Nhà văn Sương Nguyệt MInh
35 năm Trường Viết văn Nguyễn Du: ‘Văn mạch Nguyễn Du’ vẫn chảy không ngừng
Nhắc đến “ngôi đền văn chương” này, nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng đào tạo hiện nay của khoa Viết văn – Báo chí không còn “thiêng” như trước, chưa cung cấp cho đời sống văn học nước nhà những cây viết tên tuổi như thời Trường Viết văn Nguyễn Du…Nhà văn Sương Nguyệt MInh
35 năm Trường Viết văn Nguyễn Du: ‘Văn mạch Nguyễn Du’ vẫn chảy không ngừng
Nhắc đến “ngôi đền văn chương” này, nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng đào tạo hiện nay của khoa Viết văn – Báo chí không còn “thiêng” như trước, chưa cung cấp cho đời sống văn học nước nhà những cây viết tên tuổi như thời Trường Viết văn Nguyễn Du…
Để “văn mạch Nguyễn Du” tiếp tục dòng chảy trong thời đại mới, Khoa Viết văn – Báo chí nên trở về với tên gọi Trường Viết văn Nguyễn Du hoặc sáp nhập với Trung tâm Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du của Hội Nhà văn Việt Nam theo mô hình “trường trong trường” để hợp nhất đào tạo.
Đại tá, nhà văn Sương Nguyệt Minh, người từng có nhiều năm tham gia giảng dạy về văn xuôi tại Khoa Viết văn – Báo chí khẳng định; Trường Viết văn Nguyễn Du là một trường đặc biệt, đã cung cấp cho đời sống văn học nước nhà một đội ngũ nhà văn nhà thơ mà hiện nay, nhiều người đang là nòng cốt cả về sáng tác và quản lý. Hầu hết những nhà văn đang viết rất sung sức của Việt Nam hiện nay hoặc đang giữ những cương vị lớn ở Hội Nhà văn Việt Nam hoặc ở một số báo, tạp chí gắn liền với văn chương như báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội đều từ Trường Viết văn Nguyễn Du ra.
* Vì thế, theo ông nếu đem so sánh chất lượng sinh viên tốt nghiệp Khoa Viết văn – Báo chí ngày nay với các thế hệ nhà văn, nhà thơ đã tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du trước đây là khập khiễng?
– Mỗi thời có một thành tựu, những cống hiến khác nhau. Bây giờ, nếu lấy thành tựu sinh viên của 4 khóa đầu tiên Trường Viết văn Nguyễn Du với những cái tên: Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Khuất Quang Thụy, Trần Quang Quý mà đánh giá, so sánh với các em sinh viên bây giờ thì quả là một so sánh khập khiễng. Bởi lẽ, tiêu chuẩn và đầu vào của hai thời kỳ này hoàn toàn khác nhau, lẽ đương nhiên sẽ tạo nên những giá trị khác nhau, những kết quả khác nhau.
Tôi thấy “văn mạch Nguyễn Du” vẫn là một dòng chảy không ngừng từ thế hệ các nhà văn, nhà thơ từng học Trường Viết Văn Nguyễn Du cho đến các học viên, sinh viên của khoa Viết văn – Báo chí hiện nay. Qua theo dõi, tôi thấy các em sinh viên của Khoa cũng có được những thành tựu đáng kể, rất nhiều em đoạt giải viết văn của các báo như báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội….
* Nhưng nhìn vào Khoa Viết văn – Báo chí những năm gần đây chưa cung cấp được cho đời sống văn chương nước nhà những tác giả lớn, có ý kiến cho rằng “văn mạch Nguyễn Du” đã cạn rồi, học xong toàn “chảy” sang ngành nghề khác?
– Vấn đề các em sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường toàn đi làm việc khác thì tôi thấy thế hệ những như anh Hữu Thỉnh, Trần Quang Quý và nhiều nhà văn nhà thơ khác toàn đi làm việc khác chứ có ai “chuyên tâm” viết văn đâu.
Các em sinh viên khoa Viết văn – báo chí bây giờ cũng thế, ra trường, các em tỏa về các báo, đài, tạp chí, thậm chí các em làm những việc chẳng dính dáng đến văn chương, sáng tác. Nhìn vào đó tôi thấy mừng. Mừng là vì nếu ra trường các em cứ cắm cúi vào viết lách, tôi đồ rằng sẽ không hay, vì con người ta phải sống đã rồi mới viết. Thứ nữa là, nếu ra trường lao đầu vào viết văn thì các em lấy tiền đâu mà sống.
* Ngoài Đại học Văn hóa, hiện nay ở nước ta còn có một số cơ sở đào tạo, bồi dưỡng viết văn như Trung tâm đào tạo viết văn Nguyễn Du (Hội Nhà văn VN), Lớp viết văn (Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội). Ông thấy thế là nhiều hay ít?
– Tôi cho rằng càng có nhiều cơ sở, trung tâm bồi dưỡng Viết văn có sự cạnh tranh càng tốt. Học viên không thích học chỗ này thì học ở chỗ khác.
Thứ nữa, càng có nhiều cơ sở, trung tâm bồi dưỡng viết văn mở ra, càng chứng tỏ rằng đó là nhu cầu của cuộc sống.
Trong một lần tiếp xúc với một nhà văn Mỹ, tôi được anh ta cho hay ở Mỹ có hơn 70 trung tâm bồi dưỡng viết văn. Như vậy để thấy rằng vài ba trung tâm bồi dưỡng viết văn, dạy viết văn ở nước mình chưa thấm vào đâu.
Thậm chí tôi cho rằng nếu ở phía Nam, nếu các nhà văn, học sinh có nhu cầu thì cũng nên mở cơ sở lớp viết văn hoặc trung tâm bồi dưỡng viết văn, vì tôi thấy có những người lặn lội từ trong nam ra đây học thì tội gì chúng ta không mở, bắt anh em, các cháu phải đi xa tốn kém làm gì.
Vì thế, tôi cho rằng mỗi cơ sở, mỗi trung tâm dạy hay bồi dưỡng viết văn đều có giá trị riêng của nó và có nhu cầu tự thân của cuộc sống thì hãy cứ để nó phát triển tự nhiên.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
P.N.H
(Nguồn TT-VH)