Năm 2014, bất chấp văn học dịch luôn áp đảo trên mọi kệ sách và văn học ngôn tình Hoa ngữ đang có lượng công chúng chung thủy tột bậc, văn học Việt dường như vẫn đáng chú ý hơn bởi sự xuất hiện đều đặn của tiểu thuyết….
Năm 2014, bất chấp văn học dịch luôn áp đảo trên mọi kệ sách và văn học ngôn tình Hoa ngữ đang có lượng công chúng chung thủy tột bậc, văn học Việt dường như vẫn đáng chú ý hơn bởi sự xuất hiện đều đặn của tiểu thuyết.
Ðó cũng là một thể loại mà từ lâu trong nhiều tổng kết văn học sử, giới nghiên cứu đã sốt ruột trông ngóng.
Tiếng nói của ký ức
Khác với vẻ chừng mực nửa vời của giới phê bình, hai cuốn tiểu thuyết Ba ngôi của người của Nguyễn Việt Hà và Mình và họ của Nguyễn Bình Phương đã thay phiên nhau tạo nên những tranh luận nhiều chiều trong diễn đàn của các độc giả ưa đặt kỳ vọng vào tiểu thuyết gia lớn.
Cho dù Ba ngôi của người có thể gây thất vọng so với Cơ hội của Chúa và Khải huyền muộn nhưng vẫn là Nguyễn Việt Hà ưa giễu nhại, trào tiếu những gì đang hiện hữu và vì phẩm chất này không phải đã quá phổ biến nên phải thấy rằng văn học biết cười, thích cười cũng quan trọng như bất kỳ đức tính nào khác.
Trong Ba ngôi của người, cái thế tục được dùng như một chất liệu để nhìn thấu vào sự biến đổi của tính cách người, của đường vân lịch sử Hà Nội bên trong lớp vỏ thế sự đô thị hiện đại đang chất dày khó cưỡng.
Nếu thực tại được nhìn bởi ký ức thì sự giàu có của ký ức, như Nguyễn Việt Hà bày chật trong tiểu thuyết, sẽ là thứ thuốc giảm đau cho chứng sang chấn tinh thần vì quá khứ cứ lùi vừa đúng vào chỗ hiện tại đang hẫng hoặc rỗng.
Viết tiểu thuyết, rốt cuộc, đã đánh thức những thứ không thể quên và ưu tư, nhẫn nại tìm kiếm niềm tin vào cái đẹp phổ quát. Ðiều lý tưởng này dù chưa lấy gì đảm bảo thật đắc địa nhưng cũng đã làm nhiều người viết chú tâm.
Như cái cách Trần Chiến chạm sâu đến ký ức và bóng hình Hà Nội trong số phận Cậu ấm. Hay cái cách Nguyễn Ngọc Tiến tái dựng xen lẫn phong thái khảo cứu một phần quá vãng Hà thành ở Me Tư Hồng. Ở đây, câu chuyện về Hà Nội xưa chỉ như cái cớ để tiếng gọi của ký ức được vang vọng và xáo trộn tâm tư hiện sinh đương thời.
Phong tục và lịch sử Hà Nội trong bộ ba Ba ngôi của người, Cậu ấm, Me Tư Hồng sâu sắc vì sự truân chuyên và đời tư của nó thay vì mỹ từ thêu dệt, khiến ta hiểu lịch sử không dễ ăn ngay mà cần những trải nghiệm tận cùng. Và cái áo lịch sử dù chật cỡ nào thì sự trải nghiệm cá nhân, với những câu chuyện nhỏ nhưng sinh động, vẫn là cơ hội để các mãnh lực hư cấu được chấp nhận.
Còn chiến tranh, xin dừng lại chốc lát để nói thêm, trong Mình và họ, Xác phàm, Cơ bản là buồn và Miền hoang, đã giãn cách hơn khi lồng vào bối cảnh xưa những câu chuyện hôm nay.
Cuộc chiến được viết lại nhưng không thật thà trưng hết dữ dội, khốc liệt của chiến trường mà còn nhồi thêm những tai ương của hiện tại, của hậu chiến khiến bất hạnh, mất mát nào cũng đều chua xót như nhau.
Và như thế, cho đến hôm nay, viết về chiến tranh vẫn như định mệnh của văn học Việt Nam sau nhiều năm chúng ta hớt hải đuổi theo đủ loại đề tài thời thượng khác.
Nỗ lực làm mới và một cuộc “đoạn tuyệt”
Ðọc tiểu thuyết Việt 2014, nếu phải gạt bỏ một vài vụng về xứng đáng thất bại, vẫn có thể lọc ra những tìm tòi hoặc nỗ lực làm mới đường đi thể loại. Khó đọc và lạ lẫm bậc nhất có lẽ là Thành phố bị kết án biến mất của Trần Trọng Vũ.
Là họa sĩ, Trần Trọng Vũ tận dụng tối đa tri thức thị giác để xây dựng một tác phẩm văn học bằng ngôn ngữ. Nếu ngôn từ có chức năng chuyên chở khái niệm, biểu nghĩa thì với Trần Trọng Vũ, ngôn từ tiểu thuyết dường như thiểu năng khái niệm mà tối đa hóa lớp lang hình ảnh. Ðọc chữ để thấy “hình”, để thích thú với màu sắc, hình khối không gian hiện hữu trong thứ chất liệu phi hội họa.
Với Thành phố bị kết án biến mất, “gu” đọc đại chúng khó tiêu ngốn lối viết không dấu phẩy, các nhân vật trùng tên và câu chuyện hai năm rõ mười, như lâu nay thường thế, lại không lẩy ngay ra được. Viết tiểu thuyết, do đó, còn tạo ra cách đọc, tạo ra công chúng mới.
Trường hợp Ngựa thép của Phan Hồn Nhiên là ví dụ hợp lý cho việc tự đoạn tuyệt hẳn với lớp độc giả trước đây của chính tác giả. Ngựa thép mang trong mình sự hài hòa về cấu trúc, những cân nhắc chính xác về chi tiết và sự dụng công lời văn nghệ thuật.
Bước đi của Ngựa thép không chỉ tính toán trong từng ẩn dụ về thân phận bị xẻ đôi, giữa quê hương và gia đình, mà còn kỹ lưỡng tạo ra các điểm nhìn mới mẻ về cơ thể, về đau ốm, bệnh tật và cái chết, điều trên thực tế chưa hề được coi trọng trong văn học Việt Nam đương đại.
Thiển nghĩ, Ngựa thép là một “ca” tiểu thuyết không dành cho thói đọc tùy thích mà phải đọc như một thao tác làm việc với văn bản.
Có lẽ trong mọi kỳ vọng về một tác gia tiểu thuyết vượt hẳn lên, người đọc thường phải tự mình vui vẻ từng nấc. Nhưng cũng phải nói thêm rằng ngay cả với các thử nghiệm bút pháp, cho dẫu táo bạo, cũng quá ít được hưởng ứng khi diễn đàn dành cho nó còn tương đối ít ỏi hoặc khép kín.
Tình trạng người đọc bị “úm” bởi vài ba bài báo quảng bá sách mới là khá phổ biến và thay vì đi tìm quyền được lựa chọn, chúng ta lại yên tâm sử dụng chúng, khiến việc bước lỡ những ga đọc đích thực hình như ngày một thường xuyên hơn.
Đã đủ sức quen hơi biết tiếng
Tiểu thuyết 2014 không hoàn toàn chỉ là “mùa thu của các trưởng lão”, cũng không đến mức “tới hay lui cũng chừng ấy mặt người”.
Năm 2014 ngẫu nhiên đánh dấu sự đua nở của thế hệ viết đang vào độ trưởng thành ý thức thể loại: Nguyễn Xuân Thủy thoát khỏi chủ đề người lính để phức tạp trong những biểu đạt hiện thực đô thị ở Nhắm mắt nhìn trời. Nguyễn Danh Lam điềm tĩnh và phần nào gọn ghẽ hơn với Cuộc đời ngoài cửa. Nguyễn Ðình Tú, như thường lệ, biết cách đan cài giữa yếu tố đại chúng và cách xử lý cấu trúc dù không quá thời thượng ở Xác phàm.
Trần Nhã Thụy sau Sự trở lại của vết xước cũng tự mình nhẹ nhõm và thú vị ngay cả ở những triết lý trong Hát. Nguyễn Ngọc Thuần tỏ ra hiện đại và nhiều ẩn ý tinh tế trong Cơ bản là buồn. Uông Triều, sau truyện ngắn có phần chừng mực, đã đa nghĩa và gai góc hẳn trong Tưởng tượng và dấu vết – cuốn tiểu thuyết mang thái độ của một người trầm tư hơn là sự tưởng tượng của một kẻ kể chuyện đời.
Không đến mức gối đầu giường nhưng tiểu thuyết của thế hệ viết này, bởi đang đi dần vào sự ổn định phong cách, vẫn đủ sức quen hơi bén tiếng trong cộng đồng đọc đang bị chia thành nhiều kiểu dạng. Như thế đủ thấy tiểu thuyết đứng được và có phản hồi đã là một cuộc chơi không quá lép vế trong thời buổi bát nháo giải trí. Nên “văn chương có ích gì?” chẳng qua là câu hỏi tỏ vẻ nghiêm trọng mà thôi.
N.P
(Nguồn Tuổi Trẻ)