Nhà xuất bản Kim Đồng vừa cho ra mắt tập thơ dành cho thiếu nhi “Địu chữ qua Cổng Trời” của nhà thơ Hoài Khánh. Đặc biệt, sách ra đúng dịp hè và ngày Quốc tế Thiếu nhi mồng 1 tháng 6, giờ lại Tết Trung thu.
Mới lướt qua đã thấy bắt mắt: Bìa là một bức tranh, bên trong cũng vậy, xen giữa những trang thơ là tranh, 10 bức, bức nào cũng cảnh và người miền núi, hoà hợp với nội dung các bài thơ. Đã vậy, vào đầu lại có bài giới thiệu của nhà thơ Trần Đăng Khoa. “Thần đồng thi ca” Trần Đăng Khoa thuở nào nay trong Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, gánh trách nhiệm với hoạt động sáng tác của những người viết văn làm thơ cả nước nên việc dành cho Hoài Khánh những lời trân trọng đủ nói lên nhiều điều.
Theo Trần Đăng Khoa, viết cho thiếu nhi là việc không mấy dễ dàng. Anh còn dẫn lời tâm sự của nhà văn, nhà thơ, nhà văn hoá lớn Nguyễn Đình Thi: Muốn viết được cho các em, tâm hồn phải trong, phải hiểu biết nhiều, hiểu trẻ con đã đành, còn phải hiểu cả người lớn. Phải yêu trẻ con lắm thì mới chơi với trẻ con được!
Viết cho thiếu nhi khó hay dễ, để lý giải cặn kẽ phải cả một câu chuyện dài, chỉ biết rất ít nhà văn viết cho thiếu nhi, trước đã hiếm nay càng hiếm, Hải Phòng hồi nào còn gần chục người, như Đào Cảng, Trần Quốc Minh, Nguyễn Thanh Toàn, Trần Công Hữu, Thọ Vân, Ngô Cẩn, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Tùng Linh, Lưu Văn Khuê; giờ quanh đi quẩn lại suốt chục năm chỉ mỗi Hoài Khánh (!) Người này người nọ ngoài viết cho thiếu nhi còn viết cho người lớn, Hoài Khánh chỉ viết cho thiếu nhi, không viết cho đối tượng nào khác. Năm 14 tuổi anh bắt đầu làm thơ, 16 tuổi có thơ đăng báo, 28 tuổi ra mắt tập thơ đầu tiên: “Bé Kim Giây” (1991), tiếp đó là “Tia nắng xanh” (1996), “Trăng treo giữa nhà” (2004), “Dắt biển lên trời” (2012) và giờ là “Địu chữ qua Cổng Trời”. Nhà văn có tác phẩm được đưa vào nhà trường là điều không dễ, Hải Phòng không một ai, ngoài… Hoài Khánh với bài thơ “Đồng hồ báo thức” ở sách giáo khoa lớp 3 tập 2: “Bác kim giờ thận trọng/ Nhích từng li, từng li/ Anh kim phút lầm lì/ Đi từng bước, từng bước/ Bé kim giây tinh nghịch/ Chạy vút lên trước hàng/ Ba kim cùng tới đích/ Rung một hồi chuông vang”.
Hoài Khánh dành thơ mình trong “Địu chữ qua Cổng Trời” cho những nơi hầu hết là miền rừng. Theo bước chân anh, ta bắt đầu từ những bài thơ viết về Hà Giang, bởi với nơi này anh có đến 3 bài trong tổng số 29 bài và Cổng Trời, tên một nơi ở địa đầu huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đã gợi cảm hứng cho anh đặt tên cho tập thơ. Cả 3 bài đều nhắc đến Cổng Trời: “Bé thơ váy áo xập xoà/ Gọi nhau địu chữ vượt qua Cổng Trời” (Buổi sáng ở rừng),“Trời ở gần lắm nhé/ Chị mây lượn quanh người/ Bé ngồi trên lưng mẹ/ Sớm chiều qua Cổng Trời” (Trăng núi), “Ai đến Cổng Trời mà xem/ Thăm thẳm chỗ nào cũng đá/ Vầng trăng cao nguyên lạ quá/ Ngồi trên mỏm đá tai mèo” (Đêm phố cổ Đồng Văn). Trước năm 1959 Cổng Trời là con dốc của đường độc đạo nằm giữa hai vách núi, lối dốc hẹp đến mức chỉ một người một ngựa đi lọt, người leo dốc chỉ thấy trước mặt là trời. Quang cảnh bây giờ đã khác, vách núi và đường được mở rộng, trở thành nơi dừng chân cho du khách vãn cảnh, chiêm ngưỡng Núi Đôi trông hệt như đôi gò bồng đảo dưới thung lũng. Hình thái thiên nhiên độc đáo ngày trước không còn nhưng tên gọi của hình thái đã trở thành địa danh.
Cảm nhận của Hoài Khánh về Hà Giang qua cái nhìn của trẻ thơ thật thú vị, đầy màu sắc và âm thanh. Đây là buổi sáng:“Te te chấp chới tiếng Gà/ Chim muông ríu rít ùa ra khắp rừng/ Chú Hươu nhảy nhót tưng tưng/ Bác Voi ngái ngủ lừng khừng bước đi” và đây là buổi tối: “Màn đêm thật tuyệt vời/ Ướp hương rừng ngây ngất/ Tiếng sáo ai réo rắt/ Thơm cả vào ánh trăng/ Sương long la long lanh/ Như ngàn sao nháy mắt”. Thị trấn Đồng Văn thì: “Núi đá xúm quanh phố cổ/ Nhà nhà lợp ngói âm dương/ Mùi ngô nướng chạy khắp đường/ Hun hút nồng thơm thắng cố… Váy khăn thổ cẩm xập xoà/ Đèn dầu thắp lên chạng vạng/ Chú ngựa giật mình tưởng sáng/ Hí vang một góc chợ phiên”… Cảnh và vật là vậy nhưng tất cả chỉ thật sự sinh động khi xuất hiện trẻ con, kể cả khi trẻ ngủ “Bé thơ gật gà lưng mẹ/ Mây ru núi ngủ êm đềm”, nhất là lúc trẻ với chuyện học hành. Đường đến trường thật vất vả, phải “địu chữ vượt qua Cổng Trời” nhưng mà vui và nhận được bao nhiêu chia sẻ:“Buổi sáng em ngồi học/ Mây rủ nhau vào nhà/ Ông mặt trời khó nhọc/ Đang leo dốc đằng xa… Rìa đường dăm chú ngựa/ Đứng nghe em đọc bài”.
Chia tay Hà Giang, ta lại theo Hoài Khánh đến Cao Bằng, Tam Đảo, Hoà Bình, Đèo Ngang, Đà Lạt… Ở thác Bản Giốc, Cao Bằng: “Chú bộ đội biên phòng/ Hiên ngang trên chòi gác/ Đàn trẻ thơ người Nùng/ Nô đùa ngay chân thác/ Nước reo thành điệu nhạc/ Cả núi rừng ngân vang/ Lá cờ đỏ sao vàng/ Phấp phới bay trong gió”; ở Tam Đảo: “Trại hè reo hò/ Cười rung thác Bạc/ Bày dê ngơ ngác/ Vội vàng be be/ Cả ba ngọn núi/ Lụ khụ lì khì/ Chúng em ùa tới/ Núi thành thiếu nhi” và bản Giang Mỗ ở Hoà Bình: “Lốc cốc tiếng mõ khua/ Trâu cõng chiều về bản/ Bạn gái nào thêu thùa/ Tay hứng đầy nắng đỏ/ Đàn em thơ gùi chữ/ Con đường mòn lượn quanh”. Đúng là cảnh vật bất kỳ nơi nào cũng chỉ thật sự sinh động khi có trẻ con.
Kể cả không xuất hiện trẻ con nhưng như nhà văn Nguyễn Đình Thi nói, do yêu trẻ con, hiểu trẻ con, Hoài Khánh với cái nhìn hồn nhiên của trẻ vẫn cảm nhận sự vật hệt như trẻ nhỏ. Nên đèo Ngang với cảm nhận ấy là “Núi duỗi chân ra biển nghịch”. Suối ở Đà Lạt cũng hệt như người:“Thảnh thơi cho cá tung tăng/ Suối men bờ đá dùng dằng mà đi/ Khi cùng cua dạo rù rì/ Khi làm thác đổ ầm ì ngân nga/ Theo sông ra biển bao la/ Nhập thành cánh sóng reo ca tiếng rừng”. Tre là mẹ, măng là con:“Mẹ tre hát khúc ca dao/ Măng non trằn trọc nép vào bóng râm”. Cây mướp thì có tay:“Tay giăng tơ/ Leo cực giỏi/ Quả ngắc ngơ/ Theo gió thổi”…
Với trẻ không có sự khác biệt giữa người với thiên nhiên, giữa người với vật, tất cả đều như người. Đọc Hoài Khánh thấy anh thật hiểu con trẻ, anh gọi mặt trời là Ông Mặt Trời, gọi mây là chị Mây, gió là chị Gió, rồi cụ Núi, chú Hươu, bác Trâu. “Dáng vẻ, tính tình” của những ông những cụ, những chị và chú bác ấy cũng như người: Mặt Trời nhăn nhó, núi lụ khụ, khù khì, “dịu dàng khăn lụa chị mây”, chim chìa vôi thì “Bạc đầu, tính vẫn thiếu nhi/ Cũng khoe áo mới mỗi khi xuân về”.
… Đọc “Địu chữ qua Cổng Trời” như được cùng nhà thơ chu du khắp nơi, được nhìn cảnh vật và con người bằng con mắt trong veo của con trẻ. Người lớn thấy mình trẻ lại, trẻ thơ càng thêm đáng yêu khi đọc thơ Hoài Khánh.
- V. K.