Anh đừng khen em – Lâm Thị Mỹ Dạ

Lần đầu khi mới làm quen
Anh khen cái nhìn em đẹp

Trời mưa òa cơn nắng đến
Anh khen đôi má em hồng

 

Lần đầu khi mới làm quen
Anh khen cái nhìn em đẹp

Trời mưa òa cơn nắng đến
Anh khen đôi má em hồng

Gặp người tàn tật em khóc
Anh khen em nhạy cảm thông

Thấy em sợ sét né giông
Anh khen sao mà hiền thế!

Thấy em nâng niu con trẻ
Anh khen em thật dịu dàng

Khi hôn lên câu thơ hay
Ấp trang sách vào mái ngực
Em nghe tim mình thổn thức
Thương người làm thơ đã mất
Trái tim giờ ở nơi đâu?

Khi đọc một cuộc đời buồn
Lòng em xót xa, ấm ức
Anh khen em giàu cảm xúc
Và bao điều nữa…? – Anh khen

Em sợ lời khen của anh
Như sợ chiều về, hắt lối
Nhiều khi ngồi buồn một mình
Trách anh sao mà nông nổi

Hãy chỉ cho em cái kém
Ðể em nên người tốt lành
Hãy chỉ cho em cái xấu
Ðể em chăm chút đời anh

Anh ơi, anh có biết không
Vì anh em buồn biết mấy
Tình yêu khắt khe thế đấy
Anh ơi anh đừng khen em

1973

Nguồn: Văn chương một thời để nhớ, Nxb Văn học, 2006

 

Ấn tượng đậm nhất về một nửa cõi tình thơ Lâm Thị Mỹ Dạ – Trần Xuân An

Trong nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ có một người thơ viết nên những bài thơ vì tình yêu đương của riêng mình và cho tình yêu đương của mọi người. Nói đúng ra, thật khó phân biệt trong dòng nước sông Hương đâu là những hạt nước từ nhánh nguồn này, đâu là những hạt nước từ nhánh nguồn kia, mặc dù ai cũng biết dòng sông ấy hợp lại từ hai mạch thẳm rừng sâu.

Với tuyển thơ tình Lâm Thị Mỹ Dạ, “Chỉ riêng mình em thấy” (*), tôi không thể gọi bằng danh xưng nào khác về tác giả: Người Thơ. Vâng, là người thơ (thi nhân), với tất cả ý nghĩa rất đẹp của từ ngữ. Lâm Thị Mỹ Dạ là thơ tình ấy và thơ tình ấy là con người của Lâm Thị Mỹ Dạ. Không phải ở bất kì nhà thơ nào cũng có sự đồng nhất này.

Và dòng sông Hương ví von kia, trong một cách nhìn nào đó, lại kết hợp từ Nhật Lệ ấu thơ và thời thiếu nữ với Thạch Hãn quê hương của người tình trăm năm. Nhưng không chỉ thế, còn có một dòng sông trên trời xanh xa với một người tình nào đó rất hư ảo nữa.

Muôn thuở là vậy, thơ ca về tình yêu đương, đi vào tận chiều sâu của những rung động tinh tế, những ý nghĩ thầm kín, lại chính là mở ra không gian và thời gian vô cùng, với gương mặt thơ có khi rất thật lại có khi rất ảo…

Tuyển thơ trên tay mấy hôm rồi giúp tôi lắng lại lòng mình để hình dung ra một người thơ với tất cả những gì đã kết tinh và còn lại từ một trái tim. Trái tim ấy được ngắm nhìn trong ánh sáng và bóng tối của tình yêu đương.

Không cách nào khác được, tôi phải viết một chút gì đó về tuyển thơ này. Trước hết, có lẽ tôi phải khắc đậm dòng chữ: Khát vọng và âu lo hoàn thiện phẩm chất bên trong

Đó là ấn tượng hình thành trong tôi từ “Chỉ riêng mình em thấy”, tập tuyển thơ tình Lâm Thị Mỹ Dạ, nhất là ở mảng thơ thuở người thơ còn là một cô gái trẻ.

Trong bài “Đọc Lâm Thị Mỹ Dạ” được trang trọng đặt ở sáu trang đầu tuyển, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, có rất nhiều bạn đọc rất thích bài thơ có tên “Anh đừng khen em”. Tôi nghĩ, nếu vậy, chắc hẳn hai bài “Em sợ”“Anh có tốt không” cũng không nằm ngoài niềm yêu thích của số bạn đọc không ít ấy. Và tất nhiên, những bài thơ hay cho dù nét hay nổi bật chỉ do đặc sắc về tứ, vẫn lấp lánh nhiều khía cạnh như kim cương, mỗi bạn đọc thích với một ánh mắt rất riêng nào đó.

Tôi không nghĩ rằng người thơ không nhận ra vẻ đẹp trong nhan sắc của mình, vì người thơ nữ này cơ hồ bị sống giữa một hoang đảo, như một thi sĩ đã viết. Không, hẳn không phải vậy. Từ tuổi học trò, người thơ chắc chắn đã sống giữa bao ánh mắt ngưỡng mộ (có thể có thêm dăm khoé nhìn ganh tị nữa), về sắc (ấy là chưa kể về tài). Nói chung, không một cô gái đẹp nào không nhận ra vẻ đẹp nhan sắc của mình, qua ánh mắt bao người sống quanh mình, huống hồ cô gái tinh tế Lâm Thị Mỹ Dạ! Có điều, khi quả thật là như thế, thì làm thế nào để hiểu về bài thơ này, lại do một cô gái đẹp viết – cô gái này hẳn được hoài thai trong một đêm đẹp (mỹ dạ) cả đất lẫn trời hay ít ra cũng đẹp lòng người:

“Những lúc anh khen / Mặt em trẻ đẹp / Là lúc em buồn / Và em thấy ghét… // Một nỗi lo âu / Buốt trong ngực trẻ / Lời anh ngọt ngào / Lòng em đau xé”

Có lẽ không thể hiểu được phần nào đó, nếu không đọc những câu tiếp theo:

“”Em tôi xinh đẹp” / Xin anh đừng khen / Tình yêu không ở / Trên gương mặt em // Năm tháng cuốn trôi / Một thời con gái / Trên gương mặt em / Nếp buồn đọng lại // Em tôi xinh đẹp / Anh còn khen ai?” (Em sợ, 1972).

Phải chăng, có người cảm nhận ra, tâm trạng ấy không phải của một cô gái đẹp? Đó thực sự là nỗi mặc cảm tự ti, thể hiện qua lời nói đỡ, gượng nói, của một cô gái thiếu cả chút đỉnh nhan sắc trời cho; thậm chí nỗi tự ti kia, khiến cô gái kém may mắn không tin lời khen ấy dành riêng cho mình?

Nhưng ai cũng biết đó là một cách cảm nhận lệch.

Đúng ra, người thơ xinh đẹp này muốn chỉ vào trái tim mình, và muốn nói với chàng trai kia, tình yêu đích thực mãi mãi bền lâu là trong trái tim, ở tấm lòng. Nỗi lo âu đến mức xé lòng của cô gái, không phải là gì khác ngoài tâm trạng âu lo nhan sắc xinh đẹp ấy sớm tàn phai. Lo âu còn tăng lên thành lo sợ, cô gái thầm hỏi, liệu chàng trai vốn yêu nhan sắc trên làn da, nơi dáng bước này còn buông lời tán ca nhan sắc cho ai đó nữa?

Cũng không cảm nhận hết bài thơ “Em sợ” này, nếu chúng ta không hiểu được trong thời chiến tranh, nhất là ở miền quê, bao cô gái trẻ thực sự chỉ là những đoá phù dung. Mới còn là cô bé lấm lem bùn và mực tím, chìm lấp nét dậy thì, bỗng dưng vẻ đẹp bừng sáng lên, nhưng chỉ bừng sáng lên trong vài năm, rồi lại lấm lem tay bế tay bồng cho đến tuổi già xế bóng. Vì thế, tình nghĩa thuỷ chung chỉ được nuôi dưỡng bằng tấm lòng, đức hạnh.

Đây là một bài thơ rất chân thành của người thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, một nhà thơ nữ vốn xinh đẹp một cách cao sang, thuỳ mị từ thời thiếu nữ.

Trước khi viết bài thơ này hai năm, người thơ ấy đã thể hiện cảm xúc, ý nghĩ thành lời độc thoại nội tâm cũng trong một tâm trạng tương tự. Đó là bài thơ được nhiều người đọc đồng cảm: “Anh đừng khen em” (1970). Nhưng lần ấy, không phải chỉ là nỗi lo sợ trước sự nhanh chóng tàn phai nhan sắc, mà âu lo không hoàn thiện được phẩm chất bên trong của chính mình.

Chàng trai yêu dấu của người thơ đã khen cô những gì? Khen cái nhìn đẹp, đôi má hồng tràn đầy sức sống, ửng lên niềm yêu đời, cảm ứng với thiên nhiên, lại dễ rơi nước mắt cảm thông với người tàn tật; khen đức tính hiền hoà, tránh né những giông gió sấm sét của xã hội chung quanh, lại dịu dàng nâng niu con trẻ; khen lòng yêu thơ ca với niềm tương liên nhà thơ đã mất, lại giàu cảm xúc với niềm chia sẻ cùng những phận đời buồn trong tiểu thuyết; và bao nhiêu nét đẹp tinh thần khác. Trước những lời khen đó, cô gái trẻ 21 tuổi đang bước đầu trở thành nhà thơ bỗng đâm ra lo sợ — lo sợ sự sụp tối của tâm hồn mới bừng sáng cùng với nỗi héo hon, úa tàn của những phẩm chất về tính cách, nội tâm và năng khiếu nghệ thuật ngôn từ. Rồi từ lo sợ phẩm chất người thơ, nhưng nổi bật hơn vẫn là lo sợ phẩm chất người nữ trong mình, sẽ tiêu hao, lụi tắt, cô gái trẻ vu vơ trách móc chàng trai đã bày tỏ lời khen ngợi kia là nông nổi. Khi nói những lời khen kia là nông nổi, phải chăng Lâm Thị Mỹ Dạ còn khiêm tốn cảm thấy mình chưa có đủ những phẩm chất tinh thần được ngợi khen kia? Và chỉ khen thôi, cũng là nông nổi? Tứ thơ kết lại:

“Hãy chỉ cho em cái kém

Để em nên người tốt lành

Hãy chỉ cho em cái xấu

Để em chăm chút đời anh”

Cô gái còn bảo, “vì anh em buồn biết mấy”. Đó là trạng thái buồn của tâm cảnh đầy âu lo – âu lo bản thân mình không vươn lên mãi được cho xứng với lời khen ngợi, mà biết đâu, rất dễ tự đánh đắm mình trong dòng sông mật ngọt lời khen.

“Tình yêu khắt khe thế đấy

Anh ơi, anh đừng khen em”

Đáng quý biết bao khát vọng và âu lo hoàn thiện phẩm chất bên trong của cô gái trẻ 21 tuổi, bước đầu vào tình yêu đương, bước đầu trên con đường thơ ca!

Trong những dòng vừa viết, tôi cũng biểu lộ một thoáng cảm đoán, hình như hình ảnh chàng trai trong bài thơ còn là biểu tượng của nghệ thuật ngôn từ, nhưng nhà thơ nữ trẻ tuổi muốn giấu đi bóng dáng biểu tượng ấy, để bài thơ chỉ còn là một tâm trạng của tình yêu nam nữ đơn thuần. Vì sao vậy? Sao chẳng viết: “Thơ ca khắt khe thế đấy / Thơ ơi, anh đừng khen em!”, với ý nghĩa, Thơ ca được Lâm Thị Mỹ Dạ gọi bằng đại từ “anh”? Khiêm tốn chăng? Cũng có. Ở tuối còn quá trẻ, nói đến con đường thơ ca với biểu tượng nghệ thuật ngôn từ như thế, chừng như Lâm Thị Mỹ Dạ thuở ấy còn thấy “to tát” quá!

“Anh đừng khen em” (1970) và “Em sợ” (1972) là hai bài thơ tuy không đẹp về ngôn từ, hình ảnh cho bằng những bài thơ khác của Lâm Thị Mỹ Dạ, nhưng vẫn là tiêu biểu nhất cho một đặc điểm tâm lí nhà thơ. Đó chính là hai cánh cửa chính, hay hai thanh cầu dao của nguồn điện chính, trong ngôi nhà của người thơ nữ này. Mở tung ra hay ấn xuống, ánh sáng sẽ ngập tràn, bừng lên, soi cho ta thấy cõi nội tâm, cõi thơ ca Lâm Thị Mỹ Dạ. Ấn tượng đậm nhất khi đọc các tập thơ khác của người thơ, và đặc biệt ở riêng tuyển thơ tình mà người thơ tự cho là “Chỉ riêng mình em thấy”, chính là từ hai bài thơ ấy.

Bài thơ khác, “Anh có tốt không”, viết tại quê hương của ấu thơ — Lệ Thuỷ (Quảng Bình) — vào năm 1972, cũng cùng một “từ trường” cảm xúc thẩm mĩ khát vọng và âu lo hoàn thiện phẩm chất bên trong, nhưng đối tượng không phải là bản thân, mà là người yêu dấu, có lẽ sắp trở thành người chồng đồng thời là người tình trăm năm.

Đây là một bài thơ có kết cấu khá độc đáo cùng những điệp ngữ gắn kết với cách cấu tạo hình ảnh thơ, vừa triển khai vừa lật lại thứ tự các hình ảnh thơ trong đó, khiến bài thơ không những níu kéo người đọc bằng tứ mà còn bằng cấu trúc nghệ thuật.

“Như lúa hỏi đất / Anh có tốt không? // Như cây hỏi gió / Anh có tốt không? // Như mây hỏi trời / Anh có tốt không? // Trời anh mênh mông / Mây em bay lượn // Gió anh bao la / Cây em ve vuốt // Đất anh thẳm sâu / Lúa em cúi đầu // Nhưng sao vẫn hỏi / Day dứt trong lòng / Anh có tốt không?”.

Không những đối với mình, mà cả đối với người yêu hiện tại cũng là người chồng tương lai, mối quan tâm đến day dứt trong lòng, trăn qua trở về, lật đi đảo lại, vẫn là những phẩm hạnh tinh thần.

Ngoài sự chín chắn, khôn ngoan, không xốc nổi, không chạy theo vẻ hào nhoáng mẽ ngoài, cô gái trẻ cũng là người thơ trẻ Lâm Thị Mỹ Dạ hình như còn có một vốn sống gián tiếp về kinh nghiệm sâu xa nào đó nữa. Có thể kinh nghiệm này đã thấm vào dòng sữa, miếng cơm mà người thơ được bú mớm từ thuở lọt lòng. Đây là một linh cảm khi thưởng thức thơ ca; lúc này, bỗng loé sáng trong tôi, cho dù linh cảm đó không có cở sở nào cả. Liệu hai khổ thơ này có nói lên được điều gì sâu kín chăng:

 

“Hai bốn năm trước đây / Mẹ sinh em ngày này / Mưa dột dầm ướt tóc / Gió tê buồn hai tay // Mẹ thiếu cả cửa nhà / Em – đứa trẻ vắng cha / Như mầm cây trên đá / Biết khi nào nở hoa” (Hái tuổi em đầy tay, 1973 [?]).

Không dám cam đoan thông tin sẽ được thuật lại ngay đây là sự thật, nhưng tôi có nghe phong thanh đâu đó, người thơ Lâm Thị Mỹ Dạ có một người cha do hoàn cảnh đã phải lìa bỏ mẹ con của người thơ để đi xa, rồi cũng do hoàn cảnh, nên phải cách xa biền biệt, từ thuở nào đã mịt mùng, mờ nhòa dấu vết trong kí ức của đứa bé là Lâm Thị Mỹ Dạ bây giờ. Người thơ là đứa con gái độc nhất của người mẹ khổ đau, nhẫn nại với một nghị lực, sức chịu đựng phi thường và giàu lòng bao dung đó. Hình như người thơ không muốn cuộc đời của mình sẽ lặp lại bi kịch của mẹ, cho dù bi kịch ấy là ngoài ý muốn của người cha. Vì vậy, điều quan tâm đau đáu, đến mức vượt ngưỡng, so với các cô gái cùng thời khác: người yêu dấu đồng thời là người chồng tương lai phải là một người tốt. Có lẽ thế. Và trước hết, ở người thơ này, tốt là thuỷ chung (và không có gì có thể chi phối được cuộc sống thủy chung chồng vợ), tốt còn là hiếu đạo, biết đùm bọc không những người thơ mà còn cả người mẹ của người thơ nữa (*).

Nhưng dẫu sao cảm đoán ấy cũng xuất phát từ linh cảm thưởng thức thơ ca. Tôi nào quả quyết linh cảm ấy là hoàn toàn đúng. Chùm thơ trên kia nào có thể hiện gì về điều này đâu. Có điều, chính vì đặc điểm tâm lí vượt trên ngưỡng thông thường ấy ở một cô gái trẻ, một người thơ trẻ, và thật sự đẹp nữa (đến bây giờ vẫn còn đẹp, một vẻ đẹp cao sang mà bình dị), khiến chùm thơ cứ đẩy cảm xúc cùng suy tưởng của tôi miên man thế đó.

Tôi muốn nói thêm một điều có lẽ không thật cần thiết lắm, vì ai cũng biết, là cõi thơ ca tình yêu đương “Chỉ riêng mình em thấy” của người thơ Lâm Thị Mỹ Dạ không chỉ có thế. Ngay mảng thơ thời con gái kín đáo của người thơ cũng đã phong phú với bao nhiêu là mộng mơ cùng người tình hư ảo giữa tầng trời xa xanh. Tuy nhiên, ấn tượng đậm nhất trong tôi về mảng thơ này là như thế.

Cũng còn dăm bảy chữ khác tôi muốn khắc đậm ở cõi thơ “Chỉ riêng mình em thấy”: Cảm thức cô đơn và đơn độc. Nhưng tôi cảm thấy có chút gì đó hơi phân vân…

Cảm thức này thể hiện rõ ở nửa sau của tuyển thơ. Nhưng trong những cảm nhận tôi đã viết, vô hình trung tôi đã võ đoán về căn nguyên của cảm thức đơn độc. Có điều, nỗi đơn độc của một cô gái vốn là đứa con độc nhất của người mẹ suốt đời nhẫn nại, cam chịu bi kịch tình duyên lẻ loi của đời mình, trở thành cảm thức đơn độc trong gia đình, giữa chồng, con, mẹ già, về sau, thậm chí còn là nỗi cô đơn nữa, rồi từ cô đơn bỗng lắm khi trót dại hướng cả tâm hồn về người tình hư ảo, mãi mãi không bao giờ có thật (hay có thật nhưng mãi mãi vẫn chỉ là hư ảo)! Tâm cảnh ấy có nhất quán chăng với biện chứng của nội tâm, hay mâu thuẫn chăng với khát vọng và âu lo về phẩm chất bên trong như vừa trình bày về thơ yêu đương cũng như con người thơ Lâm Thị Mỹ Dạ?

Tôi cũng đang phân vân tự ngẫm lại cảm nhận của chính mình về điều này. Và tôi biết rằng, phải viết ở một bài khác…

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder