Ý Nhi – Người đàn bà ngồi đan

Ý Nhi là nhà thơ thuộc thế hệ chống Mỹ. Chị đã được giải thưởng thơ do tuần báo Văn nghệ tổ chức năm 1969. Nhưng chị nổi tiếng từ năm 1985 với tập thơ Người đàn bà ngồi đan, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.

 


Ý Nhi

Người đàn bà ngồi đan

Giữa chiều lạnh
Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ
Vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã
Nhẫn nại như thể đó là việc phải làm suốt đời
Vội vã như thể đó là lần sau chót

Không thở dài
không mỉm cười
Chị đang giữ kín đau thương
Hay là hạnh phúc
Lòng chị đang tràn đầy niềm tin
Hay là ngờ vực

Không một lần nào chị ngẩng nhìn lên
Chị đang qua những phút giây trước lần gặp mặt
Hay sau buổi chia ly
Trong mũi đan kia ẩn giấu niềm hân hoan hay nỗi lo âu
Trong đôi mắt kia là chán chường hay hy vọng

Giữa chiều lạnh
Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ
Dưới chân chị
Cuộn len như quả cầu xanh
Đang lăn những vòng chậm rãi

(1-1984)

Nguồn: Văn chương một thời để nhớ (Thơ), Nxb Văn học, 2006


Người đàn bà ngồi đan

Ý Nhi là nhà thơ thuộc thế hệ chống Mỹ. Chị đã được giải thưởng thơ do tuần báo Văn nghệ tổ chức năm 1969. Nhưng chị nổi tiếng từ năm 1985 với tập thơ Người đàn bà ngồi đan, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.

Hồi đó, tôi giật mình đọc câu thơ của Ý Nhi: Tôi là người đàn bà bốn mươi tuổi. Ý Nhi đã bốn mươi tuổi! Mới ngày nào đó, ở vùng quê Quế Sơn (Quảng Nam), chị còn là đứa bé suốt ngày này sang ngày khác bưng rổ bánh đi bán rao để giúp mẹ. Nhưng cô bé này còn xấu hổ, không dám rao một cách thành thạo, bèn chui vào trốn trong bụi cây, đợi chiều tối, bê nguyên rổ bánh về cho mẹ. Ý Nhi vốn rụt rè. Hồi học ở trường học sinh miền Nam tập kết tại Hải Phòng, chị đã làm thơ. Nhưng làm thơ để thỏa mãn tình cảm của mình vậy thôi, không dám gửi cho báo nào. Mấy người bạn thân giục chị gửi đăng báo. Chị đành gửi bài Tặng anh Titov. Hồi đó, các tòa soạn báo rất chu đáo với cộng tác viên, về tận nơi động viên chị. Ít lâu sau, bài thơ được đăng báo Tiền phong. Chị vui mừng và tự tin viết tiếp. Tên tuổi chị dần dần quen thuộc với bạn đọc và trở thành một trong những nữ thi sĩ thời kháng chiến chống Mỹ. Tuy tác giả Ý Nhi xuất hiện chậm hơn những Thúy Bắc, Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ… nhưng đã có giọng thơ riêng. Người đọc lần lượt được đọc đều đặn các tập của chị: Trái tim nỗi nhớ (in chung), Đến với dòng sông, Lời ru của mẹ (in chung), Cây trong phố chờ trăng, Người đàn bà ngồi đan, Ngày thường, Mưa tuyết, Gương mặt, Vườn… Hai yếu tố quan trọng của thơ là sự và tình. Phải dùng sự việc làm cái đinh để trao bức tranh tâm hồn của tác giả. Trong những năm 50, 60 của thế kỷ trước, thơ ca thường nghiêng về sự hơn là về tình. Chất thực tế đời sống tràn vào thơ, kể lể hết việc này đến việc kia. Có bài thơ như những bài ký bằng văn vần. Thơ Ý Nhi giàu cảm xúc, sức sống nội tâm mạnh mẽ. Như những giọt nắng trên mặt hồ yên lặng, làm run rẩy những cảm xúc ấm áp. Như những giọt mưa trên mặt ao, làm run rẩy những cảm xúc lạnh lẽo. Cảm xúc tràn trên những câu thơ, che lấp chi tiết của đời sống. Viết về ký ức khi trở về miền Trung du, ta ít thấy đồi, ít thấy cây, mà chỉ gặp một chút gì yên tĩnh/ một chút gì chở che thương mến/ trong nắng nôi bão gió của đời mình (Trung du). Trở về thăm trường học cũ ở Thái Nguyên, chị không miêu tả ngổn ngang kỷ niệm mà chỉ bộc lộ nội tâm của người đàn bà ở tuổi bốn mươi/ Cam chịu và cuồng nộ, mong mỏi và buồn nản (Về Thái Nguyên). Viết về thanh niên xung phong, mà không hề ồn ào bom đạn, xe cộ, cuốc xẻng, mà chỉ gặp con đường cũ bây giờ tôi qua/ Vẫn mùa hạ vô cùng dữ dội/ Trời xanh quá xui lòng bối rối/ Hay nỗi buồn vì con đường vắng em (Kỷ niệm về những cô thanh niên xung phong)… Chị tự khai thác tâm hồn mình đến từng mạch từng vỉa quặng. Đã nhiều người viết về mẹ, nhưng đây là những ý tưởng độc đáo. Đời mẹ như bến vắng trên sông/ nơi đón nhận những con thuyền tránh gió/ như cây tự quên mình trong quả/ quả chín rồi ai dễ nhớ ơn cây (Kính gửi mẹ). Đứng trước thiên nhiên kỳ diệu, chị khai thác đến tận cùng mạch cảm xúc của mình: Chiều lắng mình như cát dưới lòng sông/ nước vẫn chảy không yên về phía biển/ như mạch quặng nằm sâu trong đáy giếng/ ánh mặt trời, tiếng gió đã đi qua/ như yêu thương chắt lọc lại bài ca/ như hạt muối mặn mòi sau nghìn cơn sóng vỗ (Chiều)… Tập Người đàn bà ngồi đan khẳng định phong cách thơ Ý Nhi. Nhưng sau khi Hội Nhà văn công bố giải thưởng, một bạn thơ nói: “Tập thơ này ít thực tế đời sống”. Xuân Quỳnh, Ủy viên Hội đồng thơ, liền trả lời: “Ông xem thơ Đường đấy, có bê thực tế đời sống vào đâu, mà người ta cũng tán thưởng đến hàng ngàn năm”. Có lần, Ý Nhi phát biểu: “Thơ cần lý trí”. Một số người phản đối: Thơ cần đến tình cảm hơn là lý trí. Thật ra, cái lý trí mà Ý Nhi muốn nói phải được nhào nặn trong tình cảm. Chị luôn luôn chú ý đến sự cân bằng trong cuộc sống: Cân bằng/ Cân bằng/ hãy lưu tâm đến sự cân bằng (Gửi con nhân sinh nhật lần thứ 20). Chị làm riêng một bài thơ hai câu cho Con: Con – sự cân bằng/ trên sợi dây hạnh phúc cheo leo…

Nguồn VNCA

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder