Điều đau xót nữa là, sau này, nếu những công bộc kia bị xác định là làm sai, phải đền bù, thì nhà nước lại rót ngân sách ra trả. Mà ngân sách là tiền của chính chúng ta, trong đó có của gia đình em Thiện…
Điều đau xót nữa là, sau này, nếu những công bộc kia bị xác định là làm sai, phải đền bù, thì nhà nước lại rót ngân sách ra trả. Mà ngân sách là tiền của chính chúng ta, trong đó có của gia đình em Thiện…
Ở Buôn Ma Thuột có một cậu học trò tên là Đỗ Quang Thiện, theo như những gì em khai và những gì nhà báo Hoàng Thiên Nga thu thập được qua loạt bài điều tra trên báo Tiền phong thì có một ông là ông Thọ, đang đi trên đường bị đột quỵ, va vào xe của em, em đã dừng xe đưa ông vào bệnh viện cấp cứu. Việc làm ơn và rất tốt đẹp của em này đã dẫn đến hệ lụy là em phải… vào tù…
Điều đau đớn là, người ta đã đưa xe đặc chủng vào tận trường học, nơi được đánh giá là môi trường trong sạch nhất, trước hàng ngàn học sinh và giáo viên, áp tải em vào trại giam.
Nếu có tội thật sự em cũng không đáng bị đối xử như thế, khi chỉ vài ngày nữa là em tham gia kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học. 12 năm đèn sách, đến ngày thi, em “được” áp tải từ lớp học vào trại giam.
Chị Hoàng Thiên Nga và báo Tiền Phong đã vào cuộc, và té ra là, việc em phải vào tù thụ án nó vô cùng vô nhân bởi những người được cho là nắm trách nhiệm nhưng lại rất vô trách nhiệm.
Vô cảm ngay từ khi điều tra, người ta cứ khăng khăng là em có tội, làm ông kia bị thương giảm mấy chục phần trăm sức khỏe, dù các chứng cứ đều đứng về phía em. Người ta đã không tin em, một học sinh trong trắng, hiền lành, ngây thơ. Ngay từ đầu người ta đã cố coi em như tội phạm và đối xử với em như tội phạm và buộc em là tội phạm…
Rồi khi viện kiểm sát tư giấy sang bệnh viện, nơi chữa chạy cho ông Thọ, hỏi về nguyên nhân ông đột quỵ thì BV đã có công văn trả lời rằng ông đột quỵ do bệnh lý chứ không phải do tai nạn giao thông. Công văn của bệnh viện này, khi vụ việc tóe loe ra thì một kiểm sát viên trực tiếp tham gia vụ án mới sang bệnh viện… xin lại, còn trước đó, người ta không đoái hoài đến nó, mà chỉ tin theo biên bản pháp y của một ông lang băm khoác áo thầy thuốc nào đó, nói rằng ông Thọ bị tai nạn giao thông gây chấn thương sọ não. Ông này cho đến giờ vẫn đương cãi chày cãi cối…
Rồi sang đến tòa án. Tòa thành phố BMT xử em án treo, nhưng khi lên tòa tỉnh thì cho rằng em ngoan cố không nhận tội nên xử tù giam, và lệnh giam em, cho xe vào sân trường bắt em. Ở đây cần nói thêm, cái cách xử án ở ta, nhiều khi bị bức cung, mong ra tòa để giãi bày, thì quan tòa bao giờ cũng lớn giọng: bị cáo không thành khẩn, nại ra bị bức cung, và xử nặng thêm.
Chưa hết, ngay khi em phải thay bộ đồng phục học sinh để thay bằng bộ quần áo… Juvetut, gặp một ông quản giáo mang hàm thiếu úy, tên V, em vòng tay chào anh thì ngay lập tức bị 2 cái tát trời giáng vì tội dám gọi bằng anh. Té ra trong tù tất cả tù nhân phải gọi những người không phải tù nhân là… cán bộ. Chao ơi cái danh cán bộ nó mới vĩ đại làm sao, thảo nào người ta phải bỏ rất nhiều tiền để chạy làm cán bộ. Chưa hết nữa, em bị đại bàng cho một trận thừa sống thiếu chết rồi bắt gọi điện thoại về nhà nói gia đình mỗi tháng nạp vào tài khoản của y 2 triệu đồng. Té ra trong trại giam vẫn có thể sử dụng điện thoại và có thể bắt người ở ngoài nạp tiền vào tài khoản. Có gì liên quan giữa viên quản giáo đánh em và đại bàng bắt em nạp thẻ không nhỉ? cái việc em bị đánh ấy lẽ ra không ai biết vì em giấu không muốn nói cho bố mẹ lo, nhưng khi lao vào ôn thi em bị đau quá, gia đình phải đưa vào bệnh viện Hòa Hảo- Sài Gòn khám thì phát hiện em bị vẹo xương mũi, hậu quả của 2 cú tát? và gãy xương sườn- hậu quả trận đòn của đại bàng?
Chị Hoàng Thiên Nga có 1 cái tít cho 1 bài trong loạt bài điều tra rất hay là: “Công an, tòa án với… một cậu học trò”, nó vừa chua xót vừa giễu nhại, vừa đau đớn vừa khinh bỉ… Nhưng thực ra không chỉ có công an, kiểm sát, mà theo dõi hết vụ này thấy có sự tham gia tích cực hơn của pháp y và tòa án từ thành phố tới tỉnh Đăk Lăk. Họ đã hùa nhau đưa một cháu học sinh trong trắng ngây thơ ngoan ngoãn vào tù. Có lúc nào họ tự vấn lương tâm không, họ tự hỏi rẳng nếu Thiện là con mình cháu mình thì thế nào không, và nữa, với cái cách vô cảm, vô nhân và vô trách nhiệm như thế, họ sống thế nào với gia đình, dạy dỗ con cái, cháu chắt… như thế nào…
Cũng may là ngay khi báo chí vào cuộc thì tòa án tối cao đã kháng nghị bản án, trả tự do cho cháu Thiện. Thế nhưng cũng phải mất mấy ngày thì cái quyết định từ tòa án tối cao ở Hà Nội kia mới được Đăc Lăc thực thi, lại cũng phải nhờ vào sự tận tình, rất có trách nhiệm của chị Nga mà cái quyết định ấy được trao tận tay ông chánh án BMT vào ngày nghỉ để ông, hôm sau phải mở cổng trại cho Thiện ra, trong khi chính cụ Hồ từng thốt lên: Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại.
Và rồi đây sẽ có một phiên, hoặc nhiều phiên tòa nữa về vụ này. Nhưng qua vụ này, chỉ mới vụ này thôi, ta cảm nhận được sự vô cảm, vô nhân và vô trách nhiệm của một số công bộc của dân nó kinh khủng như thế nào. Họ được giao quyền và nghĩ rằng có thể làm bố thiên hạ được. Có thể ngu dốt, có thể đần độn, nhưng không được vô cảm, vô trách nhiệm trước thân phận con người, nhất là đấy lại là đứa trẻ đang học lớp 12, phía trước đang là bầu trời với những ước mơ hoài bão trong trắng của cháu. Đừng bắt cháu phải nghĩ tiêu cực về con người, nhất là những người nắm cán cân công lý trong bộ máy nhà nước…
Điều đau xót nữa là, sau này, nếu những công bộc kia bị xác định là làm sai, phải đền bù, thì nhà nước lại rót ngân sách ra trả. Mà ngân sách là tiền của chính chúng ta, trong đó có của gia đình em Thiện…
V.C.H