Nhạc sỹ Nguyễn Đình San (NĐS) vừa cho ra đời một chùm 3 bài hát về huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ngay khi xuất hiện qua sóng phát thanh của Đài PT&TH Hải Phòng và trên youtube; chúng đã được rất nhiều người nghe và bày tỏ sự yêu thích, đặc biệt là những người dân Vĩnh Bảo đang sống tại quê nhà hoặc xa quê. Vanhaiphong.com có cuộc làm việc với nhạc sỹ xoay quanh đợt sáng tác và những vấn đề liên quan đến 3 tác phẩm của ông.
Nhạc sỹ Nguyễn Đình San (NĐS) vừa cho ra đời một chùm 3 bài hát về huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ngay khi xuất hiện qua sóng phát thanh của Đài PT&TH Hải Phòng và trên youtube; chúng đã được rất nhiều người nghe và bày tỏ sự yêu thích, đặc biệt là những người dân Vĩnh Bảo đang sống tại quê nhà hoặc xa quê. Vanhaiphong.com có cuộc làm việc với nhạc sỹ xoay quanh đợt sáng tác và những vấn đề liên quan đến 3 tác phẩm của ông.
PV: Thưa nhạc sỹ Nguyễn Đình San, cơ duyên nào khiến ông cho ra một lúc những 3 ca khúc về huyện Vĩnh Bảo, vì chúng tôi biết quê ông không phải ở đây ?
NĐS: Tôi nhớ, có một người nào đó thông báo với tôi là huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) vận động cuộc sáng tác ca khúc để chuẩn bị một ngày lịch sử gì đó của huyện sẽ diễn ra vào năm 2018 và mời tôi tham gia. Ngày này rất có ý nghĩa, cần có nhiều bài hát của các nhạc sỹ chuyên nghiệp để tuyên truyền dần ngay từ năm 2017. Sau này tôi có đọc thông tin về cuộc thi trên vanhaiphong.com thì rõ ràng hơn. Tất nhiên đây là cuộc thi, có giám khảo chấm và ban tổ chức có ý mời gọi tất cả các nhạc sỹ tham gia. Tôi vốn dĩ rất dị ứng với những cuộc thi thố kiểu này nên theo dấu địa chỉ Ban tổ chức nói với họ là rất cảm ơn, tôi có thể tham gia nhưng không dự thi mà là đóng góp bài như mọi cuộc sáng tác bình thường khác. Một điều tôi không nói ra nhưng nghĩ thầm : Sau khi cuộc thi khép lại – tức là ngã ngũ kết quả, công khai các tác phẩm được giải, nếu thấy có nhiều bài hay thì tôi sẽ không viết nữa. Ngược lại, nếu quá ít bài khả dĩ nghe được thì tôi sẽ sáng tác. Khi ấy, nếu những bài của tôi được người nghe tán thưởng thì đương nhiên tác giả phải được trả công xứng đáng. Còn nếu không, bài tầm thường thì chính tôi sẽ tự hủy, không công bố, coi như không viết ra.
PV: Nhạc sỹ vừa nói là rất dị ứng với những cuộc thi sáng tác. Vì sao vậy?
NĐS: Tôi không nói các cuộc thi sáng tác nói chung mà chỉ nói ở lĩnh vực âm nhạc. Thời gian qua, có rất nhiều ngành, địa phương (tỉnh, huyện, thành phố, thị xã…) tổ chức thi sáng tác ca khúc theo một quy trình như nhau : Một Ban GK do Ban TC mời đã lược bỏ trong số hàng trăm bài dự thi để chọn lấy chừng 20-30 bài vào chung khảo. Rồi lại bỏ bớt nữa để chỉ còn lại chừng mươi bài rồi xếp các thứ hạng. Thường không có giải nhất mà chỉ Nhì, Ba, Khuyến khích. Sự thật là tôi chưa thấy có mấy bài đoạt giải mà sau đó được công chúng tán thưởng. Tiêu tốn dăm, bảy trăm triệu, thậm chỉ có nơi tới cả tỷ đồng cho những cuộc tổ chức thi kiểu này đã chỉ tốn kém, vô ích, chưa nói tạo nên sự ì xèo trong dư luận. Những bài được giải kiểu này cũng được địa phương giới thiệu trên phát thanh, truyền hình sau khi tổng kết, trao giải, rồi xếp xó. Trong khi đó, có bài dự thi bị gạt ngay từ “vòng gửi xe” nhưng lại được công chúng đón nhận. Bằng chứng là người ta thích nghe, thích hát. Như vậy, rõ ràng khâu tổ chức và GK có vấn đề. Hoặc là họ không có năng lực thẩm định tác phẩm, hoặc là làm việc tắc trách, thiếu vô tư, công tâm. Hoặc là cả hai. Có thành viên GK còn vô danh, không ai biết tới, không đủ tư cách “chấm” bài các nhạc sỹ dự thi có khi rất nổi tiếng. Và như thế khâu mời GK cũng có vấn đề nốt. Họ đã không biết “chọn mặt gửi vàng”.
PV: Vậy làm sao có thể đánh giá được chính xác giá trị các tác phẩm? Theo nhạc sỹ, để có được những bài hát hay, sẽ phải làm cách nào?
NĐS: Không tổ chức thi như lâu nay nữa – tức là không có việc mời GK chấm bài – mà thay vì, mời các nhạc sỹ chuyên nghiệp sáng tác. Hãy hỗ trợ cho người có tác phẩm một khoản tiền nhỏ không đáng kể, chừng dăm triệu để họ thu thanh (hình thức đề-mô). Sau đó, phát nhiều lần trên hệ thống phát thanh của đơn vị mình để công chúng nghe. Sau một thời gian, bài nào có giá trị sẽ được họ tán thưởng, truyền tụng. Khi ấy sẽ thưởng cho tác giả theo hình thức “curonné” một khoản xứng đáng. Như vậy, bài được thưởng sẽ khiến dư luận tâm phục khẩu phục, sẽ rất đich đáng. Dẫu có trị giá đến cả trăm triệu đồng cho một bài, người ta cũng ủng hộ chứ không như kiểu chấm bài rồi trao giải cho những bài vô dụng như hiện nay. Tiền vẫn tốn mà chẳng để làm gì vì bài được giải không ai nghe.
PV: Trở lại chùm bài hát của nhạc sỹ về Vĩnh Bảo, trong thời gian ngắn, điều gì là động lực thúc đẩy khiến nhạc sỹ có thể viết được 3 ca khúc với những vẻ đẹp khác nhau và cùng được người nghe ưa thích?
NĐS: Trong sáng tác, thành công hay thất bại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết là đối tượng mình nói đến có sức lôi cuốn mình như thế nào. Thứ hai, mình sáng tác có trong trạng thái rung động, phấn hứng không. Thứ ba, lúc thai nghén tác phẩm, mình có sức ép, áp lực nào không? Cả ba yếu tố này, tôi đều rất thuận lợi. Trước hết là con người, truyền thống và cảnh sắc thiên nhiên ở Vĩnh Bảo khiến tôi rất dễ rung động. Trước đây, tôi chưa từng đến Vĩnh Bảo, nhưng nghe nói đến nhiều bởi ít nhất vùng quê này cũng có hai thứ nổi tiếng. Một là quê của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm – nhà thơ, nhà hiền triết, nhà văn hóa lỗi lạc của dân tộc ta. Hai là có đặc sản thuốc lào nổi tiếng, toàn quốc đều biết. Cách đây chừng 10 năm, tôi nhớ rõ đã được đạo diễn điện ảnh Văn Lượng làm việc ở Đài TH Hải Phòng mời đọc lời bình cho phim của anh nói về Nguyến Bỉnh Khiêm. Trong phim có nhắc nhiều đến miền quê Vĩnh Bảo nên tôi đã rất hiểu vùng quê này từ hồi ấy.
PV: Có thể nói là đợt sáng tác về Vĩnh Bảo của ông đã rất thành công với 3 ca khúc đều rất hay. Bí quyết gì để ông gặt hái được điều này?
NĐS: Chẳng có bí quyết gì cả ngoài những khoảnh khắc xuất thần mà muốn có được khảnh khắc ấy thì lúc sáng tác, chủ thể sáng tạo phải thực sự hưng phấn. Tất nhiên, người sáng tác phải có nghề. Làm gì cũng cần tính chuyên nghiệp chứ không phải cứ yêu thích mà được. Và phải có bề dày kinh nghiệm.
PV: Ông có nghe mấy chục bài của các tác giả khác tham gia cuộc thi này đã được sơ khảo lần 1 tại Hà Nội không? Và ông thấy sao nếu đã nghe?
NĐS: Tôi có nghe, thậm chí nghe kỹ. Xin cho phép tôi không bình luận. Chỉ biết rằng sau khi nghe, tôi quyết định sẽ sáng tác. Và nếu có thể nói được bí quyết trong việc cho ra đời 3 ca khúc này chính là ở chỗ tôi đã triệt để khai thác chất liệu chèo và dân ca đồng bằng Bắc Bộ trong việc tạo nên những giai điệu, vì Vĩnh Bảo cũng là đất chèo. Bài Quê ta mở hội giành cho hát tập thể mang rõ âm hưởng chèo, có tính chất như khai hội. Mọi người – nam, phụ, lão, ấu – đều có thể vừa múa vừa hát dễ dàng. Còn bài Một khúc tình quê, tôi khai thác chất liệu của điệu lới lơ – một làn điệu chèo quen thuộc. Bài Tình ca Vĩnh Bảo thì có hơi hướng dân ca đồng bằng Bắc Bộ. Viết ca khúc về Vĩnh Bảo mà tạo nên những giai điệu chung chung, thậm chí lại là nhạc nhẹ, híp, hốp…thì khó vào lòng người dân nơi đây, bởi xa lạ với lỗ tai và tâm hồn của họ.
PV: Nhạc sỹ thấy người dân Vĩnh Bảo đón nhận 3 ca khúc của ông như thế nào?
NĐS: Tôi không có dịp báo cáo 3 bài này trước đông đảo nhân dân Vĩnh Bảo mà mới chỉ giới thiệu để một số đồng chí có trách nhiệm ở huyện ủy, ủy ban, ngành văn hóa, phát thanh của huyện nghe. Tất nhiên là họ khen. Nhưng tôi không căn cứ vào đó mà tự cho rằng mình thành công. Điều quan trọng là những công chúng bình thường thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội đánh giá. Họ không biết tác giả là ai, có bằng cấp, trình độ ra sao, càng không quen biết gì tác giả mà thích thú thì hẳn là chính xác vì không có một áp lực, sự “tế nhị” nào để họ phải nói khác với ý nghĩ thật. Có một chi tiết rất đáng chú ý là sau khi 3 bài được đưa lên youtube thì ngay lập tức có rất nhiều cư dân mạng tán thưởng, viết lời bình luận tốt đẹp và bày tỏ sự cảm ơn tác giả vì đã cho họ được thưởng thức những bài hát hay về quê hương mình. Chắc hẳn đó là những công chúng đang sống hoặc có quê ở Vĩnh Bảo. Tôi rất hạnh phúc trước điều này.
PV: Chúng tôi được nghe Đài PT&TH Hải Phòng giới thiệu chân dung nhạc sỹ và 3 bài hát về Vĩnh Bảo của ông. Như vây là cơ quan truyền thông chính thống của Hải Phỏng đã ghi nhận giá trị các tác phẩm. Công chúng Vĩnh Bảo cũng tán thưởng. Vậy xin hỏi nhạc sỹ một điều tế nhị, nhưng chúng tôi nghĩ là rất cần thiết, không thể bỏ qua – Nhạc sỹ có nhận được sự ủng hộ nào không từ phía những người mời ông về sáng tác?
NĐS: Ở huyện Vĩnh Bảo, có một doanh nhân thành đạt đang sống và làm việc tại Hà Nội. Vị này rất có tâm với quê hương nên đã tài trợ cho nhiều hoạt động ở quê mình. Toàn bộ chi phí cho việc sáng tác ca khúc về Vĩnh Bảo đều do vị đứng ra lo liệu. Chính vị đã mời tôi về Vĩnh Bảo hai lần để tìm hiểu. Vậy nên sáng tác xong, vị là người đầu tiên tôi giới thiệu tác phẩm. Nhưng cho đến phút này – đã nhiều tháng trôi qua – tôi không hề nhận được tiền thù lao trả cho việc sáng tác rất vất vả của mình – diễn ra trong 3 tháng mới xong. Cũng xin nói là vị ấy rất ghi nhận công sức và thành công của tôi – tức là hàng làm ra có chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa thích, chứ không phải hàng “rởm”, kém chất lượng ( vì tác phẩm văn nghệ cũng là một loại hàng hóa). Ngay khoản tiền hơn 10 triệu tôi tự ứng trước để thu thanh 3 bài hát cũng chưa được thanh toán.
PV: trường hợp cụ thể như ông trình bày vậy có thể gọi là vi phạm Luật Bản quyền không? Ông định ứng xử thế nào?
NĐS: Dủng tác phẩm của người ta lại không trả tiền, về lý là vo phạm. Bần cùng lắm mới phải nói lý với nhau. Tôi chỉ muốn nói đến cái tình mà thôi.
PV: Vâng. Với ông, một nhạc sỹ chuyên nghiệp, thành danh và bỏ nhiều công phu sáng tác tạo ra sản phẩm với 3 ca khúc được yêu thích, nhưng 3 tháng trôi qua tính từ lúc nhận sản phẩm mà không có liên lạc thông tin trở lại quả là điều khó hiểu?
NĐS: Cái nghề sáng tác của chúng ta khác mọi nghề khác ở chỗ : Không thể giao kèo, mặc cả trước điều gì. Càng không rạch ròi chuyện tiền bạc. Người thợ mộc đóng chiếc tủ sẽ giao giá trước với khách là phải trả tôi chừng ấy tiền, mới đóng. Người thợ xây cũng phải ra giá trước khi nhận làm ngôi nhà nào đó. Và ở những lĩnh vực khác thì “tiền nào, của nấy”. Nhưng chúng ta là văn nghệ sỹ, trước khi sáng tác không thể nói: “ Các vị phải trả cho tôi 50 triệu đồng một bài, tôi mưới viết” (giá đặt hàng hiện nay cho 1 ca khúc hoàn thiện do nhạc sỹ chuyên nghiệp sáng tác – NĐS). Và cũng không thể “tiền nào của nấy” mà trả thế nào chúng ta vẫn làm việc hết mình. Với nhà thơ, không vì chỉ trả 100 nghìn đồng/bài mà lại sáng tác đại khái, làm ẩu, dễ dãi, còn nếu trả gấp 5 lần thì sẽ viết thật hay, hết khả năng. Vì sản phẩm văn nghệ gắn với tên tuổi tác giả, với uy tín, lòng tự trọng… để sáng tác, văn nghệ sỹ luôn dốc hết tài năng, nhiệt huyết của mình cho tác phẩm, nên khó lòng định giá. Cái tôi cần là sự biết đến và một cuộc trao đổi với tác giả trên cơ sở biết mình biết người.
PV: Vậy chỉ còn biết trông chờ vào sự hiểu biết, cư xử lịch sự, đàng hoàng của phía đối tác mà thôi. Có phải vậy không, thưa nhạc sỹ?
NĐS: Vâng. Đúng như vậy.
PV: Xin cảm ơn nhạc sỹ về cuộc trò chuyên rất chân tình, thú vị này. Chúc nhạc sỹ luôn dồi dào sức khỏe, có nhiều thành công mới ./.