– Anh ơi, em có thai rồi. Em đi khám hồi sáng, bác sĩ bảo vậy đó.
Tôi cũng thót tim:
– Ôi trời! Thiệt vậy sao cưng? Hì hì…Vậy làm sao ly dị? Hay là chờ em sanh xong, hãy đưa đơn ly dị vào tòa án nhe. Mình gửi con cho bà ngoại rồi mạnh ai nấy …
– Anh ơi, em có thai rồi. Em đi khám hồi sáng, bác sĩ bảo vậy đó.
Tôi cũng thót tim:
– Ôi trời! Thiệt vậy sao cưng? Hì hì…Vậy làm sao ly dị? Hay là chờ em sanh xong, hãy đưa đơn ly dị vào tòa án nhe. Mình gửi con cho bà ngoại rồi mạnh ai nấy …
“Dạo này, anh yêu chim nhất!…” Vừa nghe có bấy nhiêu nàng đã nổi dóa, hét lên “Vậy anh chuẩn bị ký đơn ly dị đi!” Nàng ngoe nguẩy lên lầu, chắc chắn nàng đóng sầm cửa phòng rồi trùm chăn kín đầu và…khóc.
Dù chuyện nàng thích đem hai chữ ly dị hăm he tôi xảy ra thường xuyên như cơm bữa. Nhưng, lần này tôi rất ngạc nhiên. Bởi yêu chim có gì sai chứ? Nhất là đối với một luật sư cũng có tiếng như tôi. À, hiểu rồi ! Nàng nhầm lẫn chim tôi yêu là …chim kia. Làm gì có! Nàng thật nông nổi! Một luật sư thường xuyên ra vào Tòa án, cũng là một Chi ủy viên trong chi bộ Đảng, tôi có khùng mới yêu…chim kia. Cũng tại tôi nói chuyện không rõ ràng. Làm sao nàng không hiểu lầm cho được. Lẽ ra tôi phải nói có đầu có đuôi. Bắt đầu từ nguyên nhân nào tôi lại yêu chim… chóc, rồi dẫn đến là yêu loài chim nào v.v… biết đâu nàng không hờn dỗi và cũng yêu chim luôn.
Cơ duyên dẫn tôi đến với niềm đam mê tìm hiểu, tiếp cận và …yêu chim do một lần đến trại giam tiếp xúc với một tên tội phạm giết người. Dù đã biết trước bị can chưa đủ tuổi thành niên nhưng tôi thật sự bất ngờ khi giáp mặt. Thằng bé có đôi mắt to tròn ngơ ngác của một con nai. Nó có cái sóng mũi thẳng và hàm răng trắng đều tăm tắp. Mới ngần ấy tuổi mà nó đã cao hơn tôi. Tuy nhiên, lưng nó hay khòm xuống như đang gánh chịu một sức nặng vô hình. Thay vì cúi chào tôi, nó mỉm cười lơ đểnh. Tôi choáng vì đó là nụ cười của một thiên thần. Nụ cười tôi hay nhìn thấy trong những tượng trang trí hang đá đêm giáng sinh ở nhà thờ. Nhưng tại sao thằng bé lại có tâm hồn của một ác quỷ?
Không đợi điều tra viên thúc giục lần hai, nó thật thà khai tỉ mỉ sự việc xảy ra hôm đó. Nó tên là Trần Toàn Thiện, sinh năm 1997. Nó không biết chính xác nơi sinh vì khi nó mới hai tháng tuổi ba mẹ nó chia tay. Ba bỏ đi còn mẹ bồng nó về quê nhờ bà ngoại nuôi giùm. Sau đó, mẹ cũng biến mất tăm. Nó chỉ gặp mặt mẹ một lần khi bà bồng con về vì nghe đâu Ông Tám thầy lang trong xóm biết chữa bệnh ban khỉ. Nhưng thật rủi, ông ta chết cách đó mấy tháng. Vì vậy, mẹ lật đật quay về nhà của mẹ. Lúc đó, nó mới năm tuổi, gặp mẹ nó sợ, núp sau lưng bà ngoại, đến khi mẹ đi ra cổng, leo lên xe Honda ôm, nó mới gào khóc đuổi theo. Mẹ có ngoái nhìn nhưng không dừng lại. Và đến bây giờ thì nó vẫn thắc mắc sao mẹ nó có thể âu yếm ôm một thằng bé xấu xí đen nhẻm như một con khỉ khô trong lòng, mà chẳng ban bố cho nó một cái xoa đầu hời hợt. Nó hỏi tôi: “Luật sư nhìn xem. Bị can đẹp trai đúng không? Nhưng vì sao…?” Nó rưng rưng. Trái tim tôi co thắt dữ dội nhưng tôi cố trấn tỉnh. Nhiệm vụ của tôi là đến để tìm ra những yếu tố giảm nhẹ hình phạt cho nó chứ không phải để cảm xúc chi phối. Tôi thấy anh điều tra viên đi ra ngoài, chắc là tìm chỗ để rút cái khăn tay lau mắt thôi. Vì khi anh ta vào, ánh mắt hãy còn ửng màu rung cảm.
Thằng bé khai rằng đã học hết lớp 6 thì bà ngoại mất. Cậu mợ tiếp tục nuôi nó với điều kiện nó phải đóng tiền cơm và dọn ra cái chái nằm cạnh kho chứa củi và nhiều thứ linh tinh khác. Dù ở đó trống hoác, gió thông thống thổi vào, mưa có thể tạt ướt …tận răng. Nhưng nó thích vì được tự do. Không phải nhìn thấy đôi mắt cú vọ của mợ và không phải nghe cậu luôn mồm văng tục. Để có tiền đóng cho mợ, nó theo cô bạn hàng xóm đi lảnh hột đào về lột lớp vỏ lụa. Nhưng số tiền quá ít, mợ không thích. Nó chuyển sang nghề lượm sắt vụn đi bán ve chai. Rồi sắt cũng bị nó và một nhóm con nít nghèo lượm riết cũng hết. Nó đổi sang lượm bọc ny lông hay bất cứ cái gì bán được. Chỉ tiếc quê nó nhỏ xíu, lượm miết cũng không còn gì để lượm. Nó được ông chủ thầu xây dựng thương tình cho làm cu li. Nghề nầy cũng không khá vì lâu lắm mới có một người xây nhà tường. Nên nó bữa no bữa đói. Rồi nó phát hiện ra mình ở gần sông rạch sao không đi bắt ốc, mò cua hay câu cá đem bán. Vậy là nó bắt đầu gắn bó với mấy cái mương, mấy dòng kênh quanh co trong vùng.
Tôi cắt ngang lời nó:
– Bị can có bạn bè gì không?
– Dạ bị can cũng có bạn. Nhưng vì đi kiếm ăn suốt nên cũng ít có dịp chơi giỡn với tụi nó. Bị can cũng không đến nổi buồn vì có mấy con chim làm bạn.
Tôi trố mắt ngạc nhiên:
– Làm bạn với chim?
– Dạ, đúng vậy. Chúng hiền lành. Chơi với chúng thích lắm. Ở mỗi con chim có một điều hay riêng đó nghen.
Cả tôi lẫn anh cảnh sát điều tra cũng cuốn theo…mấy con chim. Tôi hỏi chim hay chỗ nào?
Thằng bé lim dim mắt:
– Có những con chim có tiếng hót hay. Giọng hót của nó làm cho cả một khoảng trời bừng tỉnh, vui tươi. Mà lạ lắm. Không có con nào hót giống con nào. Có con hót thánh thót, có loại chim hót véo von. Nhưng cũng có loại chim hót như gõ cây viết lên mặt bàn nghe lụp cụp. Tại sao vậy luật sư?
Tôi thật sự lúng túng. Hồi nào tới giờ tôi có để ý đâu mà biết. Chỉ có lâu lâu ra sân, bất chợt nghe tiếng chim hót trên vòm lá. Ngẩng nhìn thích thú nhưng rồi công việc cuốn tôi vào vòng xoáy, quên bẳng tiếng hót rộn ràng. Thằng bé chợt nói như reo:
– Có khi nào tại cái mõ của nó không luật sư? Tiếng hót của chim tùy thuộc cái mõ, đúng không? Cái mõ càng nhỏ hót càng thanh tao, vang xa.
Anh điều tra viên chợt nói:
– Có những con chim hót không hay nhưng người ta vẫn mê nhờ bộ lông tuyệt đẹp của nó nữa.
Chẳng lẽ tôi lại thốt lên đi một ngày đàng học một sàng khôn. Mà cái khôn nầy tôi học ở trại tạm giam. Nhưng rồi tôi cũng chợt tỉnh, nhớ ra lần này sao buổi lấy lời khai bị lạc đề xa lơ xa lắc. Tôi lôi họ về với cái chính:
– Thôi, tạm quên mấy con chim đi. Bây giờ trở lại chuyện chính là tại sao bị can giết người?
Thằng bé bần thần cúi mặt:
– Bị can đâu có ý định giết mợ. Chỉ tại bà ta ác với mấy con chim của bị can. Chiều hôm đó, ở nhà lớn, cậu mợ cãi lẫy rồi đánh nhau ì xèo. Tự nhiên mợ chạy xuống chòi của bị can, mợ nói mầy là đồ con hoang, đồ báo đời, cuốn gói đi mau! Định sống bám tao hoài sao? Bị can làm tỉnh vì bị chửi vậy hoài nên đâu có ép phê gì. Mợ nổi tam bành, chạy vô chòi lấy cái nồi cá kho, nồi cơm ném ra sân. Lâu rồi bị can tự nấu ăn, có tiền ăn cơm. Không tiền nấu cháo. Vậy mà mợ ném tuốt luốt hết đồ của bị can. Cũng định nhịn mợ cho yên. Nhưng mợ chợt thấy cái lồng chim bị can treo trên cành bưởi. Mợ trề môi nói đói rã họng mà bày đặt chơi chim chơi gà. Rồi mợ chồm lấy cái lồng chim chạy ra bờ sông. Bị can nổi nóng, vói lấy cây tầm dông dùng làm đồ gài cửa đuổi theo mợ. Mợ lội xuống mí nước, nhận cái lồng chim xuống còn lớn thách đố “Tao nhận nước cho chết đó, dám làm gì tao không?” Con xấn tới, đưa cao cây gậy tính đập xuống vai mợ. Mợ né nên không trúng nhưng hụt chân té xuống nước luôn. Vì mợ biết bơi, con tưởng không sao nên bỏ đi. Ai dè chỗ đó có nước xoáy mợ bị nước cuốn. Tới gần tối không thấy mợ về nhà. Bị can hoảng hồn chạy ra chỗ mợ té thì không thấy gì hết. Bị can tri hô lên. Trong xóm chạy ra cùng mò tìm vẫn không được. Đến sáng hôm sau xác mợ nổi lên. Không ai tin mợ bị hụt chân hết. Ai cũng cho là bị can đập mợ chết rồi quăng xuống sông.
Anh cảnh sát điều tra hỏi:
– Nhưng sao khám nghiệm tử thi thấy có nhiều vết bầm? Bị can không đánh bị hại thì tại sao còn có dấu bầm trên mặt, trên vai, trên tay.
– Bị can nghĩ những dấu bầm đó chắc do lúc cậu mợ đánh lộn mà có.
Tôi hỏi:
– Có ai làm chứng về việc cậu mợ bị can có đánh nhau trước đó không?
– Dạ cũng không biết có ai thấy không nữa. Vì nhà cậu mợ cách xa nhà hàng xóm một đoạn ruộng.
– Không giết người sao đi đầu thú?
Thằng bé rươm rướm nước mắt:
– Bị can thấy tại bị can mợ mới chết. Nếu bị can không đưa cây gậy lên cao thì mợ đâu có né để té xuống sông. Nhìn mấy đứa em con của cậu khóc bị can khổ tâm lắm. Ở tù mới đáng đời.
Anh cảnh sát và tôi nhìn nhau. Không biết làm gì hơn, anh chìa cái biên bản nảy giờ cặm cụi ghi bảo thằng bé đọc rồi ký tên nếu thấy đúng như lời khai. Nó cầm lấy cây viết ký liền mà không thèm lướt mắt qua.
Trước khi ra về, tôi hỏi nó có nguyện vọng gì không? Nó nhanh nhảu nói:
– Khi ra tù, bị can sẽ bỏ đi xa, sẽ cố gắng làm thuê làm mướn dành dụm mua một miếng vườn nhỏ để nuôi thật nhiều chim.
Vợ tôi có vẽ bàng hoàng khi nghe tôi kể lại câu chuyện. Nàng sờ vào bụng. Bỗng nàng nói như hụt hơi:
– Anh ơi, em có thai rồi. Em đi khám hồi sáng, bác sĩ bảo vậy đó.
Tôi cũng thót tim:
– Ôi trời! Thiệt vậy sao cưng? Hì hì…Vậy làm sao ly dị? Hay là chờ em sanh xong, hãy đưa đơn ly dị vào tòa án nhe. Mình gửi con cho bà ngoại rồi mạnh ai nấy …
Tôi chưa kịp nói dứt nàng đã ôm chầm lấy tôi, òa khóc. Tôi vuốt tóc nàng, thì thầm:
– Đừng bao giờ hăm ly dị nữa nghe em! Mình phải cùng nhau nuôi con, lo cho con ăn học đến khi nó trưởng thành. Hãy quên cái tôi to như cột đèn của em đi nhe. À, có cho anh … yêu chim không đây?
Nàng bẽn lẽn cười:
– Cho! Muốn nuôi mấy cặp cũng được.
Ngoài sân, nắng chiều dịu dàng trải thảm lên khoảng vườn thoang thoảng hương hoa. Con vẹt của thằng bạn thân mới tặng chợt bập bẹ hát “ Em ơi, mùa xuân đến rồi đó!..”
Nàng bật cười. Con chim đáng yêu làm sao!
N, T, M
– Anh ơi, em có thai rồi. Em đi khám hồi sáng, bác sĩ bảo vậy đó.
Tôi cũng thót tim:
– Ôi trời! Thiệt vậy sao cưng? Hì hì…Vậy làm sao ly dị? Hay là chờ em sanh xong, hãy đưa đơn ly dị vào tòa án nhe. Mình gửi con cho bà ngoại rồi mạnh ai nấy …