Vĩnh biệt vườn địa đàng – Tiểu thuyết của Bão Vũ – kì 18

Kỳ 18

 

Ngày chủ nhật. Vĩ xin phép bà chủ chỉ làm ca sáng sớm và ca tối như ngày thường. Bảy giờ sáng, Vĩ đưa xe ra khỏi gian xưởng. Jemy đã chờ sẵn, đem vào xe  một túi đồ ăn nguội. Danh từ lò bánh chạy ra, thò đầu vào cửa xe bảo Hà:

– Em thay quần áo rồi ra xe ngay. Chị với anh Vĩ đợi em.

Jemy cau mặt:

– Ai cho mày đi?

– Anh Vĩ. Anh ấy bảo sẽ dạy em lái xe.

– Nhưng tao không cho đi. Vào lò bánh ngay.

Danh nhăn răng cười, chỏm mũi có một vệt bột trắng:

– Dọa tí thôi mà đã cuống lên. Em đâu phải là thằng ngu.

Vĩ cho xe ra đường. Có thể bà chủ đang đứng trên ban công nhìn thấy Vĩ đưa con gái bà đi chơi ngày chủ nhật. Nhưng Vĩ biết, ở xứ này, bà phải tôn trọng con gái của mình. Đã có đứa con đưa đơn ra tòa kiện bố mẹ vì bị xúc phạm tự do cá nhân.

Jemy bảo Vĩ hướng đi :

– Chúng ta đến Hồ Thiêng của người Kanak.

– Ở đâu?

– Trong một cánh rừng già bên Port-North, cảng Bắc. Sẽ theo bản đồ.

– Jemy đã đến đấy chưa?

– Chưa, nhưng có một đứa bạn gái đã đến đấy nói cho biết. Nhiều người sợ không dám đến. Em cũng sợ nên muốn có anh cùng đi.

Vĩ cho xe chạy theo đường ven bờ biển phía Bắc đảo. Một bên đường là bầu trời xanh ngắt và biển màu ngọc lam tràn ngập ánh sáng trải vô tận không thấy bóng một doi cát hay một hòn đảo nhỏ. Bên kia đường là rừng già nguyên sinh tối sẫm với những cây thông cổ thụ cao ngất và dương xỉ dày đặc. Chiếc ô-tô nhỏ nhoi không làm bớt đi vẻ hoang vu nguyên thủy. Vĩ thấy lại sự thích thú trong một cuộc thám hiểm. Thoáng bên đường có những quán nhỏ dựng sơ sài bằng cành cây, lợp lá dừa. Những thổ dân ngồi bán nước dừa và hoa quả, cười ngây ngô giơ tay vẫy theo chiếc xe. Jemy cũng reo cười đưa tay vẫy lại.

Xe qua một lối vòng men theo bờ vịnh lõm sâu vào đảo. Vài con tàu đánh cá và một chiếc tàu quân sự đang đỗ trong vịnh. Phía bờ vịnh bên kia thấp thoáng những ngôi nhà hai ba tầng và những tháp cần trục. Đây là khu cảng Bắc. Jemy mở xem tấm bản đồ nhỏ trong tập quảng cáo du lịch, bảo Vĩ:

– Đến cột đá Kanak, rẽ trái.

Vài phút sau, cột đá Kanak hiện ra bên đường. Cột đá được đẽo gọt cẩn thận, cao chừng hai thước, có khắc những chữ tượng hình. Có lẽ là cột mốc đánh dấu lãnh địa của thổ dân xưa kia. Vĩ cho xe theo một lối mòn rẽ vào rừng. Bánh xe lăn trên thảm lá rụng từ bao đời dày êm như tấm đệm, không một tiếng động. Thỉnh thoảng một loài chim gì đó kêu khẽ  “Suyt-suyt-suyt… Suyt-suyt…”. Tiếng kêu rất lạ, như tiếng gió, như tiếng cảnh báo cần yên lặng, bí mật.  Jemy ngồi sát lại bên Vĩ. Không gian tĩnh vắng âm u.

Xe qua một đoạn đường tối sầm như trong đường hầm vì rặng cây dương xỉ dày và cao che kín hai bên. Rồi một hồ nước lớn hiện ra đột ngột, sáng rực ánh nắng. Hồ Linh Thiêng của người Kanak. Sự đột biến ấy đã làm cho cái hồ gây ấn tượng mạnh cho người mới đến, và vì thế thổ dân đã tôn sùng cái hồ như một đấng thiêng liêng.

Vĩ xuống xe, Jemy xuống theo, đứng nép bên Vĩ sợ hãi trước khung cảnh tĩnh lặng bí ẩn. Hồ rất lớn, tròn vành vạnh, dải cát trắng tinh bao quanh hồ. Những cây cổ thụ dựng cao theo chu vi hồ như thành giếng. Dấu tích của một miệng núi lửa. Jemy đưa cho Vĩ bản quảng cáo du lịch nói về cái hồ thiêng.

Hồ Linh Thiêng còn được gọi là hồ Kanak. Tờ hướng dẫn du lịch có in một bản chữ cổ khắc trên bản gỗ của người Kanak, được dịch ra tiếng Anh:

…Nếu mi tắm nước hồ Linh Thiêng, nếu mi uống nước hồ Linh Thiêng, nếu mi nằm ngủ bên bờ hồ Linh Thiêng, thì một trạng thái kỳ thú sẽ đến với mi; quá khứ đẹp đẽ sẽ trở về với mi, và khi tỉnh giấc, những điều phiền muộn khổ đau trên cõi đời này sẽ rời xa mi. Khi đó, mi sẽ thấy mình đang ở trong khu rừng Hoan Lạc của thần Man (Vị thần toàn năng của người Kanak ).

Vĩ mỉm cười về trò quảng cáo của hãng du lịch. Jemy khẽ hỏi:

– Có đúng như thế không, Vĩ?

– Đúng – Vĩ gật đầu – Rồi khu rừng nguyên sinh này sẽ bị đốn quang để dựng khách sạn, nhà nghỉ. Hồ Thiêng sẽ cạn vì người ta lấy nước đóng chai đem bán cho những người muốn quên đi những phiền muộn khổ đau trên cõi đời này.

Jemy bật cười. Tiếng cười vang trên mặt hồ nước phẳng lặng, vẳng sâu vào khu rừng. Vĩ cho xe đi theo một lối mòn bao quanh hồ. Phía xa, gần bìa rừng có một khối đen đen như một ngôi nhà cũ. Vĩ cho xe đến đấy. Một cái lán khá rộng, tường vách gỗ ghép bằng nguyên những thân cây thông đã mục nát biến thành màu đen, mái lợp gỗ tấm sụp nhiều chỗ. Phía trong rừng cũng có vài cái lán như thế. Có lẽ là dấu tích của một khu xưởng khai thác gỗ ở đây từ rất lâu.

Không khí trong mát tinh khiết thoảng mùi nhựa thông. Vẫn tiếng loài chim lạ kêu khẽ ở quanh đấy “Suyt, suyt, suyt…” như tiếng nhắc nhở hãy im  lặng. Hai người xuống xe nhìn quanh. Một khung cảnh hoang vắng.

– Có thích chỗ này không, Vĩ? – Jemy hỏi.

Vĩ gật đầu, bước vào ngôi lán cũ nát. Một nhà kho hay ngôi nhà cho nhiều người ở. Hai dãy sạp gỗ dọc hai bên tường như bục xếp hàng hóa, mà cũng như giường nằm. Tường vách gỗ ghép bằng thân cây thỉnh thoảng có những chữ hoặc con số nguệch ngoạc khắc chìm. Vĩ nhìn lướt và nhẩm đọc: 1944. Vau. Maman! Mohamet. Allah! Annaba. Caxablanca. Gat. 23 X 1944. … Những năm tháng đáng ghi nhớ, những tên người thân, địa danh quê hương, tiếng gọi Mẹ, và lời cầu xin Đấng tối cao.

Đây có thể là một nơi trú ngụ của những người lính đồn trú, những người lính Âu Phi vào thời gian cuối cuộc chiến tranh thế giới thứ 2.

Và Vĩ giật mình như phải bỏng khi mắt chạm vào chữ “Burao”!  Trong trí nhớ của Vĩ vụt loé lên tia chớp kỳ diệu.

Burao. Cô gái thổ dân của anh lính thuộc địa Tông-ki-noa Trần Văn Viễn. Vĩ nhìn trân trân cái tên Burao khắc bằng đinh trên vách gỗ. Có lẽ nào ông nội đã từng nằm trên sạp gỗ này dưới cái tên Burao kia. Vĩ ngắm rất lâu cái tên người được khắc trên thân gỗ đã hơn nửa thế kỷ. Như trong cơn ngủ mê, Vĩ bàng hoàng đi dọc gian lán gỗ mục nát đến chiếc cửa đi trổ ở vách đầu hồi, gạt cánh cửa đã long lở, bước ra ngoài. Dưới chân Vĩ, lớp thảm rất dày những lá thông đã khô mục trải vào sâu trong rừng. Trên rất cao là bầu trời vô tận có những đám mây vô tư diễu hành. Và ngoài xa kia là biển cũng vô tận. Anh lính là chiếc vỏ chai tuyệt vọng được thả xuống biển từ một con tàu chìm, để đi tìm một bờ bến, tìm một sự cứu giúp…

 

Vĩ lại thấy mình là anh lính pháo thủ Trần Văn Viễn bước đi những bước chập chờn trên thảm lá thông như đứa trẻ tập đi.

Chẳng biết quê nhà ở hướng nào, mà cần gì biết. Anh lính thú là con kiến nhỏ bị ngọn gió lốc chiến tranh thổi bay đến nơi xa lạ. Anh hít thở không khí trong sạch thơm mát của khu vườn Địa Đàng. Cô gái thổ dân đi bên cạnh ôm chặt  cánh tay anh cười khúc khích.

Sự màu nhiệm đã xảy ra bên bờ hồ Thiêng. Dù cố xua đi màn sương mù trong đầu, Vĩ vẫn thấy mình là anh lính pháo thủ. Đôi tay ghì xiết mạnh mẽ mà dịu dàng của Burao, nàng Eva trong khu vườn Địa Đàng. Hai kẻ có thiên chức tạo ra loài người run lên trong sự kỳ diệu chưa từng biết đến. Tấm nệm lá thông khô mịn từ hàng thế kỷ trước, êm ấm bồng bềnh như một đám mây.

Tiếng chim lạ vẫn “Suyt-suyt-suyt…”.

Trên đỉnh mái đen sạm của ngôi lán gỗ mục nát xiêu vẹo, một con chim màu sặc sỡ có cái đuôi cong vút uốn lượn cầu kỳ hình cây đàn lia [Chim đuôi đàn – “Vĩ cầm điểu”, loài chim quý ở một số đảo thuộc Thái Bình Dương, có bộ lông đuôi kết thành hình cây đàn lia.] trong thần thoại đang đứng nhìn xuống hai đứa trẻ nằm trên đệm lá thông.

Con chim im lặng bất động như con chim gỗ thường gắn trên nóc nhà của thổ dân, là con chim đem đến may mắn hạnh phúc.

Mặt nước hồ cũng bất động như đóng băng. Những ngọn thông già, muông thú và làn gió nữa, tất cả đều im lặng.

“ Suyt-suyt-suyt… Suyt…”

 

Vĩ và Jemy tỉnh dậy khi ánh mặt trời lọt qua tán lá chiếu vào mắt. Chúng thấy mình là Ađam và Eva trần trụi trên lớp đệm lá thông nguyên sinh màu nâu. Chúng không nhớ gì cả. Chỉ thấy trong người một điều gì rất khác lạ. Chúng xuống hồ tắm. Nước hồ ngọt lịm và trong vắt đến độ cúi nhìn có thể thấy rõ toàn thân. Chúng ngụp lặn, té nước vào nhau, cười đùa đến sặc nước. Rồi lên bờ nằm phơi nắng. Chúng ngồi trên nệm lá thông ăn hết sạch những thức ăn mang theo. Vĩ đứng lên :

– Về thôi.

– Không về. – Jemy nằm lăn ra đệm lá thông. – Đêm nay chúng mình ngủ lại trong cái lán gỗ kia. – Jemy cười khúc khích và luồn hai tay xuống gáy, duỗi thẳng chân như đứa trẻ bướng bỉnh nằm ăn vạ. Vĩ doạ:

– Ban đêm, thần Man từ dưới hồ nổi lên. Đó là một con cá sấu đầu người, có móng vuốt bằng đồng. Thần Man sẽ tưởng em là cô gái thổ dân được bộ lạc lựa chọn trong số các trinh nữ đem đến hiến tế cho Ngài ăn thịt theo định kỳ vào mỗi mùa trăng.

– Thần Man sẽ từ chối em. Vì anh đã làm em không còn là trinh nữ nữa…- Jemy chợt bật cười khúc khích.

Vĩ cúi xuống nhấc bổng Jemy lên, mang đến xe ô-tô. Trước khi cho xe rời khu rừng theo lối cũ, Vĩ nhìn lại cái lán gỗ, bãi cỏ xanh, mặt hồ nước trong vắt phẳng lặng. Bên kia hồ lẽ nào từng là cái làng có cô gái thổ dân đã cho anh lính pháo thủ xứ Annam niềm hoan lạc hoang dã. Có lẽ nào đây là miền đất Tân Địa của anh lính thuộc địa phóng đãng. Có thể tất cả chỉ là một giấc mơ. Cả chuyện vừa rồi của Vĩ và Jemy trên thảm lá thông nữa… Vĩ đã trở về tiền kiếp như lời truyền bảo về hồ nước kỳ diệu của người Kanak…

Chiếc xe rời khỏi khu rừng Hoan Lạc của thần Man, nơi có những điều huyền hoặc về hồ Linh Thiêng. Và, tiếng hát lẳng lơ  tình tứ của anh lính Trần Văn Viễn vang vọng trên mặt nước:

  Thuyền thúng là thuyền thúng ơi

  Ai về bên ấy cho tôi cùng về…/.

V.B

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder