
LỜI GIỚI THIỆU
Walter Scott ( 1771 – 1832 ), sinh tại tỉnh Endiburd nước Anh trong một gia đình trí thức, cha ông là Chưởng lý của Tòa án tỉnh nhà, mẹ là con một vị giáo sư Đại học Y khoa. Từ thửa nhỏ, Scott đã ham mê các tác phẩm cổ điển nước Anh và tác phẩm của các nhà văn lớn thời Phục Hưng nước Pháp và nước Ý, ông thường đi thăm các di tích lịch sử ở mìên bắc nước Anh ( xưa kia một phần thuộc Scotland). Ông vừa làm luật sư vừa sáng tác thi ca và tiểu thuyết, tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông chính là Aivanho…
Walter Scott ( 1771 – 1832 ), sinh tại tỉnh Endiburd nước Anh trong một gia đình trí thức, cha ông là Chưởng lý của Tòa án tỉnh nhà, mẹ là con một vị giáo sư Đại học Y khoa. Từ thửa nhỏ, Scott đã ham mê các tác phẩm cổ điển nước Anh và tác phẩm của các nhà văn lớn thời Phục Hưng nước Pháp và nước Ý, ông thường đi thăm các di tích lịch sử ở mìên bắc nước Anh ( xưa kia một phần thuộc Scotland). Ông vừa làm luật sư vừa sáng tác thi ca và tiểu thuyết, tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông chính là Aivanho…
Tác phẩm đề cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và đức tính thượng võ cao quý. Chủ đề của tác phẩm phản ánh tinh thần của nhân dân Anh trong khoảng đầu thế kỷ XIX, khi giai cấp tư sản dân tộc đang phát triển, chiến thắng cuộc xâm lăng của Đế quốc Pháp dưới thời Naponeong I. Ngoài giá trị tư tưởng, Aivanho còn có giá trị lịch sử, những nhân vật và sự việc lớn trong tác phẩm như Vua Richard LionHeat, hoàng tử John, Robin Hudd, cuộc Thập tự chinh, việc Vua Richard bị cầm tù, các cuộc thi đấu võ hay sự áp bức bóc lột của người Norman với người Saxon, tình trạng xã hội rối ren tại nước Anh vào thế kỷ XII…đều là những sự thực lịch sử. Walter Scott đã miêu tả lại đúng những phong tục, tập quán, trang phục và cả ngôn ngữ của thời đại. Sau này các nhà tiểu thuyết thời đại lớn của Anh như Thackeray, Dickens cũng chịu ảnh hưởng của Scot về việc tôn trọng màu sắc đại phương cũng như tính chân thực về lịch sử trong các tác phẩm của mình.
Tác phẩm còn có giá trị nhân đạo sâu sắc, đề cao những đức tính cao quý như tinh thần ưa chuộng công lý, tinh thần vị tha, đức hy sinh, lòng dũng cảm, tính cương trực…dưới hình thức những phong tục mã thượng thời Trung Cổ. Tinh thần nhân đạo đó tiếp thu từ Secphia , từ thời kỳ Phục Hưng.
Về mặt nghệ thuật, Aivanho có một sức hấp dẫn đặc biệt, cốt truyện có tính chất ly kỳ nhưng không quá rối rắm phức tạp, tình tiết trong truyện không có sự việc thừa, tất cả đều nhằm làm nổi bật tâm lý của nhân vật, phục vụ cho nội dung của tác phẩm. Cuộc sống trong tác phẩm rất sinh động, các nhân vật va chạm nhau, yêu đương, căm thù, ao ước, chiến đấu…với một cường độ cao. Lối hành văn đặc sắc, khi nhẹ nhàng chân thực, lúc dí dỏm tế nhị, có đoạn lại trang trọng hùng hồn, đồng thời vẫn toát lên không khí cổ kính của nước Anh thời Trung Cổ. Đặc điểm này do chính bút pháp lãng mạn của tác giả, bút pháp này đã ảnh hưởng đến nhà tiểu thuyết lịch sử Pháp nổi tiếng là Alexadre Dumas với phương pháp ” làm sống lại lịch sử một cách toàn vẹn “.
Trong không khí sục sôi của các cuộc bút chiến về thời Cổ Đại và Trung Cổ, đồng thời cũng muốn góp thêm một vài trang sách vào Quốc sử Hàn lâm Viện của diễn đàn, vì vậy tôi xin phép post lên tác phẩm Aivanho – tác giả Walter Scott – bản dịch của Trần Khiêm – Nhà xuất bản Văn học.
CHƯƠNG MỘT
Câu chuyện như vậy : khi đàn lợn ăn no nê
Trở về căn chuồng đê tiện buổi tối
Bị bắt buộc, chúng ngần ngại không muốn bước ào
Chỉ rống lên những tiếng kêu ầm ĩ, nhức óc…
Tại một vùngcó nhiều cảnh đẹp tại lưu vực sông Đôn nước Anh thanh bình có một cánh rừng lớn lâu đời bao phủ khắp những qủa đồi xinh xắn và những thung lũng rải rác giữa thị trấn Xipphiên và tỉnh lỵ ĐôngCattơ. Di tích của cánh rừng lớn này còn tìm thấy ở những nơi phong cảnh kỳ thú tại Ơenước, Oancơlip và quanh vùng Rodơhan. Ngày xưa, đây là nơi con rồng Oanly trong truyện cổ tích vùng vẫy, đây cũng là nơi diễn ra những trận ác chiến thời nội chiến “ Hai hoa hồng “, lại cũng là nơi ngày xưa là sào huyệt của bọn lục lâm anh hùng với những hành động kinh thiên động địa mà dân gian còn truyền tụng qua các bài dân ca.
Câu chuyện này xảy ra tại nơi đó vào khoảng gần cuối triều vua Risa đệ nhất, hồi ấy nhà vua bị cầm tù ở phương xa đã quá lâu, bọn thần dân tuyệt vọng chỉ dám ước mà chẳng dám mong nhà vua trở về, họ quằn quại dưới ách áp bức bóc lột tàn khốc. Dưới triều vua Stephant, bọn quý tộc có quyền hành rất lớn mà trước kia vua Hăngry đệ nhị lại thi hành một chính sách mềm dẻo khiến họ rất ít bị lệ thuộc vào triều đình, do đó họ càng lộng quyền. Chẳng kể gì đến Hội đồng Mục chính, họ củng cố thành luỹ, mở rộng thế lực, buộc bọn quý tộc nhỏ xung quanh phải tuỳ thuộc, cố xây dựng lực lượng tính chuyện mưu bá đồ vương trong những biến cố quốc gia đang đe doạ nổ ra.
Theo tinh thần luật pháp nước Anh thì bọn thị dân tư sản không bị lệ thuộc vào lãnh chúa phong kiến, song tình hình ấy cũng rất bấp bênh. Nếu họ biết nhờ cậy một lãnh chúa quý tộc, tự nguyện phục dịch chúng thì còn tạm thời được yên ổn làm ăn. Song như vậy thì họ phải hy sinh đời sống độc lập của họ, mà người Anh lại rất quý đời sống độc lập, chưa kể nhiều khi họ bị cuốn vào những chuyện liều lĩnh do tham vọng cuả tên lãnh chúa gây ra. Mặt khác, bọn lãnh chúa phong kiến chẳng thiếu gì cách gây chuyện áp bức bọn phong kiến láng giềng yếu hơn, nhiều khi đi đến chỗ tiêu diệt họ chỉ vì họ muốn thoát ra khỏi vòng cương toả của chúng, vì họ ngây thơ tin vào pháp luật, hoặc nghĩ rằng mình làm ăn hiền lành, chắc chẳng ai động đến mình.
Những hậu quả của việc Quận công Norman Wiliam chiếm nước Anh càng khuyến khích sự áp bức của bọn quý tộc phong kiến, và các tầng lớp dưới trong xã hội lại càng thêm cực khổ. Trải qua đã bốn thế hệ mà hai dòng máu Norman và Anglo Saxon vẫn không hoà hợp với nhau được, quyền lợi vẫn không thống nhất, ngôn ngữ vẫn còn tách biệt : một đằng thì tự hào vì chiến thắng, một đằng thì rên xiết dưới những hậu quả của chiến bại. Sau trận Hasting, quyền hành lọt cả vào tay bọn quý tộc Norman, lịch sử cho thấy chúng vô cùng hà khắc. Hầu hết vương công, quý tộc Saxon bị tước đoạt tài sản, kể cả những người có đất đai ở quê quán, hoặc cả lãnh chúa nhỏ. Từ lâu nhà vua Norman thi hành mọi chính sách hợp pháp và bất hợp pháp nhằm làm yếu dần thế lực của những người nuôi chí chống lại bọn xâm lược. Những triều vua Norman hậu đãi ra nmặt bọn thần dân Norman, trái lại, nhân dân Saxon thì bị những luật lệ hà khắc, xa lạ với tinh thần tương đối tự do của hiến pháp Anh thời các vua Saxon, như luật săn bắn chẳng hạn, đè nặng lên đầu lên cổ họ với những ách áp bức bóc lột khác của lãnh chúa phong kiến. Trong triều đình và dinh luỹ của bọn quý tộc Norman, cuộc sống cực kỳ xa xỉ. chúng chỉ dùng tiếng Pháp trong toà án, xử án và biện hộ cũng bằng tiếng Pháp. Tóm lại, tiếng Pháp được coi là ngôn ngữ của những người danh giá, quý phái và của công lý. Còn tiếng Saxon, mặc dầu phong phú và mạnh mẽ hơn, chỉ có người bình dân và bọn quê mùa dùng. Tuy nhiên, bọn lãnh chúa vẫn cần những người nông dân cày sâu cuốc bẫm và trong việc tiếp xúc để hai bên có thể hiểu nhau, dần dần hình thành một thứ ngôn ngữ lẫn cả tiếng Pháp và tiếng Saxon. Thứ tiếng ấy chính là mầm mống của tiếng Anh hiện nay, phối hợp với các ngữ vựng của ngôn ngữ cổ và ngôn ngữ vài nước miền Nam Âu châu.
Mặt trời rọi xuống một con đường viền cỏ rậm trong cánh rừng nói ở trên. Hàng trăm cây sồi cành lá rậm rạp. tán rộng, thân lùn, xưa kia có lẽ đã nhìn thấy những binh đoàn Norman rầm rộ tiến qua, đang vươn những cánh tay lực lượng ôm lấy một khoảng rừng xanh kỳ thú. Nhiều chỗ cành lá đủ mọi thứ cây chằng chịt quấn lấy nhau thành một đám rậm rì, ánh sáng xuyên ngang của mặt trời sắp lăn cũng không lọt qua được.Nhưng thỉnh thoảng cũng có chỗ quang đãng , phong cảnh rất đẹp, nhìn không chán mắt khiến ta tưởng tượng như đường vào tiên cảnh. Ánh nắng mờ nhạt rải rác toả xuống những cành cây lay lắt, những thân cây phủ rêu xanh và đây đó những mảng cỏ sáng rọi lên. Giữa khoảng cây cối um tùm đó có một khoảng khá rộng, hình như xưa kia là nơi hành lễ của những tín đồ tôn giáo của chủng tộc Xenter thời cổ. Trên đỉnh của một quả đồi tròn như đắp, còn sót lại vài tảng đá lớn xù xì, xếp theo những đường vòng tròn. Bảy viên còn sót lại đứng trơ, những viên khác lăn lốc chung quanh, có những người theo đoạ Giatô phá huỷ. Hòn thì nằm ngay cạnh đó, hòn thì lăn xuống lưng đồi, làm cho dòng nước bị cản lên tiếng rì rào nhè nhẹ.
Giữa phong cảnh đó, có hai người áo quần và dáng điệu có vẻ thô sơ, man rợ như cảnh trí miền Tây Ioocsai hồi đó. Người lớn tuổi có vẻ mặt khắc khổ dữ tợn. Áo quần rất giản dị, hắn vận một chiếc áo chẽn có tay bằng da thuộc đã cũ, trước kia cũng có lông phủ ngoài, nhưng bây giờ đã có nhiều chỗ rụng trơ, khiến ta không phan biệt được là da loài thú gì. Chiếc áo này dài từ cổ xuống gối và dùng làm thứ áo mặc trong mọi trường hợp. Cổ áo thì hẹp chui vừa đầu, ta có thể kết luận rằng muốn mặc ắt hẳn phải luồn từ dướic bụng áo mà chui đầu ra, chân hắn đi một đôi dép quai bằng da lợn, quấn chằng chịt những sợi dây da mỏng đến quá bắp chân, đầu gối để trần như kiểu người miền núi xứ Scotland, để cho chiếc áo thêm bó khít vào người, ngang lưng hắn thắt một chiếc thắt lưng da to bản có một cái khoá đồng, một bên buộc một cái túi, một bên đeo một cái cái tù và làm bằng sừng cừu đực. Cạnh sườn đeo một con dao dài to bản, mũi nhọn, hai lưỡi, chuôi bằng sừng dê, hồi đó còn gọi là đoản đao xứ Xiphiên, đầu để trần, mớ tóc bù xù dãi dầu sương gió, nắng thiêu đỏ quạch, nổi bật tên hàng râu xồm xoàm màu vàng như hổ phách. Ta lại không thể bỏ qua không chú ý đến một cái vòng thau hắn đeo trên cổ, giống như cái vòng cổ chó, song không có chỗ mở, vừa đủ rộng để khỏi nghẹt thở, cũng đủ khít để không lấy ra được, trừ phi dùng dũa mà cắt. Trên mặt vòng khắc mấy chữ Saxon :“ Gơơc, con trai của Biouon, là nô lệ của Xidoric ở Rodout”.
Cạnh anh chăn lợn Gơơc có một người trẻ tuổi ngồi trên một tảng đá của bọn dị giáo, hắn ta trông trẻ hơn Gơơc độ 10 tuổi, vận quần áo cùng kiểu, song may bằng thứ vải tốt hơn và trông cũng kỳ quái hơn. Hán bận một chiếc áo dài màu đỏ sẫm có nhiều hình vẽ lạ lùng, sặc sỡ. Bên ngoài lại khoác một chiếc áo ngắn đến đùi màu đỏ pha sợi vàng rộng lùng thùng như một cái chăn để khi cần có thể vắt qua vai hoặc quấn quanh mình. chiếc áo quá rộng mà chiều dài lại quá ngắn, thành ra trông đến là lạ mắt. Tay hắn lại đeo nhiều vòng bạc, cổ cũng đeo một chiếc vòng bạc có dòng chữ : “ Oamba, con trai của Uylit, là nô lệ của Xidoric ở Rodout”. Hắn cũng di dép như Gơơc, song bắp chân không buộc dây da mà lại đi ghệt, một chân đỏ, một chân vàng. Hắn đội một cái mũ có một hàng nhạc giống nhạc đeo ở cổ chim ưng, vì hắn luôn luôn quay bên nọ ngó bên kia nên không lúc nào ngớt tiếng động. Phía trên mũ có một vành da cắt răng cưa, ở giữa là chỏm mũ dài vắt xuống một bên vai giống như kiểu mũ ngủ ngày nay, hoặc như cái túi lọc bột, hay cái mũ của một viên mõ toà ngày nay. Bộ nhạc được đính ngay vào chỏm mũ này.
Cứ nhìn y phục, cử chỉ và dáng điệu nửa ngờ nghệch, nửa láu lỉnh của hắn ta, cũng đoán ngay được hắn ta là thằng hề chuyên mua vui cho các gia đình giàu có trong lúc nhàn rỗi. Ngang lưng hắn cũng đeo một cái bao, song không có tù và mà cũng chẳng có dao, có lẽ vì người ta không dám cho hắn giữ những vật sắc nhọn. Tuy vậy hắn cũng được mang một chiếc gậy ngắn, giống như chiếc gậy xiếc.
Lối phục sức của hai người thật là trái ngược mà vẻ mặt cũng khác nhau. Anh nô lệ có vẻ buồn rầu bực tức, mặt cúi xuống đất như đang âu sầu thất vọng, dường như đờ đẫn không thiết làm gì, nhưng trông khoé mắt dữ dội, ta đoán biết anh ta đang căm giận thân phận nô lệ của mình và sẵn tiềm tàng một tinh thần phản kháng. Còn anh hề Oamba thì lại có vẻ tò mò ngờ nghệch, tự mãn với cách ăn mặc và địa vị của mình, luôn luôn động đậy. họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Saxon là tiếng nói của bọn bình dân, trừ đám binh lính và thuộc hạ của các lãnh chúa Norman. Anh nô lệ chăn lợn rúc một hồi tù và dài để gọi đám lợn đi ăn rải rác về và chửi đổng : “ Mẹ cha chúng nó, trời đánh thánh vật chúng nó chết tiệt đi cho rảnh”. Đàn lợn ủn ỉn, đáp lại bằng những tiếng du dương không kém, đà đận không muốn rời bỏ đám lá non và quả đồi cũng như cái thú dầm mình trong vũng bùn giữa lòng suối; nhiều con bùn ngập đến quá nửa bụng, nằm ềnh ra một cách thoải mái, nghe tiếng chủ gọi cũng cứ làm lơ. “ Từ giờ đến tối không lạc mất vài con, tao chỉ làm con vật. Phăng!Phăng!”. Anh chăn lợn lớn tiếng gọi con chó ăn trên đồi dữ tợn như một con sói đang giúp chủ khập khiễng chạy lùa đàn lợn bướng bỉnh ăn lạc hướng không chịu về, nhưng lại càng làm cho chúng chạy tán loạn thêm, không biết vì nó hiểu lầm ý chủ, vì nó không hiểu không rõ nhiệm vụ của nó, hay vì nó cố tình tinh quái. “ Lão coi rừng ôn vật đi giũa hết cả móng của con chó khiến nó trở thành vô dụng. Oamba! Nhúc nhích lên một tí chứ, đứng dậy giúp tao một tay với. Mày chịu khó đi vòng quanh quả đồi này, đến đầu kia, xuôi gió là cứ việc lùa chúng về, dễ như bỡn thôi, “
Oamba vẫn ngồi yên không nhúc nhích: “ Phải, tôi đã hỏi ý kiến đôi giò của tôi rồi, chúng đồng thanh nói rằng mặc quần áo đẹp thế này mà đi chăn lợn thì không đúng phép. Thôi, tôi khuyên anh cứ gọi con Phăng về và mặc xác chúng. Chúng có gặp cướp, gặp lính hay thầy tu thì cũng thế thôi. Mà giá chúng có biến thành tụi Norman, thì anh càng khoái chứ sao!”
Gơơc ngạc nhiên hỏi : “ Lơn biến thành tụi Norman mà tôi lại thích? Này Oamba, anh hãy nói rõ tôi nghe, tôi vốn ngu si, không quen lối chơi chữ đâu.”
Oamba bèn hỏi :
– Vậy chứ anh gọi những con vật bốn chân kia là gì ?
– Con heo chứ gì, ai lại không biết.
– Ấy,heo là tiếng Saxon chính cống. Thê nhưng khi nó bị chọc tiết, mổ bụng rồi, treo ngược lên như một tên bội phản thì anh gọi là gì?
– Gọi là lợn.
– Tôi rất sung sướng thấy tên ngu ngốc nào cũng biết điều đó. Thế mà lợn là tiếng Norman đấy, biết không? Nghĩa là khi nó sống ta phải chăm sóc nó là Saxon, lúc bị làm thịt nuôi béo bọn quý tộc thì nó biến thành Norman, anh có thấy không?
– Ồ! Đúng quá. Thế mà mày cũng biết được cơ à?
Oamba lại tiếp :
– Tôi còn biết khối cái khác cơ. Con bò ấy mà, nó là con bò khi anh còn phải cho nó gặm cỏ, nhưng nó lại là con bù khi sắp chui vào bụng người ta. Con bê cũng thế, lúc ấy biến thành con mê. Nghĩa là khi nó cần chăm sóc thì nó là Saxon, còn khi nó làm người ta thích khẩu thì nó là Norman.
Gơơc trả lời :
– Trời đất ơi! Toàn là những sự thực đáng buồn nhỉ! Bây giờ chúng mình chỉ còn được chút khí trời để thở, mà cũng chỉ vừa đủ sống để làm tôi mọi mãi thôi. Thức gì bổ béo, ngon ngọt thì người được xơi, gái nào đẹp thì người ta được hưởng. Bọn vũ dũng can đảm nhất thì đâm đầu đi lính cho ngoại tộc, vùi xác nơi quê người, chẳng còn ai che chở cho dân Saxon không may chúng ta nữa. Vậy mà chủ chúng ta, ông Xidoric đã ở lại. Chúa phù hộ cho ông, nhưng thằng cha Đầu bò đến xứ này thì sớm muộn thế nào cũng gây chuyện với ông cho mà xem.
Gơơc lại cao giọng gọi con chó săn :
– Phăng!Phăng! Được lắm! Được lắm! Bây giờ mày lùa được chúng rồi đấy. Cứ thế, cố lên.
Anh hề nói :
– Anh Gơơc! Anh cho tôi là ngu xuẩn hay sao mà anh dám nói năng liều lĩnh thế? Tôi mà đi mách lão Đàu bò hay lão Philip Manvoadanh rằng anh nói xấu người Norman thì liệu anh có thể thoát bị treo cổ lủng lẳng trên cành cây làm gương cho những kẻ hay nói xấu người quyền quý hay không?
– Đồ tồi! Mày gợi chuyện cho tao nói rồi lại đinh phản tao à ?
– Phản anh ư? Nói đùa đấy. Người khôn ngoan mới lừa lọc nhau được, chứ một thằng hề như tôi thì lo bản thân còn chưa xong, Nhưng yên, có người kia kìa.
Hắn lắng tai nghe tiếng chân ngựa gõ dồn dập.
– Ai cũng mặc họ.
Gơơc vừa trả lời vừa cùng con Phăng lùa đàn lợn qua hàng cây um tùm rậm rạp.
– Này, họ đi ngựa anh ạ. Có lẽ họ mang chiếu chỉ của Thượng đế ở trên trời xuống đấy.
Anh chăn lợn gắt lên :
– Thằng chết toi. Mưa đến nơi rồi mà còn đùa, sấm chớp ầm ầm kia kìa. Mùa này mưa to lắm đấy. Trông xem. Những cây sồi cổ thụ kia mà cũng rung lên ào ào, có lẽ bão mất. Mày muốn triết lý thì mặc mày, đi về thôi, không có tối mà lại mưa thì bỏ mẹ.
Oamba cũng thấy sợ hãi nên đi theo bạn. Gơơc nhặt chiếc gậy dài trên cỏ, vội vàng theo con đường hẻm trong rừng cùng con Phăng lùa đàn lợn đang vừa đi vừa kêu ủn ỉn một cách không du dương một chút nào.
(còn tiếp)
(Nguồn: Kho tư liệu của Hội NVHP)