vĩ nhớ tới bà nội. Vĩ tự hứa khi quay về sẽ đãi bà ăn mày ít tiền.

Đêm đen thẫm, không nhìn thấy biển, nhưng từ khoảng tối vô cùng, tiếng sóng tràn đến đập ầm ầm ngay bên cạnh những bàn ăn, như có một bầy thủy quái khổng lồ hung dữ từ ngoài khơi đang giận dữ.

Một cô gái váy áo sặc sỡ mỏng manh, thân hình thon chắc của những người mẫu hiện đại, nét mặt thanh tú, sống mũi cao và cặp mắt dài đen ngây ngây, bộ ngực lớn màu nâu nhạt để trần quá nửa, lướt qua các bàn ăn, mỉm cười nháy mắt với đám khách đàn ông. Vẻ đẹp pha trộn giữa nét hồn nhiên hoang dại của thổ dân và sự kiêu hãnh của những cô gái hiện đại, typ mà cánh đàn ông chơi bời rất ham thích. Nhưng điệu bộ tự nhiên của một gái điếm lành nghề không giấu nổi sự tuyệt vọng trong đôi mắt đen như biển đêm, đang ngóng đợi một câu hỏi cứu sinh: “Ê, bao nhiêu?”

Vĩ chợt giật mình vì một tiếng hú vẳng đến. Tiếng hú dài man dại vượt trên nền tiếng sóng ào ào. Tiếng hú tìm bầy đàn thuở hoang sơ. Vĩ thấy một cái bóng gày còm xơ xác mờ mờ in hình trên nền cát trắng ở sát mép nước. Khi cái bóng đến gần luồng ánh sáng đèn, Vĩ nhận ra chính là bà cụ thổ dân ban nãy. Bà hú gọi ai đó, trên con thuyền ngoài biển đêm, hay chỉ để thoát ra nỗi thống khổ trầm nghẹn trong cái lồng ngực già lép kẹp? Vĩ đã thấy ngay nguyên cớ.

Cô gái điếm đứng sững lại ngơ ngác nghe ngóng. Tiếng hú lại cất lên u uất như tiếng của một con vượn già. Cô gái điếm giật bắn mình, rồi chạy vụt về phía bà già. Vĩ cố dõi theo cô gái trong ánh sáng của những ngọn đèn điện mờ dần như đuối sức lan toả. Đến trước mặt bà già, cô gái điếm đứng sững lại. Có lẽ đó là hai mẹ con và người mẹ đang tức giận đến phát điên vì cái nghề mà con gái bà đã chọn. Bà già nhảy xổ vào cô gái như con thú dữ vồ mồi. Bà cào xé cô gái thậm tệ. Cô gái nhẫn nhục chịu đòn, hai tay thu lại che khuôn mặt và bộ ngực trần, như là cô chỉ cần bảo vệ cái phương tiện hành nghề của mình. Bà mẹ như quá đau đớn, tủi nhục, ngồi bệt xuống ôm mặt khóc ré lên. Cô gái ê chề nằm vật trên cát như chết.

Một bóng người như từ dưới biển hiện lên đột ngột bên hai mẹ con. Chính là ông già bán lạc với con khỉ lông màu hung vắt vẻo trên vai. Ông già ngồi trong bóng tối bên mép nước im lìm bất động như một tảng đá nên Vĩ không thấy ông từ đầu. Ông cúi xuống, lần lượt kéo bà già và cô gái đứng lên, nói gì đó với hai người rồi lầm lũi bước đi, con khỉ con trên vai cũng rầu rĩ như chia xẻ bi kịch của chủ. Cô gái nép vào bà già, dìu cái thân hình già nua xiêu vẹo của người mẹ bước đi. Ba người đi dọc bờ biển cho đến khi lẫn vào bóng đêm. Như thể họ từ chối cái ánh sáng văn minh nhòe nhoẹt trên bãi cát trắng đang bị vấy bẩn kia. Họ đi vào bóng đêm để chờ đợi một ngày hạnh phúc có thật sẽ đến trong luồng ánh sáng xanh kỳ diệu, để nỗi tủi nhục biến mất khỏi cuộc sống của họ, cô gái trở thành trong trắng, không phải làm cái nghề khốn nạn ấy.

Gần một tuần sau, đoàn khách trở về thành phố Hawkins.

Máy bay lên cao dần và hướng ra biển. Vĩ nhận ra nơi đã ăn bữa đêm đầu tiên đến đây. Bốn giờ chiều. Bãi cát trắng vắng tanh. Gió cuốn bay những mẩu rác. Vài chiếc dù sặc sỡ cắm nghiêng ngả. Bất chợt ngoài cửa sổ máy bay, một vệt sáng từ mặt biển hắt lên. Luồng ánh sáng rực rỡ pha trộn các màu xanh lá mạ, xanh nước biển, xanh da trời, và cả màu tím hoa cà lộng lẫy kỳ diệu như một chiếc cầu vồng xanh. Chưa bao giờ Vĩ thấy một hiện tượng đẹp đẽ lạ lùng như thế. Nhưng, nhìn quanh khoang máy bay, Vĩ thấy mọi người đều dửng dưng. Hay là chỉ một mình Vĩ có ảo giác về “ ánh sáng xanh” kỳ diệu ấy?.

 B.V

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder