Theo Vanvn.net :Trong những ngày vừa qua, sau khi thông tin về việc xét tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh của Hội đồng Chuyên ngành Chuyên ngành Văn học cấp Nhà nước được thông báo rộng rãi để tham khảo ý kiến của các Hội đồng Cơ sở và công chúng cả nước thì đã có những phản ứng rất khác nhau. Nhiều bạn đọc, nhất là các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã gửi thư, gọi điện thoại tới Ban biên tập trang thông tin đện tử của Hội (Vanvn.net) để nêu ý kiến của mình. Đa số đồng ý và tỏ ra vui mừng trước kết quả xét tuyển của Hội đồng Chuyên ngành cấp Cơ sở và cả ở cấp Hội đồng Chuyên ngành cấp Nhà nước, nhưng cũng không ít những ý kiến băn khoăn, thắc mắc. Để rộng đường dư luận, phóng viên Vanvn.net đã có cuộc phỏng vấn nhà văn Khuất Quang Thụy – Ủy viên Ban chấp hành, Trưởng ban Kiểm tra của Hội Nhà văn. Ông đồng thời cũng là thành viên của cả hai Hội đồng Chuyên ngành cấp Cơ sở và cấp Nhà nước.
PV: Thưa nhà văn Khuất Quang Thụy, theo chúng tôi biết Hội đồng Chuyên ngành cấp Cơ sở do Hội Nhà văn thành lập đã chọn được một danh sách khá hùng hậu để chuyển lên Hội đồng cấp trên: cụ thể đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh có đến 8 tác giả, còn đề nghị xét giải thưởng Nhà nước có tới 62 tác giả? Nhưng sao đến Hội đồng Chuyên ngành cấp Nhà nước thì lại “rơi rụng” nhiều thế? Điều đó có gì bất bình thường không ạ?
Nhà văn Khuất Quang Thụy: Theo tôi, kết quả như vậy cũng không có gì là bất bình thường. Hội đồng Cơ sở Chuyên ngành Văn học do Hội Nhà văn thành lập là nơi có nhiều hồ sơ của khối các nhà văn gửi đến nhất, ngoài ra, các tỉnh thành cũng thành lập các Hội đồng Cơ sở nhưng số lượng các hồ sơ văn học qua “cửa” này rất ít. Vì thế Hội đồng Cơ sở của Hội Nhà văn phải xử lí một khối lượng hồ sơ khá lớn. Kết quả là số lượng các hồ sơ đủ phiếu để chuyển lên cấp trên tuy lớn nhưng chúng tôi cũng chưa thỏa mãn. Một trong những nguyên do là đợt xét tuyển lần này được tiến hành theo Nghị định Chính phủ (Nghị định 90/2014/NĐ-CP ) nên yêu cầu cao hơn những lần xét tuyển trước (theo qui chế của Thông tư) rất nhiều. Để được lọt vào danh sách chuyển lên Hội đồng cấp trên, các tác phẩm, cụm tác phẩm của các tác giả phải đạt tối thiểu 90% số phiếu bàu. Đây là một tiêu chí rất khắc nghiệt, đòi hỏi phải có sự đánh giá đồng thuận rất cao của các thành viên Hội đồng. Hơn nữa, khi tới Hội đồng Chuyên ngành cấp Nhà nước thì tất cả các ứng viên phải có đầy đủ hồ sơ theo qui định của Nghị định chính phủ (Nghị định số 90/2014/NĐ-CP). Một vài yếu tố “mềm” như hồ sơ chưa thật đúng qui cách, hay các giải thưởng chưa được chứng minh rõ ràng cũng phải đưa ra Hội đồng xin ý kiến, nếu đồng thuận cao thì vẫn được đưa vào danh sách bỏ phiếu. Nhưng nếu thiếu một trong số những thành phần mang tính pháp lý cao trong hồ sơ thì không thể vượt qua được, Hội đồng không thể làm trái những qui định của Nghị định Chính phủ.
PV: Những thành phần nào trong hồ sơ của các tác giả được coi là mang tính pháp lý cao mà Hội đồng Chuyên ngành cấp Nhà nước không thể vượt qua?
Nhà văn Khuất Quang Thụy: Thí dụ như các tác phẩm, cụm tác phẩm xin xét tặng mà hết thời gian qui định chưa có bản chính thức gửi kèm hồ sơ; các tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm được đề cử nhưng không có bản đăng kí tham gia xét tặng giải thưởng; các tác giả có tác phẩm cụm tác phẩm được đề cử đã qua đời nhưng không có Ủy quyền của những người trong gia đình cho người đại diện; những tác phẩm, cụm tác phẩm được đề cử đang có tranh chấp bản quyền mà chưa có phán quyết của các cơ quan có thẩm quyền; các tác phẩm, cụm tác phẩm chưa đủ thời gian công bố (với Giải thưởng Nhà nước là 3 năm, với giải thưởng Hồ Chí Minh là 5 năm)… là những yếu tố mang tính pháp lí cao trong hồ sơ mà Hội đồng không thể vượt qua.
PV: Ông có thể cho biết cụ thể những trường hợp đáng tiếc nào mà Hội đồng Chuyên ngành cấp Nhà nước phải bỏ qua không thể đưa vào danh sách bỏ phiếu?
Nhà văn Khuất Quang Thụy: Tôi không có đủ thẩm quyền để giải thích về tất cả các trường hợp đáng tiếc đó. Về điều này, sau khi có kết quả bỏ phiếu, Hội đồng Chuyên ngành cấp Nhà nước sẽ có văn bản giải thích về từng trường hợp gửi tới các Hội đồng cấp Cơ sở và tới từng tác giả có tác phẩm được Hội đồng Cơ sở đề cử. Ở đây tôi chỉ nêu hai ví dụ mà chúng tôi cho là rất đáng tiếc, đó là trường hợp nhà thơ Thu Bồn và nhà văn Hà Minh Tuân. Hai tác giả này đều rất nổi tiếng và đều đã qua đời. Tới thời điểm chốt hồ sơ cả hai tác giả này đều thiếu những giấy tờ quan trọng nhất. Nhà thơ Thu Bồn chưa có Giấy Ủy nhiệm của gia đình, nhà văn Hà Minh Tuân thì chưa có cả giấy ủy quyền, và cũng chưa tìm được cả văn bản chính thức đã được xuất bản của các tác phẩm đăng kí xét tặng nữa. Vì thế nên Hội đồng Chuyên ngành cấp Nhà nước không thể đưa các tác phẩm, cụm tác phẩm của hai ông vào danh sách bỏ phiếu.
PV: Như vậy Hội đồng Chuyên ngành cấp Nhà nước có khắt khe quá không?
Nhà văn Khuất Quang Thụy: Theo tôi thì các thành viên trong Hội đồng cũng rất “lăn tăn” đối với hai trường hợp này. Nhưng ở đây có những vấn đề pháp lí phải đối diện, không thể vượt qua để bảo đảm tính khách quan, công bằng, tôn nghiêm và đúng luật pháp của giải thưởng.
PV: Đúng vậy. Nhưng ở đây còn có một vấn đề mà độc giả của chúng tôi quan tâm, là Hội đồng Cơ sở do Hội Nhà văn thành lập. Vậy, Hội đã thực hiện hết trách nhiệm của mình đối với hội viên hay chưa trong việc thông tin, hướng dẫn các tác giả và gia đình các tác giả trong việc sớm hoàn tất hồ sơ đăng kí xét tặng các giải thưởng?
Nhà văn Khuất Quang Thụy: Tôi nghĩ tất cả hội viên Hội Nhà văn đều đã được tiếp nhận thông tin đầy đủ về vấn đề này. Hội đã có thư gửi trực tiếp cho Hội viên để yêu cầu ai tự thấy đủ điều kiện xét tặng giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh thì làm hồ sơ gửi về Hội từ rất sớm. Hội đã cho đăng tải trên báo Văn Nghệ và trên Website của Hội các thông báo và cả nội dung Nghị định Chính phủ về xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Ban công tác Hội viên rất nhiều lần gọi điện, viết thư cho gia đình các tác giả đã mất để mời gia đình cộng tác với Hội hoàn tất hồ sơ, thủ tục cho các tác giả này. Việc này được Văn phòng Hội và đích thân Chủ tịch, các phó Chủ tịch Hội kiên trì tiến hành cho đến tận phút cuối cùng. Suốt phiên thảo luận cuối cùng của Hội đồng Chuyên ngành, Chủ tịch Hội Nhà văn – nhà thơ Hữu Thỉnh liên tục phải ra ngoài dùng điện thoại để giục văn phòng Hội liên lạc với gia đình các nhà văn để “xin” giấy ủy quyền hoặc tìm tác phẩm. Mười lăm phút trước khi lập danh sách, 11 nhà văn tham gia Hội đồng Chuyên ngành Văn học cấp Nhà nước thở phào như trút được bớt một tảng đá trên ngực khi Ban thư kí thông báo là gia đình nhà văn Hữu Mai vừa gửi Giấy ủy quyền tới. Chủ tịch Hội đồng lập tức xin ý kiến biểu quyết và Hội đồng đã nhất trí một trăm phần trăm thông qua việc đưa trường hợp này vào danh sách bỏ phiếu và cùng chịu trách nhiệm, nếu sự vận dụng này có điều gì đó chưa khớp với qui định.
PV: Vậy, trước kết quả mà ông cho rằng Hội đồng Cơ sở của Hội Nhà văn chưa thỏa mãn thì Ban chấp hành Hội và Hội đồng Cơ sở có hành động gì để cải thiện thêm tình hình?
Nhà văn Khuất Quang Thụy: Đây là câu hỏi mà rất nhiều nhà văn đã hỏi chúng tôi? Nhiều người nói, Ban chấp hành và Hội đồng Cơ sở phải tìm cách gì để “cứu” lấy trường hợp A, trường hợp B. Tôi đã trả lời họ rằng nhất định Hội đồng Cơ sở của chúng tôi sẽ họp lại để thông báo tình hình cho các thành viên, nếu Hội đồng nhất trí phải có ý kiến về trường hợp A, B, C… thì sẽ có văn bản gửi lên Hội đồng cấp trên để đề nghị xem xét lại. Vì đó cũng là quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng cơ sở và của Ban chấp hành Hội nhà văn. Nhưng nếu Hội đồng Cơ sở chúng tôi có kiến nghị thì chỉ là để cố gắng đạt được sự khách quan công bằng hơn mà thôi. Chứ không phải để “cứu” ai cả. Tất cả những tác giả mà ai cũng nhìn thấy là đáng tiếc nếu họ chưa được nhận giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này đều rất xứng đáng. Không ai phải cứu họ cả. Thậm chí, nếu họ được tôn vinh thì người được cứu lại chính là…lương tâm của chúng ta.
PV: Xin cảm ơn nhà văn Khuất Quang Thụy!