Kỳ 15
Chuyến đi làm ở đảo Surga giúp Vĩ có được một khoản tiền đáng kể nhưng vẫn chưa đủ cho học kỳ sau. Vĩ đang suy tính tìm chỗ đi làm thêm đâu đó nữa.
Dạo này Vĩ tránh mặt vợ chồng lão Khởi. Vĩ căm ghét vợ chồng lão vì cái chết của Di. Nếu lão Khởi lại giở trò với chị Nhu, Vĩ sẽ có cớ cho lão một trận đích đáng, rồi ra sao thì ra. Thằng Danh cũng biết ý. Nó buồn sỉu, và ngượng nghịu khi đến chỗ Vĩ và chị Nhu, tuy hai chị em thỉnh thoảng vẫn giữ nó lại ăn cơm.
Bà Khởi đã tìm một thợ bánh mới thay thế Di, một gã đảo lầm lì chậm chạp. Danh đã thạo nghề, khi phụ việc cho gã thợ nướng bánh mới, nó thường quát mắng ra vẻ là người của chủ nhà. Thỉnh thoảng Danh học Vĩ một miếng võ. Nó đã biết tránh, đỡ những cú đánh và ra những đòn thông thường. Danh rất thich thú, chỉ mong có dịp thi thố. Nhưng nó lại sợ một ngày kia, sư phụ Vĩ nện ông bác ngay trước mặt nó như anh Di đã làm, thì không hiểu nó phải làm gì.
Có tiếng gõ cửa. Chắc là Jemy. Dạo này cô bé tỏ ra thân thiết hơn với Vĩ. Cô hay đến phòng riêng của Vĩ để ngồi học bài luôn ở đấy. Có lúc cô lăn ra giường Vĩ nằm ngủ quên. Không, cô ta không phải là cô bé hư hỏng muốn mời mọc cám dỗ Vĩ. Chỉ vì cô quý mến Vĩ hơn và giận bố mẹ hơn.
Tiếng gõ cửa lớn hơn và tiếng ai đó gọi:
– Vĩ, Vĩ ơi!
Không phải Jemy. Tiếng gọi rất quen thuộc. Vĩ đứng bật dậy và lao ra mở cửa
Như có một phép lạ, cậu Dương đang đứng trước cửa phòng Vĩ. Cậu Dương cao lớn, lịch sự và tay chơi bạt mạng của Vĩ. Cậu Dương mà ngay cả khi thất thế nhất cũng vẫn giữ phong độ, được anh Kỳ và đám bạn của Vĩ kính nể. Cậu Dương ấy đang đứng tươi cười trước thằng cháu khốn khổ. Vĩ ôm chầm lấy cậu, úp mặt vào ngực cậu, nước mắt giàn giụa. May mà nó không òa khóc như đứa trẻ. Cậu Dương vỗ lưng Vĩ, cười hà hà, nhưng giọng nghèn nghẹn:
– Sinh viên chó gì mà ở trong cái tổ chuột này. Lại còn làm thợ bánh mì nữa chứ.
Vĩ buông cậu Dương, ngượng nghịu chùi mắt, rồi kéo cậu vào trong phòng.
– Sao cậu biết cháu ở đây? Sao cậu không báo cho cháu đi đón? Cậu làm gì mà diện ác chiến thế, hãng Piere Cardin ở Paris trang bị cho cậu từ trong ra ngoài, vừa khít, lại kính trắng, lại cặp da cá sấu có xích khoá cổ tay như đại tư sản, như VIP ấy. Cháu nhớ thằng Du phát điên. Nó thế nào?
– Từ từ nào. Hỏi như máy khâu, tao trả lời sao kịp. “Như máy khâu”. Cậu nói theo kiểu ở nhà ngày trước, nghe buồn cười mà rất thích. – Tao hỏi mẹ mày địa chỉ trường mày học, rồi thuê một thằng giỏi tiếng Anh gọi điện thẳng đến cái trường của mày, rồi hỏi về mày, thế là biết tuốt. Thằng Du đi học lớp hai Tây. Nói tiếng Anh gần bằng tiếng ta. Cái gì cũng ừ-hứ với ô-kế …
Vĩ cười ầm lên. Cậu Dương chợt dừng bặt, ra hiệu cho Vĩ chốt cửa rồi tháo cái cắp xích khoá ở cổ tay, bỏ vào tủ quần áo của Vĩ, vặn khoá, rồi bảo:
– Tao hiện giờ có nhiều tiền. Rất nhiều, đủ để những thằng giàu nhất ở cái xứ đảo này phải khóc thét lên khi nghe thấy tên tao. Mẹ kiếp. Tao sẽ mua cho mày một con xe đời mới để đi học. Ô-kế?
Vĩ lại phì cười vì câu nói đùa của cậu:
– Ừ-hứ … Còn cháu, trưa nay sẽ đãi cậu món bánh mì thứ phẩm với canh củ khoai sọ. Chiều nay, cháu xin nghỉ làm bánh để đưa cậu đi thăm thành phố bằng xe buýt hai tầng kiểu Anh Cát lợi. Ô-kế?
Cậu Dương ruột thịt của nó. Cậu Dương cao lớn chững chạc hồng hào như thế này, có thể ngửng cao đầu đi giữa những người da trắng văn minh cho dù trong túi cậu luôn luôn rỗng tuếch. Cậu hỏi qua về chuyện học hành, sinh sống của Vĩ. Cậu bình luận, triết lý: Mẹ kiếp, sống ít mà bị khổ nhiều là vì lắm ham muốn. Như tao đây này. Tao không còn muốn gì cả, nhưng có lúc tao có mọi thứ, rồi lại mất tất. Cứ “mặc mẹ tình hình” thì cũng chẳng làm sao cả. Bây giờ, mày ăn mặc thật lịch sự, đi với cậu. – Đây, mô-bai của tao, mày gọi một chiếc taxi, loại thật ác chiến.
Vĩ sung sướng thay quần áo và gọi taxi, thủ ít tiền vào túi, để đưa cậu Dương đến một hiệu ăn Trung Á, đãi cậu món thịt cừu nướng mà nó mới chỉ được biết trên tivi.
Hai cậu cháu sóng đôi bước đi qua sân xưởng bánh. Trước mắt những người thợ bánh mì lam lũ, nhợt nhạt, xám ngoét vì bụi bột mì và hơi lò gas, thì cậu cháu Vi là hình ảnh nổi bật của một trí thức và một nhà tư bản thành đạt. Vĩ gặp chị Nhu đang bưng một khay bát đĩa đi ngang qua sân. Nó giới thiệu với chị Nhu về ông cậu ruột và báo không ăn bữa trưa.
Khi ngồi trong chiếc taxi, cậu Dương bảo đưa đến nơi bán ô-tô. Đúng rồi, cậu Dương làm cho một hãng mua bán ô-tô. Với cái nghề thợ hàn, cậu vào làm ở hãng sản xuất ô-tô, rồi do bề ngoài và phong độ của cậu mà người ta đưa cậu vào bộ phận tiếp thị. Nhưng cậu kém tiếng Anh thì họ cử cậu đi giao dịch sao được. Chắc cậu ỷ vào thằng cháu đang ở đây. Quần áo hợp thời trang, tay xách cặp có khoá xích đựng những hợp đồng và tài liệu quan trọng về một loại ô-tô mới nhất của một hãng ô-tô lớn.
Dù cậu Dương chỉ là một người chào hàng, đứng trên gã bán hàng rong một cấp, thì việc cậu đến cũng đã giúp Vĩ giải thoát được tâm trạng chán nản tuyệt vọng sau cái chết của Di.
Chiếc taxi dừng trước ngôi nhà hai tầng có khoảng sân rộng như quảng trường. Đó là cửa hàng bán ô-tô. Vĩ nhận ra đã từng đi ngang qua đây. Nhưng một sinh viên du học kiêm thợ phụ lò bánh mì thì không bao giờ được mơ đến những chiếc ô-tô mới tinh, lộng lẫy đặt trên những chiếc bục xoay kia. Vĩ chưa bao giờ đặt chân vào trong ngôi nhà được ngăn cách với bên ngoài bằng lớp kính dày, như một thế giới cao sang đặc biệt. Vĩ đã từng tự hứa khi nào thật cao hứng sẽ vào đây ngắm những chiếc ô-tô và tưởng tượng ra mình đang ngồi trên một chiếc xe đắt tiền nhất. Để cho khoái mà không tốn kém gì.
Cậu Dương bước vào gian hàng với dáng tự tin đàng hoàng như cậu đã quen ra vào những nơi thế này. Cậu đến thẳng quầy giao dịch. Người đứng sau quầy vội đứng ngay người lên với tư thế sẵn sàng phục vụ một quý ông. Vĩ nhìn thấy rõ toàn cảnh ấy và nó sung sướng tự hào về ông cậu chào hàng của mình.
– Cho xem bản giới thiệu những loại xe mới nhất của nhà hàng. – Vĩ dịch cho cậu. Người nhân viên bán hàng tươi cười cung kính lấy mấy tập quảng cáo các loại ô-tô đưa cho cậu Dương. Cậu đẩy tập quảng cáo cho Vĩ:
– Thử chọn cái xe nào mày thích rồi nói giá cho cậu biết.
Vĩ nhìn cậu Dương. Cậu vào đây để hai cậu cháu đùa cho vui. Chọn một cái hạng nhất của người ta như chiếc Ferari màu đỏ rực trên bục kia, hay chiếc Jiguali màu bạc trên chiếc mâm tròn đang xoay với hình nộm một cô gái váy ngắn, ngực nở, miệng tươi cười vịn vào cánh cửa xe mở ra kia, rồi thử máy móc một hồi như thật, rồi lắc đầu chê bai đủ thứ, rồi hỏi một chiếc Ford sản xuất hồi đầu thế kỷ 20, loại hàng độc mà cái xứ đảo này không thể có. Sau đấy để lại một địa chỉ khiến người ta kính nể, rồi hai cậu cháu đi ăn món thịt cừu bac-bi-khiu. Vĩ thấy thương cậu Dương. Cậu vẫn như xưa, vẫn vừa khao khát tiền bạc, vừa khinh thường sự giàu sang.
Cậu Dương vén tay áo nhìn mặt số chiếc đồng hồ vàng mỏng dính trên cổ tay, bảo Vĩ:
– Mày thanh niên, thạo xe cộ, cứ chọn cho thật vừa ý, nhưng phải nhanh nhanh, còn đi ăn. Tao đói rồi. – Cậu rút lui trò chơi đã quá đà, cái trò cốt để bọn Tây không khinh mình. Vĩ hưởng ứng trò đùa của cậu:
– Hay là ăn xong ta hãy quay lại mua xe.
Nhưng cậu Dương có vẻ bực mình:
– Mày, đàn ông con trai gì mà chập chờn việc cỏn con là mua cái xe.
Vĩ nói khẽ: “Thôi, đi thôi cậu ơi. Đùa nữa, nó nghi ngờ, lại lôi thôi.”
– Cái gì? Thằng ôn con này, mày khinh cậu không mua nổi cho mày cái xe hả. Tao bay vượt biển sang đây để đùa với mày à? Trong cái cặp xích tay này là giấy lộn chắc?
Cậu đung đưa cái cặp da cá sấu nặng xích ở cổ tay. Cậu Dương nói thật. Vĩ tròn mắt nhìn ông cậu kinh ngạc. Cậu Dương gắt lên:
– Sao phải há hốc mồm như thằng dở người thế kia. Ngậm mồm vào, rồi bảo nó bán cho một “con” cỡ 30.000 NED. Bảo nó là tiền mặt có chứng từ hẳn hoi.
Vĩ mở bản carthalog ô-tô bằng những ngón tay run run, xem lướt qua rồi bảo người bán hàng rằng nó cần một chiếc Camry đề giá 32.000 NED để đi học hàng ngày. Dĩ nhiên người bán hàng tươi cười mời hai cậu cháu xuống kho chứa xe. Xe không nhiều lắm, vì xứ đảo này tiêu thụ xe chậm, nhưng cũng làm Vĩ choáng ngợp.
– Theo cậu, lấy chiếc màu đen trông như xe VIP, cảnh sát nó nể. Làm gì cũng phải chú ý đến “khâu oai”.
Vĩ bật cười gật đầu theo ý cậu. Hai cậu cháu trả tiền và làm các giấy tờ cần thiết. Tên Vĩ được in qua máy tính vào giấy sở hữu xe. Từ mấy tháng trước Vĩ đã thi đổi bằng lái khi Jemy nhờ đưa đi học.
Gần một giờ sau, chiếc xe Camry đen bóng loáng được những người thợ kiểm tra toàn bộ, làm sạch thêm lần nữa và đổ đầy xăng. Vĩ lái thử chiếc xe trong sân rồi sung sướng nói với cậu Dương:
– Cháu sợ khi tỉnh dậy thì đây chỉ là giấc mơ.
– Mày sẽ còn mơ thấy nhiều thứ nữa.
Đám nhân viên cửa hàng ô-tô cúi chào hai cậu cháu nhà tư sản châu Á khi chiếc xe trườn đi nhẹ nhàng như trong giấc mơ của Vĩ. Nó nhìn thấy sự kính trọng thành thật của đám nhân viên cửa hàng.
Vĩ đưa cậu Dương đi ăn món thịt cừu nướng và cơm rang Trung Á. Cậu rất thích thú vì đã làm cho thằng cháu điều mà nó chỉ thấy trong mơ. Cậu thoả mãn ngả người trên ghế, phì phèo điếu xì gà, thỉnh thoảng nhấp ngụm rượu vang và gặm chút sườn cừu. Cậu có vẻ không thích món bac-bi-khiu này. Nó hoi hoi. Cậu bảo, việc đếch gì phải cố ăn những thứ mình không quen. Có tiền, cứ ăn những món mình thích, dù là rau muống cũng được. Thằng nào dám khinh, cho nó thật nhiều tiền, bảo nó ăn hết chỗ thức ăn thừa của mình, nó cũng ăn. Cậu Dương của Vĩ là thế.
B.V