Vĩnh biệt vườn địa đàng – Tiểu thuyết của Bão Vũ – kì 21

Kỳ 21

 

Về xưởng, Vĩ lên ngay phòng bà Khởi. Nó nói với mụ chủ lò bánh:

– Tôi xin thôi việc từ ngày mai. Tôi cũng đi khỏi đây.

Mụ Khởi ngạc nhiên nhìn Vĩ:

– Khi ấy tôi nóng, cậu đừng để bụng. Cậu làm sao mà phải đi? Con Jemy nhà tôi cũng rất quý cậu.

– Tôi xin thôi việc từ ngày mai. – Vĩ nhắc lại.

Mụ Khởi ngẫm nghĩ một lát. Vĩ ở lại hay đi khỏi đây cũng chẳng lợi, chẳng thiệt gì cho mụ lắm.

– Cậu đã quyết như vậy thì cũng được.

Mụ thanh toán công xá. Cũng như với chị Nhu, mụ trừ nhiều khoản tiền vô lý. Tiền nhà mụ vẫn tính dù hôm bị cướp, mụ đã nói không lấy tiền nhà của Vĩ nữa. Mụ tính tiền đỗ xe cả tháng, gồm cả những ngày sau khi Vĩ đã bị cháy xe. Vĩ không nói gì và cũng không đếm lại tiền thừa, nó nhét cả vào túi rồi về phòng thu dọn đồ đạc.

Jemy  lặng lẽ đi theo nó đến cửa phòng. Cô bé đứng bên cửa lo lắng và sợ hãi khi nhìn thấy vẻ lạnh lùng cương quyết của Vĩ.

– Anh đừng đi. – Jemy nói khẽ. Vĩ làm như không nghe thấy gì, lặng lẽ gấp xếp quần áo vào vali. Vĩ không dám quay đầu lại nhìn Jemy. Vĩ sợ khi nhìn thấy nỗi thảng thốt của cô bé, nó sẽ thay đổi ý định. Vĩ nhớ đến hồ Linh Thiêng.

– Vĩ, đừng đi. Anh có thể không làm bánh nữa, nhưng cứ ở đây, đi học chung xe với em. Em biết anh đang gặp khó. Em có thể xin được việc làm cho anh. Rồi chúng mình… – Đến đây Jemy nói tiếng Anh, như thể lời tuyên bố long trọng này phải được diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ chính xác – …chúng mình sẽ cưới nhau. Anh sẽ được nhập quốc tịch Tân Êđen.

Em phải lớn thêm một tuổi nữa theo quy định của luật pháp Tân Êđen. – Vĩ cũng nói tiếng Anh – Đến khi em đủ tuổi kết hôn thì sau đó phải trải qua hai năm thử thách. Lâu như thế, lấy tiền đâu mà gia hạn visa, và ăn bằng gì?

– Anh ăn bánh mỳ của nhà em! – Jemy cười sung sướng, ngây thơ, tưởng Vĩ đã chịu nghe lời mình.

Nhưng Vĩ đã sập nắp vali, đến trước mặt Jemy, dịu dàng áp bàn tay lên má cô bé:

– Anh không thể ăn món xăn-đuých làm bằng những chiếc bánh mỳ méo mó bị thải loại mà nhân kẹp là những lời nhục mạ của mẹ em rằng anh là “Thằng khốn nạn, thằng thối thây, thằng ăn hại, thằng chó chết” như những câu mẹ em đã dành cho ba em. Anh sẽ chết nghẹn ngay bữa ăn đầu tiên. Em hiểu không? – Rồi Vĩ ôm ghì lấy Jemy hôn cuồng nhiệt. Jemy xiết chặt Vĩ bằng sức mạnh của một cô gái dậy thì. Vĩ muốn khóc lên vì đau khổ và tủi nhục.

Vĩ gỡ tay cô bé rồi xách vali bước ra khỏi căn phòng tối. Vĩ không quay đầu lại dù nghe thấy tiếng Jemy đang lao ầm ầm xuống thang gác oà khóc gọi tên nó, như một đứa trẻ hờn dỗi.

 

Ngoài cổng, thằng Danh và gã Đảo đứng chờ đưa tiễn Vĩ. Gã Đảo cười ngượng nghịu:

– Mày không ở đây, tao cũng buồn. Tao còn nợ mày ít tiền. Nhưng trường chúng mình ở gần nhau. Nếu như tao không bị đuổi học vì đúp năm thứ ba thì… thỉnh thoảng, tao lại có thể sang vay tiền mày, vẫn chỉ là những khoản nhỏ thôi. – Gã thân mật ôm vai Vĩ. Người hắn nhớp nháp và hôi hám như mùi tấm đệm hắn vẫn nằm.

Danh xách vali cho Vĩ, lẽo đẽo theo sư phụ của nó đến bến xe buýt. Vĩ bảo Danh:

– Chưa có ai thuê phòng thì cứ xuống chỗ tao ngủ. Chìa khóa bà Khởi giữ. Tao cho mày ti vi và bộ dàn nghe nhạc. Còn máy tính tao sẽ quay lại lấy sau.

– Anh định đi đâu, em đưa anh đến để biết chỗ?

Vĩ ngẩn ra, rồi cười buồn:

– Ừ nhỉ. Tao cũng không biết là đi đâu bây giờ. Cùng lắm thì gửi đồ ở kho nhà ga. Đêm đến xin một cái hòm giấy đem ra vườn hoa chui vào, là xong.

– Thế còn ăn uống?

– Chuyện vớ vẩn. Hết tiền thì kiếm cái bát nhựa đến vườn sau nhà thờ thánh Giăng ăn súp và bánh mì từ thiện.

Danh cười buồn:

– Thế thì đến chỗ mấy thằng đồng hương của em. Em đã nói với chúng nó về anh. Bọn nó cũng thích anh.

Vĩ thở dài:

– Lại vẫn là mày giúp tao lúc đường cùng.

Vĩ theo Danh leo lên chiếc xe buýt tuyến ra phía ngoại ô. Ngồi trên ghế, Vĩ nhắm mắt không nhìn phố xá, cây cối bên đường, để mặc Danh đưa đến đâu thì đến.

…..

*

…“ Con đã đi khỏi xưởng bánh mì. Con đến chỗ mấy đứa bạn thằng Danh. Chúng con trọ ở một trang trại. Ngôi nhà biệt lập trong khu vườn rộng, như nhà hoang. Được cái rẻ tiền hơn. Hàng tháng chia nhau nộp tiền nhà, tiền điện nước. ăn uống tự chọn. Nơi này chẳng tốt gì, nhưng con cũng không biết ở đâu, chả lẽ lại đến khách sạn năm sao “Empero” – Hoàng đế, mà con và cậu Dương đã được làm hoàng đế ở đó một tuần lễ.

Ba đứa bạn đồng hương của thằng Danh, cũng đối xử tốt với con, và tỏ ra rất vô tư. Nhưng, đó là một bọn chuyên ăn cắp ở các siêu thị. Mãi sau vài tuần con mới biết được nghề nghiệp của chúng.

Bây giờ con đã xin được việc ở một cửa hàng ăn. Làm ca đêm. Dọn dẹp linh tinh và rửa bát đĩa. Tiền ít hơn, nhưng được hai bữa ăn. Suất ăn trước ca giá rẻ bằng nửa suất ăn thường. Còn suất sau ca thì không mất tiền. Ăn cũng tạm được, nhưng có lẽ là những đồ thừa, vì chủ nhà hàng cũng là người Việt ta; nói như dân lưu vong bên này thì ông chủ mới của con  thuộc loại vừa sinh ra một tay đã có sẵn cái bát nhựa dồn thức ăn thừa, tay kia có cái móc sắt bới rác rồi.

Tiền công làm ở nhà hàng này không đủ trả học phí, con sẽ phải kiếm thêm việc, hoặc đổi việc khác nặng nhọc hơn nữa mới có thể có đủ tiền hàng tháng chi cho việc trở thành người hữu ích cho xã hội sau này, như bố thường mong muốn. Cái lò mổ bò mà thằng Danh chỉ cho con hiện nay vẫn nhận thêm người làm, mà lương lại cao. Con đã quyết định tháng sau đi làm ở lò mổ. Tình hình sẽ tươi đẹp  hơn bố ạ …

Có một điều rất khó chịu là cả ba thằng đang ở với con đều bị “gay”, nặng nhất là thằng cầm đầu, tên là Ấm. Bố đừng hiểu “gay” là gay go tiếng ta, mà là tiếng Anh, chỉ bọn pêđê, đồng dâm nam. Một lần con tập thể dục buổi sáng, thằng Ấm cũng dậy ra đứng ngẩn người nhìn con say đắm. Nó gạ con làm chuyện bậy bạ. Nếu con bằng lòng chiều nó hàng ngày, sẽ được nó trợ cấp cho ăn học, không phải làm gì. Như  một thằng ăn cắp bao một cô gái điếm. Con thấy tởm lợm. Nhưng đang nhờ vả chúng nên chỉ bảo không có hứng thú về chuyện ấy.

Khoản tiền hãng bảo hiểm đền cho chiếc ô-tô cháy chỉ bằng một nửa giá trị xe. Người ta đã có văn bản cảnh báo nhà lão Khởi không được để xe ô-tô trong gian nhà xưởng có lò nướng bánh. Vợ chồng lão ngu dốt, không để ý và cũng không cho con biết chuyện đó. Được đền một nửa còn là may. Số tiền ấy chỉ đủ để bù hàng tháng vào khoản thiếu hụt  học phí và chi tiêu hiện nay. Con đã thử mua xổ số vài lần nhưng chỉ được chút tự hào là con cũng đã cùng với chính quyền đảo này nuôi dưỡng những người khốn khổ như bà chị và cháu của gã Đảo.

 

  Bây giờ  Tân Êđen đang là mùa rét. Ngược với Việt Nam, ở đây tháng nóng nhất là tháng Giêng và Hai. Tháng Bảy và tháng Tám là những tháng lạnh nhất trong năm, nhiệt độ có ngày xuống đến 10 độ C. Trời lạnh và thường có mưa phùn.

Hôm nay nghỉ việc, trời mưa, rét đậm. ở đây tháng này lạnh nhất trong năm, nhiệt độ ngoài trời xuống đến 10 – 12 độ. Trên đỉnh núi James Hawkins cao hơn 3.700 mét tuyết phủ trắng lấp lánh rất đẹp. Ngôi nhà của ông giáo sư trên mũi Bắc bây giờ chắc đã chìm trong mây mù và mưa bụi. Có lẽ chiều nay con phải đến thăm ông già Tô Vũ câu tôm ấy. Còn ở đây, ngoài cửa sổ căn phòng con đang ngồi viết thư cho bố, khu vườn rau vắng ngắt buồn tẻ với những luống bắp cải giống nhau đẫm ướt. Bọn pê-đê vẫn đi hành nghề, vì hôm nay là ngày người ta đi mua sắm nhiều. Con ở nhà một mình. Những lúc rỗi như thế này, con phải viết linh tinh để không phải nghĩ đến những chuyện khác, buồn hơn.  Ví dụ như nghĩ về về tương lai của con chẳng hạn.

Chiều hôm qua con đến siêu thị ở trung tâm thành phố để mua đôi giày đi làm mùa rét. Siêu thị này lớn nhất trong số các siêu thị ở phía đảo Bắc của Tân Êđen. Ngôi nhà bảy tầng với diện tích sàn mỗi tầng rộng hơn ba nghìn mét vuông tràn ngập các loại hàng hoá trên toàn thế giới, đến mức dân chúng ở các quốc gia lân cận như Úc, Niu Dilân, Niu Calêđôni… cũng sang đây mua sắm hàng. Con gặp thằng Ấm. Bọn pê-đê ấy đang hành nghề. Con cố tránh mặt chúng nhưng không được. Thấy con nói đi mua giày, thằng Ấm hỏi cỡ chân rồi bảo nó có đôi giày cỡ ấy rất mốt, nhưng không vừa chân, sẽ để rẻ cho. Con yên trí, không mua giày nữa. Buổi tối, thằng Ấm về đưa cho con đôi giày da có lót lông mới tinh còn nguyên nhãn hiệu. Chính là đôi giày con đã ngắm chọn ở siêu thị sáng nay. Con hỏi Ấm:

– Mày lấy đôi giày ở đấy?

– Không, tao chỉ cầm về cho mày, vì đôi giày này là của nhân dân.

Hắn cười sằng sặc, ném đôi giày về giường con.

Con định không lấy đôi giày, nhưng sau lại nghĩ, tội gì, rồi đếm tiền ném sang giường hắn, bảo nếu không lấy tiền thì nhận lại giày. Hắn trả lại một nửa tiền,  bảo,  để lại cho con một nửa sĩ diện. /.

                                            B.V

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder