Những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng một thời không được lưu hành rộng rãi vì người ta cho rằng ông chịu ảnh hưởng học thuyết phân tâm học của Freut, nhà triết học Đức, mang tính gợi dục.
Nhà văn Bão Vũ
Vanhaiphong.com: Vũ Trọng Phụng là một trong số rất ít nhà văn Việt Nam được thế giới biết đến và khâm phục. Nhiều nhà nghiên cứu văn học trên thế giới đã viết về Vũ Trọng Phụng. Một phát hiện thú vị gần đây cho biết Vũ Trọng Phụng đã từng sống ở Hải Phòng. Cuốn tiểu thuyết đầu tay Dứt tình của ông được viết trong thời gian lưu trú ở thành phố Cảng và được đăng tải trên tờ Hải Phòng tuần báo thời đó. Thiên phóng sự dài Hải Phòng 1934 cũng được đăng trên nhiều số của Hải phòng tuần báo.
Để cung cấp thêm tư liệu về một tác giả từng gây được nhiều hứng thú trong dạy và học bộ môn Ngữ văn của thày và tṛò nhà trường THPT; Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Bão Vũ về Vũ Trọng Phụng – một tác giả lớn của văn học Việt Nam.
Khi được giao viết một số danh tài họ Vũ, tôi có dịp tìm đọc nhiều tài liệu quý về nhà văn Vũ Trọng Phụng. Chỉ gần 10 năm viết văn, Vũ Trọng Phụng làm việc bằng nhiều nhà văn nỗ lực suốt đời. Những tác phẩm có giá trị nhất được viết vào 5 năm cuối đời ngắn ngủi của ông. Năng lực phi thường của Vũ trọng Phụng đã được người ta so sánh với Honoré de Balzac nhà văn Pháp có sức viết không mấy người cùng thời sánh kịp. Vũ Trọng Phụng đã để lại một khối lượng lớn những tác phẩm gồm nhiều thể loại: 5 Phóng sự dài, 8 cuốn tiểu thuyết, 7 vở kịch, hơn 50 truyện ngắn và một số đáng kể tác phẩm dịch thuật, cùng hàng trăm bài báo, xã luận, tiểu luận phê bình mà cho đến những năm gần đây các nhà nghiên cứu vẫn còn sưu tầm được. Nhiều nhà văn cùng thời với ông và những nhà văn các thế hệ sau này đã mơ ước có được kết quả sáng tạo đó, cho dù chỉ là một phần. Những phóng sự Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây, Lục xì, Cạm bẫy người… của ông là những tác phẩm báo chí giàu tính hiện thực, mạnh mẽ quyết liệt, sắc bén, phơi bày những cảnh đời cay cực tăm tối, tội lỗi của một xã hội vô luân đầy rẫy những bất công, phi lý. Những tiểu thuyết Vỡ đê, Giông tố, Số đỏ… là những tác phẩm văn học tiêu biểu của nền văn học Việt Nam. Peter Zinoman, phó Giáo sư khoa Lịch sử Đông Nam Á trường đại học Berkeley, California – Mỹ, người đã dịch tác phẩm Số đỏ ra tiếng Anh được độc giả Mỹ nồng nhiệt đón nhận, đã gọi tác phẩm này là một kiệt tác và Vũ Trọng Phụng là “một thiên tài văn học lỗi lạc” (nguyên văn). Số đỏ được xem như một tác phẩm văn học xứng tầm với văn học thế giới, có thể đứng cạnh những tác phẩm của những nhà văn bậc thầy. Peter Zinoman cũng từng ví Vũ Trọng Phụng với nhà văn châm biếm George Orwell nổi tiếng của nước Anh (1903-1950) với tiểu thuyết Trại súc vật. Những nhân vật của tác phẩm Số đỏ như Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan, cụ cố Hồng, vợ chồng Văn Minh,… đã bước ra ngoài đời, và người ta dễ dàng nhận ra họ trong cuộc sống không chỉ của ngày hôm qua mà còn cả của hôm nay. Những nhà văn cùng thời với Vũ Trọng Phụng đã so sánh tầm quan trọng của ông trong đời sống văn học Việt Nam với vai trò của Honoré de Balzac tác giả của bộ tác phẩm Tấn trò đời ở xã hội Pháp vào thế kỷ 19. Sự so sánh đó là từ những tương đồng hiển nhiên về tác dụng bóc trần, chế nhạo những xấu xa đồi bại của một xã hội đang chuyển hóa.
Nhiều nhà nghiên cứu đã coi Vũ Trọng Phụng như một hiện tượng đặc biệt của văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Người ta cho rằng ông chịu ảnh hưởng sâu sắc các nhà văn lớn như Cervantes của Tây Ban Nha; Molière, Rabelais và Guy de Maupassant của Pháp, Dickens của Anh, và Gogol của Nga. Thậm chí có nhà phê bình đã so sánh ông với những văn hào lỗi lạc đó. Nhưng, thế hệ độc giả ngày nay ít ai biết, Vũ trọng Phụng chỉ mới học hết bậc tiểu học thời Pháp ( tương đương lớp 5 bây giờ ).
Vũ Trọng Phụng sinh năm 1912 tại Hà Nội. Quê nội của ông ở làng Hảo, huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên. Ông mồ côi cha từ năm 7 tuổi, người mẹ đảm đang tận lực với con cái nhưng cũng chỉ nuôi ông ăn học đến hết bậc tiểu học. Vũ Trọng Phụng thôi học. Từ năm 16 tuổi, đi làm nghề đánh máy chữ cho một hãng buôn, rồi cho một nhà in. Sau hơn hai năm, bị sa thải, thất nghiệp, Vũ Trọng Phụng chuyển sang làm báo, viết văn, và văn đàn nước nhà xuất hiện một tên tuổi mới, một nhà văn đem lại một sắc thái mới cho văn học Việt Nam.
Vũ Trọng Phụng đã từng có thời gian sống ở thành phố Hải Phòng. Năm 1934, ông từ Hà Nội ông xuống đất Cảng viết cuốn tiểu thuyết Dứt tình ( còn có tên là Bởi không duyên kiếp). Cuốn tiểu thuyết đầu tay này được đăng dài kỳ theo hình thức feuilleton trên tờ Hải Phòng tuần báo thời đó. Thiên phóng sự dài Hải Phòng 1934 (**) đăng nhiều số cũng trên Hải phòng tuần báo, trở thành tư liệu quý trong nhiều lĩnh vực về lịch sử, kiến trúc xây dựng, kinh tế, văn hóa xã hội của Hải Phòng sau này. (Người viết bài này, đã sử dụng một phần tư liệu từ phóng sự nói trên khi thực hiện bài viết về “Bản sắc kiến trúc Hải Phòng”).
Nói riêng về phóng sự, Vũ Trọng Phụng được giới báo chí phong là “Vua phóng sự đất Bắc”. Có một thời từ thực tế người ta định ra ưu thế theo vùng miền trong giới bút mực, là:”Văn Bắc, Thơ Trung, Báo Nam”. Mặc dù có sự nhận định khá chuẩn xác như vậy, nhưng không thấy có tên tuổi nào trong số các ký giả Nam Kỳ được “phong vương” như Vũ Trọng Phụng. Mới 22 tuổi, với căn bản học lực bậc tiểu học, không qua trường lớp dạy viết văn, làm báo; nhưng ngày nay, những tác phẩm của ông được định vị trong số những mẫu mực kinh điển cho các trường đại học về sư phạm, văn học, báo chí; được các giới chuyên môn nước ngoài đặc biệt quan tâm khi nghiên cứu về văn học Việt Nam.
Người Hải Phòng đương đại sẽ rất thú vị khi đọc lại một đoạn trong bài phóng sự Hải Phòng 1934 của Vũ Trọng Phụng:
…Hơn bẩy chục năm trước đây, một chiếc tàu Hoà Lan đến bỏ neo trước công thành này. Sáng hôm sau, dân gian giật nảy mình vì tự nhiên thấy chiêng trống khua om. Họ đổ ra xem: Một cảnh tượng đẹp mắt lạ! Một hàng lính vác cờ, ung dung đi theo điệu… quốc ca:”Rinh tùng rinh tùng rinh”… Rồi một thầy đề cưỡi ngựa gõ trống cơm, thổi loa khản cả cổ: “Dân bay dẹp mau! Quan Hải Phòng chánh sứ thân đi khám tàu!!!”. Rồi đến quan, mũ mãng cân đai oai vệ lắm, sát khí đằng đằng, oai phong lẫm lẫm, ngồi trên kiệu. Đến tàu, quan xuống kiệu. Quan tàu và lính thủy Hòa Lan xếp hàng trên boong ngả mũ chào và tủm tỉm cười. Quan Hải Phòng chánh sứ vừa leo thang vừa run. Còn khám tàu ra sao thì không biết…. Vậy thì, trước khi có bến tàu, cảng ta vào hồi Tự Đức, đã có quan Chánh sứ Hải Phòng đi khám tàu tây đấy nhé!….
Đấy là một cảnh tượng về cảng Hải Phòng hơn bảy mươi năm trước đó, không ghi trong sách sử, được Vũ Trọng Phụng viết từ một chứng nhân mà ông cất công tìm ra ở khu Hạ Lý. Còn ở thời điểm viết bài phóng sự ấy, năm 1934, những vấn đề về kinh tế kỹ thuật của cảng Hải Phòng được ông thể hiện sau những điều tra rất chuyên nghiệp của một nhà báo thành thục:
… Theo biểu thống kê của phòng Thương mại Hải Phòng thì từ tháng giêng đến tháng bẩy Tây năm nay, số tàu vào bến là 231 chiếc chở độ 492.960 tấn hàng hóa, mà số tàu từ Sáu Kho nhổ neo đi là 235, chở ra hải ngoại số hàng hóa 498.914 tấn…
… Từ khi kỹ sư Lefèvre xây nên bến tàu thế nào thì từ… nghìn xưa đến nay, không có điều gì thay đổi cả. Người ta không chịu mở mang cho bến có thể là chỗ bỏ neo cho những chiếc tàu biển khổng lồ. Mấy cái máy đào đất hàng ngày chống với nạn phù sa không đủ làm việc. Đáng lẽ phải mua những máy tối tân để đào sâu bến thì người ta lại để cho một viên thư ký kế toán đào mất cái két bạc…
Những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng một thời không được lưu hành rộng rãi vì người ta cho rằng ông chịu ảnh hưởng học thuyết phân tâm học của Freut, nhà triết học Đức, mang tính gợi dục. Chưa bình phẩm về những cáo buộc mang tính cực đoan, nông nổi và thiển cận ấy, nhưng điều đó là một bằng chứng về sự khổ học của ông về ngoại ngữ, triết học, văn học và những môn khoa học xã hội bổ trợ khác để thành một nhà văn toàn tài ở tuổi thanh niên.
Vậy mà Vũ Trọng Phụng đã sống trong nghèo túng và chết vì đói khát, vì lao lực. Ông mất vì bệnh lao phổi khi chỉ mới 27 tuổi, một văn tài đoản mệnh. “Giá như mỗi ngày tôi có một miếng beefteak ( thịt bò rán) thì tôi đâu phải chết non như thế này.” Khi hấp hối, ông đã than như vậy với người bạn, nhà văn Vũ Bằng. Và ông đã nhờ nhà văn Ngọc Giao đến lúc làm lễ nhập quan, hãy kê dưới đầu ông những trang sách đang in của cuốn Trúng số độc đắc, cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông. Một nhà văn tâm huyết với nghề cho đến khi sắp lìa đời.
Có những tác phẩm bất tử, những tác phẩm mà độ bền của nó thách thức thời gian, những tác phẩm còn tồn tại lâu hơn nấm mồ của người sáng tạo ra nó. Về lĩnh vực văn học, chúng ta có thể tin rằng những tác phẩm sinh động và độc đáo của Vũ Trọng Phụng viết về cuộc đời sẽ tồn tại mãi cùng với cuộc đời, cùng với những thế hệ người đọc sau này. Và, điều quan trọng là con người và tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đã khiến cho thế hệ cầm bút chúng ta hôm nay phải suy nghĩ về sự khổ luyện và tận tâm để đạt tới trình độ chuyên nghiệp của nghề văn.
BV
________________________________________________________________
(*) Vũ Trọng Phụng mất vào tháng 10-1939. Còn ngày mất của ông, các tài liệu ghi khác nhau 12-10, 13-10, 18-10…
(**) Phóng sự Hải Phòng 1934 của Vũ Trọng Phụng trong số những tài liệu mới sưu tầm được gần đây.