Sáng nay đi phố về / Bụi đường phố rất dầy và đỏ lạ/ Gió cuốn lang thang/ nhuốm hồng cây lá/ Tôi biết rằng có bạn/ ở vai tôi!
Hạt bụi ấy nhẹ hay nặng bao nhiêu? Tùy sức cảm, sức nghĩ, và lương tâm của mỗi người trong cuộc chiến!
Sáng nay đi phố về / Bụi đường phố rất dầy và đỏ lạ/ Gió cuốn lang thang/ nhuốm hồng cây lá/ Tôi biết rằng có bạn/ ở vai tôi!
Hạt bụi ấy nhẹ hay nặng bao nhiêu? Tùy sức cảm, sức nghĩ, và lương tâm của mỗi người trong cuộc chiến!
Với Hải Phòng, thời chiến…
Vân Long
Tôi được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng có một thời nhìều bạn đọc ở xa cứ ngỡ tôi là người Hải Phòng. Có lẽ do giai đọan Hải Phòng chịu những trận đánh phá ác liệt, trực diện bằng bom phá, bom bi vào cầu Cảng, kho bãi, hoặc bằng bom nổ chậm rải vào các phố đông dân, rồi đến bom B52, rồi thủy lôi phong tỏa suốt một vùng hải cảng…thì tôi đã có mặt để ghi nhận, viết và in ra trên các báo về những sự kiện và nhân vật điển hình bằng thơ ở Hải Phòng. Được vậy, là nhờ Bộ Văn Hóa đã đồng ý với Giám đốc Sở Văn Hóa Thông tin Hải Phòng Trần Hòan, điều chúng tôi, một số diễn viên nhạc Giao hưởng về Sở Văn hóa HP. Lý do: Hải Phòng là thành phố thứ hai luôn được đón tiếp khách nước ngòai, sau khi họ đã thăm Hà Nội. Nhưng Hải Phòng lại có lọai khách nước ngòai chỉ đến Hải Phòng, dù dăm bẩy lần cũng không có nhu cầu tìm đến Hà Nội. Họ là thủy thủ những con tàu xứ lạ, chở hàng đến Cảng Hải Phòng đã thành quen. Họ muốn nhanh chóng trả hàng cho xong, hoặc để rút ngắn thời gian tiếp cận với vùng đất nóng bỏng lửa chiến tranh, hoặc để chuyển nhanh hàng chuyến nữa…Họ rất cần được chúng ta tiếp đón nồng hậu, không giàu về vật chất thì nhu cầu về tinh thần không thể thiếu. Hà Nội đã có nhạc Giao Hưởng, sao không chia sẻ cho Hải Phòng, chí ít có được dàn nhạc giao hưởng một quản. Đề nghị ấy cũng thật hợp lý! Đó là trước ngày xẩy ra những trận oanh tạc của không lực Mỹ ở các tỉnh miền Bắc. Đến khi có chủ trương, quy định của thời chiến, thì chính Bộ Văn hóa lại chỉ thị: Các đòan nghệ thuật không tập trung mà phải phân tán ra nhiều nhóm nhỏ, xuống các địa phương, các trận địa phòng không mà phục vụ… Khỏang hon hai chục diễn viên nhạc giao hưởng vừa chân ướt chân ráo chưa yên vị ở Đòan văn công Hải Phòng, thì nhận được tin này, họ mừng rú! Vậy là Hải Phòng không có cớ để giữ họ lại! Lại được trở về với “đất thánh của nghệ thuật” là Hà Nội. Lại mỗi sáng vẫn có thể nhâm nhi tách cà phê ở Bảo Khánh, hay ven Hồ Gươm trước khi phóng xe vào sàn tập Cầu Giấy. Buổi tối có thể cùng vợ con đi chơi quanh hồ, hay vào rạp xem một cuốn phim mới hấp dẫn… Chỉ có tôi là mang tâm thế khác các bạn ấy! Tôi đã gặp Giám đốc Sở Trần Hòan, đề nghị được chuyển sang phòng Sáng tác của Sở, để được ứng dụng khả năng thứ hai của tôi là làm thơ, viết báo. Ông Trần Hòan đã từng đọc một số sáng tác của tôi trên các báo hồi đó, đã đồng ý liền. Hồi còn ngồi ở Nhà hát Giao hường Hợp xướng Ca Múa Kịch (tên chính thức như vậy), cứ sau đợt biểu diễn được nghỉ vài ngày là tôi xin giấy giới thiệu của Hội Nhà văn, đi thâm nhập những vùng kinh tế trọng điểm đang xây dựng ở miền Bắc. Tôi lại là anh chàng chưa sống ở vùng quê bao giờ, cho nên chỉ muốn đi sâu vào đề tài công nghiệp. Tập thơ đầu của tôi (Tia nắng, 1962) có cảm xúc, hình ảnh, nhân vật của Khu công nghiệp Việt Trì, em gái tôi làm việc ở đó, tôi được dự lễ đổ móng lò cao số 1 Khu gang thép Thái Nguyên, rồi bất cứ có dịp nào, tôi đều tìm cách xâm nhập, tìm hiểu những cơ sở công nghiệp ở Hà Nội, làm quen với những cán bộ công nhân nhà máy…Nhưng những bài thơ ấy đều viết kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Đến giai đọan 10 năm sống ở Hải Phòng (1965-1975) tôi mới viết có chiều sâu, nhiều tâm huyết, với những chi tiết sống động, chỉ có thể bật ra từ thực tiễn, nhất là thực tiễn trong chiến tranh…
Về Hải Phòng, tôi được hòa nhập với lứa bạn thơ kém tôi hàng chục tuổi, họ coi tôi là đàn anh chỉ vì tôi đã có tập thơ in riêng. Nhưng chính tôi lại phải học giọng điệu, hơi thở trẻ trung của thơ họ. Tôi học ở Thi Hòang cách nghĩ dài rộng: Những tên đảo gọi về như đá vẳng/ Những Hòn Dáu, Long Châu, Cô Tô thăm thẳm/ Nghe tiếng bốn phương qua những ngọn buồm … (Thành phố những cánh buồm – mùa hè – cửa bể). Thi Hòang đã giới thiệu thành phố của mình thế này: Sóng và gió với tình yêu điên dại/ Ôm nhau ùa vào năm cửa sông/ Sóng tìm chi mà hú gào, réo gọi/ Đất nước đưa ra cho biển: Hải Phòng! Trời đất Hải Phòng những năm chiến tranh thì: Trời thì xanh như rút ruột mà xanh/ Cây thì biếc như vặn mình mà biếc (Thi Hoàng rời quân ngũ về Hải Phòng là xin vào phòng Sáng tác sau tôi ít lâu, độ ấy được gọi là Nhà Sáng tác). Tôi học sự quyết liệt của Thanh Tùng: Tôi muốn thẳng tay xé tọac bóng đêm/ Xé tọac không gian nghìn dặm/ Ép mỏng lại những tuần những tháng/ Cho lộ mặt quân thù/ Tôi xả súng! (Phố cửa biển). Còn Thời hoa đỏ sau này là một sáng tạo xuất thần, Thanh Tùng có muốn cũng không thể gặp lần thứ hai cảm giác đau xót mà nhân văn như thế nữa! Hai người đi bên nhau, không phải mối tình đầu, mà mỗi người đều có riêng kỷ niệm, hát là để nhớ lại tuổi trẻ tươi đẹp trong trắng đã trôi qua…Hòang Hưng, thày giáo dạy văn, vừa được giải Ba thơ báo Văn Nghệ, được điều xuống HP dạy văn, anh không dạy học trò làm thơ, nhưng hình như cái chất thơ tiết ra từ thày đã ám vào được hai cậu học trò, một là Đồng Đức Bốn, mãi sau này mới phát tiết ra giọng thơ lục bát không hề có ở thày. Còn Vũ Châu Phối, tâm hồn thật thơ đã có thơ ngay từ cách viết bâng quơ: Cỏ lên mùi hương lạ/ Thơm bâng khuâng đất ướt chiến hào/ Trong mùi thiên nhiên hoang dại/ Chiều nhẹ lên cao… (Hương cỏ). Ở mấy bài thơ đầu, tôi rất kỳ vọng ở Vũ Châu Phối, nhưng không hiểu sao hành trình thơ của cậu ấy lại ngắn như vậy! Còn Phạm Ngà quê chính ở Hà Nội, nhưng anh đi dạy học các tỉnh…Mở đầu cuộc chiến tranh phá họai ít lâu anh mới gửi báo Văn Nghệ một bài thơ, mà tự thân nhà biên tập thơ Trinh Đường trước khi báo in, đã quảng bá và đe chúng tôi: “Này! Các cậu chờ đó! Một bài thơ không dễ làm chút nào! của một nhà thơ cho đến giờ vẫn…vô danh! Có lẽ là bài đầu tiên của cậu ấy!”. Đó là bài Nghe tiếng ve kêu, anh được in ở báo Văn Nghệ mùa hè 1966. Chúng tôi biết tên bài thơ trước khi nghe tên tác giả: Bỗng cả ngàn cây rộn tiếng ve/ Trời như cao hơn, mây trong vắt/ Bồn chồn trong dạ, máy con mắt/ Ai gọi ta đó ở trong kia ? Ve kêu từng chập, kêu liên hồi/ Không gian sôi mãi tiếng ve sôi/ Bốn phía màu xanh như đặc lại/ Gấp bước ta đi, nắng lóe trời. Bài thơ ngắn gọn mà đầy hào khí, nhà thơ huy động cả trời đất nhập cuộc hành tiến với người chiến sĩ mà tiếng ve cũng thành lời giục giã, khúc quân hành! Phạm Ngà về dạy trường sư phạm ở Hải Phòng ít lâu rồi sang hẳn ngành văn hóa văn nghệ của thành phố, cho đến lúc nghỉ hưu, sau thời gian làm giám đốc NXB Hải Phòng kiêm Phó chủ tịch Hội Văn Nghệ. Những cuộc ra đi luôn là đề tài cho những bài thơ giai đọan đầu chống Mỹ: Từng viên gạch vuông sân ga cũng mang nặng ân tình/Mảnh đất nuôi ta và dạy ta làm chiến sĩ/ Cây nhãn đầu hè xém cành vì bom Mỹ/ Đang đâm chồi theo những bình minh. (Tiễn bạn – Trịnh Hòai Giang)
Cậu em nuôi thi sĩ Trần Quốc Minh của tôi thì bị tật từ nhỏ, khi có chiến sự, cậu từ chối đi sơ tán ra ngọai thành, ở lại với bộ phận sản xuất và văn phòng một HTX May mặc. Cậu vừa làm kế tóan cho họ vừa tập tễnh chống gậy, điều hành Chi đòan thanh niên cảm tử của phường đi phá bom nổ chậm ở dẫy phố đông dân Phan Bội Châu. Đêm về vẫn làm thơ…thất tình: “Em nhìn tôi như nhìn đi đâu/ Tôi nhìn em – vệt chân trời lùi mãi/Dẫu biết người đi không trở lại/Đàn một giây ngân lấy một mình…” (Tôi chỉ mong – Trần Quốc Minh)
Những bài thơ tôi viết về Hải Phòng in trên các báo không ngờ lại có ích với một bạn trẻ Hải Phòng lúc đó đang là anh lính thông tin (sau là nhà thơ Phạm Đức), khi làm nhiệm vụ người lính xa nhà, anh rất chăm đọc những bài thơ viết về Hải Phòng, để hình dung ra những cầu Cảng, đường phố, ngôi trường thân thuộc với mình đã bị bom đạn băm nát, anh nghĩ: liệu thơ ở hậu phương có được phản xạ tức thời và hiệu quả như những nhà thơ mặc áo lính đang viết trực diện ỏ chiến trường?
Sau Phạm Đức thành người bạn thơ của tôi ở Hà Nội, nhân đọc Tập Tuyển thơ của tôi, Phạm Đức mở đầu bài nhận xét tập thơ đó: “Tuy tuổi nhỏ của tôi lớn lên ở Hải Phòng, nhưng đến năm 1963, vào Bộ đội thông tin, đi nhiều miền đất nước, không được chứng kiến những ngày Hải Phòng chiến đấu chống chiến tranh phá họai của không lực Mỹ, tôi thường đọc thơ Vân Long viết về Hải Phòng trên các trang báo khoảng thời gian ấy để hình dung ra, tất nhiên bài thơ không thể là những thông tin chiến sự, mà cái chính thấy được phẩm cách con người Hải Phòng trong cuộc chiến, thấy thành phố bị tàn phá, con người vẫn: “…chạy máy, làm thơ, chén trà đầu ngõ” “Quán bán hoa hôm nay quá nhiều hoa/ Thành phố bộn rộn những hồi còi báo động/ Người vào xưởng máy vai mang sung/ Người đi phá bom, kìm búa trong tay…” Có điều những vòng hoa tang nhiều hơn hoa bó, khiến có người “ Nhìn mái quán cong, rêu phủ, mỉm cười: “Có vòng hoa nào cho ta không đó? Bài thơ ngắn, từng câu như những nhát chém., được kết bằng câu: “Sống hay chết vấn đề đã cũ/ Những mái nhà kiêu hãnh, ngẩng cao…” (Tuyển thơ Vân Long (NXB Hội Nhà văn quý I /2013), (bài báo in trên Nghệ thuật mới số 18, tháng 7/2013). Sau này tôi (Phạm Đức viết) mới biết: Cùng với đất nước, năm 1965 cũng là năm biến động trong đời thơ Vân Long: Đang tĩnh tọa ở một dàn nhạc lớn, vừa cưới vợ xong, ông đã phải chuyển công tác xuống HP, để người vợ trẻ ở lại Hà Nội. Rồi 10 năm chiến tranh ác liệt nhất ở thành phố Cảng là 10 năm anh sống đơn lẻ “ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân”…
Những năm chiến tranh, báo Văn Nghệ may có được một nhà biên tập, một bậc thày tận tụy, hết lòng với thơ trẻ: Nhà thơ Trinh Đường! Ông luôn liên lạc với mọi cộng tác viên xa gần các tỉnh. Luôn góp ý cụ thể để những bài thơ có tứ hay mà câu vụng, cần phải chỉnh lại thế nào. Khen và chê chỉ nhằm kích thích trí sáng tạo, lòng hào hứng của các tác giả. Tôi hay ra Cát Hải, Cát Bà gặp gỡ vài bạn làm thơ, dạy học ngòai đó. Nhà thơ, nhà giáo Hồ Anh Tuấn có lần cho tôi xem đến ba lá thư của ông Trinh Đường gửi ra 3 lần chỉ để góp ý, kiện tòan một bài thơ của anh (Hồ Anh Tuấn sau là Chủ tịch Hội Văn Nghệ HP). Ông Trinh Đường luôn có sáng kiến kích thích sự ganh đua những cây bút trẻ của từng vùng, qua cách in từng trang thơ của mỗi vùng, và nhất là luôn khẳng định sớm những cây bút có chút tài năng vừa lộ diện. Ấn tượng của tôi ngày ấy, cũng là của nhiều bạn khác nữa: Nhóm thơ trẻ Hà Nội và Hải Phòng là cứng cựa hơn cả. Tuy nhiên Hà Nội có lợi thế là nhân tài các tỉnh quy tụ về nhiều, nên các nhà thơ tài năng ấy vừa là của Hà Nội lại vừa là của “Trung tâm văn hóa”, dễ tìm, dễ chọn tác giả, chọn bài hay. Hải Phòng là thành phố thứ hai cũng có ưu thế hơn các tỉnh nông nghiệp như vậy, tiếp sau sát nút là nhóm thơ Quảng Ninh, rồi Quảng Bình tuyến lửa địa đầu miền Bắc. Cho nên có lần chọn trang thơ Hà Nội xong, nhà thơ Trinh Đường thấy tòan những cây bút kiệt hiệt thời ấy: Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Lưu quang Vũ, Tô Hà, Xuân Quỳnh, Phan thị Thanh Nhàn…khi chọn đến trang thơ Hải Phòng thì ông phải lẩy ra từng đối thủ để cân nhắc nặng nhẹ, đưa lên thi đài. Năm ấy, Hòang Hưng và tôi đều mới xuống Hải Phòng. Hòang Hưng dạy học bên An Dương. Tôi hỏi ông Trinh Đường: “Thế tôi và Hòang Hưng thì coi là Hà Nội hay Hải phòng ? Ông Trinh Đường ngây mặt ra một lát, rồi như nghĩ ra điều gì độc đáo lắm : “Thế này cậu này…Căn cứ vào sổ gạo! Cậu ăn sổ gạo ở Hải Phòng cậu phải là tác giả Hải Phòng! “ Chúng tôi cùng cười vui sảng khóai, vì đã biết dùng sổ gạo để giải quyết vấn đề …thơ!
Tôi tuy có một số bài thơ mình tâm đắc khi viết về Hải Phòng chống Mỹ, nhưng những câu thơ hay giai đọan này (mà các bạn thơ, các nhà bình luận cho là hay) lại chiếm tỷ lệ không nhiều so với những bài có câu hay viết về giai đọan sau, đề tài khác trong tuyển Thơ về cuối đời của mình. Nhận xét này của tôi căn cứ vào số lượng câu thơ hay mà nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã chọn, để “nói có sách mách có chứng”. Thí dụ: Anh Nguyễn Vũ Tiềm chọn của tôi 27 cụm câu thơ hay trong cuốn Nghìn câu thơ tài hoa, nhưng tôi điểm lại, chỉ có 4 cụm câu hay viết trong giai đọan Hải Phòng thời chiến. Đó là những cụm câu: Phố cong một vầng trăng khuyết/ Tháng năm mơ ước chưa đầy/ Tôi trong chiêm bao lẽo đẽo/ Đi về thương nhớ khôn khuây (Vào tranh tặng Thọ Vân họa sĩ). Hay khi tôi viết về Thanh Tùng, sau những biến động trong cuộc sống riêng của anh, tôi còn nhớ khi lần đầu viết chân dung anh đưa lên báo Tiền Phong chủ nhật, kèm theo ảnh vợ chồng anh và hai đứa con đẹp như hai thiên thần nhỏ bé. Đó là thời kỳ hạnh phúc của Thanh Tùng! Nhưng khi chị Nhàn mất, hai con anh, đứa thì ra Quảng Ninh tự kiếm sống, đứa con gái thì lấy chồng làm ăn ở TP HCM…Căn phòng của anh lại tạm bợ, y như hồi chưa có gia đình: bàn nước có cặn chè lên rêu mốc, mấy chiếc bát chưa rửa ở góc phòng…Thấy tôi từ Hà Nội xuống, anh xăng xái quét dọn nhanh, nhưng đến khi mở quạt máy thì công quét dọn của anh thành … công cốc, bụi vừa quét lại bay tung lên góc này sang góc khác…Anh hơi ngượng, thanh minh: “Mình có mấy khi ở nhà đâu, mấy góc nhà cho mấy bà hàng xén thuê gửi hàng qua đêm.”. Lúc này, anh giúp việc cho một quán bia đầu phố, nên ai muốn gặp anh, đều “được” ra đó. Thật là tiện với anh và các bạn thơ ở nội, hay ngọai thành, ở các tỉnh về thăm “Thời hoa đỏ” mặt anh luôn tưng bừng, tôi ngờ anh được trả lương bằng…bia. Còn tôi, đêm ấy, có sáng kiến mang chiếu rải ra sân, chủ khách cùng nằm ghếch chân lên nhau tâm sự, thoải mái…Ngay trong đầu tôi lúc ấy đã bật ra mấy câu thơ: Vợ đã dưới mộ/ Con thành chim bay/ Còn cái tổ? /Bụi của hạnh phúc/ Quẩn lên ở góc phòng này! (Cái tổ không).
Bài Hải Phòng một sáng sương mù (tôi mượn sự mờ nhòa của cảnh vật để đọc được những điều chỉ có tôi nhìn thấy), Nguyễn Vũ Tiềm khen cụm câu: Thành phố biển, những cuộc đời như biển / Càng sâu đằm sau mọi bão giông/ Tôi nhỏ xíu trước vô cùng của biển/ Lại lớn lên ý thức cái vô cùng! Cụm câu thứ tư Nguyễn Vũ Tiềm khen thì ở trong bài Mùa thu chia tay, tôi có cái tứ ở lại và ra đi với tôi ở cái thành phố đã nhiều duyên nợ với mình này hầu như cân bằng với nhau. Nếu đi, có lẽ một nửa tâm hồn tôi sẽ còn ở lại. Rồi chắc thời gian sẽ làm nhạt dần ấn tượng ấy, nhưng lúc đó thực tâm nghĩ như vậy! “Có thể nào tôi lại tiễn tôi ư? Tôi một nửa sẽ ở đây vĩnh viễn./ Ở nơi mình đã sống hết mình/ Mảnh đất ấy đâu chỉ là kỷ niệm!” để dẫn đến câu kết “hợp lý” của sự phân thân: Mùa thu ơi con tàu quen bến/ Cho tôi làm khách chuyến đi này/ Chớ ngạc nhiên thấy bàn tay vẫy tiễn? Của chính tôi trên kè đá vừa xây!
Tôi cho rằng sở dĩ sau giai đọan mười năm ở Hải Phòng (1966-1975), tôi viết có phóng túng hơn, dễ gặp câu hay hơn, là do có thời kỳ Đổi Mới, không e ngại đến sự suy diễn hẹp hòi như thơ của những năm trước đó! Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thơ tôi có thể quá coi trọng hiện thực và cập nhật thời sự. Nhưng cái giá trị của nội dung, của hiện thực cuộc chiến thì còn nguyên đó. Nếu giá trị nghệ thuật còn có phần non lép, thì giá trị lịch sử lại được tôn lên một cấp độ riêng. Không gì làm mờ đi được!
Tôi quan tâm nhiều đến hòan cảnh đặc biệt của Hải Phòng trước những trận đánh hủy diệt của không lực Mỹ: Phản lực Mỹ đánh HP một ngày 3 trận/ Ngày ba lần đống xác chúng cao thêm/ Tên giặc lái gục đầu mặt tối như đêm…và sự chống trả kiên cường của người thợ, người dân thành phố thật là đa dạng: Thợ đóng tầu biết thêm nghề chữa súng/ Cô gái Thảm len dệt lửa lên không/ Bác lái xe goòng vác đạn giỏi hơn người bốc vác/ Cần trục hàng trục pháo ngã ba sông…(Hải Phòng – Đêm mùa thu 1967). Tôi chú ý đến tứ thơ trong bài Thành phố trong tranh: Các họa sĩ Hải Phòng dù hòan cảnh bom đạn tơi bời đến thế nào, cũng vẫn giữ nguyên truyền thống: hàng năm phải có một triển lãm ở trung tâm thành phố. Và nội dung của triển lãm càng gắn chặt với thực tiễn người và việc của Hải Phòng, cho nên: cô tự vệ lại vào xem tranh vẽ cô tự vệ, bác thợ điện mang cả đồ nghề vào xem tranh, cũng lại thấy một chàng thợ điện trong đó…Cho nên: Bỗng một tiếng bom rung phòng triển lãm /Bom nổ chậm làm vôi rơi từng đám/ Những bức tranh lồng kính chợt long lanh/ Khẩu đội pháo sơn dầu thoăn thoắt đạn chuyền nhanh. Rồi…Chẳng còn gì phân biệt được giữa ảo và thực: Những ô cửa – chì than – trương mày phẫn nộ/ Cô mũ rơm lao về khu bom nổ/ Với túi đồ nghề, bác thợ điện vụt qua/ Từ sự việc tưởng như quen thuộc hàng năm của giới họa, tôi đã làm bật ra tứ thơ Họ vào tranh, họ lại tự tranh ra…(Đẹp như tranh, như từ trong tranh bước ra, đã từ tranh ra là phải đẹp!).
Khi không lực Mỹ phong tỏa Cảng Hải Phòng bằng thủy lôi dầy đặc, tôi xin đi theo với đội rà phá thủy lôi. Thời điểm đó, các anh chưa được trang bị kỹ thuật phá thủy lôi an tòan của TSKH Vũ Đình Cự và tổ nghiên cứu GK1, chưa thiết kế thành công ca nô không người lái (gọi là T5) của Kỹ sư Nguyễn Hữu Bảo và nhóm nghiên cứu GK2. Thế mà không thể không giải tỏa tuyến đường biền này để thông thóat được những lọai hàng chiến lược mà mặt trận đang cần. Đành lấy sự dũng cảm thay cho kỹ thuật: Các anh dùng ca nô có người lái cảm tử, phóng tốc độ qua bãi thủy lôi, lấy chấn động máy kích thích thủy lôi. Thường là thủy lôi nổ ngay sau khi cảm ứng với chiếc ca nô lướt qua, thương tích nhẹ nhất là đuôi chiếc ca nô hất tung người lái lên không, anh có thể bị choáng, ngất đi, áo phao đã giúp cho anh không chìm trong nước. Người lái chiếc ca nô sau sẽ vớt anh lên bờ để cứu chữa. Vì vậy người lái ca nô cảm tử phải trang bị như người lính xe tăng…và tất nhiên phải ráng chịu những hậu quả sau cú bật mình lên không như viên đạn, …nhiều anh không tránh khỏi bị trùn cột sống.
Chỉ sau này tôi mới biết: Số lượng hàng các nước viện trợ cho ta thì hai phần ba là chuyển qua đường biển. Vậy là Cảng chính bị bao vây cùng với các kho chứa hàng, lãnh đạo Cục đường biển và Cảng vụ Hải Phòng phải thành lập một đội hoa tiêu đi thăm dò các hang hốc ngòai vịnh biển và những nơi chốn, những con đường an tòan cho tàu bạn đỗ để chuyển tải xuống các xà lan, các xà lan lại phải có đường an tòan (tương đối) để chuyển vào kho chứa tạm ngòai vịnh biển…Nhiều tàu hoa tiêu đã bị thủy lôi sát thương, có khi chỉ vì tấm phác đồ không chính xác khi thủy lôi địch thả trong đêm, trong sương mù, các cô gái tổ quan sát bom khó hòan thành nhiệm vụ…Các cô phần đông là người giao nhận hàng ở Cảng chính. Cảng chính tê liệt thì phải điều các cô đến với công việc mới. Bám sát chuyến đi đó, khi trở về, tôi đã viết bài thơ dài Chuyện kể về một vùng biển nóng ghi lại sự kiện này:
Những ý đồ táo bạo / Bật sáng hầm tham mưu / Không có tiếng đập bàn tranh cãi/ Chỉ tiếng bủt lia trên bản đồ gấp gáp/Những tên đảo, tên rừng cheo leo đá dốc/ Tiếng thì thầm tâm đắc với canh khuya: “Anh nắm lấy Cảng rừng, còn tôi: Cảng Biển/ Chúng chặn một ta sẽ nhân nghìn bến!” Thu mình trong đêm đen đặc/ Náu hình trong bão, trong mưa/ Biến vào hốc đá thâm u/ Thắng giặc trong sâu trầm và bí mật/ Nhưng khi cần đương đầu đối mặt/ Ta xòe tung móng vuốt đại bàng/ Những chiếc HC quệt chéo chuỗi đạn vàng/ Đảo Gà Chọi phóng lên trơi cựa sắc/ Đảo Mái Nhà che chở công nhân / Hòn Lã Vọng quất lưỡi câu vào cổ giặc/ Hòn Con cóc nghiến răng phun lửa giữa trời/ Cả vùng Vịnh bỗng đất trời đảo ngược/Kẻ địch như bầy cá điên cuồng rạch nước/ Bốn bề mắt lưới bủa vây…… ………………………………………………….
Biển những ngày lặng gió/Như tảng thạch ngon lành/ Xanh núi xanh trời tranh thủy mặc / bình yên. / Chỉ những người đang phá mìn/ Hiểu bão giông lòng biển/ Phao kín ngực/ Mũ lính tăng/ Những người quyết tử/ Trước mặt thủy lôi nổ/ Thủy lôi nổ thúc lưng/ Thủy lôi dựng mũi tàu / Căng thẳng/ Họ sẽ vọt lên như viên đạn/ Rơi xuống nước, ngất đi/ một quả mìn vừa phá/
Đồng đội vớt họ lên như vớt cá/ Tỉnh dạy lại lao vào cuộc đấu: Thông luồng! Họ tranh cãi dành nhau/ Phần biển thủy lôi dày đặc/ Giành nhau/ Phần chết lớn hơn…………………………………
Nhưng cũng có lúc họ được chút xả hơi, được đôi chút thơ mộng với các cô gái:
Con tàu qua mỗi hòn núi nhỏ/ Lại gặp mảnh khăn bay/ Tiếng gọi thân thương/ Tổ quan sát bom là những cô gái/ Họ như vách núi tím hồng phong lan/ Họ như chim ưng đậu trên đỉnh đá/ Suối tóc nắng chiều biển xõa/ Bóng hoa lay…
Có thể tôi viết được nhiều về Hải Phòng thời chiến, do tôi có thời gian chủ động 24 giờ mỗi ngày vừa làm biên tập các tờ bướm thông tin tuyên truyền cho Sở Văn Hóa, vừa sáng tác riêng. Trong tâm thế, tôi như người viết được đi thực tế dài ngày, tranh thủ thời gian mà tìm hiểu, ghi nhận, nắm bắt và xử dụng những nét hiện thực đặc trưng của Hải Phòng mà đưa vào trang viết… Nhờ trò chuyện với bác thợ lò nung xi măng, biết được ngọn lửa lò bác đang điều khiển kia lúc nào cũng phải “chăn” cho đủ 1.500 độ, Non một chút, xi măng sẽ kém phẩm chất, già một chút lò sẽ cháy. Nên có câu: “Bác ghỉm lửa như ghìm cương ngựa dữ” và kết bài bằng 2 câu khái quát Suốt cuộc đời chỉ một màu lửa ấy/ Ngọn lửa để con người lớn dậy! (Chỉ một màu lửa ấy) Cảnh quan vùng đô thị thì: Cần cẩu nổi như con cò lặn lội/ Đầu bến, mom sông…Mảnh bom mẹ bom con đầy tủ kính Bảo tàng/ Bên chiếc mai cùn chôn vạn người năm đói / Tội ác gịặc cộm vào thời gian như núi/ Ta trả thù cho cả những ngày xưa. Nhà Bảo tàng trang nghiêm một lâu đài cổ/ Ban đêm – hàng cọc Bạch Đằng / Mang vóc dáng của dàn tên lửa. (Hà Nội đêm mùa thu 1967)
Phố phường người đi sơ tán, trở nên hoang vu, ai có nhiệm vụ phải có thẻ nội thành mới được ở lại: Mạng nhện giăng ngang ngõ/ Mắt mèo nhà xanh lét mắt mèo hoang/ Tiếng rít thuốc lào bên trụ sở/ Khôn khuây nhớ những quán hàng/ Nhớ bao trùm là nỗi nhớ trẻ thơ/ Vắng tận đáy lòng tiếng reo đùa thân thuộc/ Tiếng va đập thùng tôn đầu máy nước/ Nền gạch quanh năm ướt rượt đã khô cong.
Bài Kỷ niệm đỏ, tôi viết về chiến dịch 12 ngày đêm bom B52 rải xuống Hải Phòng, viết như ghi chép sự kiện, nhưng vẫn có con người, có tứ thơ. Mở đầu và kết thúc là cái chết “vô tăm tích” của một căn hầm đầy người ở vườn hoa trước quảng trường Nhà Hát, trong số đó có người tôi quen:
Ghê gớm sao những ngày/ giữa đạn bom, gạch vụn / Một đám bụi đỏ nhờ, gió cuốn/ Bám đầy vai tôi…Có chút nào của bạn đấy không/ Người bạn chết đêm qua. mất xác?Một con người yêu đời- chân thực/ Một đêm thành bụi đỏ phố phường…Chiến tranh đâu chỉ tìm trận địa/ Hắn đi tìm máu người/ Cơn khát thèm cháy cổ/ Chiếc mõm lửa vục xuống vườn hoa/ Quảng trường Nhà Hát/ Vục xuống đáy hầm/ Vục sâu gấp ba…Chiếc hầm đầy người/ biến mất…Giữa bài là những chi tiết không kém bi thương và nhịp sống bình thường mà anh hùng, vì đã diễn ra trong trận mưa bom tàn nhẫn: Tôi không quên/ sự thực lớn lao này: Giữa cái không gian nhờ nhờ bụi đỏ/ Cơn địa chấn chuyển rung thành phố. Chúng tôi đứng nguyên vị trí của mình. Chạy máy/ làm thơ/ Chén trà đầu ngõ.
Dân phố ngủ hầm từ chập tối/ Bình minh thêm một lọat khăn tang: Trái bom chưa nổ rơi đầu giường/ Cái chết ngủ chung tầm tay với/ Lau vết máu người thân trên tấm gương/ Ta lại soi mặt mình mỗi sáng/ Tiếng máu…cháy mặt mày dai dẳng. Và tôi kết bài bằng một…hạt bụi:
Sáng nay đi phố về / Bụi đường phố rất dầy và đỏ lạ/ Gió cuốn lang thang/ nhuốm hồng cây lá/ Tôi biết rằng có bạn/ ở vai tôi!
Hạt bụi ấy nhẹ hay nặng bao nhiêu? Tùy sức cảm, sức nghĩ, và lương tâm của mỗi người trong cuộc chiến!
V.L
.