Kỳ 8
Ngoài sân ga, đèn điện đã bật sáng rực các nơi. Không có ai chờ Vĩ. Chắc bà Emilia, chủ nhà trọ đã không thể đợi đến lúc này. Danh nói với ông bác nó:
– Bác cho anh Vĩ về nhà mình nghỉ tạm, mai đi tìm nhà trọ. Anh ấy tốt lắm, đã giúp cháu nhiều.
Ông bác ngần ngừ, rồi miễn cưỡng bảo Vĩ chất đồ đạc lên xe. Chẳng có nơi nào bám víu, đành dựa vào thằng Danh vậy. Bà nội đã bảo, Vĩ đi đâu cũng có quý nhân phù trợ. Nhưng ông bác thằng Danh trông không có vẻ là một quý nhân. Vĩ nghe thằng bạn có ông anh đi nước ngoài về nói, ở xã hội phát triển hiện đại, người ta sống rạch ròi dứt khoát như máy móc công nghiệp. Với người ruột thịt cũng phải rõ ràng chi li chuyện tiền nong.
Nhà ông bác của thằng Danh – ông Khởi – ở ngoại ô thành phố James Hawkins, thành phố lớn nhất Tân Êđen. Ông Khởi là một tiểu chủ cung cấp một phần bánh mỳ cho đám dân quanh vùng. Văn phòng xưởng chung với nơi ở của gia đình là một ngôi nhà ba tầng kiểu biệt thự xây theo phong cách cổ châu Âu. Ngôi nhà cũ kỹ, thuộc loại xoàng, gợi cho Vĩ nhớ tới ngôi biệt thự của nhà mình. Còn lại là hai dãy nhà lợp tôn dùng làm xưởng bánh và cho công nhân thuê để ở. Vĩ nhìn quanh, dưới ánh đèn vàng mờ, những máy móc thùng chậu, dụng cụ làm bánh bề bộn. Quang cảnh luộm thuộm, không có vẻ gì là một xưởng công nghiệp thực phẩm hiện đại. Vẫn phong cách tiểu chủ Việt Nam, bằng mọi cách để có được sản phẩm; mọi khó khăn, bất hợp lý trong sản xuất lao động, thợ phải chịu.
Khi cha con ông bác thằng Danh đưa hai đứa về đến nhà, không thấy có cảnh đón tiếp vồ vập người thân từ quê nhà sang. Bà vợ và đứa con trai út đã về phòng riêng. Vĩ và Danh được đưa lên một căn phòng tầng ba.
Một chị giúp việc người Việt bưng vào phòng cho hai đứa cái khay có súp bột khoai tây và bánh mì kẹp thịt, bảo: “Các cậu rửa tay rồi ăn tạm.”
Danh đói ngấu, rửa ráy qua loa rồi ngồi vào bàn, nhai húp sùm sụp,vừa ăn vừa càu nhàu chửi đổng:
– … mẹ, ruột thịt gì mà mới đến đã phải gặm bánh mì nhà làm lấy. Cứ tưởng có tiệc đón mừng to lắm.
Vĩ ở trong phòng tắm, nghe thấy tiếng chửi của Danh, nói vọng ra:
– Mày ở đây mà cứ luôn mồm chửi, thế nào cũng bị ăn đòn. Tao thấy ông bác có vẻ khoẻ lắm đấy.
Danh ngừng nhai, cười:
– Em thấy anh đỡ đòn rồi cho thằng chó ấy một quả, sướng mắt như xem phim Tầu. Thế nào anh cũng phải dạy em mấy miếng. Sang đây làm thuê kiếm ăn đã nhục, bị ức hiếp mà không làm gì được thì tức chết mất.
– Đừng động chạm đến đứa nào là tốt hơn cả có võ. Chưa biết tao ở gần hay xa mày, dạy sao được.
– Hay là anh ở luôn đây. Mai, em nói với bác em. Hai anh em mình, phòng này tốt chán. Đỡ tiền thuê nhà.
Vĩ im lặng. Nó lo lắng. Cuộc sống tự lập bắt đầu từ ngày mai. Tiền đem theo sẽ vơi dần. Mọi chi tiêu phải tính toán như một lão già keo kiệt. ý kiến của thằng Danh cũng hay. Giá mà được ở lại đây.
Vĩ mệt mỏi nằm duỗi dài trên chiếc giường đệm. Thằng Danh nằm cạnh đã ngáy từng chập khồng khộc. Vĩ nằm chờ giấc ngủ đầu tiên trên một cái giường lạ cách ngôi nhà quen thuộc có căn gác xép của nó cả một đại dương.
Bà nội nằm ốm liệt chắc đang lo cho đứa cháu tha hương biệt xứ. Mẹ đã kiệt sức, và quỵ xuống như con ngựa không kéo nổi cỗ xe nặng leo dốc. Cái Vân ngơ ngác hoang mang giữa ngôi nhà đầy những người ốm đau lo buồn và thất bại. Và bố nữa, bố ơi. Bố ngây thơ, trong sạch nhưng hoang tưởng và bất lực. Cái Hoàn khốn khổ rồi sẽ đi làm cho nhà ai khi mẹ không thể thuê người giúp việc nữa. Vẫn còn một nơi đẹp đẽ tồn tại bên ngoài ký ức của Vĩ, mà nó vẫn nhớ từ chuyện kể của ông bà nội. Vùng đất Thượng Trang. Bây giờ Vĩ lại nhớ nhiều về cái miền không có trong ký ức ấy, như câu thơ của bố:
Về nơi đáy hồn biết đau
Nơi còn mây biếc trời sâu…
Vĩ ngủ thiếp đi. Nó mơ thấy bà Emilia đứng dưới một gốc táo mỉm cười đưa tay cho nó, bà mặc bộ váy áo trắng, đi găng tay lụa trắng, thân hình bà thanh thoát nhẹ nhàng như một thiếu phụ quý tộc châu Âu thế kỷ trước. Emilia. Cái tên dịu dàng, như đã đọc ở đâu rồi.
Bà Emilia hiếm con, chỉ có một cô con gái còn nhỏ. Bà giàu có. Bà nuôi những con những thú lạ, những con chim quý rất đẹp có màu lông sặc sỡ và tiếng hót du dương. Trong nhà bà có nhiều lao công giúp việc là người bản xứ và những người da đen, da đỏ, da nâu… Bà có ý sưu tập về cầm thú, về các chủng tộc người với các màu da, chỉ còn thiếu một thằng bé da vàng. Bà rất hài lòng khi thấy Vĩ là đứa lễ độ và không ngu đần. Vĩ sẽ sống với những người hiền lành tốt bụng dưới một mái nhà. Chuyện tiền ăn ở không còn thành vấn đề nữa. Bà Emilia nhận Vĩ làm con nuôi như nó đã từng nghe thấy nhiều trường hợp tương tự của những du học sinh có số đỏ.
Vĩ ngủ ngon trong làn gió thơm thổi từ khu vườn của bà Emilia có những cây táo nở đầy hoa.
Buổi sáng ở Tân Êđen mặt trời mọc rất sớm. Mới sáu giờ, ánh nắng đã chói chang tràn vào phòng. Vĩ tỉnh dậy thấy mình nằm trên cái giường đầy nắng. Thằng Danh đang tắm sùng sục. Đêm qua, trước khi đi ngủ, nó bảo:
– Sáng mai em mới tắm rửa, tân trang mặt tiền đoàng hoàng để chào ông bác, rồi trình quốc thư.
– Quốc thư gì? – Vĩ hỏi.
– Là thư của bố mẹ em nhờ hai bác cưu mang, giúp em nên người. Nếu không, em phải trở về quý quốc sa vào vòng nghiện hút, trộm cướp thì… – Nó lại chửi tục.
Danh đóng bộ để đi trình diện ông bác. Vẫn bộ com-plê nhàu nát mà hôm qua Vĩ bảo nó mặc để làm đẹp mắt đám hải quan sân bay. Nó xoay người hỏi Vĩ:
– Được không?
Vĩ sửa cổ áo cho Danh, kéo dãn vạt trước sau cho đỡ nhăn, rồi bảo:
– Lịch sự không kém gì giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn.
– Cả một đống tiền chứ đâu phải giẻ rách. – Danh ưỡn ngực vênh vang ra khỏi phòng.
Gần bảy giờ Danh về, cầm cho Vĩ cái bánh mì và một túi sữa. Bánh mì còn nóng, còn sữa thì lạnh. Dù sao cũng đỡ một chút tiền. Danh bảo Vĩ:
– Em đã nói nhờ bác em, đưa anh đi tìm nhà trọ hôm-stây. Bác ấy bận, cho cô chị nhỏ của em đưa đi bằng cái xe hôm qua. Đồ dạc vẫn nguyên trong xe. Em cũng đi với anh, liếc qua xem đất nước này ra sao.
Vĩ đứng lên:
– Tao muốn chào cảm ơn bác ấy.
– Khỏi. Bác ấy bận. Bên này không lôi thôi như ở nhà mình. – Danh kéo Vĩ ra khỏi phòng rồi sầm sầm bước xuống những bậc cầu thang gỗ, tự nhiên ra vẻ là người nhà.
Sau cánh cửa mở vào một phòng đầu cầu thang, Vĩ nhìn thấy ông bác đang cúi đọc gì đó. Vĩ khẽ gõ cánh cửa, ông ngửng lên. Vĩ bước vào phòng, tươi cười chào. Nó cám ơn hai bác đã cho ăn nghỉ nhờ và xin phép được đi. Ông bác lạnh nhạt:
– Ờ, cậu đi. Rồi lại cúi xuống tờ giấy đầy những chữ số, trông giống bảng kết quả xổ số. Vĩ ngượng về sự lạnh nhạt của ông chủ nhà. Dù sao nó cũng làm xong cái việc của một kẻ biết điều. Khi ra khỏi phòng, Vĩ suýt va vào một cô gái đang vội bước vào. Đó là cô gái đã đi đón hai đứa ở sân bay hôm qua. Vĩ khẽ chào bằng tiếng Anh. Cô gái không đáp lại, có vẻ bực dọc nói gay gắt với ông bố. Vĩ thoáng nghe, cô gái nói bằng thứ tiếng Việt lơ lớ thỉnh thoảng lại thêm một câu tiếng Anh về chuyện bạn bè và tiền bạc của cô. Ông bố ấp úng trả lời gì đó. Cô gái được đẻ ra ở đây, thuộc số những đứa trẻ đổi màu da ở thế hệ 2, mà sự lạnh nhạt kiểu Anh và thói hợm hĩnh thực dụng kiểu Mỹ đã nhiễm vào máu.
Vĩ xuống tầng dưới, đưa mắt nhìn quanh. Khu nhà xưởng luộm thuộm bề bộn hơn dưới ánh sáng ban ngày. Mọi thứ được phủ một lớp bột mì như bụi và thoảng mùi chua mốc.
Ông bác thằng Danh tên là Khởi. Con trai cả của ông đang học ở Anh quốc tên là Tony Khởi, thằng út là Kevin Khởi, như cách đặt tên con cái theo tên bố ở đây. Cô con gái không thích cái tên Khởi mà cô cho là không hay, nên đổi theo tên mẹ là Hà, Jemy Hà, đọc là “Jemy Ha”. Nhưng thường chỉ gọi là Jemy.
Jemy xuống sân, mở cửa xe, ngồi ngay sau tay lái cho xe ra cổng, không thèm nhìn hai đứa ngồi sau. Vĩ đưa cho Jemy mảnh giấy ghi địa chỉ nhà bà Emilia và cảm ơn cô gái đã giúp nó. Jemy lạnh nhạt không nói gì. Cô đang bực hay coi khinh gã du học mạt hạng. Vĩ tự rủa: Đáng đời mày. Ở nhà, mày học đòi làm thằng hiện đại, khinh khỉnh cả với bố mẹ. Bây giờ mày được đối xử theo cách còn hiện đại hơn.
Xe chạy qua những lối đi như đường làng rồi ra đường chính. Thằng Danh khoan khoái ngả người trên ghế đưa mắt nhìn khắp nơi ra vẻ tự mãn lắm.
Thành phố nằm trên một vùng đồi. Con đường nhựa bốn làn xe luôn lên dốc xuống dốc. Hai bên đường, cây khuynh diệp mọc dày sít nhau như hàng rào, loại cây cùng họ với bạch đàn, thân tròn thẳng tắp màu sáng, lá xanh bạc óng ánh. Mùi tinh dầu khuynh diệp hăng hắc như bạc hà tràn vào xe. Khung cảnh lạ nhưng buồn tẻ, không đẹp, và có vẻ tầm thường như trong bức tranh phong cảnh của những hoạ sĩ bờ hồ.
Jemy nhìn lại tờ giấy ghi địa chỉ, cho xe rẽ vào ngôi làng bên đường. Cô cho xe chạy chậm lại, rồi dừng bên hàng rào một ngôi nhà nhỏ giữa khu vườn rộng.
– Ở đây. – Cô bé nói và xuống mở nắp khoang đựng đồ. Vĩ xuống xe đến bên chiếc cổng gỗ, nhìn vào phía trong. Ngôi nhà một tầng, mảnh sân hẹp có chiếc ô-tô thùng màu xám cũ kỹ, loại xe chở rau quả. Khu vườn rau rất rộng nhưng hàng luống dài ngắn lộn xộn, thỉnh thoảng vài khóm cây còm cõi nhô lên tùy tiện không hàng lối, cho thấy chủ nhân không có kỹ thuật làm vườn. Khung cảnh gian hoang vắng. Vĩ bấm núm chuông nhựa đỏ bạc màu gắn trên trụ cổng. Trong nhà vẫn im ắng. Nhưng ở một cửa sổ, tấm rèm cửa khẽ lay động, người trong nhà nhìn ra. Vĩ bấm chuông lần nữa.
Cửa mở, một người đàn bà chậm chạp bước xuống sân, theo một lối đi hẹp ra cổng, tay cầm một vật gì giống như cái dĩa lớn. Đó là một dụng cụ làm vườn, để cào bới gốc cây, dọn cỏ và làm tơi đất. Bà ta nhìn Vĩ qua những thanh gỗ tróc sơn, tay lăm lăm cái cào đất như một vũ khí. Khuôn mặt xấu xí, cặp mắt xám như mắt sói đã bạc màu vì tuổi tác nhìn Vĩ chằm chằm cảnh giác. Cái mũi to nhọn giữa bộ mặt phẳng bẹt trắng bợt vô hồn như mặt nạ. Mớ tóc màu nâu bạc dở dang cắt ngắn dính bết vào da đầu.
– Thưa bà, đây có phải là nhà bà Emilia không?
– Phải. Anh cần gì?
– Tôi muốn gặp bà Emilia. – Vĩ chỉ nói được những câu thông thường, nó phải quay lại xe nhờ Jemy đến dịch giúp.
– Tôi là Vĩ – Trần – Văn… sinh viên được nhà trường giới thiệu đến ăn ở trọ – Jemy dịch đồng thời với lời của Vĩ.
Trước mặt Vĩ chính là bà Emilia. Bà ta xổ ra một thôi dài bằng giọng eo éo liến thoắng, rằng khi những người có trách nhiệm ở sân bay cho bà biết Vĩ liên quan đến ma tuý, đang bị xử lý trong phòng hải quan, bà đã sợ hãi phóng xe bỏ về ngay. Bà sợ bọn mafia da màu, chúng đáng sợ hơn mafia da trắng. Bà không muốn dính dáng đến Vĩ, bà hủy bỏ cái hợp đồng dịch vụ ăn ở. Jemy cố giải thích rằng đấy là sự hiểu lầm, bà ta vẫn từ chối không cho Vĩ vào nhà. Vĩ tức tối:
– Chỉ còn hai ngày nữa tôi đi học, không thể lang thang ngoài đường. Nếu không cho tôi vào nhà, tôi sẽ kiện bà vì đã gây khó khăn tôi.
– Mặc kệ mày, tao không biết – Với ngữ điệu và thái độ gay gắt, có thể hiểu bà đã “mày, tao” với Vĩ.
Suốt đời Vĩ sẽ không quên cái giọng eo éo liến thoắng của mụ chứa trọ ấy. Mụ nói với Jemy:
– Không, không bao giờ tao nhận nó, dù nó có bị oan uổng hay không. Tao sợ ma tuý, tao sợ bọn mafia da màu. Tao sẽ trả lại nó khoản tiền đặt trước. Nhưng tao sẽ phải trừ tiền công và tiền xăng đã tốn để ra sân bay đón đợi nó. Còn bây giờ thì hãy đi khỏi đây, nếu không, tao gọi cảnh sát.
Bà Emilia đẹp đẽ hiền dịu trong giấc mơ đêm qua, bà Emilia thanh thoát như một thiếu phụ quý tộc giữa vườn táo trĩu quả ngát hương. Bây giờ là mụ chứa trọ với cái mũi to nhọn giữa bộ mặt phèn phẹt trắng bệch bợt lạnh lùng như mặt của xác chết, như cái mặt nạ được nặn bằng bột bẩn. Cặp mắt chó sói bạc màu với cái nhìn sợ sệt, khinh thị và cảnh giác.
Mụ home-stay đi vào nhà sau khi cẩn thận kiểm tra khóa cổng, tay vẫn lăm lăm cái dĩa cào đất. Vĩ đứng ngây bên đống vali túi xách dưới chân. Vĩ hoảng hốt vì hoàn cảnh tuyệt vọng nó gặp đầu tiên trong đời. Nó muốn, như một đứa trẻ con, oà lên khóc gọi mẹ, gọi bà, gọi bố và cả đứa em gái nữa, những người thân ấy bây giờ cần thiết cho nó biết bao.
Thằng Danh chửi tục và nhặt một hòn gạch vỡ định ném vào nhà mụ già ngu xuẩn và độc ác. Vĩ kịp giữ tay Danh lại.
Vẻ mặt hốt hoảng tuyệt vọng của Vĩ đã làm cho cô gái người Tân Êđen gốc Việt ở thế hệ thứ hai có trong máu sự lạnh nhạt kiểu Anh và tính thực dụng kiểu Mỹ cũng phải mủi lòng. Cô nói:
– Nhà tôi có những căn buồng cho công nhân làm bánh thuê. Anh có thể thuê một phòng.
Danh reo lên:
– Quá hay. Anh em mình ở gần nhau, anh sẽ dạy võ cho em. – Xin bái sư phụ – Nó vái Vĩ một cái rồi vội vàng xách đồ đạc của Vĩ lên xe.
Vĩ như muốn khóc, cám ơn Jemy rồi ngồi vào xe. Thế cũng may, Vĩ sẽ không phải sống chung mái nhà với một mụ già keo kiệt, độc ác và ngu độn. Chắc chắn những thức ăn bẩn thỉu do mụ nấu Vĩ sẽ không thể nuốt nổi. Và rồi Vĩ sẽ rất giỏi thứ tiếng Anh thông tục, vì phải luôn cãi nhau với mụ.
Trở lại xưởng bánh mì, Vĩ lên ngay phòng ông Khởi, kể tình cảnh của mình và xin thuê phòng ở. Vẫn lạnh nhạt như buổi sáng, ông Khởi bảo việc đó do vợ ông quyết định.
Vợ ông Khởi, một người đàn bà to béo, tính cách còn giữ chất Việt, bớt lạnh nhạt hơn, nhưng tính toán tiền nong chi ly theo lối các tiểu chủ:
– Nhà tôi còn hai phòng nữa chung dãy phòng thợ làm bánh. Nếu cậu thuê thì tôi cũng tính như mọi người. Ba mươi NED một tuần. Trả trước ba tháng. Tiền điện nước trả riêng theo đồng hồ.
Vĩ bằng lòng ngay. Đúng là số nó luôn có quý nhân phù trợ, như bà nội nói. Bà Khởi hỏi Vĩ:
– Trông cậu có vẻ nhà khá giả, sao không sang châu Âu hay Mỹ học?
– Dạ, bố mẹ cháu không đủ tiền. Cháu sang đây để vừa học vừa đi làm thêm. – Vĩ ngượng nghịu. Chắc bà ta thăm dò nguồn tài chính của Vĩ để cư xử. Vĩ biết thế và nó thấy không cần sĩ diện nữa.
– Thế cậu ăn uống thế nào?
– Cháu sẽ tự nấu lấy cho tiện và đỡ tốn.
– Nếu cậu ăn được bánh mì hàng ngày thì lấy luôn bánh nhà tôi như thợ vẫn lấy. Tôi bán rẻ hơn ở shop. Mua ở chỗ chị Nhu, cái chị làm tạp vụ ấy.
– Cám ơn bác. Cháu xin gửi ngay tiền đặt trước.
Bà Khởi xem xét kỹ từng tờ tiền một trăm đôla Mỹ. Bà cười bảo, không phải bà không tin Vĩ, nhưng có nhiều người ở nhà đem tiền giả sang đây. Vĩ lo lắng nhìn bà ta soi những tờ tiền lên ánh sáng. Không có tờ nào giả cả.
Danh giúp Vĩ đem đồ đạc lên căn phòng tầng hai của dãy nhà như nhà kho. Xưởng bánh chiếm hai phần ba dãy nhà. Phần còn lại, được ngăn làm hai tầng theo chiều cao, xây một hành lang dọc giữa nhà, chia thành hai dãy phòng hai bên cho thợ làm bánh thuê. Vĩ ở phòng cuối cùng dãy phòng nhìn sang ngôi nhà ba tầng của chủ xưởng bánh.
Sau này, mấy đứa bạn học người Việt cùng lớp tỏ vẻ ghen tị với Vĩ, đã được thuê nhà giá rẻ, lại được ăn bánh giá thấp. Chúng kể tội các chủ chứa trọ làm Vĩ lại mừng vì thoát được mụ home-stay ngu dốt, độc ác.
Trường học ở cách xưởng bánh mì chừng mười cây số. Vĩ đi học bằng xe buyt. Phố xá trải dài hai bên đường không làmVĩ chú ý nhiều. Phim ảnh và ti-vi đã làm Vĩ không còn sự háo hức thán phục đối với những công trình, người xe và những bảng quảng cáo lớn đang lướt qua trước mắt. Nó chỉ chú ý ghi nhớ những vật chuẩn đặc biệt ở các lối rẽ để đi về không bị lạc đường. Ông nội đã dạy Vĩ cách xác định phương hướng với kiến thức của lính pháo thủ. Phải dựa vào những vật chuẩn có hình dáng đặc biệt hoặc kích thước lớn.
Vĩ trình diện ở văn phòng nhà trường. Để chắc chắn, đêm qua Vĩ đã soạn một bức thư trình bày về việc mụ home-stay đơn phương hủy hợp đồng và Vĩ yêu cầu bà ta phải hoàn trả số tiền đặt trước. Theo cách cư xử văn minh, bà ta còn phải bồi thường những thiệt hại do việc bà ta từ chối không cho Vĩ ăn ở như thoả thuận.
Nhưng bà chánh văn phòng nhà trường đã cười sau khi đọc thư Vĩ. Bà bảo đó là chuyện bình thường. Nhà trường có thể giới thiệu cho Vĩ những nơi ở khác, một nơi xa hơn, vì đó là cơ sở dự trữ. Các chủ chứa trọ có mối quan hệ cộng sinh với nhà trường. Người giới thiệu được một khoản tiền theo tỷ lệ. Vĩ cho biết mình đã có chỗ ở, yêu cầu được trả lại số tiền đã đặt. Bà chánh văn phòng nói sẽ hoàn lại tiền cho Vĩ ngay sau khi bà Emilia trả cho nhà trường. Bao giờ ư, điều dó tùy thuộc vào bà Emilia. Phải chờ. Vĩ đứng ở sân trường cười như mếu, nguyền rủa thói quan liêu tư lợi của cái xứ sở thấp hậu kém cố học đòi nền văn minh phương Tây, mà không làm được một cách tử tế. Thằng Danh nghe Vĩ kể, lại chửi tục, đe vu vơ, bảo đến ngày nghỉ sẽ đến phá nhà mụ Emilia.
Vĩ mở bức thư tiếng Anh gửi cho mụ Emilia mà bố đã vất vả tra cứu các loại sách và từ điển để viết. Vĩ đọc lại trước khi ném vào sọt rác :
“ Bà Emilia kính mến,
Đọc thư của bà, chúng tôi vô cùng cảm kích trước lòng tốt của bà dành cho con trai chúng tôi, đứa con mà chúng tôi sẽ rất buồn khi phải xa nó, nhưng lại rất vui khi gửi nó vào gia đình bà, một người nhân hậu đáng mến. Tôi tin tưởng rằng bà sẽ coi Vĩ như con trai của bà, một đứa con trai vụng về, luôn cần đến sự chăm sóc của người mẹ.
Xin gửi tới bà chút quà nhỏ để tỏ lòng biết ơn, và chúc bà cùng gia dình vui vẻ hạnh phúc. ”
Bức tượng gỗ, Vĩ tặng cho Jemy. Cô bé tỏ ra rất thích thú với hình dáng ngộ nghĩnh của ông Phật béo, và có chút cảm tình với Vĩ hơn trước.
B.V