Văn học về đề tài chiến tranh – Sương Nguyệt Minh thực hiện

Làm thế nào để có nhiều tác phẩm hay về đề tài chiến tranh không chỉ là khát vọng sáng tạo của nhà văn mà còn là mong muốn chung của bạn đọc…

Chiến tranh là một đề tài quen thuộc và có nhiều thành tựu trong nền văn học Việt Nam. Thời trận mạc, để sáng tạo nên những tác phẩm về đề tài chiến tranh, nhà văn với tư cách là một nghệ sĩ – chiến sĩ không chỉ đổ mồ hôi, nước mắt mà còn hy sinh cả máu xương, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Ngày nay, trong hoàn cảnh đất nước hòa bình và hội nhập toàn cầu, văn học về đề tài chiến tranh lại đang đứng trước thử thách mới về đội ngũ, về tâm lý sáng tạo…

Làm thế nào để có nhiều tác phẩm hay về đề tài chiến tranh không chỉ là khát vọng sáng tạo của nhà văn mà còn là mong muốn chung của bạn đọc. Nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chuyên đề VNCA xin trân trọng giới thiệu cuộc bàn luận của các nhà văn, nhà thơ: Khuất Quang Thụy, Anh Ngọc, Bùi Việt Thắng, Phạm Sĩ Sáu và Sương Nguyệt Minh xung quanh chủ đề này.

Thành tựu đã trở thành kí ức sống động.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Văn học về đề tài chiến tranh là một mảng quan trọng của văn học Cách mạng, làm nên diện mạo chủ yếu của văn học Việt Nam hiện đại. Đội ngũ sáng tác về đề tài chiến tranh kể mãi không hết, như: Thâm Tâm, Quang Dũng, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Vũ Cao, Nguyễn Khải, Hồ Phương, Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Phan Tứ, Lê Lựu, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khắc Trường, Khuất Quang Thụy, Văn Lê, Vương Trọng, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Chu Lai, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Lê Minh Khuê…vv…

Tôi nghĩ rằng: Văn học sử sẽ không thể bỏ qua những sáng tác xuất sắc về đề tài chiến tranh như: “Tây Tiến”, “Màu tím hoa sim”, “Núi đôi”, “Đất nước đứng lên”, “Hòn Đất”, “Mẫn và tôi”, “Chiếc lược ngà”, “Cỏ lau”, “Chim én bay”, “Nỗi buồn chiến tranh”, “Bến không chồng”…vv.  Nhà văn Solzhenitsyn đoạt Giải Nobel nói rằng: “Văn chương trở thành ký ức sống động của một quốc gia”. Tôi nghĩ rằng: Văn học chiến tranh đã trở thành di sản của dân tộc.

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Sau năm 1975, ở ta tiếp tục hình thành một đội ngũ sáng tác về đề tài chiến tranh như: Dương Hướng, Bảo Ninh, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Quang Thiều, Võ Thị Hảo, Trần Quang Quý, Đặng Huy Giang, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Hữu Quý, Phạm Sỹ Sáu, Lê Minh Quốc, Đoàn Tuấn, Y Ban… Một số nhà văn trẻ hiện nay cũng rất tự tin khi cầm bút “xông vào” đề tài này.

Văn học về đề tài chiến tranh có công lớn là góp phần xây dựng một lý tưởng thẩm mỹ cho cả một thời đại và hướng dẫn bạn đọc tiếp cận thẩm mỹ ấy. Đặc biệt, văn học về đề tài chiến tranh đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

 

 

Nhà thơ Anh Ngọc: Dòng văn học viết về người lính cách mạng và chiến tranh chống ngoại xâm của ta ra đời cùng lúc với cuộc chiến tranh chống Pháp, rồi chống Mỹ, suốt 30 năm dường như chiếm vị trí độc tôn trên văn đàn. Văn học được coi như một thứ vũ khí chiến đấu, nhà văn được coi như những chiến sĩ cầm vũ khí (vũ khí theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Nhìn từ yêu cầu ấy, văn học kháng chiến đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xứng đáng – luôn có mặt để động viên tinh thần những người lính và toàn dân tin tưởng vào sự nghiệp chống ngoại xâm, hăng hái cầm vũ khí chiến đấu và phục vụ chiến đấu… Đó là một nguồn sức mạnh có thật và có tác động to lớn vào chiến thắng cuối cùng của dân tộc. Những tác phẩm văn xuôi, thơ… tiêu biểu sẽ trường tồn vì sự đóng góp đó, vừa như những chứng nhân tâm hồn của một thời vừa như những hiện vật bảo tàng lưu giữ bức tranh tâm hồn của thời đại cho con cháu mai sau.

Nhà lý luận, phê bình Bùi Việt Thắng: Nhìn tổng thể bức tranh văn học Việt Nam nửa sau thế kỉ XX thì văn học về đề tài chiến tranh vẫn là cái còn lại đáng để nói với hậu thế và bạn bè quốc tế. Nếu có niềm tự hào nào về văn học dân tộc thời hiện đại thì đó là văn học về đề tài chiến tranh, nơi đã vun đắp và gìn giữ lý tưởng sống cao cả của con người Việt Nam.

Chưa kịp sáng tạo trong hoàn cảnh chiến tranh hủy diệt.

 

 

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Chiến tranh ác liệt cuốn người viết vào trận mạc, nhà văn chỉ tiếp cận được hiện thực, hiếm ai có thời gian để nghĩ, để viết những tác phẩm vĩ đại, để đời. Cũng như con người trong đám cháy, người ta chỉ nghĩ đến việc chạy đồ đạc và thoát thân, chứ ai có thời gian mà đặt câu hỏi: Vì sao cháy? Có cách nào tránh được đám cháy ấy không? Nhà văn chỉ có điều kiện quan sát cuộc chiến chứ chưa có thời gian để suy nghĩ sâu xa về cuộc chiến. Vì thế, phán xét những hạn chế của văn học về đề tài chiến tranh phải đặt vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

Nhà thơ Anh Ngọc: Như một công cụ của chính trị – cần thiết và tiến bộ – văn học kháng chiến đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng, bên cạnh chức năng phục vụ trực tiếp cho chính trị (kể cả chính trị tiến bộ), văn học còn chức năng đặc thù của chính nó là từ các chất liệu cập nhật, nó phải đạt đến cốt lõi của bản chất văn học là tính phổ cập và vĩnh cửu – tức là tính triết học, tư tưởng có tính kinh điển – khiến cho nó có sức sống như cây đời mãi mãi tươi xanh, mãi mãi đồng hành với con người… Về phương diện này, văn học kháng chiến của ta làm được chưa nhiều.

 

 

Nhà lý luận, phê bình Bùi Việt Thắng: Văn học về đề tài chiến tranh giai đoạn trước 1975, nay đọc lại độc giả thấy chưa thỏa mãn. Tất nhiên. Nhưng thiết nghĩ, như nhà văn Khuất Quang Thụy nói: khi nhà đang cháy thì tất cả phải lao vào dập lửa, cứu người trước đã, của nả có thất thiệt thì hẵng để đấy. Văn học về đề tài chiến tranh trước 1975 có những đặc điểm như đề cao vẻ đẹp lý tưởng, đề cao mẫu người anh hùng, ca tụng nhân dân…Nên coi đấy là đặc điểm, không nên quy vào khuyết điểm. Mỗi người có “thời” của mình, mỗi nền văn học cũng có “thời” của nó. Nên có cách nhìn lịch sử – cụ thể, không nên “hiện đại hóa” cách nhìn quá khứ, vì chúng ta không thể sửa chữa được quá khứ.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu: Do phục vụ cái trước mắt nên tiếng lòng của nhân vật phần nào bị làm lu mờ đi. Họ là cái nhỏ chung trong cái lớn chung. Con người cá nhân dường như bị khỏa lấp trong sự kiện chiến tranh.

Vận động, phát triển và tìm tòi sáng tạo.

 

 

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Nhà văn đoạt Giải Nobel Gabriel Garcia Marquez nói rằng: “Cuối cùng văn chương cũng chính là nghề mộc. Anh đều làm việc với hiện thực, một vật liệu cũng cứng như gỗ”. Tôi cứ băn khoăn: Cũng là vật liệu chiến tranh “cứng như gỗ” nhưng văn học về đề tài chiến tranh giai đoạn từ năm 1945 đến 30/4/1975 và sau ngày 30/4/1975 đến nay, sao lại khác nhau đến thế? Cũng nhà văn ấy, giai đoạn trước thì viết thô giản một chiều; giai đoạn sau thì đã bung phá, cơi nới biên độ, mở rộng trường liên tưởng và đa thanh, đa sắc… Thật đáng mừng vì văn học về đề tài chiến tranh ngày càng phong phú, sinh động và sâu sắc hơn.

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Âm hưởng giai đoạn đầu chủ đạo là ngợi ca con người trong chiến tranh. Nhà văn chỉ dừng ở mô tả chiến trận (kể cả các nhà văn phía bên kia). Tả thực là xu hướng chủ đạo, cũng đồng thời là phương pháp nghệ thuật.

Sau chiến tranh, người ta mới có thời gian đi sâu vào cắt nghĩa chiến tranh bằng nhiều cái nhìn khác nhau, trong đó có cái nhìn và tư duy xã hội học, tâm lý học… Nhà văn cắt nghĩa: nguyên nhân chiến tranh, thân phận con người trong chiến tranh, bàn đến phạm trù anh hùng và hèn nhát, mối liên hệ con người và chiến tranh… Nghệ thuật cũng đa dạng, phong phú hơn về điểm nhìn, bút pháp; nhà văn đặt mình ở nhiều vị trí để soi chiếu và suy ngẫm.

 

 

Nhà thơ Anh Ngọc: Viết trong và viết sau chiến tranh, đúng là khác nhau. Viết trong chiến tranh mang một ý nghĩa rất khác: Nó là viết tại chỗ, có cả cái tươi rói và sự hạn chế không tránh khỏi…. Cần đánh giá đúng sự đóng góp tại chỗ này, đặc biệt là những thứ viết tại chỗ mà có nhãn quan vượt thời gian thì rất quý. Còn viết sau thì cả điều kiện chủ quan lẫn khách quan, nhất là sự cởi mở của đường lối văn nghệ, việc rút kinh nghiệm quá khứ…nên thuận lợi hơn. Mặc dù văn học cuối cùng là giá trị của tác phẩm – hay, đúng, sâu…- bất kể viết lúc nào, ai viết, nhưng cần đánh giá đặc biệt cao với những người và tác phẩm viết ngay trong chiến tranh. Nghe có vẻ thô sơ, nhưng với thứ văn học phản ánh hiện thực thuần túy, điều này là có lý.

Nhà lý luận, phê bình Bùi Việt Thắng: Văn học về đề tài chiến tranh ở Việt Nam có thể chia ra làm hai giai đoạn, như nhà văn Sương Nguyệt Minh đã đặt ra. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, tỉ như bây giờ nói phấn đấu “ăn no mặc ấm” thì có thể không có tác dụng kích cầu để phấn đấu bằng “ăn ngon mặc đẹp”. Nếu cần có một so sánh thì có thể nói ngắn gọn: Văn học/nhà văn thời chiến tranh đã hoàn thành nhiệm vụ của nó – góp hết sức mình vào công cuộc giải phóng đất nước, thực hiện lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Các tác phẩm viết sau năm 1975 về đề tài này góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn học về đề tài chiến tranh ở Việt Nam.

 

 

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu: Sự khác biệt rõ nhất là người lính trong văn học sau tháng tư 1975 đã có số phận hơn.

Viết bằng sự tâm huyết.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Nhà văn đi qua chiến tranh thì nặng lòng với chiến tranh. Ký ức thường không ngủ yên. Tôi thấy nhiều người viết vì cảm thấy mình vẫn mắc nợ với đồng đội, với những người đã ngã xuống vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Người lại cảm thấy mình đã hoàn thành nhiệm vụ của một nhà văn Quân đội, phần việc của tương lai văn học về đề tài chiến tranh thuộc về các nhà văn trẻ cách mình nhiều thế hệ. Tôi thì viết về chiến tranh chỉ đơn giản là tôi có một chút vốn liếng, không viết là bỏ phí, và tự thân cũng muốn viết về mối quan hệ giữa con người với con người trong chiến tranh ác liệt, nơi dễ bộc lộ tính cách nhất, không giấu được.

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Nếu viết do “nợ nần” trong chiến tranh thì tôi thấy tôi đang nợ chính mình. Tôi còn nhiều cái để viết mà chưa viết được vì nhiều lý do, nên cứ trằn trọc về nó. Tuy nhiên, tôi nghĩ, đã không viết thì thôi, còn đã viết thì phải tâm huyết. Chứ cảm xúc cạn kiệt, tư liệu cạn kiệt rồi, vốn liếng có tí thì đừng mài mãi, đừng bày vẽ ra…

Nhà thơ Anh Ngọc: Nói về lao động nhà văn, Dostoevsky ví như con ngựa trạm. Nhà văn luôn mắc nợ với cuộc sống, có nhu cầu phản ánh cuộc sống và chia sẻ cuộc sống. Nhà văn viết về chiến tranh, đặc biệt những tác giả có gia đình, có bạn bè, người thân, có đồng đội chết trong chiến tranh thì tâm lý mắc nợ càng nặng nề. Đồng thời, nhà văn đi qua chiến tranh cũng mắc nợ với chính mình nữa, nợ với cái phần đời mình đã sống thời chiến tranh ấy.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu: Với tôi luôn là món nợ dần trả. Khó mà trả cho xong những món nợ với thế hệ mình.

Cần phải viết khác đi.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Hiện thực chiến tranh là cái đã qua rồi, không thay đổi, nhưng hoàn cảnh sống của nhà văn thì luôn vận động đổi thay từng ngày. Có thể nghĩ khác và viết khác đi, dù trong đời sống văn học có tác giả 40 năm nay vẫn viết bằng một cái nhìn, một giọng văn. Bây giờ, để có những tác phẩm hay về chiến tranh, tôi nghĩ cần phải viết khác thời trận mạc. Khác như thế nào thì khó quá, chỉ từng cá nhân nhà văn giải quyết, chứ không có mẫu số chung.

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Bây giờ bắt chúng tôi viết lại giống như ngày trước cũng không viết nổi. Đó vừa là sự tiến bộ của nhà văn vừa là tâm thế thời đại. Vì thế đừng lo lắng với câu hỏi: Viết như thế nào? Thời bây giờ, tính chất sáng tạo độc lập của nhà văn rất mạnh và rõ ràng. Tài năng nhà văn quyết định sẽ viết như thế nào. Những cuộc thi, trại sáng tác, đầu tư tiền của… chỉ là hỗ trợ. Hỗ trợ văn chương chỉ có thể tạo ra một hệ thống tác phẩm nền tảng. Còn tác phẩm đỉnh cao lại thuộc về tài năng cá nhân.

Nhà thơ Anh Ngọc: Vẫn có hai cách tiếp cận và hai mục đích: Viết về cuộc chiến tranh của Việt Nam trong thế kỷ XX, hay là viết về đề tài chiến tranh nói chung? Tôi nghĩ, bây giờ, nhất là những người không sống trong chiến tranh thì một mặt tìm hiểu tài liệu gián tiếp và vận dụng tài năng hư cấu để vẫn tái hiện cuộc kháng chiến của Việt Nam, nhưng phần quan trọng hơn là chỉ lấy chiến tranh Việt Nam như cái cớ, môi trường, chất liệu sống để viết về đề tài chiến tranh nói chung. Và đó là việc tốt, nếu làm giỏi có thể có tác phẩm giá trị lớn.

Nhà lý luận, phê bình Bùi Việt Thắng: Để có tác phẩm hay về chiến tranh, bây giờ, tất nhiên phải viết khác trước. Không thể viết bằng trải nghiệm trực tiếp (theo nghĩa là vốn sống), mà là theo trải nghiệm mới – hiểu là trải nghiệm của tài năng – đó là trí tưởng tượng của nhà văn. Ví như văn hào Nga thế kỉ XIX Lev Tolstoy đã viết kiệt tác “Chiến tranh và hòa bình” sau cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại 1812 của nhân dân Nga đến nửa thế kỉ. Cần thiết phải chuyển từ “văn học tả trận” đến “văn học chiến tranh” theo đúng nghĩa rộng của từ này.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu: Tôi nghĩ, người viết cần có cái nhìn khách quan hơn trên cơ sở tài liệu được đọc. Bây giờ mà viết theo cái kiểu địch ngu, ta giỏi thì quá đơn giản. Tâm lý nhân vật cũng phải khác. Người bên này và người bên kia phải được nhìn nhận thấu đáo và nhân bản hơn.

Không có gì phải bi quan.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Văn học về đề tài chiến tranh đang đứng trước những thử thách tìm lại bạn đọc, cạnh tranh với các phương tiện truyền thông hiện đại và các loại hình nghệ thuật hiện đại. Đôi khi tôi có cảm giác bi quan về tương lai của văn học về đề tài chiến tranh. Người viết về chiến tranh đang ít dần đi, mà người đọc (nhất là người đọc trẻ) lại có xu hướng đọc những gì nhẹ nhàng, và gần với hơi thở cuộc sống hiện nay mà họ quan tâm, hơn là những gì mà họ xem là xa lắc, nặng nề.

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Theo tôi chẳng có gì phải bi quan. Những người tâm huyết với văn học về đề tài chiến tranh (cả tác giả và người đọc) vốn là số ít. Đã tâm huyết thì ở hoàn cảnh nào cũng không bỏ, nên nhà văn viết về chiến tranh chẳng cần phải cạnh tranh với ai, chỉ viết cho thị phần bạn đọc số ít này cũng đã là hạnh phúc. Nếu nhà văn viết về tình yêu, lối sống, về cuộc sống hiện đại này thì mới bị cạnh tranh. Yếu tố thị trường không tác động nhiều lắm đến cá nhân sáng tác đề tài này. Chỉ lo không có tài năng để sáng tác thôi.

Nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng: Tôi không bi quan về văn học đề tài chiến tranh. Đừng nghĩ nó sẽ biến mất khỏi văn đàn. Tôi chỉ chờ đợi những tài năng văn chương mới xuất hiện. Người ta nói, đôi khi chờ đợi cũng là một niềm vui, có khi là hạnh phúc. Tại sao không?!

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu: Tôi không bi quan. Nếu viết hay, viết đúng sẽ có người đọc. Các phương tiện nghe nhìn chỉ là cái nhất thời, điều còn lại trong lòng người đọc là tiếng lòng, sự thổn thức, hơi thở của thời đại. Điều ấy chỉ có trong văn học.

Hy vọng ở thế hệ nhà văn trẻ.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Tôi nghĩ rằng: Để sáng tác hay về đề tài chiến tranh thì trải nghiệm là lợi thế của các nhà văn đã từng kinh qua trận mạc, nhưng các nhà văn trẻ chưa phải – chưa được cầm súng ở chiến trường lại có cách tiếp cận chiến tranh riêng, và họ sáng tác theo cách của mình. Tuy nhiên, tôi lại nghĩ đến sự tâm huyết của những người viết trẻ về đề tài này. Các tác giả đi qua chiến tranh sẽ thưa vắng dần theo quy luật thời gian. Những tác phẩm quan trọng nhất đời văn, dường như họ cũng đã làm xong rồi. Trong khi đó, các nhà văn trẻ lại không mặn mà lắm với cái đề tài quá kén chọn người viết này.

Nhà thơ Anh Ngọc: Tôi nghĩ rằng: Trái chín có mùa, nhất định sẽ đến một ngày những vun bón, chăm chút của thời gian sẽ đẻ ra một mùa thu hoạch. Người Việt Nam không phải kém cỏi gì về năng lực sáng tạo văn học, nghệ thuật đâu. Tôi tin thế!

Nhà lý luận, phê bình Bùi Việt Thắng: Cách đây chưa lâu, trên báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, tôi có viết một bài bày tỏ kì vọng của mình về trọng trách của các nhà văn trẻ, cụ thể là thế hệ 7X. Họ sẽ là những người cống hiến cho độc giả những tác phẩm mới và hay về chiến tranh. Có thể họ không trải qua chiến tranh, nhưng điều đó không quan trọng và quyết định thành bại. Hãy đợi đấy!

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu: Các nhà văn trẻ có cái nhìn về chiến tranh thông qua tư liệu và tài liệu, qua tiếp xúc và qua cảm nhận thế hệ. Họ sẽ viết sâu hơn. Tôi tin tưởng các nhà văn trẻ.

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Chỉ còn chờ vào sự đột biến của lớp nhà văn già đi qua chiến tranh, dù quỹ thời gian còn ít ỏi. Chỉ còn chờ vào một lối viết mới ở các nhà văn trẻ khác hẳn thế hệ cha anh. Cánh đồng hiện thực chiến tranh “màu mỡ” lắm, cần phải chờ xa hơn nữa để có một thế hệ trẻ mới khác hoàn toàn những người đang viết hiện nay. Bằng tài năng và tâm huyết, lúc ấy dù chiến tranh đã lùi rất xa, họ vẫn có thể mã hóa được hiện thực, ý chí, tâm trạng… thời chiến tranh để sáng tạo nên những tác phẩm hay về đề tài này.

 

Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Vâng! Xin chân thành cảm ơn các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận, phê bình văn học đã nhiệt tình tham gia cuộc bàn luận này

S.N.M.

(Nguồn CAND)

 

 

 

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder