Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Bùi Giáng – (Chào nguyên xuân trong Mưa nguồn)
Thơ ca có mặt rất sớm và chưa bao giờ rời bỏ con người. Là trò chơi, là nghề nghiệp, là một phương diện sống: thơ ca đích thực là một nhu cầu.
Ở Việt Nam, nhu cầu thơ bao giờ cũng cao. Nếu có ai đó làm một khảo sát so sánh hẳn sẽ nhận ra cán cân văn chương Việt Nam lệch hẳn về phía đĩa thơ.
Người Việt làm thơ như nói, nói để nhẹ lòng, để hồi phục, để tự bảo vệ, để kháng cự, để đấu tranh… có vô vàn lý do để thơ ca trở nên thân thuộc ruột rà trong đời sống tinh thần của dân tộc này.
Cùng với chiến tranh vệ quốc, có lẽ thơ ca là phương diện hoạt động có một từ lực đặc biệt, thu hút trí tuệ và tâm sức người Việt, quy tụ họ thành một khối, một phong trào, dấy nên một cảm hứng chung. Các phương diện văn chương nghệ thuật khác không có cái từ lực đó.
Có quá không khi nói rằng, ở Việt Nam, những chuyển động lớn của thơ ca mới mang lại các bước ngoặt văn chương, bởi đó là bằng chứng của một sự chín muồi trọn vẹn về cảm xúc thẩm mỹ.
Như vũ trụ, văn chương cũng có mùa. Nhưng mùa của văn chương không hoàn toàn tự nhiên nhi nhiên, nhịp vận hành của văn chương tùy thuộc rất lớn vào điều kiện xã hội.
Trong không gian Châu Á tiểu nông, mùa màng nương theo chu kỳ của thiên nhiên, thuận thiên là lẽ đẹp, nhân hòa là chuẩn tốt. Lại thêm nạn ngoại xâm. Cả dân tộc co cụm lại trong một ý chí. Cái tâm thế của sinh hoạt đời thường làm thành tâm thế thơ ca. Dù vậy, tiếng gọi thẳm sâu tự cội nguồn của thơ ca vẫn lay động nhà thơ, khi có dịp. Đó là lúc nhà thơ được một mình. Một mình để đi tìm.
Trước thế kỷ 18, khát vọng đổi mới của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn chỉ dừng lại ở cái một mình. Thời Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, những tia lửa đã bùng lên thành đám cháy. Cái rừng rực của những trang viết tài hoa ấy làm nên bước ngoặt thứ nhất của văn chương Việt Nam. Mầm hiện đại đã hé. Một nhu cầu tự thân, không cần nhờ ai mớm sẵn.
Vậy mà xã hội vẫn mãi dùng dằng theo quán tính. Phải đến gần trăm năm sau mới có bước ngoặt thứ hai: cái mầm hiện đại vùi mình trong sương giá bụi mù lịch sử mới vươn mình lớn dậy thành rừng: phong trào Thơ Mới.
Nguyễn Du Hồ Xuân Hương kháng cự quán tính bằng bản thân sáng tác. Thơ Mới kháng cự quán tính bằng cả sáng tác và lý thuyết. Những kinh nghiệm cũ mới đều được vực dậy, những kiến thức Đông Tây đều được khai thác. Tản Đà và Phan Khôi lại là hai người tháo đập, chứ không phải một trí thức ở Tây về, như Nhất Linh, chẳng hạn: đó há là chuyện ngẫu nhiên?
Sau khúc song tấu tuyệt kỹ của Nguyễn Du Hồ Xuân Hương, là màn tân cổ giao duyên. Sau bản giao hưởng hoành tráng của Thơ Mới là dàn đồng ca. Dòng sông thơ chưa bao giờ chảy ngược. Hình như nó trở thành công trường với tiếng xủng xoẻng của choòng cuốc đắp đê đắp đập và giọng hò dô. Kỳ vĩ thay sức nước từ con đập khổng lồ chưa từng có, lưu vực Thơ Việt Nam trở nên rộng khác thường, giòng cuộn chảy một nỗi hân hoan bạo liệt.
Tiếng réo gọi của lịch sử và tiếng reo của con- sông- thơ –ngăn- đập đã nhấn chìm một kháng cự lần ba, nhỏ nhoi và bi đát: giòng thơ Nhân Văn Giai Phẩm. Hãy đọc lại mà xem, những câu thơ hiện đại vào bậc nhất tràn đầy cảm hứng dự báo chỉ có thể có với những người nghệ sĩ nhập cuộc trẻ trung. Và nội lực trong những nghệ sĩ này là có thực, để trải qua bao thăng trầm số phận, một số trong họ hôm nay họ vẫn có thể hồi sinh, bước tiếp.
Là một mô hình xã hội khác, Sài Gòn trả lại cho nhà thơ cái chỗ đứng một mình. Lại đi tìm và kháng cự, các nhà thơ Sài Gòn dù xác tín vẫn chừng như bị dằng xé. Đó là cái ngập ngừng đáng trọng, về tư thế cá nhân, nhưng không giúp giòng sông chảy nhanh ra biển.
Giới văn học Việt Nam đồng ý với nhau rằng 1986 là một mốc văn chương được gọi là thời kỳ Đổi mới. 15 năm cuối thế kỷ 20 làm người ta liên tưởng với 15 năm trước 1945, tuy nhiên theo tôi, cái mốc ấy vẫn chưa phải là bước ngoặt, như 1932. Dòng sông văn chương Việt Nam chỉ được tháo đi một trong các vách ngăn của đập để dần dần chảy lại bình thường. Tìm lại dòng chảy tự nhiên đã là mừng, sức đâu mà lượn xoáy. Và vì thơ ca chưa chuyển, nên văn chương cũng ngần ngừ.
Vậy thì bước ngoặt mới sắp đến rồi chăng? Các nhà thơ đã sẵn sàng kháng cự? Và kháng cự cái gì? Câu hỏi sau cùng xem ra khó nhất.
Thao thức của Nguyễn Du, cay đắng của Hồ Xuân Hương còn đó. Giấc mộng giao hòa Đông Tây của Xuân Thu Nhã Tập dang dở. Mọi giá trị đều mới ướm. Những mùa cách tân hối hả vội vã, bị xếp lại, Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa…(Xuân Diệu). Thơ ca Việt Nam chưa đi hết con đường hiện đại, như cái quả lẽ ra chín mõm để rụng xuống mọc lên mầm cây khác, nó bị vặt khi còn xanh biếc.
Những tìm tòi cá nhân đơn độc như những cọng ngó sen bị dứt lìa, mong manh, yếu ớt nối dính cùng nhau bằng một chút tơ.
Những món nợ văn chương, đặc biệt là thơ ca, qua những lần chưa trả trọn, đã chồng chất trên vai người làm thơ hôm nay.
Đường xa gánh nặng.
Vậy nên không ngạc nhiên Thơ hôm nay ngổn ngang cùng tồn tại cái quá cũ, cái cũ vừa, cái mới mới và cái mới. Có cả cái nhiệt hứng và cái xao xác nơi người làm thơ. Con đường thơ nhiều miếng vá, những decal lấp lánh sắc màu.
Không có đường biên rõ để chúng ta nhận ra cái nào là “những bông hoa trái mùa”, thuộc về “mùa cổ điển”, cái nào là Thơ Mới, như những năm 1932-1945. Có thể nói, trong không gian Thơ Việt Nam đương đại, Thơ Mới và thơ tự do chưa rõ rệt là một quá khứ, giống như tình trạng thơ Đường, trước đây.
Phải chăng trong tâm thức người Việt, chiếc áo thơ Mới chưa chật chội? Cái cảm nặng hơn cái nghĩ, nhu cầu giải tỏa nhiều hơn nhu cầu làm nghệ thuật?
Phải chăng sau ngần ấy lần lỡ nhịp, thơ Việt Nam như người bước hụt?.
Phải chăng, dù đất nước lệ thuộc, các nhà thơ xưa vẫn được tựa lưng vào hai nền văn hóa lớn mà trầm tư về văn chương và dân tộc?
Phải chăng thơ thế giới giờ đây đã bứt đi trọn một kỷ nguyên, mà đôi giày bảy dặm thì đã ngủ yên trong cổ tích?
Thiếu sự bức bối sâu sắc về cái chật chội của giòng thơ trước đó, cảm hứng phủ định không rõ, nhiều khi thơ đương đại như kẻ múa gươm giữa chốn không người. Đối thủ mờ mờ nhân ảnh, người xem cười nhạo lơ là.
Cảm thức (chứ không phải là kiến thức) về cái hiện đại còn lờ mờ, nhập nhoạng, thì với hậu hiện đại dễ là bước trượt.
Trong công trình Thơ Tân hình thức, xuất bản cách nay 5 năm, dù rất hào hứng muốn gieo vào mảnh đất quê hương hạt giống thơ ca mới, Khế Iêm cũng đành thừa nhận: “…không còn có thể đi mãi theo hướng của thế kỷ 20, vì như thế chẳng khác nào con đường đi tới nấm mồ. Nhưng với thơ Việt chưa phải là thời điểm để đề cập tới, vì giống như kinh tế thị trường, muốn áp dụng, phải xây dựng những cơ sở hạ tầng như cầu cống đường sá, luật lệ xã hội và cả trình độ dân trí. Chúng ta chưa có nền tảng về lý thuyết lẫn thực hành, để có thể áp dụng những định hướng về thơ như phương Tây. Nhưng cũng không thể ra ngoài cái quỹ đạo ấy là hướng đi của cả nhân loại” [1]
Cái rộn ràng, chen chúc, cộng sinh của thơ hôm nay ẩn chứa cả âu lo và hy vọng.
Khi phương tiện công bố trở nên dễ dàng, thơ cũng có nguy cơ dễ dãi. Từ một nghệ thuật tinh tế vào bậc nhất, thơ trở thành cái van xả của cá nhân. Biết làm sao được, ai cũng có quyền được giải tỏa, mà giải tỏa bằng chữ vẫn là sang trọng. Hiện tượng xả là lẽ tự nhiên, khi chúng ta liên tưởng đến giòng sông ngăn đập một thời. Váng rỉ phải có, nước ứ phải còn. Nhưng những lượn sóng ngầm sẽ xuất hiện.
Chỉ sợ người đọc bị sặc thơ, mệt mỏi, sợ hãi mà xa lánh.
Xưa nay, những kiệt tác thơ ca mà nhân loại chưa bao giờ ra đời từ một bản năng thuần túy, dù dáng vẻ của chúng dung dị, hồn nhiên.
Có lẽ đã đến lúc cần chuyển cái tâm thế làm thơ – tự phát thành cái tâm thế làm thơ – tự giác. Kháng cự đầu tiên của người làm thơ Việt Nam hôm nay là phải chống lại quán tính làm thơ tự nhiên nhi nhiên.
Và khó hơn, là chống lại mỹ cảm cũ, hình thức cũ. Giòng tự bạch chân thành sau đây của Hoàng Xuân Sơn làm ta xúc động:
“Thử nghiệm nào cũng khó khăn. Cuộc dấn thân nào cũng đòi hỏi có thời gian. Và cảm xúc đủ lắng đọng để bắt đầu một hành trình mới. (….) Tôi chỉ muốn nói lên cái khó trần thân của những bạn làm thơ cũ: Sự thỏa hiệp với chính mình trong sáng tác vẫn hoài tiếp diễn. (…) Tôi vẫn còn LUYẾN TIẾC một cái gì hay ho cũ! Lòng vẫn nao nao về một cái ĐẸP XƯA! Cái đau của bọn tôi là ở trạng thái lưng chừng – bỏ thì thương vương thì tội – (…) Chúng tôi biết mình lỗi thời và chúng tôi MUỐN ĐỔI MỚI. Bằng một trình tự gối đầu. Như kiểm kê hàng hóa, hàng mới thay dần hàng cũ. Bước chập chững thay dần bước rẩy run. Máu thay máu từng lượng một. Vấn đề là chỉ cần thời gian. Và lòng can đảm”[2].
Tâm trạng của Hoàng Xuân Sơn có gặp gỡ nhiều người không? Có ai đã cùng chia sẻ?
Để thời gian trôi không quá chậm. Để lòng can đảm được khẳng định, và lan tỏa. Để cái tìm tòi của từng cá nhân trở thành một phong trào, có lẽ nhà thơ cần có thêm kẻ đồng hành.
Kẻ đồng hành, đó là những nhà phê bình thực sự hết lòng vì thơ ca và luôn đi về phía trước. Đó cũng là lớp người đọc có một cảm thức văn chương mỹ học cởi mở luôn khao khát gió mới từ bốn phương trời.
Những con người như vậy không thể từ trên trời rơi xuống. Giáo dục văn hóa và những điều kiện xã hội đã làm nên họ. Sự thực không hoàn toàn như lời than của Hoàng Hưng: “Biết nói gì khi mà chương trình giảng dạy khoa học xã hội-nhân văn của ta chưa hề thấy cần thiết cho người học biết những thứ trên, có người lại còn cho đó là ngoại lai, nấm độc?!”[3] nhưng phải thừa nhận rằng giáo dục ở Việt Nam chưa triệt để đi theo con đường khai phóng, trong đó, nhìn chung ngành văn học còn nhiều hạn chế, rất ít khả năng khơi gợi mỹ cảm mới cho lớp người trẻ.
Nhưng may thay, trong hoàn cảnh như vậy, bên cạnh những cái đầu dễ dàng bị điều kiện hóa, vẫn có những trí tuệ biết kháng cự. Phần lớn những người có khả năng này vốn có thiên hướng văn chương và sớm biết mình muốn gì. Bản lĩnh của họ sớm được thừa nhận nếu gặp một không gian trường lớp và tương giao thầy trò tương đối cởi mở. Theo thời gian, điều này diễn ra dễ dàng hơn. Và may hơn nữa, ngoài không gian trường lớp, đã có một thế giới mênh mông, cho nhưng ai muốn sải cánh, không ngừng khám phá.
Sẽ không có con đường đi tới nào cho một ai sẵn sàng tuân phục, luôn luôn muốn trông chờ vào những gì người ta mang đến sẵn. Chống lại những kiến thức đặt định, trên cơ sở hiểu thấu đáo về chúng cũng là điều cần thiết.
Rất cần hôm nay một Phan Khôi và một Hoài Thanh thứ hai, người vừa làm thơ cách tân vừa lập thuyết, đủ sức xô ngã tòa nhà thơ cũ, người hết lòng kiên trì ngồi nhặt nhạnh, chọn lọc, chia sẻ, và lý giải Thơ ca.
Rất cần cái không khí nhà thơ và nhà phê bình hào hứng vừa tự khẳng định, vừa phê phán không thương tiếc những cái vội vã, non yếu trong trang viết mới rợi của mình, như một sự tự điều chỉnh và tự sàng lọc.
Hình như đã thấp thoáng một vài người như vậy, nhưng tiếng nói họ lọt thỏm trong không gian lưu đày[4]. Động lực làm nên bước ngoặt của thơ ca Việt phải nằm trong không gian thực sự thuộc về nó.
Điều đáng nói là, kiểu kháng cự của nhà thơ hôm nay diễn ra không theo quy luật trước đây: Trẻ /Già, Tây/ Đông, Ngoài/ Trong, để có thể từ ngã rẽ của từng cá nhân làm thành một mạng giao thông hiện đại. Có cái gì đó tùy tiện, phân mảnh, rời rạc, nhiều tìm tòi và thành tựu như những giòng nước nhỏ len lỏi, nhanh chóng bị hút mất vào cát nóng.
Dù vậy, những người thực sự yêu thơ hôm nay vẫn ngưỡng mộ các nhà cách tân. Lớp trước nhẫn chịu gánh nặng của số phận, quyết liệt phóng mình trong thơ ca, họ làm nên những bài thơ đầy ám ảnh. Lớp sau đông đảo hơn, táo bạo một cách ồn ào, họ biết cách và có khả năng gây nên chú ý, làm nên sự kiện. Họ hơn những người đi trước là được tạo phong trào. Họ thoải mái buông mình. Phong cách của họ có cái gì giống những nhà Thơ Mới giai đoạn đầu. Thơ trẻ hôm nay, dù rối và bạo hơn, nhưng cái xộc xệch có ý thức của nó làm ta liên tưởng đến thơ buông của Lê Khánh Đồng, thơ kể sự nôm na của Nguyễn Thị Kiêm, thơ dây cà rau muống của Phan Khôi. Cũng là cung cách để mà phản kháng.
Các nhà thơ trẻ hôm nay dù chưa tạo được nhiều ám ảnh, nhưng đã gây được ấn tượng. Họ khơi được trong ta một trạng thái, nói như Paul Valéry. Trạng thái gì? Trạng thái mọi cái bị xáo tung, bị nhạo báng, bị thách thức. Là sự xô lệch có ý thức những ý niệm và giá trị đã ổn định, hoặc tưởng là ổn định.
Bằng thơ, các nhà cách tân trẻ như muốn nói chúng ta: Không thể như cũ được nữa. Chúng tôi muốn thay đổi. Và trước hết là thay đổi thơ ca, từ quan niệm nghệ thuật đến cách viết. Chúng tôi muốn tự do.
Tinh thần ấy, cùng với điều kiện xã hội hôm nay, làm chúng ta hy vọng.
Một mùa mới đang đến gần, bắt lại nhịp các mùa xưa còn dang dở. Cái mùa ấy vẫn sẽ ấp iu trong lòng nó những phấn thông vàng của hôm qua, nhưng ngời ngợi hương sắc hôm nay của riêng mình.
Hương sắc ấy sẽ bền và sẽ vang xa, khi Thơ ca ung dung là nó và nhà thơ ung dung bay lên trên đôi cánh thanh thoát của người nghệ sĩ.
Xin chào Thơ, giữa con đường….
Sài Gòn, tháng Giêng Mậu Tý
[1] Khế Iêm, Tân hình thức –Tứ Khúc và những tiểu luận khác, Văn Mới, Hoa Kỳ, 2003, tr. 126.
[2] http://www.tapchitho.org/essay/hxs.htm
[3] vietnamnet.vn/vanhoa/vandekhac/2003/3/4743/ – 15k –
[4] Theo nghĩa Lưu đày và Quê nhà (L’Exile et Royaume), Albert Camus