Vợ chồng nhà văn trong Đại hội – Bùi Việt Thắng


Trong tổng số 542 đại biểu chính thức tham dự Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX có 117 nhà văn nữ. Nhưng ấn tượng nhất về phái đẹp trong Đại hội có lẽ là hình ảnh có đến 6 cặp vợ chồng cùng sánh vai bước vào hội trường…

Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu bài viết “Vợ chồng nhà văn trong Đại hội” của nhà văn Bùi Việt Thắng.

Trong tổng số 542 đại biểu chính thức tham dự Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX có 117 nhà văn nữ. Nhưng ấn tượng nhất về phái đẹp trong Đại hội có lẽ là hình ảnh có đến 6 cặp vợ chồng cùng sánh vai bước vào hội trường…

Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu bài viết “Vợ chồng nhà văn trong Đại hội” của nhà văn Bùi Việt Thắng.

Trong tổng số 542 đại biểu chính thức đến từ 13 đoàn tham dự Đại hội đại biểu Hội NVVN lần thứ IX có 117 nhà văn nữ. Tính đến tháng 7-2-2015 tổng số hội viên Hội NVVN là 1.014, trong đó có 200 nữ nhà văn. Đó là những con số biết nói. Trong Đại hội có hai nhà văn nữ tuổi ngoại bát tuần (Đặng Anh Đào, Lê Thị Đức Hạnh), có hai nhà văn nữ trẻ nhất sinh năm 1980 (Vi Thùy Linh, Niê Thanh Mai). Có nhiều nhà văn nữ vừa được kết nạp vào Hội năm 2014 đã được tín nhiệm cử đại biểu tham gia Đại hội IX như Lê Hồng Nguyên (Hà Nội), Huệ Triệu (TP. Hồ Chí Minh), Mai Phương (Bắc Giang), Chu Thùy Liên (Điện Biên), Tống Ngọc Hân (Lào Cai). Đoàn thành phố Hà Nội có 15 nhà văn nữ. Đoàn thành phố Hồ chí Minh có số lượng đại biểu nữ nhiều nhất: 22. Nhà văn nữ phát biểu nhiều nhất trong Đại hội: Nguyễn Thị Phước (Chủ tịch Hội VHNT Nghệ An, TBT tạp chí Sông Lam) – 4 lần. Có 1 nữ nhà văn tham gia Chủ tịch đoàn – Nguyễn Thị Thu Huệ. Có 1 nữ nhà văn tham gia Ban Thư ký Đại hội – Niê Thanh Mai. Nhà văn nữ hồn nhiên nhất Đại hội: Nguyễn Thị Minh Thái, lúc nào cũng “tung tăng như cá tươi” (nhận xét của Hồ Anh Thái), bước lên sân khấu, cầm micrô và nói ngon lành “Tôi nói thay nhà thơ Hữu Thỉnh!” trong tình huống buổi sáng ngày thứ nhất khi trong hội trường bắt đầu nóng lên vì tranh luận những vấn đề nhiều người quan tâm (thủ tục kết nạp hội viên mới, vấn đề nhà văn không được tham gia các tổ chức bất hợp pháp, vấn đề bầu Ban Kiểm tra). Các nhà văn nữ trong Đại hội IX được phái mày râu khen vì phục trang rất đẹp, tuyệt đại đa số chị em diện váy. Thôi thì đủ màu sắc, kiểu cách. Thôi thì tha thướt, bắt mắt. Được khen thì chị em vui vẻ vô tư trả lời “ mặc váy cho nó mát”. Và chụp ảnh. Huy động hết các phương tiện từ máy di động đến máy chuyên dùng. Nào là tạo dáng, nào là các kiểu cười, nào là chụp đôi, chụp 4, 5… trừ chụp 3 vì kiêng!? Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chỉ chụp các em xinh tươi và đưa lên Website của mình và gọi là “đại hội ảnh”. Có lẽ nhờ chị em mà không khí đại hội bớt nóng mặc cho hội trường không được thoáng đãng, mặc cho Hà Nội đang ở cữ nóng nhất trong vòng 30 năm qua, mặc cho ngủ ít, nói và cười, đi lại nhiều vì 5 năm mới có một lần gặp gỡ, hàn huyên. Nhìn chị em thì mới cảm thấy được cái phần “hội” là nhiều, là quan trọng hơn cái phần “đại”. Có một sự kiện gắn kết với Đại hội IX trên tinh thần nữ quyền đó là sự ra mắt bộ sách dày hơn 1500 trang Phái đẹp, cuộc đời & cây bút (NXB Hội Nhà văn, 2015), tập hợp sáng tác của 96 nữ nhà văn trên các lĩnh vực thơ ca, văn xuôi, chuyển ngữ và lý luận phê bình.

Nhưng ấn tượng nhất về phái đẹp trong Đại hội có lẽ là hình ảnh có đến 6 cặp vợ chồng cùng sánh vai bước vào hội trường. Đó là: Trần Kim Hoa – Nguyễn Sỹ Đại, Vũ Minh Nguyệt – Sương Nguyệt Minh, Lê Hồng Nguyên – Phạm Khải, Trần Thị Huyền Trang – Nguyễn Thanh Mừng, Hoàng Phương Nhâm – Kao Sơn, và Trần Thị Thắng – Lê Quang Trang. Trong Đại hội các đại biểu gọi vui đó là những “cặp đôi hoàn hảo”. Nếu nói kỷ lục thì đó là một kiểu kỷ lục “made in Vietnam”.


Lê Hồng Nguyên và Phạm Khải cùng các nhà văn nữ tại Đại hội (Ảnh internet)


Trần kim Hoa – Nguyễn Sỹ Đại
là một cặp vợ chồng nhà văn – nhà báo, “hai trong một”. Trần Kim Hoa từng dạy học tại Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội từ năm 1988 đến 1995. Rồi cơ duyên khiến chị chuyển sang làm báo chuyên nghiệp. Từng công tác tại báo Hà Nội mới, sau đó làm Trưởng văn phòng đại diện báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Rồi lại chuyển. Nghề báo gắn với xê dịch, trong lúc phụ nữ lại cần bình ổn vì “đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm”. Biết tính sao đây khi  như người ta nói là số phận. Quen biết vợ chồng chị đã nhiều năm, trong mắt tôi Trần Kim Hoa là một phụ nữ hiện đại. Cuộc sống nhiều bươn chải nhưng trông chị lúc nào cũng tươi tắn như không hề có bụi đời nào làm rám được má hồng. Là đồng hương Hà Tĩnh với nhau, lại biết được cái trữ tình đắm đuối trong cách sống và viết của Trần Kim Hoa. Thơ chị tôi đã đọc (các tập Nơi em về, Quá khứ chân thành, Lối tầm xuân, Họa mi năm ngoái) và cảm nhận được cái cách lặng lẽ tỏa hương của nhà thơ. Một tinh thần khiêm tốn trong sống và viết “Trong dòng sông thơ, tôi nghĩ mình chỉ như một con sóng nhỏ. Tôi mong muốn con sóng ấy luôn mang đúng tên mình”. Một tự bạch như thế đủ để thấy hết sự chân thành vốn như một nhân tố kiến tạo nên thơ hay. Người chồng như Nguyễn Sỹ Đại, tôi nghĩ sẽ luôn hô ứng bạn đời, luôn biết chia sẻ từ một câu thơ hay đến những chuyện đại sự nuôi dạy con cái, làm nhà làm cửa. Và lớn nhất là xây dựng tổ ấm.

Vũ Minh Nguyệt – Sương Nguyệt Minh đều là cựu sinh viên khoa Văn học, trường Đại học KHXH & NV (ĐHQGHN). Hơn thế tôi còn làm chủ nhiệm lớp mà Vũ Minh Nguyệt là lớp trưởng. Tôi chơi với cặp này cũng ngót hai chục năm, nên thuộc tính thuộc nết của họ như em út mình vậy… Hai con trai lồng lộng đều là sinh viên trường đại học KHXH & NV (một anh đang làm nghiên cứu sinh ở Nhật, một anh thì vừa tốt nghiệp đại học). Đây là gia đình có thể ghi vào sách kỷ lục vì cả bố mẹ, con cái đều học cùng một trường. Trông cái dáng bề ngoài của Vũ Minh Nguyệt rất yểu điệu, lãng mạn, cứ nghĩ là người này phải làm thơ mới phải. Và thơ thì phải sướt mướt một tí. Nhưng ngược lại chị viết văn xuôi, chủ yếu truyện ngắn (đang thai nghén một tiểu thuyết đầu tay). Đã in riêng hai tập truyện ngắn, in chung với chồng một tập, và có nhiều truyện được tuyển vào các sưu tập truyện ngắn hay ở các nhà xuất bản khác nhau. Truyện ngắn của Vũ Minh Nguyệt không nhiều “chuyện” mà nghiêng về tâm trạng. Đọc thấy nhẹ nhưng thấm thía. Tôi đồ rằng vì có chút tự tin nên khi viết truyện ngắn, Vũ Minh Nguyệt không cần đến  tư vấn của chồng dù cho Sương Nguyệt Minh là một cây bút truyện ngắn có hạng hiện nay. Có thể là do tính độc lập, có thể là trong nghề văn thì chẳng ai dạy được ai. Thậm chí đôi khi “Bụt chùa nhà không thiêng” chăng?

Lê Hồng Nguyên – Phạm Khải là một trong ba cặp vợ chồng viết văn ở Hà Nội. Một dạo tôi thấy Lê Hồng Nguyên làm ở nhà xuất bản QĐND. Rồi lâu lâu không gặp, cũng không biết chuyển về cơ quan nào. Một lần làm tuyển chọn truyện ngắn nữ để in ở NXB QĐND, tôi có chọn của Lê Hồng Nguyên một truyện. Cứ tưởng con người lúc nào cũng cười tươi này chỉ viết những cái nho nhỏ, ngăn ngắn, ai ngờ chị đã viết tiểu thuyết (mạnh dạn dự thi ở Hội Nhà văn). Hình như  bây giờ chị rút về “cố thủ” ở nhà, lo cho cái tổ ấm của mình lúc nào cũng cơm ngon canh ngọt, nhà cửa thơm thơm tho sạch sẽ. Kể ra đấy cũng là một cách đầu tư chiều sâu có hiệu quả kinh tế. Và sau những ổn thỏa, đầm ấm gia đình chị tranh thủ viết như một đam mê không cưỡng lại được. Tôi biết anh Phạm Khải hiện là Phó TBT báo Công an nhân dân nên rất bận, ít thời gian rỗi dành cho việc nhà. Vì thế cần một hậu phương vững chắc, tin cậy. Ai đó nói “đằng sau một người đàn ông thành đạt có một người phụ nữ”. Câu này ứng với Phạm Khải và Lê Hồng Nguyên.

Trần Thị Huyền Trang – Nguyễn Thanh Mừng ở Bình Định tôi có quen biết mươi lăm năm nay. Viết văn, làm thơ, viết biên khảo với Trần Thị Huyền Trang như đều là những trải nghiệm nghệ thuật của mình. Nhưng riêng tôi thích truyện ngắn của chị. Tập truyện Một lứa bên trời bật lên được cái chất của Trần Thị Huyền Trang: tự tại, có chiều sâu và đắm đuối. Đều tay hay việc như là một động lực giúp cho cuộc sống gia đình của cặp đôi này xuôi chèo mát mái. Trần Thị Huyền Trang thi đua làm thơ với chồng. Ở Bình Định nhiều người nói vợ chồng nhà này mát tay, nhiều may mắn trong việc công, tư.

Trần Thị Thắng – Lê Quang Trang vốn ở Hà Nội, nhưng làm cuộc “nam tiến” cách đây chừng mười năm, hiện sống và sáng tác tại TP.HCM. Cùng tốt nghiệp khoa Văn học, trường Đại học KHXH & NV, cùng đi chiến trường làm báo. Sau hòa bình trở về bắt tay xây dựng cuộc sống mới với bao nhiêu khó hăn gian khổ. Nhưng không bao giờ từ bỏ văn chương. Chị Trần Thị Thắng viết văn, làm thơ, viết phê bình đa năng như đức lang quân. Ở lĩnh vực nào cũng say sưa, có thành tựu. Chị đã công bố 4 tập thơ, 1 trường ca, 6 tập truyện ngắn và 1 tiểu thuyết. Chị là con người nhiều nhiệt hứng nghề nghiệp vì “viết văn, làm thơ đều cần hướng tới con người để đấu tranh với cái ác cho cái thiện được nhân lên”.

Hoàng Phương Nhâm – Kao Sơn quê đều Bắc nhưng nay sống và sáng tác tại TP. HCM. Cả vợ cả chồng đều thi đua viết văn xuôi. Hoàng Phương Nhâm luôn khiêm tốn trong đời và trong văn “Tôi chỉ như một hạt cát trên bãi biển may mắn được ánh mặt trời chiếu rọi tới và hạt cát ấy lấp lánh lên. Thế thôi”. Chị tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du, khóa II. Một nhà văn nữ viết khỏe, sở hữu 8 tập truyện, hiện đã hoàn thành bản thảo 4 tập truyện (sẽ xuất bản). Những lúc thăng hoa nhất chị cũng cầm bút viết thơ như chồng./.

 

Hà Nội, tháng 7-2015

B.V.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder