Vĩnh biệt vườn Địa Đàng – Tiểu thuyết của Bão Vũ kì 3

Hai gã cảm tử chống bè đi, phấn khích khi nghĩ đến những bộ ngực trần của các cô gái. Và cũng run khi nghĩ đến tục ăn thịt người của những thổ dân man rợ.

Đến bờ hồ bên kia, còn cách bờ hơn chục thước, hai chú lính vẫy tay cười thân thiện và lần lượt giơ lên những thực phẩm, vật dụng rất quý đối với đời sống hoang dã. Đám thổ dân nét mặt căng thẳng đề phòng. Viễn chợt nghĩ ra một cách làm thân theo sở trường của mình. Ở nhà, Viễn là gã trai quê lười nhác việc đồng áng nhưng nổi danh về tài hát những bài hát đồng quê mùa, và tài đối đáp. Viễn cất tiếng hát:

 

  Anh đi khắp bốn phương trời

  Không đâu lịch sự bằng người ở đây

  Gặp em má đỏ hây hây hây

  Răng đen nhưng nhức tóc mây rườm rà…

Tiếng hát thân thiện của Viễn âm vang trên mặt sóng. Đám thổ dân trên bờ đứng ngây ra, khuôn mặt họ không còn vẻ căng thẳng. Lời ca theo thứ ngôn ngữ lạ tai nhưng du dương và giọng của Viễn truyền cảm thân tình. Chẳng hiểu câu hát nói gì, nhưng âm điệu rõ ràng không phải là một bài chiến ca. Các cô gái và mấy gã trai thổ dân nhảy nhót hú hét, reo cười thích thú. Hai người lên bờ. Đám dân làng vây quanh hai chú lính. Những cô gái xinh đẹp da nâu hồng, tóc dài đen nhánh, ngực để trần. Đàn ông to lớn, vai u, tay chân nổi cơ bắp nhưng bụng phệ. Có lẽ với thân hình trông ngờ nghệch đần độn có thể gây bất lợi trước thú dữ và kẻ thù nên họ đã xăm lên mặt những hình uốn lượn dữ tợn như mặt nạ tuồng để áp đảo đối phương. Trái lại, những cô gái thì đẹp tuyệt. Các cô có thân hình cân xứng, da mịn màng, mặt không xăm chàm, bộ ngực rất gợi tình và đôi mắt đen ướt lóng lánh.

Hai người tặng quà cho thổ dân, được họ mời ăn món bánh bột khoai sọ nhân thịt thú rừng nướng bằng những hòn cuội nung lửa. Sau này Viễn biết món bánh đó gọi là Laplap.  Chiều tối, cả hai no say trở về bình an vô sự. Trước khi xuống bè, Viễn còn giúi chiếc gương nhỏ và cuộn chỉ màu vào tay một nữ thổ dân trẻ xinh đẹp nhất đám, âu yếm vuốt ve cánh tay trần của cô gái. Rồi vừa chống bè, Viễn vừa tình tứ hát. Bài hát dành riêng cho cô gái thổ dân:

Ta về, người đứng người trông

Ước gì ta có khăn hồng tặng em

Bao giờ gió lặng sóng êm

Thuyền anh xuôi ngược qua đêm lại về…

Thổ dân trên bờ vẫy ray reo hò. Viễn vẫn hát, mắt đong đưa say đắm không rời cô gái thổ dân. Cô gái cười hồn nhiên sung sướng, rồi hớn hở lội xuống nước, bơi theo chiếc bè cho đến khi có tiếng hú gọi trên bờ, mới quay trở lại.

Ngày nghỉ tuần sau, cả đội lính làm hai chiếc bè lớn kéo nhau sang khu làng thổ dân. Bộ lạc đãi họ rượu tự nấu nhắm với thịt rừng, cá nướng và quả cây. Không khí hữu nghị nồng nhiệt đến chiều tối.

– Rồi sau thế nào? – Vĩ hỏi ông nội.

– Còn thế nào nữa. Mày là con trai, đàn ông mà lại hỏi thế. Sau đó, hễ ngơi canh gác tập tành là chúng tao lại kéo sang đem theo các thứ tạp phẩm lặt vặt làm quà. Đàn ông trong làng ban ngày đi làm trong các đồn điền, tối mới về. Bọn lính chúng tao cứ việc cơm no… bò cưỡi, mặc sức vui thú với đám con gái. Chỉ cần vào rừng, khuất mắt mấy lão già làng. – Ông già cựu lính tẩy cười vang căn gác xép.

Nếu chỉ có thế thì điều gì khiến ông cụ phải buồn nhớ hòn đảo ấy, nỗi buồn nhớ hiếm có ở một chú lính quen lang bạt, đàng điếm? Rồi Vĩ cũng hiểu. Chính là cô gái thổ dân hồn nhiên đã lấy mất hồn anh lính. Khung cảnh hoang sơ thuần khiết như khu vườn tiên giới và những thổ dân hiền lành đã khiến cho tâm hồn thô sơ của những chú lính trở nên trong sạch, như được thuần dưỡng.

Ông Viễn kể cho thằng cháu cái kỷ niệm mà ông đã xếp riêng một góc trang trọng trong nội tâm, cách biệt với mớ ký ức hỗn tạp thời trai trẻ.

Anh lính pháo thủ Trần Văn Viễn đang bước đi dưới tán những cây thông và khuynh diệp trên hòn đảo xinh đẹp. Viễn bước trên thảm lá thông những bước chập chững như đứa trẻ tập đi. Trên rất cao là bầu trời vô tận, và ngoài xa kia là biển cũng vô tận. Chẳng biết quê nhà ở hướng nào, mà cần gì biết. Anh như con kiến nhỏ bị gió thổi bay đến nơi xa lạ này. Anh hít thở không khí trong sạch thơm ngát hương khuynh diệp, phảng phất như mùi bạc hà. Cô gái thổ dân đi bên cạnh ôm chặt lấy cánh tay anh cười khúc khích. Cô đã mấy lần suýt ngã vì lớp thảm lá thông rất dày dập dềnh như tấm đệm.

– “Viên… Viên ơi… Em mêt lăm… Nghi thôi…”  Cô gái thổ dân không nói sõi những tiếng Việt học được của những người culi Tông-ki-noa. Hơi thở ấm áp của cô phả bên má anh. Anh như nghe thấy tiếng của cô gái vẳng lên từ dưới lớp thảm lá khô dưới chân, lại như rót xuống từ trên rất cao những ngọn thông cổ thụ… “Em mêt lăm rôi… Nghi thôi…” Tiếng cô gái thì thào lẫn với tiếng chim lạ trong rừng khuynh diệp “ Suyt-suyt-suyt… Suyt-suyt”

Hãy lặng im, cô mình ơi. Lặng im, đi sâu nữa vào rừng, đừng để mấy thằng bạn quỷ sứ của anh, những tên lính pháo thủ trời đánh ấy, biết được… “Suyt-suyt-suyt… Suyt-suyt”. Ừ  thì nằm xuống đây nghỉ. Mình ơi, anh phải lòng cô mình mất rồi. Không còn là chuyện chơi bời lính tráng nữa. Anh phải cưới cô mình, đem về nước Annam của anh… Cái này gọi là gì nhỉ, à, cái malong, cái váy của cô mình chỉ quấn quýt mà sao lại chặt thế này. Đồ nỡm, lại còn cười.  Thế… Giời ơi là giời…

Anh lính thuộc địa đang hái trái táo hạnh phúc trong khu vườn Địa đàng, trong đôi tay ghì xiết dịu dàng mà mạnh mẽ của nàng Eva thổ dân … Anh nhìn thấy sự hòa sắc tinh tế của thiên nhiên, sự đổi màu tuyệt diệu của nền trời bình minh và hoàng hôn. Từ màu nâu non sang hồng phấn, rồi trắng sữa, rồi nữa đến màu trắng của men sứ mỏng manh có thể rạn vỡ vì hơi thở nhẹ. Anh run lên, ngập ngừng, hối hả. Tất cả như đã rất vừa tới hạn rồi dừng, để rồi lại rụt rè thêm một chút, và chỉ một chút ấy đã bất thần tan vỡ, sôi sục … Tiếng nức nở hạnh phúc của cô gái. Và những giọt nước mắt. Cái nệm lá thông khô mịn từ hàng thế kỷ trước êm ấm như một đám mây.

Và tiếng chim lạ vẫn “ Suyt-suyt-suyt… Suyt”.

*

Mảnh vườn là một khoảng đất sót lại của khu ngôi biệt thự, được trồng nhiều cây. Không phải vườn cảnh cầu kỳ, mà là một thiên nhiên tượng trưng để lũ chim quê lạc ra chốn phố xá bụi bặm này có thể trú đậu. Lũ chim bay chuyền trong tán lá hót rất khoan khoái.

Ông cụ Viễn nằm thưởng thức tiếng chim.

Những buổi chiều muộn, khi bóng tối lan dần dưới tán cây, ông cụ nằm lắng nghe tiếng chim lo âu gọi bầy đàn, nỗi lo âu di truyền từ tổ tiên chúng, từ  những buổi chiều hồng hoang ánh mây hung hiểm báo hiệu bóng đêm đầy bất trắc sắp đến. Những buổi chiều như thế khiến ông tưởng nhớ miền đất đẹp đẽ  ấy. Tuổi già đã khiến cho nơi đó trở nên lung linh như cảnh sắc của một xứ thần tiên mà ông đã từng đặt chân đến. Ông còn thuôc nhớ cả những âm thanh và hương sắc của nó.

Đêm nào ông cụ cũng luôn trở dậy thức đến bốn giờ sáng, lại thiếp đi. Rồi tiếng chim buổi sớm lại kéo ông khỏi giấc ngủ.

Con chim sơn ca bắt đầu hót. Tiếng chim khẽ, bâng quơ như tiếng huýt sáo của một người vô tư lự. Không khí buổi sớm trong trẻo; tiếng chim thánh thiện trong khu vườn khiến ông cụ thấy những vang động của cuộc sống đô thị ngoài kia thật thô tục.

Ông cụ nằm im lặng.

*

Vĩ bò soài trên tấm bản đồ thế giới trải rộng trên mặt sàn. Tấm bản đồ được in ở nước ngoài, rất chi tiết. Vĩ vẫn không tìm ra đảo Tân Địa. Không hề thấy tên Nouvelle Terre hay New Island (Đất Mới, Tân Địa). Có thể đó là quần đảo Melanesi, hay Solomon, hay đảo Cook gì đó. Vĩ yêu môn Địa lý, môn học gợi ra sự tự do và những cuộc phiêu lưu mạo hiểm. Vĩ thường được điểm cao khi kể lại những cuộc hành trình của Columbo, Magellan, Vasco de Gamas, với những điều không viết trong sách giáo khoa.

Vĩ hình dung ra hòn đảo ấy từ những lời kể chuyện của ông nội.

 

Khu làng của thổ dân. Những căn lều gỗ lợp lá cọ bám quanh bờ vịnh, ven rừng rậm. Họ chăn nuôi bò sữa và các loại gia súc, đánh cá; trồng ngô lúa, sắn củ, khoai sọ. Súc vật nhiều đến nỗi sau này những người từ  các lục địa đến đây nhập cư đã phải kêu lên rằng không biết dùng thịt vào việc gì. Vùng đất thanh bình, giàu có như thiên đường ấy yên ổn cho đến khi người châu Âu phát hiện ra. Những người da trắng đem văn minh đến. Họ xây dựng những thành phố, làm đường giao thông, nhà máy điện phục vụ chính quyền cai trị. Và rồi những kẻ đói khát tuyệt vọng từ các thuộc địa vùng Đông Nam Á, trong đó có nhiều người Annamit, gọi là Tông-ki-noa được chiêu mộ đưa đến đảo này. Thổ dân bản xứ bị cưỡng bức làm công, culi  trong các đồn điền, xưởng chế biến cùi dừa khô, caphê, cacao của người da trắng. Cái làng của bộ lạc thổ dân bên kia bờ vịnh mà mấy chú lính pháo thủ thuộc địa thấy êm ả chỉ là vẻ yên bình bề ngoài.

Cuộc chiến tranh diễn ra ác liệt trên đất liền đã khiến các chính quốc không còn kiểm soát được những đảo thuộc địa thuộc, nên chủ đồn điền trên các đảo mặc sức đối xử tàn tệ với các cu-li theo cách dành cho nô lệ thời trung cổ. Khi anh lính pháo thủ Trần Văn Viễn và những người lính thuộc địa đến Tân Địa, bắt đầu thời kỳ công nhân đồn điền nổi dậy chống lại chủ. Có ông chủ da trắng tàn ác bị cu-li giết chết. Những cu-li giết chủ đã bị hành quyết bằng máy chém. Cu-li là thổ dân bản xứ, bị giám sát chặt chẽ hơn vì họ quen sống trong rừng núi của mình nên thường trốn trại. Họ bị tập trung trong các trại, bị canh giữ nghiêm ngặt như  tù nhân.

Trước khi những người lính thuộc địa rời đảo, khu tiểu thiên đường ấy đã biến thành địa ngục. Thổ dân trên miền đất giàu có phồn thực, thuần khiết giữa biển đã bị đói khát, thiếu thốn mọi thứ và bị dịch bệnh hoành hành.

Cô gái thổ dân ấy tên là Burao. Đó là tên một loại cây xanh mướt rất đẹp mọc khắp nơi trên đảo, lan ra mặt biển. Từ trên một chiếc độc mộc hay chiếc đin-ghi, loại xuồng bơm hơi của lính, cách bờ non nửa hải lý nhìn dải cây burao in bóng xuống mặt nước nông trên vỉa san hô tạo nên một hòa sắc có vẻ đẹp kỳ ảo. Burao có cặp môi mọng đỏ, đôi mắt đen dài ngây ngây, man dại. Trên ngực anh lính pháo thủ phóng đãng ngày xưa vẫn còn vết răng cắn rất sâu của cô gái trong lần cuối hai người gặp nhau.

Ông Viễn cười tinh quái, phanh ngực áo cho thằng cháu nội xem vết cắn ấy. Ông lính tẩy già rạo rực khi nhớ tới cái cảm giác phấn khích kỳ lạ.

Chiến tranh cần nhiều vật dụng. Những đồn điền thiếu công nhân, phải tuyển cả nữ thổ dân. Burao trở thành phu đồn điền, sống trong trại nữ cu-li bị giám sát nghiêm ngặt vì bọn chủ đề phòng phu thợ nổi dậy, chạy trốn.

Anh lính pháo thủ và cô gái thổ dân vẫn lén gặp nhau trong rừng, theo định kỳ. Cô gái có thai. Trong một lần trốn trại, lẻn vào rừng với Viễn, Burao bị bầy chó của chủ đồn điền cắn chết. Viễn đến chỗ hẹn, chỉ thấy máu loang đầy mặt đất và những mẩu vải còn sót lại của chiếc surao mà cô thường quấn quanh mình. Bọn chủ răn đe đám công nhân bất trị bằng cách cho phơi trước trại cu-li cái xác bị chó săn xé nát của cô gái. Burao đã có thai và cái thai trong thân xác đẫm máu đó là con của Viễn.

B.V

 

*

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder