PHẦN THỨ HAI
Kỳ 7
Ở bàn khai báo của hành khách chuyến bay đi Tân Êđen, một thằng bé loay hoay với tờ khai. Thằng bé ăn mặc lôi thôi nhếch nhác như đứa trốn vé, sắp nhảy lên một chiếc xe khách liên tỉnh. Thấy Vĩ đã viết xong tờ khai, nó cười ngượng nghịu bảo Vĩ:
– Anh làm ơn khai hộ. Em viết hỏng mấy tờ rồi mà vẫn không được.
Vĩ nhìn thằng bé, hỏi:
– Đi New Edenland, hay đi đâu?
– Vâng, em cũng Niu…Niu… – Thằng này nói những câu tiếng Anh còn tệ hơn mẹ Vĩ. Vĩ phì cười, rồi điền giúp tờ khai cho thằng bé.
– Chắc anh đi máy bay thạo lắm. Anh cho em đi kèm, gặp chuyện gì, anh em giúp nhau. ở bên ấy, em có ông bác làm bánh mì, ra sân bay đón em. Có gì, anh về chỗ bác em ở tạm.
– Tao cũng có một bà Tây đón ở sân bay. Nhưng có thêm đồng hương càng tốt.
Thằng bé tên là Danh, cũng họ Trần, kém Vĩ hai tuổi. Nó được ông bác bảo lãnh sang bên ấy để vào xưởng làm bánh mì của ông bác. Từ lúc đó, Danh không rời Vĩ một bước. Khi vào phòng vệ sinh, Danh còn khẩn khoản xin Vĩ đừng bỏ nó.
Ông Vĩnh đứng trông đống đồ đạc cho Vĩ. Ông thấy lòng trống rỗng như mất đi một thứ quý giá quen thuộc thường ngày. Khi Vĩ từ phòng dịch vụ cắt tóc gội đầu đi ra, ông Vĩnh thấy tự hào về đứa con của mình. Nó bảnh bao, sáng sủa, cao lớn đẹp đẽ ra dáng lắm. Mớ tóc lượn sóng cắt vừa phải không theo kiểu bàn chải như mốt trẻ, cũng không lướt thướt nghệ sĩ, mà là kiểu của người lịch sự, phong nhã. Bộ complet vừa vặn không cổ điển mà không quá phóng túng. Ngay cả cái vẻ khinh khỉnh đối với ông cũng làm ông vui. Nó đã là một gã trai chững chạc có bản lĩnh, biết tỏ thái độ với một người vô tích sự như ông.
Vĩ nhìn thấy bố đứng trông nom đống vali túi xách với vẻ tận tụy. Có thể vẫn là cách lấy lòng nó. Bố thật đáng thương.
Đã đến lúc hành khách lên máy bay. Vĩ bước chậm chạp từng bậc của chiếc cầu thang kim loại. Vĩ dừng một giây trước cửa máy bay, quay lại nhìn những người đưa tiễn. Trước khi bước vào khoang máy bay, Vĩ phủi bụi ống quần, sửa sang đầu tóc như để chuẩn bị bước vào một thế giới sạch sẽ sang trọng.
Chiếc máy bay của hãng hàng không Anh quốc trang bị tiện nghi thượng hạng. Lần đầu tiên Vĩ nhìn thấy những nữ tiếp viên khuôn mặt son phấn vẻ đẹp kiểu mẫu không tỳ vết như nặn bằng chất dẻo với những động tác chính xác thẳng đơ và nụ cười vô hồn của rôbôt.
Vĩ ngả đầu vào lưng ghế bọc nỉ mềm, khép mắt lại. Vĩ biết, dưới kia, những đứa bạn và người cha tội nghiệp đang đi lại trên sân ga tìm một nơi để có thể nhìn thấy chiếc máy bay chở nó bay lên cao yên ổn, mới quay về. Vĩ cố không nghĩ đến những người ấy nữa. Khoang máy bay sạch sẽ thoảng mùi nước hoa đắt tiền. Máy lạnh thổi hơi mát rất nhẹ trên đầu. Vĩ đang hưởng tiện nghi của văn minh. Nhưng Vĩ vẫn không quên mình là một kẻ tha phương cầu thực, như bà nội nói.
Thằng Danh ngồi cùng khoang với Vĩ, nhưng ở hàng ghế dưới cùng. Nó vẫn không rời Vĩ một bước cho đến khi người ta xếp nó ngồi theo số ghế. Danh lại rón rén lần đến chỗ Vĩ, thì thào:
– Em mót đi giải quá.
Vĩ dẫn Danh đến cửa buồng vệ sinh ngay cạnh chỗ nó ngồi, mở cửa nhìn qua mọi thứ trong đó, vặn, mở thử, rồi chỉ cho Danh cách sử dụng. Vĩ bảo thằng bé:
– Mày không được táy máy cái gì. Người ta đặt camêra theo dõi đấy.
Danh ngơ ngác, sợ hãi:
– Táy máy làm sao?
– Không được lấy những thứ lặt vặt như lọ nước hoa, cuộn giấy lau, hay cái ống bơm chất sát trùng này. Muốn lấy thứ gì của mình để trong người, cũng phải làm đàng hoàng tự nhiên, không được lấm lét, họ tưởng mày giấu vũ khí trong người, thì lôi thôi đấy.
Danh nghiêm trang:
– Những thứ này, cho, em cũng vứt đi. Nhưng, gặp lạnh như ở đây, em hay bị ngứa, luồn tay gãi liệu họ có nghi không?
Vĩ bật cười:
– Cứ gãi đàng hoàng trong này. Ra ngoài kia cố nhịn, gãi, mất lịch sự.
Danh nhăn nhó nhìn cái buồng vệ sinh chật hẹp suy tính làm thế nào để gãi cho đàng hoàng.
Máy bay chạy trên đường băng lấy đà cất cánh. Vĩ nhìn xuống mặt đất. Cánh đồng bên cạnh sân bay đang vụ cày cấy. Những bóng người và trâu lúi húi trên mặt ruộng sâm sấp nước, chậm chạp lờ đờ như những con chim ốm. Tất cả vụt qua rất nhanh rồi khuất sau những đám mây loãng như khói.
Máy bay đã ở trên những đám mây dày đặc, không còn thấy mặt đất. Vĩ ngả chiếc ghế mềm ra hết cỡ, nằm thả lỏng người lắng nghe tiếng rì rì khe khẽ như ru của động cơ, rồi ngủ thiếp đi.
Máy bay qua Bangkok, đến Kuala Lumpur, rồi đỗ ở Canbera nạp nhiên liệu. Canbera là thủ đô của Úc. Nhà cậu Dương ở thành phố Melbourne. Vĩ thuộc bản đồ. Từ Canbera cứ men theo bờ biển Đông đi vòng xuống phía Nam là đến Melbourne. ước gì Vĩ có thể đột ngột xuất hiện trước nhà cậu Dương để ôm chầm lấy thằng Du.
Máy bay rời Canbera, bay trên biển theo hướng Đông Nam chừng hơn bốn giờ sau hạ cánh xuống sân bay Hawkins thuộc đảo Bắc New Edenland.
Vĩ đã đến Tân Êđen, khu vườn Tân Địa đàng.
Ra khỏi máy bay, thằng Danh đã đổi khác. Nó hớn hở và ra vẻ rất tự tin, tưởng là có thể xách đồ bước thẳng ra cửa ga, nơi có ông bác ruột đang đứng đợi, giống như đi tàu hỏa. Nhưng nhìn thấy quang cảnh khác thường, nó vẫn bám lấy Vĩ. Thằng bé luôn giật tay Vĩ chỉ chỏ những cảnh vật lạ lùng và luôn mồm chửi tục bất cứ câu nói nào. Một thằng bé dốt nát vô giáo dục nhưng hồn nhiên. Có lẽ nó sẽ tìm thấy hạnh phúc ở miền đất vốn là của những thổ dân.
Hai đứa xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh và nhận hàng. Danh thích thú với việc xếp hàng lần lượt hết cửa này đến bàn khác như trẻ con chơi trò rồng rắn. Nó khúc khích cười, chửi tục luôn miệng. Vĩ cau mặt, thích vào sườn Danh, doạ:
– Mày im đi, họ biết tiếng Việt thì khốn đấy.
Vĩ viết hộ Danh các tờ khai. Trong túi có cuốn từ điển Anh-Việt, Việt-Anh và Hội thoại tiếng Anh khổ nhỏ, nhưng Vĩ chưa phải dùng đến. Những ngày nghiền ngẫm món ngoại ngữ thời thượng đã có tác dụng.
Đến chỗ khám xét hàng hoá. Vĩ thấy rõ thái độ miệt thị của đám nhân viên hải quan đối với nó và Danh, hai thằng bé da vàng.
Trước đó, trong phòng vệ sinh, Vĩ bảo Danh lấy áo vestông mặc ra ngoài chiếc sơ mi nhàu nát trên người nó, dù chiếc vestông cũ cũng nhàu nát không kém.
Gã khám xét hàng mặc đồng phục gắn phù hiệu hải quan, có bộ ria đen rậm dày xù. Trông rõ là dân bản xứ, da ngăm ngăm, người đầy cơ bắp. Hắn vật thình thịch những vali, bao hàng của Vĩ và Danh, rồi phanh phui mọi thứ lên mặt bàn, như đồ tể xẻ thịt một con lợn.
Vĩ nói tiếng Anh với gã hải quan:
– Xin nhẹ tay.
Gã cười không nói gì, vẫn tiếp tục phanh phui các thứ. Gã lấy ra bọc thịt chó sấy khô của thằng Danh, đưa lên mũi ngửi qua rồi ném vào cái thùng rác cạnh đấy, so vai:
– Epidemic!
– Nó nói gì, – Danh hỏi – Sao nó dám vứt gói thịt chó của bác em?
– Nó bảo là thứ gây dịch bệnh.
– … mẹ thằng chó. – Danh lại chửi.
Gã hải quan hỏi về gói bột sắn của Vĩ:
– Thứ gì đây?
Vĩ cầm gói bột sắn dây giải thích một cách khó khăn bằng tiếng Anh:
– Đây là bột lấy từ củ của một loài cây dây leo. Có thể nấu thành món súp ngọt, hoặc pha nước uống. – Vĩ quên tên tiếng Anh của cây sắn dây, cái tên nghe như thổ ngữ của cư dân vùng Thái Bình Dương. Vĩ sực nhớ ra xấp giấy mà bố giúi vào cái cặp đựng giấy tờ của nó. Vĩ lục tìm. Đây rồi, tờ giấy bố đã cặm cụi dịch sang tiếng Anh tên những thực phẩm Vĩ mang theo. Vĩ đọc những dòng chữ của bố. Vĩ đọc thầm, cổ nghẹn lại:
– Cá mực khô: Cuttle- fish; Bột sắn dây: Kudzu; Nấm hương: Thin-top mushroom; Mộc nhĩ: Jew’s ear; Hạt sen : Lotus seed;…
Vĩ mở những gói thực phẩm khô, bày ra từng thứ, đọc theo tờ giấy bố viết. Vĩ thấy tự tin, đúng như có bố ở bên cạnh.
– Đây là những thứ để làm các món ăn của dân tộc chúng tôi.
Gã hải quan lại cầm từng thứ dí sát vào bộ ria rậm, hít hít rồi ném từng thứ vào thùng rác, so vai:
– Dịch bệnh! – Hắn để gói bột sắn dây sang một bên. Vĩ nhận thấy không biết từ lúc nào gã hải quan đã đeo đôi găng tay cao su mỏng. Hắn sợ nhiễm dịch bệnh. Gã hất hàm sang Danh, hỏi Vĩ:
– Thằng này là thế nào với mày? –
– Em trai tôi. – Vĩ trả lời cho xong chuyện.
– Sao không giống nhau?
– Ông hãy sang Việt Nam hỏi bố mẹ chúng tôi. – Vĩ tức giận.
– Chúng mày sang đây làm gì?
– Du học.
Gã hải quan rậm ria cảm thấy ánh mắt căm thù của Vĩ, hắn mỉm cười chậm chạp đi đến bên cái tủ lạnh trong góc phòng lấy ra một chai sữa tu một hơi hết sạch, rồi quẳng vỏ chai vào cái thùng hắn vừa vứt những thứ của Vĩ và Danh. Có lẽ những người trên chuyến bay cùng với Vĩ và Danh đã rời nhà ga từ lâu rồi. Vĩ thấy rất đói và khát cồn cào.
– Những gì nữa đây? – Hắn giơ lên cái túi nhựa có các thứ thuốc chữa bệnh thông thường, mở những lọ thuốc, ngửi, rồi đổ tãi ra bàn lọ thuốc B1, C như đổ những quân súc xắc. Những viên thuốc lăn vung vãi trên mặt bàn, rơi cả xuống nền nhà. Lần này thì Vĩ thét lên:
– Mày làm hỏng những viên thuốc của tao. Đồ con lợn!
Danh cũng gào lên xông vào gã hải quan:
– … mẹ thằng chó!
Gã hải quan trợn trừng cặp mắt trắng dã trên khuôn mặt màu nòng súng, hắn giơ cánh tay áo cộc màu xanh lơ in phù hiệu lên, cánh tay màu thép cơ bắp cuồn cuộn có những sợi lông đen loăn soăn với bàn tay to dày nhằm vào mặt Vĩ. Gã hải quan to lớn lực lưỡng nhưng vụng về. Vĩ đưa một tay đẩy cho cái tát trượt ra ngoài, rồi giáng một quả đấm vào quai hàm gã. Cú đấm được dồn hết sức. Gã hải quan rống lên rồi cúi gập mình nhổ ra sàn nhà mảnh răng gẫy lẫn trong máu. Đám nhân viên và cảnh sát sân bay gần đấy xô lại. Danh không hề sợ hãi, nó khoái trí cười ha ha:
- Sướng quá. Anh phải dạy em cú đấm này đấy.
Tiếng reo cười khoái trá của Danh đã đẫn ông bác nó tìm đến nơi hai đứa đang gặp rắc rối. Một người đàn ông khoảng năm mươi tuổi khoẻ mạnh, nhanh nhẹn và một cô gái chừng mười bảy tuổi, cao lớn xinh đẹp đi vào. Cha con ông bác chờ mãi, hành khách ra hết từ lâu vẫn không thấy thằng cháu, phải vào tìm hỏi các nơi.
Vốn tiếng Anh của Vĩ chỉ có thể thuật lại sự việc cho người cảnh sát sân bay những câu rời rạc:
– Ông ấy không tốt. Ông ấy không biết ma túy là gì. Ông ấy đã làm hỏng những viên thuốc chữa bệnh của tôi. Ông ấy đã đánh tôi trước.
Cô gái con ông bác của Danh lên tiếng. Cô ta hỏi Vĩ và Danh để biết rõ câu chuyện. Sự việc được dàn xếp. Gã hải quan phải xin lỗi vì đã làm hỏng những viên thuốc của Vĩ và phản ứng không thích hợp. Còn Vĩ phải xin lỗi vì đã làm hắn gẫy răng do sự tự vệ quá mức cần thiết. Cô con gái ông bác đã dịch là Vĩ “thành thật xin lỗi hắn và lấy làm tiếc”, để cho yên chuyện. Mọi người ra ngoài. Gã hải quan ria rậm ngồi trên chiếc ghế xoay, tay ôm má nhìn hai thằng bé da vàng với ánh mắt căm thù.
B.V