
Xidoric nhìn tay võ sĩ, trong mắt thoáng ánh lên một tia giận dữ ; ông vẫn bực tức mỗi khi nghe thấy một câu nói hàm ý so sánh hai dân tộc thù địch. Nhưng ông lại nhớ răng mình là chủ, trong phép đãi khách phải giữ lịch sự, không nên để lộ sự tức giận ra ngoài…
– Tôi xưa nay chỉ nói tiếng Norman, tiếng nói của Richard Hoàng đế và các vị quý tộc của Người. Nhưng tôi cũng hiểu tiếng Saxon tạm đủ để nói chuyện với người bản xứ.
Xidoric nhìn tay võ sĩ, trong mắt thoáng ánh lên một tia giận dữ ; ông vẫn bực tức mỗi khi nghe thấy một câu nói hàm ý so sánh hai dân tộc thù địch. Nhưng ông lại nhớ răng mình là chủ, trong phép đãi khách phải giữ lịch sự, không nên để lộ sự tức giận ra ngoài.
Lão Chánh Aymer đã nhân lúc chờ ở phòng ngoài thay bộ áo đi đường và mặc một bộ áo may bằng thứ vải đắt tiền hơn, bên ngoài lão lại khoác một tấm áo choàng thêu những hình vẽ kỳ lạ. Không kể chiếc nhẫn to bằng vàng có mặt triện là dấu hiệu chức vụ Chánh xứ, ngón tay nào của lão cũng đeo nhẫn có mặt đá quý, trái với tục lệ Nhà chung. Chân lão đi dép đóng bằng thứ da quý nhất, nhập cảng từ Tây Ban Nha. Râu tỉa nhỏ tắt, nếu không có luật lệ của dòng tu thì hắn đã cạo nhẵn quách. Và hắn đội một chiếc mũ giáo chủ đỏ chói, thêu chỉ màu rự rỡ, che kín khoanh sọ cạo trọc.
Tay võ sĩ Thánh chiến cũng đã sửa sang cái bề ngoài của mình. Tuy không trang hoàng một cách cầu kỳ như Aymer, song quần áo của hắn cũng sang trọng không kém, còn dáng điệu hắn thì bệ vệ hơn nhiều. Hắn đã cởi bỏ bộ áo giáp sắt và thay bằng một tấm áo lụa đỏ sẫm có điểm lông thú; bên ngoài lại khoác một chiếc áo trắng tinh, rộng loà xoà. Trên vai áo nổi bật chiếc thập tự kỳ quặch có tám góc bằng nhung đen; đó là dấu hiệu đặc biệt của dòng tu Thánh chiến. Bây giờ hắn đã bỏ chiếc mũ lúc trước che lấp trán mà để đầu trần, tóc hắn ngắn, quăn và đen nhánh như lông quạ, trông lại hợp với nước da đen sạm của hắn,. Hắn cố lấy dáng đi và cử chỉ thật đường hoàng mềm mại, nhơng vẫn không kìm giữ được vẻ kiêu hãnh lô ra rõ ràng – bọn người quyền thế lớn trong tay thường có cái vẻ kiêu hãnh đặc biệt này.
Đi sau hai nhân vật quan trọng này là bọn tuỳ tùng, còn người hành hương dẫn đường thì kính cẩn đi cách xa cả bọn độ vài bước. hình dáng người này cũng chả có gì đặc bịêt so với những người hành hương khác. Người này mặc một chiếc áo choàng bằng da thô màu đen, kiểu áo đại khái như kiểu áo lính khinh kỵ, cũng có hai vạt áo toả ra phủ hai tay. Bàn chân để trần, xỏ trong đôi dép làm bằng da xấu, buộc dây làm quai, đầu đội sùm sụp trong chiếc mũ vành rộng, chung quanh vành đính nhiều hạt cây; tay cầm một chiếc gậy dài, một đầu nhọn bọc sắt, một đầu buộc một cành lá cọ; đó là tất cả lệ bộ của anh chàng.
Người này khiêm tốn theo sau bọn tuỳ tùng bước vào phòng, nhác thấy chiếc bàn kê ở sàn dưới đã chật, vưà đủ chỗ cho đám gia nhân của Xidoric và bọn tuỳ tùng của các vị khách lạ, người ấy quay sang ngồi xuống một chiếc ghế dựa đặt ở mé cạnh và gần như sát dưới một cái lò sưởi lớn. Có lẽ người này muốn hong quần áo cho khô và chờ xem có ai ăn xong đứng dậy nhường chỗ cho thì mới ngồi hoặc may ra bác quản gia rộng rãi có chiếu cố mà mang thức ăn đến cho chăng.
Xidoric đứng dậy đón tiếp bọn khách lạ vớia dáng điệu lich thiệu và đường hoàng. Ông từ nền nhà cao bước xuống đúng ba bướ, đứng chờ khách và nói :
– Xin ngài Chánh xứ tha lỗi, ngài và vị chiến sĩ anh hùng đây thật là những bậc khách quý, song tôi đã có lời nguyền không bao giờ bước quá ba bước trên sàn nhà này của tổ tiên tôi để lại. Chắc tên quản gia của tôi đã trình bày với các vị vì lẽ gì mà tôi lại thất lễ như vậy. Tôi xin các ngài tha lỗi vì tôi dùng tiếng Saxon, và xin các ngài, nếu có thể, cũng dùng tiếng nước tôi để nói chuyện. Còn nếu các ngài không biết tiếng Saxon thì tôi cũng hiểu tiếng Norman tạm đủ để hầu chuyện các ngài.
Lão tu sĩ nói :
– Lời nguyền không bao giờ nên bỏ, thưa vị trang chủ, không, xin ngài cho phép tôi dùng tiếng hào trưởng, tuy danh hiệu này kể cũng đã hơi cũ. Thưa bậc hào trưởng, lời nguyền và những mối dây buộc ta vào Thượng đế, ấy chính là sợi dây buộc con vật hiến tế vào bàn thờ, và như tôi đã nói, trừ khi nào Nhà thờ rất thánh của chúng ta cho phép, không khi nào được nới ra hoặc cởi bỏ. Còn vấn đề dùng tiếng nước nào để nói chuyện, thì tôi cũng rất vui lòng được dùng tiếng nói mà bà nội đáng kính của tôi là Hindar Mitdernham đã dùng khi xưa. Bà nội tôi trùng tên với Thánh Hindar Wibby, đã chết rất ngoan đạo khi tuổi còn hơi trẻ. Cầu Chúa che chở cho linh hồn của cụ.
Khi lão Chánh xứ đã dứt đoạn văn hoa mỹ mà lão định dùng để lấy lòng Xidoric, thì đồng bọn lão lên tiếng gọn ghẽ và kiểu cách như sau :
– Tôi xưa nay chỉ nói tiếng Norman, tiếng nói của Richard Hoàng đế và các vị quý tộc của Người. Nhưng tôi cũng hiểu tiếng Saxon tạm đủ để nói chuyện với người bản xứ.
Xidoric nhìn tay võ sĩ, trong mắt thoáng ánh lên một tia giận dữ ; ông vẫn bực tức mỗi khi nghe thấy một câu nói hàm ý so sánh hai dân tộc thù địch. Nhưng ông lại nhớ răng mình là chủ, trong phép đãi khách phải giữ lịch sự, không nên để lộ sự tức giận ra ngoài. Ông giơ tay mời khách ngồi xuống hai chiếc ghế thấp hơn ghế của ông, song cũng kê sát ngay bên cạnh, và ra hiệu cho bọn nhà bếp bắt đầu bày thức ăn lên mặt bàn.
Trong khi bọn gia nhân vội vã làm theo lệnh chủ thì ông nhác thấy Oamba và Gerk vừa bước vào phòng. Ông giận dữ nói :
– Dẫn mấy thằng khốn khiếp lười biếng ấy lại đây !
Khi mấy kẻ có tội đã đến đứng trước thềm cao, ông hỏi:
– Làm sao chúng bay lang thang mãi ngoài rừng đến bây giò mới về ? Gerk ,mi có mang đàn lợn về hay không ? Hay là mi để bọn trộm cướp nó bắt đi mất rồi ?
Gerk nói :
– Xin ngài nguôi giận, đàn lợn còn nguyên vẹn.
– Mi tưởng ta nguôi giận được à ? Thằng khốn khiếp ! Mi để ta đoán già đoán non suốt hai giờ đồng hồ và bắt ta ngồi vắt óc nghĩ cách báo thù bọn láng giềng về những tội mà họ chưa phạm thế à? Bảo cho mi hay, lần sau mà còn phạm lỗi như vậy, ta sẽ cho cùm mi lại và nhốt vào nhà lao, nghe chưa ?
Gerk biết tính chủ vốn nóng nảy nên không dám thanh minh lấy một lời nào, nhưng Oamba xưa nay vốn được nuông chiều, vì ở cương vị một anh hề thì anh dễ được chủ tha thứ, nên anh trả lời thay cho cả hai :
– Nói của đáng tội, bác Xidoric ơi ! Tối hôm nay bác hơi vội vàng và khắt khe đấy !
Xidoric nói :
– Thế nào, thưa ngài, ngài lại thích nếm mùi roi vọt và muốn ngủ ở chuồng ngựa hay sao mà dám ăn nói càn rỡ đến thế ?
Oamba nói :
– Trước hết, bác vốn sáng suốt, xin bác hãy dạy cho em hay, trừng tri một người vì lỗi của kẻ khác, như thế có công minh không ?
Xidoric trả lời :
– Dĩ nhiên là không rồi, cái thằng ngu ngốc này.
– Vậy thì tại sao bác muyốn cùm Gerk về tội của con chó Fance ? Em dám thề với bác là chúng em không la cà một phút nào trên đường về, sở dĩ về muộn là vì hôm nay con Fance vô dụng quá. Mãi đến khi chuông tắt lửa đã thỉnh, chúng em mới tập hợp được đàn lợn để lùa về
Xidoric vội quay lại anh chăn lợn nói :
– Treo cổ con Fance lên cho tao, nếu quả thực lỗi của nó. Kiếm con khác thay.
Anh hề tiếp :
– Thưa bác, như vậy cũng chưa phải là chí công, bởi lẽ con Fance bị khập khiễng không làu nổi đàn lợn, không phải là lỗi tại nó, mà lỗi tại cái thằng đã nhổ của nó mất hai cái móng chân trước. Giá nó được hỏi ý kiến về việc này, chưa chắc nó đã ưng thuận.
Xidoric nổi giận :
– Vậy chứ đứa nào dám nhổ móng chó của tên nô lệ nhà ta ?
Oamba trả lời :
– Lạy Đức Mẹ ! Lão Hube chứ còn ai; cái lão coi rừng của ngài Phillip Manvoadanh ấy. Một bữa, con Fance đi trong rừng, lão đang canh gác bắt gặp nó và nói nó đang đuổi hươu của chủ lão, như vậy là trái phép.
Xidoric nói :
– Quan ôn vật chết toi cả lão Manvoadanh và tên coi rừng của hắn ! Ta sẽ dạy cho chúng hiểu rằng từ khi ban hành luật lâm khẩn, chúng nó không có quyền canh rừng như vậy nữa rồi. Nhưng thôi, thế cũng đủ. Thằng kia, về chỗ; còn thằng Gerk, kiếm con chó khác thay. Nếu tên coi rừng ấy còn mó vào nó, ta sẽ làm cho tay nỏ của nó thành vô dụng. Nếu ta không bắn gẫy ngón trỏ tay phải của nó, ta chỉ là một kẻ hen nhát đáng khinh nhất trong thiên hạ; hắn sẽ không bao giờ kéo được dây nỏ nữa. Thưa các vị khách quý, tôi xin các ngài thứ lỗi. Tôi sống bên cạnh một bọn láng giềng tồi quá, ngài võ sĩ ạ, tồi chẳng thua gì bọn dị giáo của ngài ở đất Thánh đấy. Nhưng kìa, thức ăn đã bày sẵn sàng, xin mời các ngài nâng chén và chớ chê rằng món ăn quá quê mùa.
Nói thế chứ thực ra món ăn bày la liệt trên bàn cũng đã quá ngon rồi, chẳng cần ông chủ phải quá khiêm tốn như vậy. Thịt lợn nấu thành nhiều món káhc nhau bày ê hề ở phía dưới, phía trên đủ các món gà , vịt, hươu, dê và thỏ. lại có nhiều thứ cá bày lẫn lộn với nhứng khoanh bánh mì thật to, chưa kể nhiều loại mứt hoa quả ướp mật. Thịt các loại chim rừng thì sẵn nhất, món này không dọn trong đĩa mà xâu thành từng xâu, bọn gia nhân mang để cạnh các vị khách, tuỳ thích ai muốn dùng bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Cạnh mỗi vị thực khách quan trọng đặt một chiếc cốc bạc lớn; bàn dưới thì rót rượu vào những chiếc cốc bằng sừng gia súc.
Khi mọi người sắp vào tiệc, viên quản gia đột nhiên giơ cao cây gậy của mình nói lớn :
– Xin hãy khoan ! Công nương Roenna tới dự tiệc.
Một chiếc cửa nghách cuối phòng, phía sau bàn tiệc mở ra, công nương Roenna bước vào phòng, theo sau có bốn hầu gái. Xidoric hơi ngạc nhiên, và có lẽ ông cũng không bằng lòng cho cô ra mắt bọn khách lạ trong dịp này, nhưng ông cũng vội vàng đứng dậy, bước ra đón cô, lễ phép và trịnh trọng dẫn cô đến chiếc ghế cao phía bên phải ông, ghế này dành riêng cho bà chủ nhà. Tất cả mọi người đứng dậy đón chào, cô lặng le cúi đầu đáp lại, và dáng diệu rất uyển chuyển, cô tiến đến chỗ ngồi cảu mình cạnh Xidoric. Ngay lúc thoạt nhìn thấy cô, tay võ sĩ đã thì thầm với lão Chánh xứ :
– Tôi sẽ không đeo chiếc vòng của bác hôm đi tỉ thí, bác đã được mấy hũ rượu tăm của tôi rồi đấy.
Lão Chánh xứ trả lời :
– Tôi nói có đúng không? Nhưng nhìn vừa thôi chứ, lão trại chủ để ý đấy
Borian Boaghinbe chẳng thèm để ý đến lời can của đồng bọn, xưa nay vẫn quen thói thích gì là được, hắn cứ nhìn chằm chằm vào cô mỹ nhân Saxon. Đối với hắn, công nương Roenna lại càng đẹp lắm, vì sắc đẹp của nàng quả là khác xa sắc đẹp của các cô gái Đông phương hắn vẫn quen nhìn.
Kể về phương diện khổ người phụ nữ thì cô thật hoàn hảo : vóc người dong dỏng, nhưng không cao quá khiến người ta phải chú ý đến tầm cao quá khổ. Làn da thì nõn nà tuyệt đẹp. Khổ đầu quý phái với nét mặt đài các khiến sắc đẹp của cô không có vẻ nhạt nhẽo như những người đàn bà đẹp khác. Đôi mắt trong vắt ẩn dưới đôi vòng cung lông mày duyên dáng màu nâu, vành lông mày hơi sẫm thôi, đủ để làm nổi bật vừng trán. Đôi mắt đặc biệt như có sức mạnh kỳ dị để vừa đốt cháy vừa xoa dịu người ta, vừa như truyền lệnh, lại vừa như cầu khẩn người ta.Cứ kể với những nét như thế thì vẻ mặt trời phú cho cô là dịu dàng mới phải. Song rõ ràng là ở trong nhà này cô ở địa vị luôn luôn được tôn trọng, luôn luôn được mọi người kính nể, thành ra trong cái vẻ đẹp tự nhiên của cô gái Saxon này lại pha lẫn một chút cao kỳ, khiến sắc đẹp của cô càng thêm đặc sắc. Tóc cô khá dài và dày, tết thành những bím nhỏ rất xinh và rất khéo, khiến tóc đã đẹp lại càng đẹp hơn. Trên mái tóc và cả làn tóc đều được đính nhiều hạt ngọc quý, lối trang sức như thế cho thấy cô thuộc dòng dõi quý phái và tự do. Cô đeo ở cổ một chiếc dây chuyền bằng vàng, có đính một thánh tích nhỏ cũng bằng vàng. Cánh tay cô để trần, đeo nhiều vòng. Cô mặc áo trong và xiêm lụa màu xanh nước biển nhạt, phía ngoài phủ một chiếc áo rộng dài sát đất, hai tay áo rất rộng che vừa kín khuỷu tay. Chiếc áo này màu đỏ thắm, may vàng vải len rất mịn. Phía trên áo có đính một chiếc chàng mạng bằng lụa mỏng, có điểm những sợi bằng vàng; tuỳ ý, cô có thể kéo lên để che kín mặt và ngực như lối đàn bà Tây Ban Nha, hoặc vắt ngang như một chiếc khăn quàng.
Khi cô Roenna nhận thấy tay Hiệp sĩ Thánh chiến nhìn chằm chằm vào mặt cô với cặp mắt nồng nàn, cặp mắt ẩn trong hai hõm mắt sâu thẳm lúc ấy có thể ví như hai hòn than hồng sáng rực, cô kiêu hãnh kéo chiếc chàng mạng che kín mặt. Đó là cử chỉ kín đáo ngụ ý rằng cô khó chịu vì cái lối nhìn ngó quá sỗ sàng của hắn.
Xidoric cũng nhìn thấy và hiểu tại sao cô làm như vậy, ông nói :
– Thưa ngài võ sĩ, cặp má đào của những cô gái Saxon chúng tôi ít khi phải rám nắng, nên không chịu nổi tia mắt của một Hiệp sĩ Thập tự chinh.
Borian trả lời :
– Nếu quả tôi có lỡ, xin ngài vui lòng thứ lỗi, nghĩa là công nương Roenna vui lòng thứ lỗi cho tôi, vì tôi xưa nay vốn không quen hạ mình cầu xin gì hơn.
Lão Chánh xứ chen vào :
– Công nương Roenna trừng phạt tính sỗ sàng của bạn tôi như vậy là đã trừng phạt tất cả chúng tôi rồi đấy ạ. Tôi hy vọng rằng công nương sẽ vui lòng đến dự xem cuộc tỉ thí để cho các tài tử giai nhân được chiêm ngưỡng dung nhan.
Xidoric trả lời :
– Không chắc chúng tôi có đến dự hay không! Tôi không ưa những trò vè ấy lắm. Xưa kia, khi nước Anh còn tự do, tổ tiên chúng tôi không hề biết đến những trò ấy.
Lão chánh xứ tiếp :
– Nhưng tôi hy vọng rằng ngài sẽ vui lòng đi với chúng tôi. Đường sá bây giờ hỗn hào lắm, có một người như ngài Borian Boaghinbe đây đi kèm để bảo vệ, thật tha hồ chắc chắn.
Ông già Saxon trả lời ;
– Thưa ngài chánh xứ, từ xưa đến nay, tôi đi đến bất cứ nơi nào trên dải đất này, với thanh gươm và đám tuỳ tùng của tôi, tôi chưa nhờ vả ai giúp đỡ. Bây giờ nếu chúng tôi đi Asbyderladut, chúng tôi sẽ cùng đi với vị quý tộc trang chủ láng giềng của tôi là Adentein Conningber. Chúng tôi sẽ đem theo một đoàn tuỳ tùng đủ để bọn cướp rừng và bọn chúa phong kiến thù địch phải vì nể, Thưa ngài Chánh xứ, ngài sành thưởng thức, chắc hẳn ngài công nhận rượu này ngon. Tôi xin cạn cốc rượu này để cảm tạ tấm thịnh tình của ngài.
Ông nói thêm :
– Kể ra theo phép chay tịnh của Nhà chung thì ngài ưa sữa chua hơn rượu thật đấy. Nhưng nếu ngài không quá nguyên tắc thì tôi mong ngài sẽ vui lòng đáp lại.
Lão tu sĩ cười lớn trả lời :
– Chúng tôi chỉ ăn chay trong nhà thờ thôi, thưa ngài. Còn khi tiếp xúc với người ngoài thì cũng phải theo thế tục chứ. Cho nên tôi xin cạn cốc rượu mạnh này để đáp lại lời chúc tụng của ngài, còn thứ rượu nhẹ kia, xin để phần cho chú thày dòng của tôi.
Lão vũ sĩ cũng rót đầy cốc của hắn :
– Còn tôi, tôi cũng xin chúc tụng công nương Roenna kiều diễm. Quả thật, từ khi cái tên Roenna có trong tiếng anh, tôi chưa thấy người nào xứng với cái tên ấy hơn cô. Quả thật, nếu lão Vortigent bất hạnh xưa kia mà mất cả đất nước của mình chỉ vì nửa cái diễm phúc mà tôi đang có thôi, tôi cũng sãn sàng tha thứ cho lão.
Công nương Roenna vẫn không bỏ chàng mạng xuống, kiêu hãnh trả lời :
– Thưa ngài Hiệp sĩ, tôi không dám nhận lời chúc tụng của ngài. Nhưng tôi hy vọng ngài có nhã ý kể cho chúng tôi những tin tức mới nhất từ Palestin. Người Saxon chúng tôi ưa nghe những chuyện ấy hơn là những lời chúc tụng theo lối Pháp mà tai chúng tôi không quen nghe .
Borian đáp :
– Thưa công nương, tôi cũng không biết được chuyện gì đặc biệt lắm, trừ những tin tức cho biết đích xác hiện đã hoãn chiến với Saladin…
Nói đến đó thì hắn bị Oamba ngắt lời, Oamba đang ngồi trên một cái ghế, trên lưng tựa có vẽ hai cái tai lừa, kê cách khoảng hai bước sau ghế ông chủ. Thỉnh thoảng ông lại xẻ bớt một phần thức ăn trong cái đĩa của mình cho hắn : đó là một đặc ân mà chỉ riêng Oamba và đàn chó quý được hưởng, đàn chó này như ta đã biết, đang đứng chầu ở đó cũng khá đông. Oamba ngồi trước một cái bàn con, hai chân thu lại, gác lên then ghế, móp hai má vào, mồm dẩu ra, hai mắt lim dim, song thật ra hắn đang rình mọi cơ hội để xen vào những câu pha trò ngớ ngẩn. Chẳng thèm để ý đến tay chiến sĩ đường bệ đang nói chuyện, hắn cứ chêm vào :
– Cứ hoãn chiến mãi với bọn dị giáo thì tôi già lụ khụ mất.
Xidoric reo lên, nét mặt vui vẻ, sẵn sàng thưởng thức câu pha trò hóm hỉnh.
– Bởi lẽ tôi nhớ đã được nghe tuyên bố hoãn chiến ba lần, lần nào cũng nói sẽ hoà bình trong năm mươi năm. Cộng lại thì ít nhất bây giờ tôi cũng phải già đến một trăm năm chục tuổi rồi không?
Tay chiến sĩ đã nhận ra mặt anh hề ở trong rừng lúc chiều :
– Ta vui lòng giúp cho ngươi khỏi phải chết già. Ngươi còn giữ thói chỉ đường bậy bạ cho khách qua đường như lúc tối ngươi mách đường cho vị Chánh xứ đây và ta, thì ta sẽ đập cho mi chết toi mạng.
Xidoric hỏi :
– Thế nào, thưa ông, sao ông lại chỉ đường bậy cho khách bộ hành. Thằng này thế thì phải đánh đòn mới được, mi đã ngớ ngẩn lại còn láo lếu đến thế nữa.
Anh hề trả lời :
– Em xin bác lần này hãy vì em ngớ ngẩn mà tha cho em cả tội láo lếu. Số là em cứ hay lẫn lộn giữa tay trái và tay phải. Vả lại bác đã tha thứ cho một sự lẫn lộn to lớn hơn là đã nhờ một tên ngu ngốc làm hướng đạo và cố vấn .
Lần này câu chuyện bị cắt ngang vì một tên gia nhân canh cổng bước vào báo rằng có một người lạ chờ ở ngoài, người này khẩn khoản xin được vào nghỉ đêm trong trại.
Xidoric nói :
– Cho người ta vào, không cần biết người ta là ai. Đêm tối mù mịt, lại mưa to gió lớn như thế này thì đến thú dữ cũng phải sợ mà đến ở chung với gia súc, hoặc có khi còn tìm đến cả kẻ thù không đội trời chung là người, mà cầu được che chở, còn hơn chết cóng vì mưa gió. Hãy xem người ta cần gì, tiếp đãi cho thật đầy đủ. Ottorn, ra xem sao.
Bác quản gia rời khỏi bàn tiệc, và bước ra coi sóc việc thi hành mệnh lệnh của chủ.
Còn tiếp
(nguồn: Kho tư liệu của Hội NVHP)