Vĩnh biệt vườn địa đàng – Tiểu thuyết của Bão Vũ – kì 19

Kỳ 19

– “Cậu đang học ở ngôi trường mang tên một nhà thám hiểm. James Hawkins là người chuyên săn tìm những miền đất mới cho Anh quốc. James trung thành với nền quân chủ Anh như mnột tín đồ. Nhưng rồi cuối cùng người ta cũng hiểu ông làm lợi cho Anh quốc vì mục đích riêng của mình. Ông ta sẵn sàng đổ máu để chiếm đoạt những vùng đất đai rộng lớn dâng lên Nữ hoàng với một khát vọng sẽ được ghi tên trong lịch sử, và tên mình được đặt cho những đất đai ấy hay ít ra là một con đường ở đâu đó.

James Hawkins đã chết trên đảo này, một nơi hoang vu, nhưng tên ông ta lại được đặt cho hòn đảo nhỏ li ti ở phía Bắc cách đây vài trăm hải lý, một cù lao san hô không bóng người, chỉ là mấy dấu chấm trên bản đồ. Dòng chữ “Đảo James Hawkins” phải viết ra mặt biển. Để đền bù cho James, người ta đã lấy tên ông ta đặt cho thành phố này, ngôi trường tư mà cậu đang theo học và một ngọn núi cao hơn ba nghìn mét quanh năm tuyết phủ, đứng ở nơi nào thuộc khu Bắc đảo cũng nhìn thấy, núi James Hawkins kia kìa. Trông không được đẹp cho lắm. Cao như thế nhưng lại không có một cái đỉnh cho thật hùng vĩ, mà lởm chởm như đống tuyết đang được xúc dọn dở dang.

Tiếng nói của vị giáo sư già lẫn trong tiếng sóng đập vào vách đá ào ào. Vĩ ngồi trên mô đá lắng nghe cả tiếng sóng và những lời tự sự của giáo sư. Vĩ biết ông trong một buổi ngoại khóa khi ông được mời đến lớp Vĩ giảng về khoa học điện toán đối với các nước nghèo, chậm phát triển. Ông giảng bài bằng thứ tiếng Anh Luân Đôn lưu loát. Ban đầu Vĩ nghĩ ông là một chuyên gia điện toán mang quốc tịch Anh, gốc Nhật bản hoặc Trung quốc. Nhưng khi hết bài giảng, ông tự giới thiệu mình là người Việt và hỏi trong lớp có ai là đồng bào của ông không. Vĩ sung sướng giơ cao tay, nói bằng tiếng mẹ đẻ:

– Thưa thày, có em, Trần Văn Vĩ người thành phố P. ạ!

Trước mặt các sinh viên, ông ôm hôn Vĩ và nói với mọi người rằng, ông tin Trần Văn Vĩ là một học sinh giỏi và sẽ có ích cho nước Việt Nam yêu quý của ông, cũng như ông hy vọng tất cả các sinh viên thuộc các quốc gia đang ở dây sẽ học tốt để có ích cho xã hội loài người.

Giáo sư nói về mình.

“Tôi đã học luật ở Sài gòn. Sau đó tôi du học Anh quốc, tốt nghiệp khoa điện toán, về nước thì cuộc chiến tranh Bắc Nam kết thúc. Tôi đưa vợ con di tản…”

Là một giáo sư có tên tuổi với những dự kiến về những phát minh trong lĩnh vực điện toán nhưng ông nhận thấy thời cuộc rối ren triền miên đã làm hỏng sự nghiệp của ông, gây cho ông nỗi thất vọng lớn. Ông đưa gia đình sang Úc, dự định sẽ sống yên lặng đến hết đời ở một tỉnh hẻo lánh phía Nam của châu lục đó. Chuyến vượt biển gặp bão lớn, tàu đắm, vợ con ông chết cả. Ông ở trong số người sống sót giạt đến Tân Êđen.

Bằng cấp giáo sư của ông được chính quyền và các trường đại học của đảo quốc Tân Êđen biết đến. Họ mời ông giảng cho trường đại học với thù lao cao. Tuy vậy, ông thích tự do và sự yên tĩnh, ông không nhận làm giáo sư thường nhật cho một trường đại học hay học viện nào mà chỉ giảng ngoại khoá từng chuyên đề. Ông sống thêm bằng nghề câu tôm. Ông rất lành nghề câu tôm hùm. Chỉ hơn chục cái cần câu với ít thịt bò để thiu làm mồi câu, ông mặc chiếc quần liền ủng bằng cao su mềm của dân đánh cá, lội quanh các vỉa san hô ngầm mà chỉ mình ông có kinh nghiệm nhận biết những hang hốc có lũ tôm hùm  ẩn náu. Ông cắm cần câu một vệt rồi quay lại, nhấc lên. Rất ít cần câu không có tôm. Ông có thể thu hoạch vài trăm NED một ngày, nhưng ông chỉ làm những lúc cần xua đi những ý nghĩ làm khổ ông.

Giáo sư đưa Vĩ đến thăm ngôi nhà nhỏ của ông trên một mũi đá nhô ra biển phía bờ Tây Bắc đảo. Dưới chân mũi đá là khu bãi san hô ông câu tôm hàng ngày. Từ đây đến trung tâm thành phố để giảng dạy khá xa. Nhưng ông chọn nơi này để sống không phải chỉ vì bãi biển ở đây có nhiều tôm hùm, mà sau này Vĩ mới biết, nhìn trên bản đồ châu Đại dương, nơi này hướng về Việt Nam là ngắn nhất theo đường chim bay. Tận cùng của phía Tây Bắc mù mịt, trượt qua bề mặt cong của đại dương xanh ngắt kia là Việt Nam, là quê nhà. Vậy là ông giáo sư vẫn nhớ về cố quốc. Cũng là nỗi nhớ sinh học, nỗi nhớ mùi tổ trong máu, trong giác quan của loài vật.

Những ngày nghỉ, Vĩ đến chơi với giáo sư, đem cho ông những thức ăn Việt Nam do chị Nhu làm. Ông rất thích món bánh chưng và xôi lạc. Mỗi lần rời nhà giáo sư, Vĩ được ông chọn cho mấy con tôm hùm ngon đem về. Chị Nhu đã làm bữa ăn của hai chị em hôm đó sang như bữa tiệc, có Jemy và Danh cùng dự.

Thằng Danh đã có dịp sử dụng ngón đòn “Thôi sơn” mà Vĩ truyền cho. Buổi chiều đi học về, Vĩ đang mệt mỏi bước từng bậc thang gác, chợt nghe tiếng thét của Danh: “… mẹ mày. Thằng chó đẻ!” Từ lâu Danh không dùng câu chửi tục ấy. Cùng với tiếng chửi hả hê của Danh, một người ngã lăn từ trên tầng hai xuống. Vĩ vội bám vào tay vịn cầu thang, đu người lên cao tránh thân hình to tròn như cái thùng tô-nô lăn xuống ầm ầm. Cái “thùng” lăn đến mặt nền tầng trệt thì lồm cồm đứng lên thành hình một gã đàn ông to lớn. Khuôn mặt tròn ngắn màu nòng súng. Bộ ria rậm to sù dị dạng như những bộ ria trong phim hề Saclô. Bộ ria Vĩ đã gặp ở đâu rồi.

Tiếng Danh  thét lên:

– Sư phụ, bồi thêm một quả để hắn đi bệnh viện luôn.

Gã hải quan sân bay đứng trước mặt Vĩ, không mặc đồng phục hải quan, trông lôi thôi thảm hại. Khu đảo nhỏ quá, những kẻ thù địch gặp lại nhau. Hắn nhìn Vĩ trừng trừng khiếp đảm. Vĩ cười khẩy, hỏi hắn, tiếng Anh:

– Mày đến tìm chúng tao để trả thù?

Gã hải quan khẽ lắc đầu, lấm lét ôm má lùi  ra phía cửa xưởng bánh. Có tiếng khóc của phụ nữ. Vĩ nhìn lên tầng trên thấy gã Đảo đứng đó cau có, chị gái hắn đứng bên cạnh đang ôm mặt khóc, hai đứa trẻ bám váy mẹ. Danh đang tay chân vung vẩy hung hăng, phấn khích. Danh vừa đánh gã hải quan, ra vẻ hả hê lắm nhưng vẫn càu nhàu trách Vĩ:

– Sao anh không bồi thêm cho hắn cú nữa. Hắn là đồ hàng mã, trông to con thế mà em mới cho nửa cú đấm đã lăn xuống như cái bị thịt.

Gã hải quan là anh rể của gã Đảo. Hắn được làm công chức nhà nước là cách người ta cảm hoá và cải tạo dân đảo. Nhưng hắn bê tha rượu chè và gây phiền hà cho khách nhiều lần nên đã bị đuổi việc, phải sống bằng tiền trợ cấp. Hắn say khướt, tìm đến đây xin tiền vợ, không được gì, hắn đánh vợ con. Gã Đảo tống hắn ra khỏi phòng. Thằng Danh xuất hiện, nhận ngay ra kẻ thù cũ và đã ra tay. Vĩ bảo Danh:

– Mày đừng tưởng thế là giỏi. Hắn đứng sát mép cầu thang, mất thế, đứa trẻ con đẩy khẽ cũng ngã. Lần sau có giỏi thì gọi hắn xuống sân bằng phẳng chơi đàng hoàng, mới đáng mặt con nhà võ.

“Thật buồn cười, và buồn”. Vĩ nói thêm một câu tiếng Anh cho riêng mình nghe, một câu châm ngôn chơi chữ  về cuộc đời, rồi đi về phòng.

Đêm mưa phùn.

Nhìn qua của sổ, những hạt mưa loáng ánh đèn sáng trắng óng ánh như tuyết rơi. Đã sang tháng bảy, tháng lạnh nhất ở Tân Êđen.

Có cơn gió từ cánh đồng Hạ Trang mang theo hương hoa cây trái và tiếng hát tình tứ của anh cả Viễn dòng dõi con cháu nhà cụ Tổng Hạng…

Tôi nhờ mây gió bãi Dương Khê

Đưa người bên ấy trở về với tôi…

Vĩ ngủ thiếp đi trong làn gió ấm áp ấy, trong tiếng hát tình tứ trong trẻo ấy. Vĩ trở về khu vườn quen thuộc, nằm dưới tán lá xanh. Cây si trồng trong chậu nhưng vẫn phát triển tự do, cao lớn, tán lá dày um tùm không hề bị uốn tỉa. Cây đinh lăng do chính Vĩ trồng, xanh tốt với những chòm lá hình dáng li ti tinh xảo. Lối đi rải sỏi cuội. Mấy mỏm đá giữa những mảng cỏ. Bể cảnh giữa vườn có khối đá trắng lớn hình trứng chim và một tảng đá dẹt như cái bánh dày nhô khỏi mặt nước. Lũ chim đang rỉa cánh bên bể nước cảnh và bay chuyền trong những tán lá, hót sảng khoái.

Ông nội là con chim hoang, nhởn nhơ rong chơi trên cõi đời này, bây giờ ông bay sang một cõi khác. Trong khu vườn địa đàng của mình, ông vẫn vô tư nhởn nhơ như một con chim hạnh phúc nhất trong các loài chim.

Gần sáng Vĩ tỉnh dậy. Giấc mơ vẫn ám ảnh. Nước mắt đẫm ướt, Vĩ còn nghe rõ tiếng chim và tiếng gió xào xạc trong tán là cây gạo gai.  Khu vườn cũ ấy cũng có hồn. Nó cũng nhớ Vĩ, đã tìm đến trong giấc mơ tha hương của “cậu chủ”. Khu vườn nhà đã an ủi cậu chủ đang phải nếm những trái đắng của khu vườn địa đàng hoang tưởng.

Vĩ vẫn vừa đi học vừa làm thợ phụ việc xưởng bánh mỳ. Chiếc xe ô-tô cậu Dương mua cho rất thuận tiện cho việc học của Vĩ tuy có tốn tiền xăng và tiền đóng bảo hiểm. Nếu dùng để đi xa hơn, đến làm ở những nơi trung tâm thành phố sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng Vĩ vẫn làm ở xưởng bánh mì dù được ít tiền, dù hàng ngày phải nhìn mặt những kẻ đã hãm hại anh Di. Vĩ còn nhẫn nại làm ở xưởng bánh mỳ cũng vì lời ủy thác của anh Di nhờ nó:

– Hãy bảo vệ chị Nhu, đừng để lão Khởi, cái kẻ đồng bào đốn mạt ấy, hãm hại..

B.V

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder