Vốn sống người viết trẻ

Khoảng 6 năm về trước, ở một lớp viết văn có rất nhiều người sáng tác luôn quanh quẩn với những đề tài “nhà mình” trong suốt 4 năm học. Năm thứ nhất viết về “bà tôi”, năm thứ hai viết về “ông tôi”, năm thứ ba viết về “mẹ tôi”, năm cuối viết về “con mèo nhà tôi”.

 

Khoảng 6 năm về trước, ở một lớp viết văn có rất nhiều người sáng tác luôn quanh quẩn với những đề tài “nhà mình” trong suốt 4 năm học. Năm thứ nhất viết về “bà tôi”, năm thứ hai viết về “ông tôi”, năm thứ ba viết về “mẹ tôi”, năm cuối viết về “con mèo nhà tôi”.

Có to bằng hạt cải?

Xin trích một câu nói trong Kinh Thánh khi chúa Jesus nói với một môn đệ : “Nếu người có lòng tin to bằng hạt cải, thì người có thể nói với dãy núi kia rằng:  hãy dời xuống biển, tức thì điều đó diễn ra”. Và, nếu có vốn sống to bằng  hạt cải thôi, thì rất nhiều người viết trẻ đã chẳng quẩn quanh với những điều đã quá sáo rỗng. Họ không thể thoát ra được những điều mắt thấy tai nghe ở thời niên thiếu đã nhiễm vào người.

Trong hàng chục năm sáng tác, ngoài chuyện miêu tả những người bình dị, với cuộc sống và lối sống bình dị, tính cách chẳng rõ nét và về mặt văn học cũng mờ nhạt nốt. Tức là viết ra những cái truyện ngắn, dòng thơ êm đềm, phẳng lặng, chẳng có chút ấn tượng nào cho một độc giả bình thường nhất.

Đề tài tình yêu là đề tài muốn thuở. Viết để cho hay cực kỳ khó. Vậy nhưng nhiều cây bút cứ “ngấu nghiến” mãi những chuyện tình lặt vặt cá nhân. Hàng chục truyện ngắn có mô típ giống nhau, vẫn tính cách ấy, hành động ấy, không gian và thời gian vẫn là cái đã viết, chỉ khác là cái tên nhân vật với cái tên truyện.

Một biên tập viên ở một tạp chí chuyên về thế giới phụ nữ tâm sự rằng: “Với tác giả A, ban đầu có vài truyện lóe lên một tia sáng. Chúng tôi đăng để động viên, sau thấy mấy truyện gửi đến vẫn không ngoài chuyện thất tình. Tôi gọi đến nói chuyện, tác giả hồn nhiên nói rằng: nhưng mà đó là chuyện thật của em, em viết nhập tâm và cảm xúc dồi dào”.

Ô hay, một người sáng tác, sao chỉ đi “khơi” cái vốn có của cá nhân, mà không nghĩ rằng văn học cần những điều hơn thế, vượt ra ngoài cá nhân(?). Vậy nhưng, những kiểu sáng tác ấy vẫn ngày ngày diễn ra và chình ình trên một số tờ báo, tạp chí nhỏ.

Mới đây, tôi được tiếp xúc với một tác giả ở thành phố Hồ Chí Minh, tuy tuổi đời không còn trẻ, được một số nhà văn đánh giá cao. Tôi hy vọng tác giả  này có thể đi tiếp được nữa, nhưng đã nhầm to. Sau khi “gặm” hết cái mình có trong người, tác giả này không chịu “nạp” tiếp mà vẫn cố tình “gặm”, sinh ra hàng loạt tác phẩm què quặt, đui mù. Và cô vẫn nghĩ đó là những điều đặc sắc, không ai có. Cô lại phủ nhận tài văn của một số người khác và nghĩ mình “ở chiếu trên” họ.

Ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, theo dõi trên mặt báo chí, có thể khẳng định số lượng các tác giả trẻ tương đương nhau. Trong đó, rất ít người có những năm tháng vật lộn trước cuộc đời, dám dấn thân, đi nhiều, học hỏi nhiều và lóe sáng khả năng đi xa. Phần lớn họ đã và sẽ tắt ngóm sau vài năm. Văn chương là môn nghệ thuật nghiệt ngã nhất trong số 7 môn nghệ thuật.

Nếu một ca sĩ, sau khi đã tốt nghiệp trường có chuyên ngành mình học, không thành ca sĩ nổi tiếng, thì họ vẫn có thể đi kiếm sống bằng nghề hát ở các phòng trà. Văn chương khác, văn chương không chấp nhận làng nhàng. Để tác phẩm đạt được giá trị văn chương thì trước hết, người viết phải có độ chiêm nghiệm, cảm xúc chín, sâu sắc cùng nhiều yếu tố khác.

Vậy nên, vốn sống của một số người viết trẻ chưa to bằng hạt cải. Nếu vốn sống đó to bằng hạt cải, họ đã chẳng viết hàng loạt những tác phẩm nhạt nhẽo xung quanh chuyện gia đình, rồi vài năm sau vẫn lặp lại những đề tài đó. Nếu vốn sống to bằng hạt cải, họ đã chẳng hỏi một người thầy rằng khi được giao đi phỏng vấn một người mà mình chưa biết thì phải làm thế nào. Nếu vốn sống của một số người viết trẻ to bằng hạt cải, họ đã chẳng miêu tả một con trâu ở nông thôn to và nặng như con voi, hay “nhầm nhọt” tỉnh Kiên Giang ở Nam Bộ giáp với tỉnh Hà Giang ở cực Bắc của đất  nước… Thế nhưng đã mấy ai nhận ra điều đó.

Ai chỉ ra thiếu sót cho người viết trẻ?

Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp có ý kiến cho rằng, chỉ ra điều thiếu sót cho người viết văn trẻ là cách yêu quý họ thật lòng. Nhưng đã không ít nhà văn đàn anh đã “giết” các cây bút trẻ bằng việc là khen vống họ lên, khiến họ ngộ nhận, tỏ ra khinh bạc và tin rằng lời khen đó thật lòng. Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp chỉ ra rằng, ưu thế của các nhà văn trẻ là họ được đào tạo cơ bản, được sống trong không gian tinh thần rộng mở, viết một cách tự do, thoải mái. Nhiều cây bút tỏ ra khá sắc sảo và bắt đầu chạm được vào thân phận của con người.

Nhưng hạn chế lớn nhất của các cây bút trẻ là vốn sống còn mỏng và dường như họ quá quan tâm đến cái tôi cá nhân của mình. Quan tâm đến cái tôi là đúng, nhưng việc quanh quẩn với vài ba cảm xúc bất chợt hay vài dòng suy tư mang vẻ triết lý sẽ làm cho nhà văn trẻ thiếu chiều sâu. Điều quan trọng trong nghệ thuật là sự trải nghiệm, chiêm nghiệm. Tư tưởng nghệ thuật của nhà văn được hình thành chính trong quá trình chiêm nghiệm sâu sắc về nhân sinh. Lê Quí Đôn đã từng nói: “Nếu trong đầu không có ba vạn cuốn sách, bước chân không đi nhiều chặng đường… thì không có gì để kể cho người khác nghe”.

Vậy trước khi muốn trở thành nhà văn thì phải sống đã, sống một cách thiết thực nhất. Trên thực tế, khi nhìn vào các bậc nhà văn đàn anh đi trước, chúng ta biết được họ đã sống và viết như thế nào. Chúng ta có một Nguyên Hồng là nhà văn của người cùng khổ. Bởi số phận của họ còn được nhà văn theo đuổi suốt cả một đời, kể từ cuốn sách đầu tay “Bỉ vỏ” đến bộ tiểu thuyết đồ sộ cuối đời là “Cửa biển”, 4 tập, trên 2.000 trang.

Bộ sách là tổng hợp toàn bộ kinh nghiệm sống của ông, là sự trải rộng và đúc kết mọi mặt vốn sống của ông về Hải Phòng lầm than và hướng tới cách mạng, trong đó không có nhân vật nào ông không gửi gắm một niềm yêu ghét được đẩy đến độ tận cùng.

Tất cả sáng tác của Nguyên Hồng là nhằm vào câu trả lời: Họ đã sống ra sao? Sự sống ấy, nếu cũng được gọi là sự sống, quả đã ngồn ngộn trên các trang viết của ông. Văn Nguyên Hồng khai triển, cho thấy biết bao là phong phú, là chồng chất và dồn nén cả một thế giới vừa đầy mâu thuẫn, ngang trái vừa giàu vẻ đẹp và chất thơ trong các cảnh đời và tình người!

Chúng ta có một lão nhà văn Tô Hoài miệt mài lao động, cần mẫn trau dồi, để có gia tài hàng trăm tác phẩm. Dường như ông nhìn cuộc đời bằng con mắt hiển vi, quan sát cụ thể, tỉ mỉ sự sống, ghi chép cần mẫn. Tô Hoài viết văn như anh thợ chạm khắc chăm chút tạo từng nét, dáng của sự vật lên thớ gỗ. Chính từ những điều ấy đã tạo ra những trang văn sinh động, hấp dẫn người đọc đến từng chi tiết. Một Nguyễn Huy Thiệp với chất sống ngồn ngộn mà ông đã từng nói mình làm tất cả mọi việc để có vốn sống cho viết lách.

Hay trường hợp Mạc Can, là “nhà văn trẻ” khi đã ở tuổi đã khá già. Ông đã trải qua bao nhiêu những năm tháng lăn lộn ngoài cuộc sống. Tuổi trẻ ông lầm lũi sống trên thuyền với những khát vọng. Sau  này, gần như cả cuộc đời ông là một người tạp kỹ đúng nghĩa. Tất cả những điều đó là thế mạnh làm nên các tác phẩm có sức cuốn hút, có tầm cỡ.

Người viết trẻ đã có những điều đó chưa? Chưa. Người viết trẻ còn thiếu vốn sống. Có một điều xin nói lại, sẽ có nhiều người phản đối, rằng người viết trẻ, tất nhiên tuổi đời còn ít, tuổi nghề chưa nhiều, sự va vấp và thời gian thu lượm vốn sống hạn chế. Làm sao bắt họ cứ phải có vốn sống.

Xin thưa, chuyện tuổi đời và có chịu đào sâu, đúc rút kinh nghiệm là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Người viết trẻ hoàn toàn có thể thu lượm vốn sống rồi viết, hoặc vừa viết vừa thu lượm, chứ không phải ngồi một chỗ kêu gọi cảm hứng đến, và gặm mòn những điều đã quá cũ của bản thân.

Vậy ai là người sẽ giúp người viết trẻ nhận ra vốn sống hạn hẹp của họ. Xin bỏ ngỏ cho những người đã từng khen một cách quá đáng, để một số người đã tắt ngóm sau một vài năm xuất hiện.

Người viết trẻ có tha thiết với…vốn sống?

Rất nhiều người đã nói, có ông nhà văn chẳng vào ổ gái điếm ngày nào, nhưng vẫn viết về họ cực hay. Hoặc một nhà văn chưa từng tham gia chiến tranh, vẫn có truyện ngắn đặc sắc về chiến tranh. Có nghĩa vốn sống không phải là điều quyết định hoàn toàn tác phẩm?!

Một phần vốn sống, đó là những trải nghiệm, không phụ thuộc vào ý thức của người viết. Nó hiển nhiên diễn ra và để lại trong lòng người đó những ấn tượng, để sau này, những ấn tượng đó được thể hiện sinh động trên trang viết. Không ai vỗ ngực tôi sẽ đi chịu đói khát, khổ cực để có vốn sống, hoặc tôi sẽ yêu thật nhiều để có kinh nghiệm viết mà thành công. Thế nhưng một cô gái vốn dĩ đã quá lứa, trải qua vài ba mối tình không thành, đã nhiệt tình tâm sự với bạn bè rằng: “Mình sẽ yêu và yêu nữa, không thành thân được thì cũng thành văn”. Quả là nực cười!

Không vào ổ điếm, nhưng người viết thành công về đề tài này đã phải đọc nhiều về nó, hoặc do bạn bè kể lại, hoặc bằng một sự cảm thụ đặc biệt nào đó mà nên. Vốn sống sẽ được hấp thụ theo nhiều con đường khác nhau. Căn bản nhất là: Đi nhiều để hiểu và sống hết mình trong đời sống nghiệm sinh; học và đọc trong sách vở, ở thầy cô và bè bạn bằng tư duy của một người cầu thị chứ không phải sự hằn học, khinh bỉ; sau nữa là chất lượng của việc sống và học tập đó.

Đã có mấy người viết trẻ dám dấn thân vì văn học, thậm chí dám hy sinh? Con số này quả là hiếm hoi, và tôi tin là họ sẽ đi xa hơn nữa, khi ý thức nghề nghiệp của họ cao và bản thân họ tự rèn giũa cho mình tính chuyên nghiệp trong sáng tác. Tôi không phủ nhận sạch trơn, rằng người viết chỉ dựa vào chút năng khiếu cá nhân mà thành nhà văn. Có trường hợp như vậy và đó là trường hợp xảy ra ở những thiên tài. Còn khi viết được vài truyện ngắn “đọc được” đã nghĩ mình trở thành thiên tài, rồi không chịu trau dồi, học hỏi thì coi như người đó đã khai tử nghiệp văn của mình.

Viết về cái mình hiểu chứ đừng viết về cái mình muốn, và đừng đánh mất mình bằng mấy lời khen đãi môi. Đó là lời khuyên chí lý cho người viết trẻ. Khi đã có vốn sống to bằng hạt cải, tác phẩm của anh sẽ vượt trên hạt cải, và anh sẽ chẳng phải là một hạt cải vô danh

Nguyễn Văn Học

Nguồn CAND

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder