Kỳ 24
Giáo sư bảo Vĩ ở lại nhà ông cho đến khi tìm được chỗ ở mới.
Chiều tối, đi học về, Vĩ ra bờ biển giúp giáo sư thu dọn đồ nghề câu tôm. Hai thày trò ngồi trên bãi biển nhóm lửa nướng tôm và ăn món bánh kẹp, uống chai rượu vang Vĩ mua về.
Vĩ ngập ngừng nói với giáo sư:
– Em cần một lời khuyên của thầy.
– Cậu có chuyện gì?
– Nhà em không thể gửi tiền sang cho em ăn học tiếp. Mà học mỗi ngày một nặng nên em không thể vừa học vừa làm. Nếu bỏ học, đi làm, khi hết hạn visa phải sống lưu vong, luôn nơm nớp lo bị bắt dẫn độ về nước.
Giáo sư nhìn ra mặt biển đang sẫm màu. Mặt trời đã lặn, những tia hồi quang vẫn nhốm đỏ những đám mây đọng phía đường chân trời. Giáo sư nói:
– Đó là chuyện rắc rối cụ thể của cuộc sống, tôi không thể giúp gì cậu. Phải từ những mục đích căn bản để quyết định. Có nhiều cách để sống và để làm một con người, không để cuộc đời cay nghiệt biến ta thành dã thú vô thức chỉ biết tìm kiếm thức ăn, hay tệ hơn thế, là kẻ mê cuồng với những điều phù phiếm hão huyền.
Giáo sư ngừng một lúc rồi nói thêm:
– Cậu có biết không, ở Tân Êđen tôi sợ nhất mùa này. Tôi sợ trời biển mù mịt, không nhìn được hút mắt đến tận cái đỉnh mặt cong của biển, để hình dung ra quê nhà ở dưới cái dốc biển ấy. Cậu có biết tích Tô Vũ chăn dê bên Tàu không ? Không biết à. Tôi kể vắn tắt: Tô Vũ là trọng thần đời Hán, đi sứ sang Phiên quốc về chuyện ngưng chiến hai nước Hán – Phiên. Nhưng việc thương thuyết không thành, Tô Vũ bị vua Phiên bắt giữ lại, đầy vào núi sâu chăn dê mười sáu năm sau mới được trở về cố quốc. Đấy là chuyện “Tô Vũ chăn dê” ngày xưa. Còn bây giờ ở đây trên cái mom biển này có “Tô Vũ câu tôm” là tôi. Một Tô Vũ câu tôm đến chung thân.
Vĩ im lặng nhìn đống lửa đang tàn dần. Vĩ không biết nói gì với giáo sư. Và có lẽ ông cũng không cần lời an ủi ở một gã sinh viên non choẹt như Vĩ. Có thể cái chết thê thảm của vợ con trên mặt biển giông tố đã ám ảnh giáo sư. Ông nhiều tuổi, đã từng trải và thông hiểu lẽ đời. Nhưng có thể sau những tổn thương về tinh thần, giáo sư bị mắc một căn bệnh ảo nào đó chăng. Như là bệnh luôn nghĩ rằng mọi người đều có thể bức hại mình, mà có lần bố Vĩ đã nói.
Hai người đăm đăm nhìn ngọn lửa đang tàn dần.
Buổi chiều mùa hè với những đám mây màu sắc thần thoại, vẻ đẹp đặc trưng của vùng châu Đại Dương. Những đám mây thần thoại trên bầu trời đẹp chốc lát như những ảo tưởng, rồi chúng dần nguội đi, tối sầm lại, những màu sắc rực rỡ tắt ngấm, làm tâm hồn người ta trống rỗng, hoang mang muốn nức lên vì nhận ra cái kiếp người li ti trong trời biển vô hạn.
Gió mạnh dần lên. Những ngôi sao không hiểu sao vẫn chưa xuất hiện như mọi khi chiều muộn thế này. Mây đã chuyển sang màu tím sẫm và thoáng những khoảng ánh đỏ như thép nung.
Nửa đêm, biển động dữ dội. Ngôi nhà bị gió lay chuyển, kêu răng rắc những khớp chốt gỗ. Nhưng cơn động biển ấy không làm thành một thiên tai để có thể biến đổi cái trái đất già cỗi này như nhiều người mong muốn.
Sáng hôm sau, mặt trời vẫn mọc.
Vĩ đến trường với tâm trạng u ám. Suốt buổi học, Vĩ chỉ nghĩ về bức thư của Vân. Con bé rất mau nước mắt. Chắc rằng Vân đã vừa khóc vừa hát bài hát về con mèo con đã bỏ đi. Tiếng hát thổn thức trong buổi chiều giữa khu xóm nghèo, như than vãn về một nỗi đau đớn chứ không chỉ là lời kêu gọi con mèo nhỏ tội nghiệp:
Vì sao chẳng trở về
Vì sao lại ra đi
Vì sao hả Mimi?…
Vĩ sẽ về với đứa em gái để lo cho nó một cuộc sống tốt hơn. Và bà nội nữa, Vĩ sẽ về để bà không còn lo buồn vì thằng cháu tha phương cầu thực.
Giã từ những đám mây thần thoại và khu vườn Địa Đàng ảo ảnh. Vĩ sẽ về với người mẹ cực nhọc đến nỗi đã tự làm biến mất đi trong mình cô thiếu nữ hiền dịu mà xưa bố đã yêu. Vĩ sẽ về với người cha – nhà thơ ngây thơ luôn tin vào con người và cuộc đời.
Trưa hôm đó Vĩ vào cửa hàng mua thức ăn và ít đồ dùng cho ông giáo sư. Khi ra theo lối phụ phía sau, Vĩ chợt nhìn thấy một bóng người quen thuộc. Một gã trai đang cắm cúi thu dọn những vỏ thùng hàng bằng bìa cactông. Hắn tháo dỡ những vết gấp của cái vỏ rồi ép xuống, xếp gọn thành một xấp. Thằng Danh.
Danh nhìn Vĩ miệng mếu xệch, rồi ôm lấy Vĩ khóc thút thít:
– Sư phụ!
Vĩ vỗ về Danh như với một thằng em út:
– Sao không làm bánh nữa?
– Em bỏ chỗ ấy rồi. Lão Khởi là đồ đểu. Mụ vợ lão là con quỷ. Lão là anh cả nhưng ngày trước đã lấy sạch phần gia tài vườn đất gì đó của bố em. Bố em viết thư nhắc đến chuyện ấy và muốn lão trả bằng cách gây cho em tí vốn. Mụ Khởi biết, sợ em cướp gia tài, lồng lộn đuổi em đi. Lão Khởi phải viết giấy cam đoan không cho em hưởng quyền lợi gì, chỉ xin cho nhập quốc tịch Niu. Nhưng phải hai năm nữa mới được chính thức. Em làm ầm lên. Lão Khởi đạp em ngã rất đau, đuổi đi. Em điên tiết tống cho lão một quả theo miếng võ anh đã dạy, rồi bỏ cái lò bánh khốn nạn ấy. Bây giờ em là du mục rồi. … mẹ nó!
Danh tự liệt mình vào hạng du mục, là tiếng lóng chỉ đám thanh niên không phải là dân du học nhưng cũng không phải bọn du thủ du thực, trộm cắp, mà chỉ lang thang kiếm sống bằng các nghề lặt vặt tùy thời vụ và theo yêu cầu ở mọi nơi.
– Còn anh thế nào? – Danh hỏi Vĩ.
– Tao sắp về nước. Hết tiền. Sắp hết hạn visa. Đành bỏ cuộc. Thua trận.
Danh sửng sốt, chùi mắt bằng nắm tay bẩn, rồi liến thoắng như tính cách của nó:
– Về? Tốn hàng đống tiền lại về mo? Anh cứ ở lại, vừa học vừa kiếm thêm được bao nhiêu thì kiếm, còn đâu em lo. Hai anh em mình ở với nhau. Em cũng có một cái hang đàng hoàng, có giường ngủ, bàn ăn, bày được cả bộ dàn âm với tivi anh cho, không đến nỗi chui hộp giấy ngủ vườn hoa.
Vĩ muốn khóc vì cảm động. Nhưng Vĩ lắc đầu. Nó đã quyết định đối mặt với số mệnh khắc nghiệt. Chưa biết bằng cách gì, nhưng Vĩ quyết trở về để làm thay đổi cuộc sống chán ngán của nó và những người thân.
Vĩ sẽ trở về nhà, nơi những người bạn của nó đang chật vật tìm một chỗ làm việc để sống nuôi những giấc mơ. Vĩ nhớ tới Tuấn. Nhà còn hai mẹ con và người chị gái. Mẹ Tuấn bán hàng khô. Chị Tuấn làm xí nghiệp giày dép. Cả hai người đàn bà dồn sức cho Tuấn đi học thành bác sĩ. Ra trường, hơn một năm Tuấn ngồi mòn đũng quần trên các băng ghế đợi của những bệnh viện, phòng khám mà vẫn không có nơi nhận.
Trước ngày đi du học chừng một tháng, có lần đi chơi loanh quanh, Vĩ rẽ vào nhà anh Kỳ gặp “thày lang” Tuấn từ trên gác đi xuống, tay ôm chồng sách, miệng huýt sáo vui vẻ. Nó hớn hở nói khi nhìn thấy Vĩ:
– Anh Kỳ vừa đi rồi. Chúc mừng tao đi: Đã có một chỗ làm ngon do chính tao là sếp. Trung tâm Thú y do ông Đinh Đức Tuấn làm giám đốc kiêm phó giám đốc, kiêm Trưởng khoa Chó Mèo và súc vật khác. Do bác sĩ Tuấn làm chánh Văn phòng kiêm Dược sĩ, Hộ lý và Lao công.
Tuấn chìa ra chồng sách học cũ của anh Kỳ, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Việt in rônêô, vở viết tay: Chữa bệnh chó và mèo. Phòng, trị bệnh cho vật nuôi trong nhà. Giải phẫu Lợn. Các bệnh dịch Gà Vịt, Ngan, Ngỗng. Bệnh đường ruột của Trâu Bò và Ngựa…, Tuấn làm ra vẻ hớn hở:
– Nghe lời anh Kỳ, tao lập Trung tâm Thú y. Chẳng phải xin xỏ, đút lót ai cả. Tự mình cho mình vào cơ quan của mình làm việc. Ha ha! Nếu mày chưa có chỗ nào, đến, tao nhận, không cần đơn từ, miễn luôn cả khoản hối lộ. Nhưng mày phải tự may lấy cái áo blou, găng tay chống thú cắn. Việc của mày là hàng ngày mày đeo cravat, ngồi tiếp khách hàng, thái độ lịch sự, nói nhiều tiếng Anh linh tinh cho người ta khiếp. Khi có việc thì vào phụ giữ tay chân bọn súc vật cho tao. Luơng tháng phát theo thu nhập thực tế của Trung tâm. Khi bị chó mèo điên cắn thì tự lo việc chữa chạy, tiêm chủng. OK?
Hai đứa cười chảy nước mắt.
Bác sĩ Tuấn, gã “thày lang” vô tư ấy đã há miệng sững sờ khi Vĩ báo tin sắp đi học nước ngoài. Tuấn nhìn Vĩ như nhìn một kẻ mọc cánh sắp bay lên thiên đường. Tuấn không dám mơ đến chuyện đó.
Bây giờ Vĩ sẽ thôi học để trở với những người bạn như thế.
*
Chuyện xin thôi học để về nước rất đơn giản. Cái trường tư thục mang tên nhà hàng hải vĩ đại đã lạnh lùng trước việc một sinh viên không đủ tiền theo học, như ngày xưa vị đô đốc ấy đã lạnh lùng trước số phận của những thủy thủ dưới quyền ông trong những chuyến đi biển sinh tử.
Văn phòng nhà trường đã làm ngay các thủ tục cho gã sinh viên không có khả năng tài chính để theo học tiếp. Không một lời an ủi, khuyên nhủ. Không có tiền thì nghỉ, thế thôi.
Một tuần sau đã xong các giấy tờ. Vĩ ngạc nhiên vì sự nhanh chóng ấy.
B.V