
Chương 9
NGÔI ĐỀN HOANG
Hãy xem hai cậu bé thực hiện lời hứa với con tê giác đã chết, hơn năm trăm năm truớc như thế nào. Tiếc rằng việc xảy ra quá lâu rồi, trải bao nhiêu biển dâu chinh chiến nên Thần phả (là bản công tích của từng vị Thần) từng được thờ ở ngôi đền hoang, chỉ ghi được rằng “có hai cậu bé cùng tên Lân, một gày một béo” không ghi hai cậu họ gì.
Đền bỏ hoang.
Dân làng
không cúng nữa.
Thần ngự
ở trong tim,
Đời chẳng quên ai ngã xuống…
Lân béo và Lân gày ngoặc tay với nhau, quyết giữ lời hứa với con tê giác đã phải chết oan. Ngay hôm sau hai thằng đòi các ông bố phải dạy võ cho. Có biết võ thì mới có thể đánh nhau với quân Ngô được chứ- Béo và Gày nghĩ vậy.- Nhưng bố các cậu bảo “còn bé, võ vẽ cái gì!” Người nhớn bao giờ cũng nghĩ rằng luyện võ không phải là chuyện trẻ con. Quân Ngô và bọn quan lại bán nuớc, tay sai cho giặc mà biết thì cả làng sẽ chịu tai vạ ngay lập tức.
Tức ơi là tức, Béo bảo:
– Gày ơi, tao với mày cứ học vật nhau truớc đã, tao biết miếng khóa với miếng móc của bố tao rồi nhá, tao sẽ luyện cho mày.
– Tao cũng biết, cóc cần mày luyện!
Hai thằng xô vào vật nhau, chẳng nhớ đến tấm đến miếng gì hết. Nói là học vật thôi nhưng khi Lân béo bị ngáng chân ngã lăn quay, cu cậu tức mình giở quyền ra đấm vào mũi Lân gày. Tất nhiên là Gày cũng đấm lại nên mặt mũi hai thằng cùng xưng húp.
Roi mây của hai ông bố phải đem ra dùng. Mấy lần ăn “nhuyễn tiên” như thế mà chúng vẫn không chừa, nên một hôm bố của Lân gày phải thu xếp dẫn cả hai thằng lên chùa, nói là cho chúng cắt tóc đi tu để thôi trò đánh nhau.
Đi tu thì còn gì chán bằng! Hai thằng bé khóc to hơn lúc con tê giác bị đâm chết. Nhưng khóc thì khóc, đầu chúng vẫn bị cạo nhẵn thín, vẫn phải đeo một tay nải quần áo với lương khô đi theo bố Lân gày lên chùa.
Không biết hai đứa sẽ được gửi vào làm tiểu ở chùa nào mà chẳng thấy đi theo đường cái hay đường mòn. Đúng hơn là chẳng có đường mà đi, cứ phải quăng dây lên cành cây, mỏm đá, bám vào mà leo lên. Có đoạn là lòng con suối cạn rất dốc, chỉ có thể bấu vào các tảng đá nhấp nhô lộn xộn ven bờ hoặc giữa dòng mà nhích lên từng đoạn một. Giời mà đổ mưa bất ngờ chắc mấy bố con sẽ bị trôi tuột đến tận…biển Đông!
Hóa ra chùa chỉ là một am nhỏ, chính xác là có vài chiếc lều lá cọ ở cạnh một hang đá nhỏ. Trong hang hai thằng bé thấy có bệ thờ đá xếp nho nhỏ, tượng Phật thì bằng gỗ bé con con khiến chúng càng thêm chán ngán.
Tuy nhiên hai vị sư trụ trì lại nhanh chóng làm cho chúng thích mê tơi, vì tuy xuất gia làm chú tiểu nhưng Béo và Gày chỉ phải học thuộc mỗi một trang kinh, để tối tối tụng kinh gõ mõ khoảng nửa khắc cùng các sư phụ, không phải, hai vị sư này không cho gọi như thế. “Phải gọi là thày, không gọi theo kiểu mà bọn ngoại bang đang muốn bắt người Giao Chỉ phải theo..” Thời gian còn lại là trồng rau, trồng ngô khoai đỗ ở mảnh đất bằng gần hang, lổm chổm nhiều tảng đá đủ mọi hình thù và .. học võ.
Khỏi phải nói hai thằng bé sướng như thế nào. Thế chứ! Thế thì mới có ngày đi săn được thằng Trương Phụ, mới trả thù được cho loài tê giác. Đấy là hai thằng còn chưa biết rằng sư.. à không, thày của chúng nguyên là những dũng sĩ cận vệ của vua Trùng Quang, đã cùng tướng Đặng Dung đánh nhau mấy năm ròng rã với quân Minh, hiện đang phải lẩn trốn trên núi cao sau thất bại của vị vua cuối cùng của triều Trần.
Béo và Gày không chỉ được học môn vật với những miếng ghê gớm bí truyền, có thể bóp vào yếu huyệt làm đối phương chết ngay hoặc điểm huyệt định thời gian sẽ chết cho chúng. Hai thằng đều rất ham và tỏ ra có năng khiếu võ thuật nên được các thày truyền cho nhiều loại võ khác. Béo thích luyện Hổ quyền, là môn võ có các ngón công thủ theo kiểu tát xé, nhanh và mãnh liệt của loài hổ. Gày lại thích Xà quyền, uyển chuyển, đầy bất ngờ và nguy hiểm như kiểu mổ một cái chết liền của loài rắn, nhưng môn võ độc đáo do hai thày dày công nghiên cứu và truyền thụ, cũng đuợc hai dũng sĩ tuơng lai thích nhất là Tê Ngưu công. Hai thằng thay nhau một đứng tấn một công kích, đứa nào bị đánh văng ra khỏi ô vuông đã vẽ thì phải gánh mười gánh nuớc tưới rau ngày hôm ấy.
Gày đúng là gày hơn Béo nhưng đứng tấn rất chắc, nhiều lần Béo không phá được nên cu cậu gánh nuớc sày cả vai. Tức lắm, đành phải đi hỏi thày. Sau đó về khoe với bạn:
-Thày bảo nếu nắm vững đuợc toàn bộ công phu này, sẽ đứng tấn chắc như tê giác đứng trên bốn chân với những chiếc móng guốc ghê gớm, một người với cây thương xoay vòng có thể chống lại hàng chục quân Ngô vây quanh mày ạ. Thày còn bảo sẽ dạy cho tao với mày những đường đà đao để mũi quắm xuyên qua ngực đối phương, rồi hất tung xác chúng lên trời như tê giác lúc xung trận ấy cơ..
Một lần bố của Lân béo lên núi tiếp tế, thầm thì với hai sư thày rằng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của vị hào truởng họ Lê rất được dân ủng hộ vì hợp với ý trời.
– Người ta thấy trên lá cây rừng tự dưng nổi lên dòng chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyên Hãn vi thần” (có nghĩa: Lê Lợi là vua, Nguyên Hãn là quan cận thần), đúng là vị hào truởng này đã được Trời gửi xuống để cứu nước Nam ta- bố Lân béo nói thế.
Sau đấy hai sư thày xuống núi, hơn nửa tháng sau mới quay lại am lá cọ. Hai thằng bé ở lại trông chùa rất náo nức chờ thày quay về cho xuống núi đánh nhau. Tuy nhiên công việc đầu tiên lại là phải học thuộc lòng tới.. mười hình vẽ ngoằn nghoèo và dùng que vẽ chúng trên cát không sai một nét chấm phẩy nào cả.
– Gày ơi, thày bảo phải vẽ các nét thật đúng, mà mãi tao vẽ vẫn sai! – Béo xoa đầu gối nhăn nhó vì phải quì trước tượng Phật mỗi khi vẽ nhầm- Mày mới bị quì một lần, tao bị bốn lần rồi. Sao học… vẽ khó thế hả mày?!
– Không phải vẽ đâu, học viết đấy – Gày bảo – Tao nghe lỏm các thày nói rằng đó chính là những chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi, Nguyên Hãn vi thần”. Chúng mình cóc được đi học, viết vẽ cái gì chẳng khó. Nhưng tao cứ vẽ hai chữ đầu thật thuộc mới vẽ tiếp hai chữ sau, dần dà như vậy mau thuộc hơn mày ạ.
Thằng Gày thế mà khôn ra phết – Béo nghĩ bụng. Sau đấy cu cậu cũng làm theo cách đó, quả nhiên nó vẽ dù chậm hơn một chút nhưng đã không còn lẫn lộn, không phải quì thêm lần nào nữa. Các thày thỉnh thoảng ra xem, lấy làm hài lòng, vì những chữ chúng vẽ cũng không phải là dễ: chúng đang phải vẽ những chữ Nôm ngược theo kiểu soi gương. Có điều hai đứa cùng chưa đi học nên ngược hay xuôi chữ nào chả vậy!
Học vẽ thế để làm gì, mãi rồi hai thằng cũng được biết. Hôm ấy cả hai được bố Lân gày đón xuống núi, nói là có việc, khi nào xong lại lên chùa tu tiếp.
– Sắp được đi theo người lớn đánh quân Ngô đấy mày ạ… – Béo hí hửng thầm thì vào tai Gày. Gày cũng hí hửng ra mặt, nhưng hai thằng chẳng được trang bị vũ khí gì mà phải đeo vào hông một lọ gốm con, với một chiếc bút lông nhỏ.
– Không phải mực – Gày quệt tay vào thứ nuớc nhày nhày ở trong lọ gốm nói với Béo – Nước gì trơn trơn khen khét mày ạ!
– Mỡ, mỡ lợn rừng đấy mà – Béo cũng chấm tay vào lọ và nó phát hiện ra ngay – Nhà tao có non một vò thứ mỡ này, bố tao săn được từ năm ngoái. Phải đào lỗ chôn đi đấy, quân Ngô mà thấy thì chúng cướp hết.
– Nhưng sao lại có vị ngòn ngọt? – Thấy nói là mỡ lợn Gày chấm tay đưa lên lưỡi nếm thử và cu cậu phát hiện ra điều ấy.
– Có một bình nhỏ mẹ tớ san ra để xào rán hàng ngày. Đúng rồi, cái bình ấy truớc vẫn đựng mật ong đấy mà.
Hai thằng đều nghĩ đã phán đoán đúng nên mũi có hơi bị phổng. Nhưng thực ra mật ong được ai đó cố tình trộn vào, còn cái bình cũ thì mẹ Lân béo đã rửa kĩ càng, còn cắm vào cọc hàng rào phơi nắng cho khô, làm gì có tí mật nào dính lại!
Hai anh cu Béo, Gày cùng lấy làm lạ, nhưng trước khi xuống núi các thày đã bảo sẽ giao cho hai đứa một công việc quan trọng, cần phải khéo léo, thận trọng và hết sức kín đáo. Cứ làm, không hỏi và không được kể với ai cả, vậy nên mang một bồ thắc mắc trong bụng mà hai cậu chàng cứ phải ngậm tăm trong miệng.
Hai ông bố giả vờ đang trồng tỉa ngô để canh gác. Hai thằng bé thì leo lên những cây có lá to ven đường, dùng bút lông chấm vào lọ mỡ vẽ những hình đã học thuộc vào lá cây. Vẽ cho thật đúng, hình nào nghi ngờ thì phải đối chiếu với các hình mẫu đã vẽ bằng mực đen trên giấy dó mỏng (tờ giấy này thật cần mới đuợc mang ra xem, nếu có động dạng gì phải nuốt ngay vào bụng, chúng được dặn dò rất nghiêm khắc như thế).
Lân béo và Lân gày không hề nghĩ rằng công việc của chúng đem lại hiệu quả lớn lao đến vậy. Khi vẽ mỡ trộn mật vào lá, hai thằng chẳng hiểu vẽ để làm gì nhưng một tuần sau thì tin đồn lan khắp nơi, rằng Trời đã báo cho dân nuớc Nam biết “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi, Nguyên Hãn vi thần“. Rõ ràng mệnh Trời đã định hào truởng Lê Lợi sẽ làm vua, còn đại thần trong triều là các vị Nguyễn Trãi và Nguyên Hãn.
Người ta từ khắp nơi kéo đến xem những chiếc lá bị kiến với sâu đục theo vết mỡ mà hai thằng bé đã vẽ vào. Chữ ngược nhưng từ dưới nhìn lên lá cây thì hóa thành chữ xuôi, ai cũng tin rằng điều ấy đã “Tiệt nhiên định phận tại Thiên Thư” (nghĩa là đã ghi rõ ràng ở Sách Trời) nên trai tráng vùng Kinh Bắc nô nức rủ nhau khăn gói lên đường vào trấn Thanh tham gia khởi nghĩa Lam Sơn. Quân Ngô thì vừa tức vừa sợ, chúng cho quân đi chặt hoặc đốt hết các cánh rừng mà Béo và Gày đã vẽ, nhưng đứa nào cũng nghĩ rằng ngày chúng phải cút về nuớc không còn xa lắm.
Nấn ná mãi đến năm mười bảy tuổi, Lân béo và Lân gày mới đuợc phép xuống núi. Hai sư thày do tuổi cao nên đều ở lại am, chỉ dặn các học trò phải tận trung với nuớc…
Có lẽ do “con tàu ngược thời gian” đột ngột tăng qua mức siêu tốc nên hai chàng Lân béo và Lân gày bỗng dưng biến thành khán giả, chỉ được mơ màng thoáng nhìn lại hình bóng của chính mình trong một quãng dài những ngày tháng gian khổ của cuộc khởi nghĩa muời năm “khi Linh Sơn lương hết mấy tuần, khi Khôi huyện quân không một lữ.”*. Rồi cái lần một kẻ phản bội tên là Ái (sách sử cũng không ghi lại họ của hắn), dẫn đuờng cho giặc đi lối tắt đánh úp quân khởi nghĩa từ phía sau, chủ soái Lê Lợi bị vây hãm bốn bề. Gia thuộc của ông cùng rất nhiều vợ con các dũng sĩ đi theo nghĩa quân đã bị bọn chúng bắt đi.
Truơng Phụ lệnh cho quân tướng của hắn phải tìm diệt bằng đuợc Lê Lợi, có thế mới dẹp tan được cuộc kháng cự của dân Giao Chỉ. Quân Ngô bao vây các ngọn núi, rà soát và đốt lửa thiêu rừng từ chân núi thiêu lên, dồn các toán nghĩa quân lên đỉnh để tìm diệt. Hoàn cảnh cực kì nguy khốn nên Cận Vệ tướng Lê Lai đã cùng hai phó tuớng Lân gày, Lân béo tình nguyện hy sinh để cứu chủ soái.
Họ khẩn truơng bàn bạc với nhau, để Lê Lai mặc áo bào của vua giả làm Lê Lợi, hai chàng Lân đóng làm các dũng tuớng thường theo sát bên mình nhà vua, mở đường máu tháo chạy xuống thung lũng ra phía bờ biển. Nhớ lại con tê giác đầu đàn phải hy sinh để cứu dân làng ngày nào, cũng là do bàn tay ác độc của bọn giặc đang đuổi theo sau lưng, Béo và Gày cùng quay lại cản đuờng. Không hổ danh với miền núi rừng Đông Triều anh dũng, với những đòn Tê Ngưu công hai chàng trai đã chém gục không biết bao nhiêu quân Ngô trong trận đó, tuy nhiên khi rút chạy tới gần bờ biển thì cả toán quân chỉ còn lại mấy người, Lê Lai cùng hai chàng Lân xông vào đợt giáp lá cà cuối cùng…
Đến đây thì “Con tàu ngược thời gian” bỗng đột ngột dừng lại. Trong một tích tắc thôi, các khán giả đã bị đẩy ra ngoài. Sau đó có nhiều người cả quyết, thậm chí còn đưa ra những bức ảnh chụp, chứng minh rằng họ nhìn thấy một Unidentified flying object (UFO – vật thể bay không xác định) bay lượn rồi biến mất trên bàu trời cao vào rạng sáng hôm ấy. Còn hai anh cu “báo ơ”- Ban và Bi – thì dụi mắt thấy mình lại đang ngồi trên toa tàu hỏa. Ngay sau đấy là tiếng còi tàu nổi lên để xin đường vào ga cuối.
Hai thằng trở lại là ” Tâm thần mãn tính” và “Tơ roa”. Chúng quên tịt những việc đã được nhìn thấy – thậm chí còn đuợc là nhân vật chính – của câu chuyện năm trăm năm truớc. Điều này kể ra cũng khá kì lạ, có điều hai đứa hoàn toàn không còn lưu lại tí ti nào trong đầu, những việc tạm gọi là xảy ra trong tiền tiền kiếp kiếp nào đấy. Giả dụ như có nhớ được thì chắc hai anh “báo ơ” này cũng sẽ không quá ngạc nhiên, vì rằng báo chí ngày ấy cũng như bây giờ luôn có đăng những truờng hợp tương tự.
Ví dụ một tin như thế này:
“Năm 20 tuổi, cô gái Elina Markand (người Đức) bị tai nạn. Khi tỉnh dậy, Elina bỗng nói tiếng Italy rất thông thạo, mặc dù trước đó cô chưa từng học một ngoại ngữ nào. Cô cũn tự nhận mỡnh là Rozetta Caste Liani, cụng dõn Italy, và yờu cầu được trở về thăm quê hương.
Về tới “nhà”, Elina mới biết rằng người có tên Rozetta Caste đó mất từ năm 1917. Đón cô là một bà già lụ khụ, xưng là con gái của Rozetta Caste. Elina chỉ tay vào bà già, nói: “Đây là Fransa, con gái tôi!”. Lúc ấy, tất cả mọi người đều giật mỡnh, vỡ người đàn bà này quả thực tên là Fransa, đúng như Elina gọi.”
Hoặc như đoạn tin:
“Cỏc nhà khoa học cũn ghi nhận nhiều trường hợp khác. Chẳng hạn có người đột nhiên “biến” thành công dân La Mó cổ đại, và bằng chứng khó chối cói là anh ta biết sử dụng được thứ ngôn ngữ “nguyên thủy” của mỡnh, khụng cũn ai hiểu nữa. Tương tự như vậy, có người châu Âu bỗng nói tiếng Ai Cập, mất hẳn khả năng dùng tiếng mẹ đẻ. Rồi anh ta mô tả chính xác cảnh vật ở vùng sông Nile, và tự nhận có nguồn gốc Ai Cập”…
Về chuyện này cần nói thêm rằng sau đấy ít lâu, Dương “Chôm chỉa” do không thỏa mãn với những gì hai thằng “báo ơ” kể lại, hoặc báo chí đưa tin vắn tắt, mà Má Nốt ruồi lại ngăn không cho hai thằng ấy dẫn anh em đến tận nơi để được “mục sở thị” (nghĩa là xem tận mắt), nên đã một mình tìm đến khu đình hoang với ngôi mộ cổ để thỏa mãn nỗi tò mò. Ngôi mộ bị đào bới dở đã bị xây bao xây bao kín lại và chính quyền cấm không cho một ai lai vãng, vậy nên Chôm chỉa chẳng biết được gì hơn mấy dòng tin đăng trên tờ báo địa phương.
Tuy nhiên Dương ta cũng chẳng đến nỗi về không. Cu cậu được một cụ già làm vườn khá vui tính, đang ngồi nghỉ hút thuốc lào ở mảnh vườn dưới chân núi kể cho nghe nhiều chuyện thú vị. Trước đó anh cu này đã khôn ngoan lân la chào hỏi rất lễ phép, tham gia nhổ cỏ ở mấy luống rau rồi lại hăng hái gánh giúp ông cụ mấy gánh nuớc tưới, múc từ chiếc giếng gần đấy.
Ông cụ không kể về ngôi mộ cổ, chỉ nói rằng người ở đây đồn là có một lời nguyền ghê gớm, sẽ ứng nghiệm ngay với bất cứ kẻ nào xâm phạm hay có hành vi bất kính với ngôi mộ ấy. Vậy nên chính quyền phải vội vàng cho xây bịt lại, người dân cũng không ai dám lai vãng hoặc thêu dệt chuyện gì.
Bù lại, cu Dương được nghe những chuyện lưu truyền từ xửa từ xưa về hai cậu bé cùng tên Lân, chuyện Lê Lai và hai phó tướng đã chết thay vua Lê Lợi như thế nào. Tuy vậy ông cụ tin rằng họ đã không chết, ít nhất là hai chàng Lân. Cụ bảo dân gian vẫn kể rằng vào phút cuối cùng thì có một con tê giác trắng vằn đen, cả thân mình như bốc lửa, bỗng từ trên núi chạy xuống che gươm đao cho Béo và Gày, rồi đưa hai chàng trai anh hùng cùng lặn xuống biển Đông. Sau này nhiều thuyền chài còn nói đôi khi nhìn thấy bộ ba này ở đảo nọ, đảo kia giữa biển khơi, có thuyền bị bão lạc sang đảo Gia Va khi về cũng kể là dân xứ đảo Nam Dương (Indonesia ngày nay) đôi khi cũng nhìn thấy họ.
“Ngày ấy dân cư ở đây đã quyên góp gạo tiền xây nên ngôi đền này – Lời cụ già kể- để thờ hai vị Lân Gày, Lân Béo. Một người thợ rừng khéo tay đã vẽ hình tê giác vào một bên vách tường của ngôi đền, đó là vẽ ông Tê Ngưu đơn, bị sát hại lần cuối cùng để lấy sừng nộp cho quân Ngô…
– Nhưng sao giờ đền này lại bỏ hoang hở cụ?- Chôm chỉa ngắt lời cụ già, cu cậu còn nhiều điều muốn biết quá.
– Thong thả đã nào, rồi lão kể cho mà nghe– cụ già rít một hơi thuốc lào nữa- Đền được xây nhanh lắm, thiêng lắm, dân cư quanh vùng đều kéo đến nhang khói. Có điều về sau đám cháu chắt của vua Lê tưởng rằng chức Vua là giành riêng cho họ hàng nhà Lê, cứ việc hưởng mãi mà chẳng phải làm gì…- Ông cụ lại ngừng, khề khà chiêu mấy ngụm nước trà nụ, Chôm chỉa thì háo hức mà không dám giục.
– Đám Con Trời chắt chít ấy được nuông chiều từ nhỏ, quần thủng đít cũng bằng gấm nẹp vàng, gắn ngọc trai, nhưng lão chắc rằng thằng nào cũng học dốt như bò, nghịch như quỷ, láo như ranh cả…
Các cụ kể lại rằng lần vua Lê Uy Mục hay Tương Dực gì đó trong cuộc vi hành qua vùng Đông Triều, tình cờ đi qua ngôi đền thờ hai vị thần Gày và Béo. Tự dưng hai bức tượng gỗ và cả hình vẽ ông Tê Ngưu đều quay đầu nhìn đi chỗ khác. Thấy vậy chẳng hiểu là lão vua Quỷ hay lão vua Lợn (dân ngày ấy cũng dám gọi sau lưng vua như thế đấy!– Cụ già cười hà hà) vừa tức vừa sợ, mới đầu định ra lệnh triệt hạ đền nhưng thấy dân chúng kéo đến nhang khói rất đông, bèn ra chiếu chỉ rằng đền này cần phải thờ thêm công thần Lê Lai ở ban trên. Sau đấy tay huyện quan bản hạt muốn tâng công lại ra lệnh phải đặt bài vị thờ Lê Lợi lên trên hết, “Đức Thánh tổ mới là Thánh tổ của mọi thần dân, ở đâu lê dân cũng phải thờ”.
Thôi thì “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” lạy thêm mấy lạy có sao đâu, các cụ ngày xưa nghĩ thế. Có điều đèn nến xôi gà ngày càng tốn kém, lại năng phải tiếp ruớc với phong bao mỗi lần quan phụ mẫu về dâng nhang, nên về sau bô lão các làng mới bàn kín với nhau, ruớc bài vị thần Béo và thần Gày về miếu làng và về từng gia đình thờ phụng…”
– Vậy nên đền mới bị bỏ hoang hả cụ? – Chôm chỉa đã có được nhiều chuyện để khoe với bọn Bạch Dương, bắt đầu sốt ruột muốn quay về để hành nghề nên ngắt lời cụ già.
– Phải rồi, ý định của các cụ ngày ấy là Thần vùng ta thì vùng ta thờ, Thần của các Phụ mẫu để các Phụ mẫu lo, vậy nên ngôi đền không đuợc dân bản địa chăm sóc như cũ, khách thập phuơng cũng ít dần vãng lai. Cho đến khi lão quan huyện ngày đó bị chết vì chứng béo phì thì chẳng còn ai ngó ngàng đến ngôi đền này nữa. Ông nội lão còn kể rằng thời đó có tay Thơ Ngang nào đó đã đề lên vách:
Đền thờ Thần làng ta
Dân góp tiền xây ra
Nào của quan phụ mẫu
Mà…
– Có điều giờ không thấy bài thơ ấy nữa anh cu mình ạ. Bao nhiêu đời rồi còn gì, tuy vậy hình ông Tê ngưu vẫn còn lại đôi nét vì vẽ bằng nhựa cây gì ấy. Loại cây ấy giờ cũng chẳng còn.
Ông cụ cầm lấy cuốc tiếp tục làm cỏ cho các luống rau cải củ, còn Dương “Chôm chỉa” cũng vội vàng chạy xuống dốc vì đã nghe thấy chuyến tàu ngược kéo còi, chỉ mươi phút nữa là vào ga.
N.C