Chương 4
AI BIẾT CHỮ NGỜ
Cái anh cu “Tâm thần mãn tính”, nhát ma nhất nhóm Bạch Dương, chỉ muốn đuợc yên ổn nhưng cứ liên tục gặp chuyện này chuyện nọ, rủi rồi may, may rồi lại rủi. Cuộc sống đong đưa như chiếc võng rách mà cu cậu được đặt nằm vào từ lúc mới sinh, để mẹ nó có thể buộc một đầu sợi dây vào chân vừa giật cho võng lúc lắc, vừa phải đan dán những chiéc quạt giấy, ngày mai mang ra chợ…
Mỗi đứa nhỏ
một cảnh đời.
Đứa chê,
mọi thứ ngọt bùi
mẹ mua.
Cu Bi,
chỉ bát bún cua,
Cũng đủ vui,
thấy chẳng thua bạn bè…
Bắt buộc phải tự kiếm sống từ lúc bé, bọn trẻ nhóm Bạch Duơng hiếm đứa chưa phải trải qua một vài cuộc phiêu lưu hay những tình huống gay cấn, dù lớn dù nhỏ, nhưng sau này nghe kể lại chúng đều công nhận rằng, trường hợp mà “Tâm thần mãn tính” đã gặp thật sự là li kì và khiếp đảm.
Hôm ấy lịch trình của cu Bi phải qua khu nhà ga đã gặp bọn quỉ lần truớc. Nó thoáng thấy một người giông giống thằng cha đeo kính đen hôm nọ ở gần quầy bán vé nên lập tức dừng lại. Lúc này giả thử có người vẫy bảo mua hết số báo và tạp chí trên tay, nó cũng sẽ nhất quyết không vào. Không những thế cu cậu còn vòng tránh sang con ngõ nhỏ, phía hông nhà ga để khỏi có chuyện chạm trán.
Rõ thật là “oan gia đường hẹp”. Nó vừa ra khỏi chỗ ngoặt thì xô ngay vào một thằng cũng ôm chồng báo trên tay (chỉ khác là không có túi dết đeo bên lưng). Chính là thằng hôm nọ, đồng bọn với hai con quỷ, dù hôm ấy nó chỉ nhìn thoáng qua. Trí nhớ của “tâm thần mãn tính” hơi bị cực kì đấy. Nếu là hai cậu “Dế” hoặc Dương-Chôm chỉa, thì thể nào cũng lập tức xảy ra một cuộc tỉ thí không tiền khoáng hậu, vì các anh cu ấy hăng máu vịt lắm. Gì thì gì cũng phải “thụi trả thụi, răng trả răng” cho bằng đuợc!
Bi ta là thành phần nhát ma nhất hội nên nó… không nhận ra thằng này (tất nhiên là cu cậu giả vờ như thế). Tuy nhiên sau khi đã đi qua nhau quãng bốn năm mét thì lại có tiếng gọi:
– Này, mày ơi! Có phải mày hôm nọ đấy không ? – Đó là thằng kia gọi nó.
Định giả vờ không nghe thấy luôn thể, nhưng giả như cu Bi có thật bị loài kiến xứ Ăng-gô-la đục mất cả hai màng nhĩ trong lúc ngủ gần tổ chúng, cũng không đi thoát vì áo nó đã bị kéo từ phía sau.
– Từ hôm nọ đến giờ tao cứ định đi tìm mày.
Bắt buộc anh cu “Tâm thần mãn tính” phải quay đầu lại, nhìn xem thằng quỉ con muốn làm gì nó. Hơi mừng trong bụng vì thấy vẻ mặt thằng này không có ý “chó cậy gần nhà”, tuy nhiên cu cậu vẫn chưa lên tiếng với sách lược vừa thoáng nghĩ ra là cứ.. khoan khoan hò khoan xem sao. Vững bụng hơn chút khi liếc thấy quanh đó có nhiều người đi lại, sẽ không đến nỗi bị ăn hiếp như hôm nọ nếu như mấy con quỉ to xuất hiện.
– Tình cờ gặp mày ở đây, tao… tao…- thằng ấy vừa nói vừa ngó truớc nhìn sau.
– Cái gì, tao đang vội. Anh tao đang chờ đằng kia – vừa nói cu Bi vừa giật ra. Cu cậu bịa ra thế để vừa có cớ chuồn nhanh vừa muốn đe đối thủ rằng “tao không chỉ có một mình ở đây đâu nhá.”
– Anh mày có cái nốt ruồi ở má chứ gì? – thằng ấy tự dưng hỏi như thế.
– Sao thằng chó này lại biết nhỉ? – Bi ta tự hỏi. Cu cậu tính sẽ không hở môi gì về anh Thiên nhưng tự dưng thấy vững dạ hơn. Nếu nó biết mình là em anh ấy thì .. tuy nhiên cu cậu vẫn cứ thấy rằng chuồn nhanh là hơn.
Xốc lại chiếc túi dết, đã đi rảo đuợc vài buớc lại nghe thấy nó nói:
– Tao giả lại tiền cho mày đây này. Tiền báo hôm nọ của mày ấy..
– Ư.. ô… cái gì cơ?! Bi nghĩ là mình có khi bị nghễng ngãng thực. Sao lại nghe thấy câu nói lạ thế nhỉ ?!
Cái chân tự dưng quên bước theo nhịp tẩu mã, cổ thì xoay ngang để có thể nhìn lại phía sau. Đúng là có chuyện lạ vì thằng ấy đưa một cục gì tròn tròn bọc trong túi ni lông mỏng
– Tiền của mày thật đấy mà. Báo của mày tao bán hết ngay hôm ấy..
Bi ta thật sự kinh ngạc như chợt nhìn thấy trăng tròn vào ngày cuối tháng. Giá còn ở quê như ngày xưa thì nó đã nhảy cẫng lên, hỏi tại trăng tại sao rối rít. Nhưng từ ngày theo anh Thiên, cậu oắt này cũng học được tính ít nói vì Má Nốt ruồi đã căn dặn “Kiếm miếng ăn bây giờ khó khăn lắm. Nhiều chuyện không lường trước đuợc đâu, tốt nhất là kín đáo và không khoe khoang ở đâu cả, có hiểu không?”
Quên sao được lần tí nữa bị anh Thiên cho một cái tát vì láu táu. Lần ấy nó cùng đi với Má Nốt ruồi về “chung cư”. Vừa buớc vào một ngõ nhỏ đi tắt cho nhanh thì thấy có tiếng kêu cứu. Hơi sâu trong ngõ có hai tên đang giằng co với một chị phụ nữ đi cùng đứa nhỏ quãng bẩy tám tuổi. Một thằng giằng chiếc xe nhưng chị ấy cố giữ lại, kêu “Cướp, cướp, cứu tôi với!”. Thấy thế thằng kia tóm cổ thằng bé, gằn giọng:
– Muốn tao đập đầu thằng này vào tuờng hả?
Tuy hơi xa nhưng hai anh em nghe rõ tiếng thằng nhỏ khóc ré lên:
– Mẹ ơi! Mẹ ơi!..
Người đàn bà đành phải buông tay xô đến chỗ con, để cho tên kia cướp mất chiếc xe.
Bi tưởng anh Thiên sẽ xông thẳng tới chỗ hai tên trấn lột, nhưng chỉ thấy anh ấy nhón chân rồi kéo nó… nấp vào sau gốc cây trứng cá xum xuê. Bi thực sự kinh ngạc, vì xưa nay chỉ có nó là đứa dùng chiêu núp và chạy đầu tiên. Chẳng lẽ anh ấy sợ hai thằng kia? Điều này thật khó tin vì trong mắt nó Má Nốt ruồi bao giờ cũng là một “đại hiệp” như thể nhân vật Kiều Phong, Bang truởng Cái Bang trong tiểu thuyết Lục Mạch Thần Kiếm của nhà văn Kim Dung, một con nguời không hề biết sợ và sẵn sàng xả thân vì người khác. Thế sao lại… Nhưng ngay lập tức cu cậu biết mình nghĩ lầm.
Cả hai thằng trấn lột đã phốc lên xe phóng nguợc ra ngoài. Giá mà chúng phóng sâu vào trong ngõ, chắc sẽ lập tức “mất hút mẹ hàng lươn“, như ở quê nó người ta hay nói – Bi nghĩ như thế. Có thể anh Thiên biết tiên đoán như cuốn sách gì của ông Quỉ Cốc tiên sinh – nó đã giở xem được vài bức tranh – nên mới nấp chờ ở đầu này?
Về sau Bi ta mới hay đấy là do anh ấy phán đoán. Kẻ cướp ít khi chạy tiếp vào con ngõ dài, chúng sợ nghe tiếng kêu cứu sẽ có người chặn đầu. Tốt nhất là lao ra đuờng phố rộng, rồi lại quặt vào một ngõ khác để lủi mất tăm! Đợi chúng vừa phóng tới, Má Nốt ruồi vọt ra như một con mèo rừng, cánh tay dài chỉ thoi một chưởng đúng mặt, đã cho thằng cầm ghi-đông văng xuống đất. Chiếc xe cùng thằng thứ hai đổ kềnh, đè lên đứa vừa ăn đòn.
Không thêm một hành động nào khác, Má Nốt ruồi đứng nhìn hai thằng lóp ngóp đứng lên. Có lẽ sự yên lặng và dáng vẻ của chàng thanh niên khiến hai tên trấn lột thấy khiếp sợ, hơn cả miếng đòn anh ta vừa ra. Chúng lấm lét nhìn Má Nốt ruồi, nhìn về phía chị phụ nữ đang dắt đứa con chạy tới, lủi vài buớc ra phía đầu ngõ rồi co cẳng chạy.
– Ôi anh, ôi …chú – chị phụ nữ chữa lại cách xưng hô khi thấy Má Nốt ruồi còn rất trẻ – Không có hai chú thì mẹ con chị hôm nay…
Bi thấy ngượng vì nó thì giúp gì đuợc cho mẹ con cô ấy, trong khi anh Thiên dựng chiếc xe mi ni Nhật lên, cúi xuống nắn lại hộp xích. Thấy không còn chỗ bẹp hoặc méo vuớng vào bánh hoặc xích mới đưa lại cho chị ta. Người mẹ này cũng trạc tuổi mẹ cu Bi, khi sinh đứa em gái của nó rồi chết vì hậu sản. Chắc chưa đến bốn muơi tuổi, nhưng rất là xinh đẹp, hai mắt sáng long lanh dù nỗi sợ vẫn còn vương. Thằng bé cũng kháu khỉnh nhưng mặt thì tái nhợt. Chắc nó còn sợ hơn lúc Bi ta bị bọn thằng Tô nhổ sào, đẩy thuyền ở bến ra giòng sông chảy xiết ngày nào. Thằng cu cứ túm chặt lấy váy mẹ nó.
Lần ấy khi người mẹ rối rít cám ơn, hỏi tên thì anh Thiên không nói, chỉ bảo chả có gì cả đâu, giục hai mẹ con về nhanh đi kẻo tối trời không đuợc an toàn. Bi không kìm đuợc ý muốn khoe anh Thiên nó một chút, cu cậu buột mồm “Anh ấy đuợc bố dạy võ cho từ nhỏ cô ạ, anh ấy tên…”. May mà lần ấy Bi ta đã kịp ngậm mồm, nếu không chắc chắn Má Nốt ruồi sẽ cho một tát.
Về sau, trong một lần trò chuyện hiếm hoi, anh Thiên bảo với nó rằng bố anh ấy thấy con có năng khiếu võ thuật, học mau tiến bộ thì vừa mừng vừa lo. Ông dặn rằng, võ bố dạy cho là các kĩ thuật đặc công bí truyền, không phải là thứ võ thể thao hay phô diễn như ở các Trung tâm võ nọ, võ kia. Võ đặc công là để tiêu diệt quân thù, mình sống nó chết hay ngược lại, nên bí hiểm và tàn độc. Chỉ khi nào không thể không dùng thì mới được đem ra sử dụng. Bình thường chỉ cần thị uy bằng nhu đạo, tức là dùng thứ võ Ju-đô xuất xứ từ đất nước Phù Tang (là tên người Việt ta gọi nước Nhật ngày xưa), quật ngã đối thủ là đủ.
– Kĩ thuật đặc công không chỉ học võ nghệ và rèn luyện các kĩ năng đặc biệt, hiểu chưa? – Anh Thiên bảo thế.
– Còn phải luyện óc phân tích nhanh và chính xác mọi tình huống, để chọn giải pháp hợp lý khi xung trận. – Tuy vậy, thấy “Tâm thần mãn tính” vẫn có vẻ ngu ngơ như bò đội nón, anh ấy cũng không giảng nhiều nữa.
– Và càng khiêm tốn, kín đáo, ít lời thì càng tốt đối với nguời học võ..
Anh Thiên cũng bảo nên gọi anh ấy là Má Nốt ruồi vì vết tích ở má chẳng dấu đuợc ai. Tên Thiên chỉ biết với nhau thôi vì cái lần bị đuổi học, phải sang huyện khác xin vào truờng mới, đã bị bố thằng Tô xúi cán bộ huyện, gửi công văn đề nghị nhà trường không đuợc nhận thằng bé lưu manh tên là Hoàng Văn Thiên. Bố con nó còn dọa là dù anh ấy có đi đâu, chúng cũng không bao giờ để cho mở mày mở mặt.
Vậy nên lúc này cu Bi không vội hỏi han gì thằng bé cùng nghề, dù khi nó bảo “tao giả lại tiền cho mày đây này” trong ruột cũng thấy sướng. Bụng chỉ bảo dạ là cứ đợi cho thằng ấy nói hết mọi chuyện xem thế nào đã.
– Hôm ấy hai lão ấy bắt tao đem báo đi bán, rồi đem tiền về nộp mày ạ. Tao không.. không phải quân của các lão ấy đâu, tao thề với mày đấy, nhưng vẫn bán báo ở đây nên thường phải nịnh và chịu lép. Hai lão là đại ca đấy mày, bảo kê một loạt các quán xá với bến bãi xe ôm xe iếc ở đây- Nó kéo Bi, tắt qua một cái sân bỏ hoang có tường gạch xỉ bao một phần, vừa đi vừa kể như vậy. Bi thì nửa tin nửa ngờ, nhưng việc bị trấn lột hôm nọ đã làm “ngân quĩ quốc gia” của cu cậu bị khủng hoảng, nên cơ may thu lại đuợc ít tiền làm thằng bé dùng dằng nửa ở nửa đi.
– Nhưng may cho mày, hai lão ấy… quên không bắt tao nộp tiền… À không phải thế – nó tự chữa lại – Chiều hôm ấy có vụ choảng nhau nên các chú công an xích tay Kính Đen, lão kia cũng lẩn đâu mất mày ạ! – Thấy Bi đã có vẻ chịu nghe, thằng ấy tiếp tục kể.
– Đây tiền của mày đây, tất cả là hai mươi nhăm nghìn tám trăm, tao gói riêng trong túi ni-lông này, định bụng hễ gặp thì trả cho mày…
– Mày tốt thế nhỉ!- Bi thực sự kinh ngạc, lúc này cóc mới mở miệng. – Nhưng tao không lấy tất cả đâu. Tao đã nghĩ hôm đó gặp vận rủi, coi như mất trắng rồi mà – cu cậu giải thích.
-K hông, đây là của mày, cứ cầm lấy! – thằng bé kia nói ra vẻ rất hào hiệp.
– Thôi thế này nhé, tao với mày “căm pu chia” – thấy thằng kia muốn nhét túi ni lông vào tay mình, Bi cũng tỏ ra hào hiệp không kém – Tao lấy một nửa bù tiền báo cho đại lý, một nửa là công mày bán hết chỗ báo đó còn gì.
– Không, mày cứ cầm hết số tiền này – Ngần ngừ, hơi có vẻ tiếc rẻ nhưng rồi thằng kia cả quyết dúi gói tiền vào thay Bi – Mày đúng có số hên đấy, tao đã đuợc lây cái hên của mày rồi, thật đấy – Nó bảo Bi như vậy.
– Hên cái gì cơ ?!
– Này nhé, hôm ấy nhờ ôm thêm chồng báo của mày mà tao cũng bán hết báo của tao, khá nhanh nữa cơ. Chưa bao giờ tao bán đuợc chừng ấy báo trong một ngày, thế có lạ không!- Câu này nó nói với vẻ rất thật lòng. Ngừng lấy hơi rồi nó lại kể:
-Vẫn chưa hết đâu nhá. Hôm đó bán nhẵn các báo, thêm chục cuốn tạp chí nữa. Chỉ ế có mười chín tờ Hà Nội Mới, của mày có mười…, à của mày có hai thôi, tao những mười bảy cơ. Nhưng hôm sau đi đổi báo, mày có biết không, chuyện lạ bắt đầu xảy ra…- nó ngừng lại để xem Bi có háo hức muốn nghe hay không.
– Tao kể có khi mày cóc tin, nhưng có một cụ via đeo kính lão hỏi mua tất cả mười chín số báo cũ ấy theo nguyên giá, còn không thèm nhận năm trăm tiền trả lại. Kì không!
– Thật á?
– Thật trăm phần trăm chứ lị.
– Té ra ông lão lần đầu tiên có bài thơ đuợc đăng trên báo mày ạ – thấy thằng Bi có vẻ còn ngờ vực nó giải thích nguyên do – Cụ via đi tìm mua để tặng bạn bè vì cụ bảo chỉ đuợc biếu có mỗi một tờ báo thôi.
– Thế á! đuợc có mỗi tờ thì ít nhỉ, tao cứ tưởng… Mày có đọc bài của cụ ấy không, bài gì vậy? – Cu Bi bắt đầu tò mò.
– Tự dưng có người mua hết số báo cũ theo giá bìa, tao mừng quá nên quên không hỏi xem cụ bô viết cái gì. – Thằng ấy cười toe – Hôm sau nữa tao hỏi thì mấy cô ở Đại lý cười hăng hắc bảo là cụ ấy viết thơ tình Văn Điển. Tao chả hiểu là thế nào!
– Vậy chẳng phải nhờ mày mà tao cũng đuợc hên là gì? À, mày tên là gì nhỉ, tao tên là Ban – Loáy toáy như con chim chích vớ được cành chanh có nhiều sâu cuốn lá, kể một thôi một hồi rồi thằng ấy chợt nhớ đến việc hỏi tên của Bi.
– Tên tao, tên tao…- Bi định dấu tên mình theo nguyên tắc của anh Thiên nhưng nó chợt nghĩ thằng này chơi đuợc nên nói thật – Tao tên là Bi, tao…
– Này, hôm nay tao với mày lên bán trên tàu đi. Tuyến ra Quảng Ninh hay lắm, ga mới, đường mới, nhiều núi non nữa cơ. Đi mấy ga chơi một chuyến rồi quay lại. Tao quen các bác soát vé, họ cho lên bán không quát nạt gì đâu..
– Không được mày ạ. Tối nào tao cũng phải có mặt ở… nhà truớc bảy giờ tối. Về muộn không đuợc. Anh Má…
– Nhà mày? Mày… à đúng rồi, mày ở với anh gì có nốt ruồi ở má đúng không? Chúng mày… – nó như chợt nhớ ra điều gì nên ngừng lại không nói thêm nữa.
– Nhưng không sợ đâu, chỉ muộn lắm là năm giờ chiều tao với mày lại có mặt ở ga này, về nhà mày còn kịp chán – Sau đó thằng tên là Ban lại cố rủ Bi, ý muốn làm quen hơn nữa.
Lưỡng lự mãi rồi Bi đồng ý theo thằng Ban đi một chuyến cho biết. Thật khó từ chối thằng này vì nó tỏ ra sởi lởi và rất nhiệt tình.
– Hai mươi phút nữa tàu mới qua, vào đây tao chiêu đãi mày bữa bún riêu cua mệt nghỉ – mồm nói tay nó kéo Bi đi luôn vào một hàng bún thập cẩm. Hai đứa xì xụp với nhau, mồ hôi ra đến đâu thì chúng húp nuớc riêu cua bù vào đến đó.
Thật không ngờ rằng vụ lên tàu này lại mở màn cho một loạt các sự kiện li kì, làm thay đổi hẳn “Tâm thần mãn tính” và cuộc sống mai sau của nó. Do cái chữ “ngờ” mà nhiều dự định cứ thường phải thay đổi. Chữ “ ngờ” này chơi khăm cả trẻ con lẫn nguời lớn, chẳng tha một ai đâu.
Ví dụ mai là chủ nhật, mấy đứa hăm hở bàn nhau đi câu tôm ở Hồ Tây. Đã hì hụi chuẩn bị mọi thứ để bảy giờ sáng lên đường cùng với thằng Tẻo, cái Teo chẳng hạn. Cả đêm ngủ ngon lành với giấc mơ ngọt ngào về những con tôm câu được: chúng biến từ màu trắng trong thành màu đỏ đục, vênh lên như vành trăng khuyết khi bị mẹ gắn vào miếng bột dẹt, rồi thả vào chảo dầu sôi lóc bóc, toả ra mùi thơm “quái chiêu” đến mức con Bim trắng tai đen cũng phải hắt hơi!
Thế mà đúng vào lúc “con gà gáy le té le rồi ai ơi“, giấc mơ bị đứt đoạn vì một tiếng sét bỗng nổ đánh đùng, làm con Miu đang ngủ ghé cạnh hông cậu chủ hoảng hồn nhảy phắt qua cửa sổ. Rồi thì mưa, mưa, mưa. Kèm theo là sấm sét cứ liên tục, nhoang nhoáng, đùng đùng, đoàng đoàng. Kéo cho đến tận trưa, khi ông Trời sực nhớ rằng xưa nay ông có nghiêm lệnh cho các vị Thần Mưa, Thần Gió rằng “mưa không qua Ngọ (tức là muời hai giờ trưa), gió chẳng quá Mùi! (tức là hai giờ chiều)”.
Đó chỉ là vì ông ta chợt phát hiện rằng, bình Bồ Đào Tiên tửu do Tây Vuơng Mẫu tặng, dự tính giành cho buổi chiêu đãi các Thần Tiên nhân đại lễ Thiên Quang, đã chỉ còn là chiếc bình rỗng. Bình này vốn được cất giữ ở phòng trong của điện Linh Tiêu, thế mà cậu quí tử dám rủ nhóm bạn bất trị đến, rồi đứa thì giồng cây chuối hip-hop, đứa lắc như bị động kinh, đứa dốc bình tu òng ọc như uống nuớc lọc đóng chai! Vậy nên cái bình bị ông Trời thẳng tay ném xuống trần thế, vỡ tan thành những mảnh tầm sét. Những mảnh này đụng vào đâu là đổ cây, cháy nhà, chết mấy con bò và những ai ngu ngơ nấp mưa dưới tán cây đa to. Còn số nuớc tích luỹ cả mùa khô đã bị ông ta cáu tiết dốc tiệt xuống nơi mình đang ở, làm cho họ nhà tôm nhà cá ăn sâu ăn kiến no nê, rồi rủ nhau đi vượt Vũ Môn hết. Giờ thì có đem đùi gà rán ra làm mồi câu chúng cũng chẳng thèm, nữa là mấy mẩu giun ngọ ngoạy!
Ai mà ngờ đuợc điều ấy, chỉ biết là buổi đi câu với thằng Tẻo, cái Teo đã đi tong. Cũng chính vì không mấy ai để ý đến chữ ngờ, nên vào lúc Má Nốt ruồi ra phố lần cuối, với hy vọng may ra có tin tức gì về cu Bi, chàng trai đâu biết nó với thằng bạn mới tên là Ban, đang khốn khổ ở một ngôi đền hoang nơi lưng núi. Thằng Ban đang ngồi với cánh tay bó nẹp bằng hai đoạn tre với bao nhiêu thứ lá lủng bốc ra mùi hăng hắc. “Tâm thần mãn tính” thì vẫn nguyên vẹn, nhưng cu cậu nghĩ giá đuợc nằm bó nẹp như thằng Ban lại còn hay hơn.
Hai người đàn ông mang một bó thuổng cuốc gì đó dài dài trên lưng, đi ở phía truớc cu Bi. Qua những vách dốc không có rừng cây che phủ, trông họ như hai cây thánh giá vẹo vọ ở nghĩa địa hoang, in hình vào nền trời đêm. Người thứ ba đi sát ngay sau lưng nó, nếu không có nguời này đốc thúc thì một là thằng bé sẽ chạy trốn, để rồi rơi tọt xuống một khe núi nào đó, hai là cu cậu sẽ ngồi thụp xuống ôm mặt khóc, kinh sợ với ý nghĩ sẽ gặp những con ma cà rồng hiện ra bất cứ lúc nào. Không biết cụ thể điều mà những người này sắp làm, và sẽ bắt nó làm việc gì. Nhưng qua câu chuyện nghe lỏm, “Tâm thần mãn tính” biết rằng những người này rắp tâm làm chuyện gì đó, sẽ kinh động tới cả thần linh, ma quỉ và các oan hồn.
Rồi sẽ biết,
họ làm gì
Mà sục tìm
lén lút
Khi người ta ngủ khì…
N.C