Kỳ 22
Bà cụ Viễn bị liệt hẳn, nằm suốt ngày trên giường. Bà Vĩnh cho cái Hoàn thôi việc vì không thể trả tiền công cho nó hàng tháng. Chỉ cần một ngày hai lần, bà và cái Vân đi làm về thay rửa, cho bà cụ ăn uống là được. Nhưng chính hôm chia tay, Hoàn lại òa khóc xin được ở lại chăm sóc bà cụ. Nó không cần tiền công, chỉ ăn cũng được, mà ăn thì chỉ thêm đũa thêm bát.
Ông Vĩnh bảo cái Hoàn:
– Cháu biết tình cảnh nhà chú rồi mà. Cháu không thể làm không công được. Bố mẹ ở nhà vẫn mong tiền cháu gửi về.
Cái Hoàn năn nỉ:
– Mỗi năm cháu gửi tiền một lần hay không gửi cũng chẳng ai mong. Hai anh cháu kiếm được tiền nhiều hơn. Nhà không phải nuôi cháu là tốt rồi. Cháu xin cô chú cho cháu ở lại với bà. Bà thương cháu, tốt với cháu. Cháu không đành bỏ bà lúc này mà đi được.
Một con bé khốn khổ cũng phải thương hại gia đình ông. Con người vẫn còn biết thương nhau. Nhưng thật tủi nhục. Thôi được, ông sẽ cố tìm cách kiếm thêm tiền để trả công cho nó.
Còn món nợ lãi không lồ. Còn cuộc sống của đứa con trai bên xứ người, khi các món tiền gửi đặt trước đã hết từ lâu.
Ông Vĩnh đến bên giường mẹ:
– Con muốn xin phép mẹ…
– Anh định nói chuyện gì?
– Chuyện về cái nhà…
– Mẹ biết rồi, anh cứ bán đi… để trả cho sạch nợ nần… Cho gia đình êm thấm. – Bà cụ quay mặt vào tường giấu những giọt nước mắt.
Ông Vĩnh cúi mặt đứng lặng bên giường mẹ. Ông thấy mình là kẻ mắc lỗi.
Bà mẹ quay lại, mặt đầm đìa nước mắt. Bà cụ không thể tự lau nước mắt được, mà bà thấy chẳng cần phải giấu những giọt nước mắt trước mặt người con đã từng trải mọi chuyện đời. Ông Vĩnh lấy khăn lau nước mắt cho mẹ và chính ông cũng muốn khóc.
– Phải bán ngôi nhà gắn bó với ba đời người nhà mình, con cũng khổ tâm lắm. Nhưng để lâu, lãi nợ càng tăng. Mẹ tha tội. Con sẽ thắp hương xin lỗi bố nữa.
– Tình cảnh như vậy, mẹ chẳng trách cứ gì anh. Chắc vong linh ông cụ cũng thuận thôi. Nhưng bán nhà trả nợ rồi lại phải mua nhà khác liệu có còn dư ra để gửi thêm cho thằng Vĩ không?
– Trả nợ rồi, có đến nơi kém hơn thì cũng chỉ dư ra ít tiền sinh sống. Khó mà gửi sang cho cháu được. Ở bên đấy nó vừa học vừa làm, dè xẻn may ra cũng tạm.
– Anh cứ tính… Rồi bàn thêm với vợ con một câu. Nhưng… giá mà giữ lại được một khoảng vườn… đủ dựng được căn nhà nhỏ… để thằng Vĩ có về cũng còn chỗ ở trên đất ông cha… Kẻo khổ thân thằng bé…- Bà cụ lại khóc.
Ngôi nhà bán được rất nhanh. Tiền bán nhà đủ trả hết nợ và mua được một gian nhà rộng hơn bốn mươi mét vuông ở khu tập thể công nhân nhà máy điện, một khu dân nghèo có tên là Lán Than, vốn xưa là dãy lán chế biến than của nhà nhà máy điện, giờ là xóm thợ. Ngôi nhà tường mỏng, nền thấp, mái ngói, trần bằng những tấm gỗ dán, gọi là nhà cấp bốn.
Ông Vĩnh quyết định giữ lại chừng ba mươi lăm mét vuông đất của khu vườn, giáp ngõ để sau này có thể làm một cái nhà hai ba tầng. Ngôi nhà vì thế bị giảm giá đáng kể. Bà Vĩnh phản đối quyết liệt. Nhưng ông Vĩnh cũng quyết một lần làm “người đàn ông” trong nhà. Ông không hề nói đó là ý của mẹ ông, cũng không nói là giữ lại cho Vĩ.
– Tôi quyết định thế. Không bàn bạc gì nữa.
– Thế thì ông ở đây mà giữ mảnh vườn ấy. Ông đừng đến khu Lán Than để làm khổ thêm mẹ con tôi nữa. Tôi căm thù ông.
– Thế cũng được. Chỉ có điều… bà không cần phải căm thù tôi làm gì cho khó chịu trong người. Không phải ai cũng có thể làm được kẻ ác hay làm thằng hề. Bà cứ việc kết tội tôi, nhưng tôi không trở thành người có quyền chức để vợ con sung sướng là không phải lỗi ở tôi.
– Bây giờ thì tội lỗi hay không cũng thế. Coi như là ta đã phân chia tài sản. Nhân thể, tôi muốn làm thủ tục ly hôn. Tôi đã chịu đựng quá sức rồi.
Ông Vĩnh choáng váng. Nhưng trong tình cảnh này ông đã quyết làm một người đàn ông có bản lĩnh. Như là ông đã đợi từ lâu để nói ra điều này:
– Nếu bà muốn thế, tôi cũng bằng lòng. Tôi bằng lòng ly hôn. Có điều, ta không cần tuyên bố để khỏi làm khổ bà cụ và các con. Khi nào thật cần thiết sẽ nói. Có những việc quan trọng ảnh hưởng tới hàng tỷ người mà người ta có cần tuyên bố gì đâu.
Bà im lặng như biểu hiện tán đồng. Bà cũng ngạc nhiên vì sự cương quyết bất thường của ông. Nghĩa là ông cũng đã chịu đựng đến quá giới hạn từ lâu rồi. Về phía mình, ông Vĩnh chợt nhận ra một điều đáng buồn và tức cười. Đây là lần thứ nhì, ông và vợ đồng nhất ý kiến. Lần thứ nhất là họ bằng lòng cưới nhau.
Ông Vĩnh phân vân nói thêm:
– Tôi ở lại đây. Nhưng… còn mẹ thì…
– Tôi hiểu rồi, tôi không đến nỗi táng tận lương tâm. Ngần ấy năm, đủ để tôi coi bà như mẹ đẻ của tôi. Cái Vân ở với tôi thì có bà cũng không sao.
– Khi nào có thể được, tôi sẽ đưa cụ về ở cùng. Tôi sẽ không nhận gì trong số tiền còn lại. Chỉ mong bà giữ lại con bé Hoàn để nó chăm sóc cụ.
Bà cũng bàng hoàng khi thấy câu chuyện hệ trọng lại có thể đơn giản như vậy. Không còn là chuyện va chạm thường ngày nữa, mà là sự đổ vỡ hoàn toàn, không thể cứu vãn.
Đơn giản và nhanh chóng như nhát chém vào một thân cây mục ruỗng. Sự hủy hoại bao giờ cũng dễ dàng hơn là xây cất. Ông Vĩnh chợt thấy một sự trống vắng lớn lao đáng sợ. Gia đình của ông, nơi ẩn náu duy nhất của ông đã không còn nữa.
Ngày dọn nhà được một ông thày giỏi ở Phố Khách mở sách cổ ra xem và quyết định, nhưng lại là một ngày mưa như trút nước. Ông thày bác bỏ lối dọn nhà tượng trưng, nghĩa là chỉ đem cái bếp than và thùng gạo, lọ muối. Ông bảo thế là đánh lừa quỷ thần. Ngày tốt mà không tận hưởng phúc thật sự thì mất lộc. Dọn nhà là phải có người và giường chiếu cùng các đồ đạc thiết yếu để có thể sinh sống được ngay. Những thứ lặt vặt khác có thể đem đến sau.
Vân và cái Hoàn đưa bà cụ Viễn đến nhà mới trước. Có mấy người cháu họ đằng nhà bà Vĩnh đến giúp. Bà Vĩnh đứng ngơ ngác giữa ngôi nhà thân thuộc. Xung quanh bà, những gã thanh niên đang hối hả tháo dỡ đóng gói đồ đạc. Chúng không hề cười đùa mà im lặng làm việc như trong một đám tang. Chúng cũng buồn cho sự suy tàn của một gia đình từng là niềm tự hào của cả dòng họ.
Ngoài trời mưa lớn và gió mạnh đã chuyển thành cơn giông, sấm chớp vang động. Cây cối trong khu vườn tả tơi sũng nước. Ông Vĩnh đã định ở lại chỗ làm cả ngày để trốn cái cảnh tượng buồn thảm này. Nhưng rồi ông vẫn về nhà. Đứng trong phòng khách, nhìn qua cửa sổ, ông thấy cây đinh lăng do Vĩ trồng gần bể cảnh, đã cao hơn một thước nhưng thuộc loại thân mềm, đang vật vã rũ rượi như một người đàn bà trong cơn đau khổ tột cùng.
Ngôi nhà cũng có linh hồn, nhất là những ngôi nhà cổ. Hồn nhà phát sinh do tình của con người ở lâu trong đó. Tại sao ngôi nhà lại không có hồn khi mà người ta mang lại hơi ấm cho nó và người ta yêu thương giận hờn vui buồn trong lòng nó. Người ta sửa sang chăm chút cho ngôi nhà từ nội thất đến bề mặt ngoài, sửa chữa cho nó những chỗ hư hỏng, như chữa bệnh. Tại sao ngôi nhà không thể phát sinh linh hồn khi mà khói hương trên bàn thờ, những tiếng cười đùa, ca hát và cả những tiếng khóc than đã thẩm thấu vào từng viên gạch của nó.
– Chú cho chúng cháu khiêng cái ghế ra xe.
Ông Vĩnh ngồi dậy. Giấc ngủ cuối cùng trong ngôi nhà cũ của ông. Ngày mai, người chủ mới đã cho thợ đến sửa chữa cải tạo lại ngôi nhà. Ông Vĩnh lên tầng hai, đi vào các căn phòng, mở cửa ra ban công nhìn xuống khu vườn để mặc mưa táp vào người. Rồi ông lên căn gác xép. Không thể mang đến gian nhà chật chội ở Lán Than chiếc ghế xich-đu cũ bằng sợi mây ngày xưa bố ông vẫn ngồi. Cả chiếc giường sắt của Vĩ nữa. Ông sẽ đem xuống túp lều sắp được dựng dưới góc vườn kia.
Hơn nửa tháng sau ông Vĩnh cũng đã dựng được cho mình một ngôi nhà chừng mười lăm mét vuông, có một khu phụ nhỏ xíu nhưng cũng đủ mọi thứ cần thiết. Ông vay tiền của bạn bè để xây ngôi nhà chỉ hơn một tuần là xong. Tường vách mỏng, trát vữa vôi, lợp tấm xi măng. Trước nhà vẫn còn cây đinh lăng Vĩ đã trồng thuộc phần đất của ông. Đó là một chút an ủi còn lại. Ông Vĩnh cảm thấy sung sướng vì được sở hữu một chỗ ở riêng biệt. Ông sẽ sống một mình ở đây. Ông chưa biết sẽ làm gì để trả phần nợ của những chủ nợ không thể trì hoãn. Có thể ông sẽ bán chiếc xe máy tàng đi.
Đêm khuya, ông Vĩnh ngồi trước cái máy chữ nhưng không gõ được chữ nào. Chợt có tiếng mèo kêu khe khẽ đâu đó. Tiếng mèo quen thuộc. Con Mimi. Ông sung sướng mở cửa, ra sân gọi vang lên:
– Mimi! Mimi!…
Con mèo đi lại quanh co, lần theo tiếng gọi của chủ rồi cũng sang được ngôi nhà mới. Không gian khác lạ và mùi vôi vữa mới làm Mimi ngơ ngác thận trọng, rồi quấn vào chân chủ. Ông Vĩnh ôm lấy con mèo xác xơ vì đói khát. Ông lấy những miếng ngon nhất trong đám thức ăn còn lại của bữa cơm mừng nhà mới cho nó. Con mèo mê mải gầm gừ nhai nuốt, ông vuốt ve và nói với nó những câu dịu dàng.
Mimi vẫn cắm cúi ăn, thỉnh thoảng ngước nhìn ông tin cậy. Sinh vật nhỏ nhoi này đã gợi cho ông những gì còn lại của một gia đình đã tan tác../
B.V