Bác sĩ Zhivago – Boris Pasternak (Nga – giải Nobel Văn Học) – Kì 12

Đến mùa thu, cuộc tấn công tạm ngừng, bộ đội trụ lại trong chiến hào. Nhưng Pasa thì vẫn biệt tăm tin tức. Lara bắt đầu lo lắng. Nàng dò hỏi tin tức ở Yuratin, rồi viết thư về Moskva và ra mặt trận theo hòm thư dã chiến của đơn vị chàng. Không chỗ nào người ta biết gì về chàng; không chỗ nào trả lời nàng…

Đến mùa thu, cuộc tấn công tạm ngừng, bộ đội trụ lại trong chiến hào. Nhưng Pasa thì vẫn biệt tăm tin tức. Lara bắt đầu lo lắng. Nàng dò hỏi tin tức ở Yuratin, rồi viết thư về Moskva và ra mặt trận theo hòm thư dã chiến của đơn vị chàng. Không chỗ nào người ta biết gì về chàng; không chỗ nào trả lời nàng.

Bác sĩ Zhivago – Chương 04 .

Mười ngày sau, cũng tại căn phòng này, bạn bè đã tổ chức một buổi liên hoan tiễn biệt đôi vợ chồng mới cưới. Lara và Pasa đã thi cử xong xuôi, cả hai đều đạt kết quả rực rỡ, cả hai cùng được bổ nhiệm tới một thành phố ở miền Ural, và sáng mai họ sẽ phải lên đường.

Một lần nữa người ta lại uống rượu, lại hát, lại cười đùa ầm ĩ, nhưng lần này chỉ có đám thanh niên mà thôi.

Sau bức vách ngăn chỗ ở với bên xưởng vẽ hiện đang là chỗ tiếp khách, có để hai cái rương mây, một cỡ to, một cỡ vừa, của Lara, một chiếc va li, một hòm bát đĩa, thêm mấy cái bọc để trong một góc. Đồ dùng của hai vợ chồng khá nhiều. Một phần sẽ được gửi đi theo tàu chậm sáng mai. Họ đã gói ghém gần như đâu vào đó, nhưng vẫn chưa xong hẳn. Hai cái rương và cái hòm vẫn để ngỏ, chưa đầy. Thỉnh thoảng Lara sực nhớ đến vật gì, lại chạy ra sau và nhét thêm vào chỗ còn trống.

Pasa ngồi ở nhà tiếp khách, trong lúc Lara đi đến văn phòng ở trường đại học lấy giấy khai sinh và mấy thứ giấy tờ khác. Nàng trở về cùng với bác gác cửa, mang theo ít dây nhợ và một cuộn thừng to chắc để buộc hòm xiểng đưa đi ngày hôm sau. Lara cho bác gác cửa ra về, rồi đi vòng một lượt bắt tay người này, hôn người kia, đoạn ra sau vách thay áo. Khi nàng trở lại phòng ăn, ai nấy vỗ tay, reo ầm lên, tìm chỗ ngồi và cảnh vui nhộn hôm tiệc cưới lại tái diễn. Những anh chàng bạo dạn nhất nhận phần rót vodka cho người ngồi bên, bao nhiêu là cánh tay cầm đĩa nhoài về phía giữa bàn để lấy bánh mì hoặc thức ăn. Mọi người hăng hái trò chuyện, nhấp rượu, thi tài châm chọc nhau. Có mấy cô cậu chỉ một lát đã say.

– Em mệt bã cả người! – Lara nói với chồng ngồi cạnh nàng. – Còn anh, anh đã kịp làm xong tất cả những cái anh muốn chưa?

– Xong rồi.

– Mệt thật, nhưng em vẫn cảm thấy sung sướng. Còn anh thì sao?

– Anh cũng thế. Anh rất hài lòng. Nhưng thôi, chuyện ấy để sau.

Đặc biệt Komarovski cũng được mời tới dự liên hoan với đám thanh niên, coi như một ngoại lệ. Đến cuối bữa, hắn muốn nói là hắn sẽ trở nên côi cút sau khi đôi bạn trẻ của hắn ra đi, Moskva sẽ trở thành sa mạc Sahara, nhưng hắn lại xúc động tới mức sụt sịt nghẹn ngào, nên phải nhắc lại cả câu nói vừa bị ngắt quãng vì xúc động ấy. Hắn xin hai vợ chồng Pasa cho phép hắn được thư từ với họ và tới thăm họ ở Yuratin, là nơi họ sẽ sống, nếu hắn không chịu đựng nổi sự xa cách.

– Chuyện ấy hoàn toàn là vô ích – Lara trả lời không chút nể nang. – Và nói chung, hết thảy những cái đó chẳng để làm gì cả nào thư từ, sa mạc Sahara, và các thứ tương tự. Còn về việc tới thăm chúng tôi, xin ông chớ nghĩ đến làm gì. Nhờ trời, ông chẳng đến nỗi bị sứt mẻ vì phải xa cách chúng tôi, chúng tôi đâu có được là người quý hoá, hiếm hoi đến thế, phải không anh Pasa? Rồi ông sẽ tìm được người thay thế cho đôi bạn trẻ của ông thôi…

Đoạn quên phắt nàng nói với ai và nói về chuyện gì, Lara sực nhớ ra một cái gì đó, vội đứng dậy đi xuống bếp. Nàng tháo rời các bộ phận của chiếc cối xay thịt và nhét chúng và hòm đựng bát đĩa, lấy cỏ khô chèn vào cho chặt. Suýt nữa thì nàng bị một cái dằm ở đầu mép hòm đâm vào tay.

Mải làm công việc đó, nàng không nhớ gì đến đám khách, không để ý đến tiếng trò chuyện của họ. Bỗng có tiếng lao xao ầm ĩ ở bên kia vách khiến nàng sực nhớ đến họ. Lúc ấy nàng nghĩ rằng những kẻ say rượu bao giờ cũng cố làm bộ ta say rồi đây và càng say thì họ càng sắm vai kịch một cách vụng về và trơ trẽn hơn.

Chợt có thứ tiếng động đặc biệt, khác hẳn, từ ngoài cửa sổ vọng vào làm cho Lara phải chú ý. Nàng bèn vén rèm, ló đầu ra.

Dưới sân, có một con ngựa bị tròng dây ở chân, đang nhảy khập khà khập khiễng. Không biết ngựa của ai. Chắc là ngựa lạc. Trời đã sáng hẳn, nhưng còn lâu mới tới lúc mặt trời mọc. Thành phố vẫn ngủ say như chết, chìm trong bầu không khí mát dịu màu tim tím của ban mai. Lara nhắm mắt lại. Chỉ có Chúa mới biết tiếng vó sắt đặc biệt, độc nhất vô nhị kia đang đưa nàng đi tới phương trời xa xôi nào, tới một miền quê kỳ diệu nào.

Có tiếng chuông ngoài cầu thang. Lara lắng tai nghe. Ai đó đi ra mở cửa. Nadia đến! Lara chạy bổ nhào ra đón bạn. Từ nhà ga, Nadia đến thẳng đây, vẻ tươi vui, đẹp mê hồn. Người cô như toả mùi hương linh lan ở khu trại Dublianka. Hai cô bạn đứng sững nhìn nhau, không nói nên lời. Họ chỉ biết khóc và ôm nhau đến nghẹt thở.

Nadia mang tới cho Lara lời chúc mừng của cả gia đình cô, mong nàng thượng lộ bình an, và cũng đem quà của cha mẹ cô tặng Lara. Cô rút trong túi xắc ra một cái hộp nhỏ bọc giấy, mở hộp và trao cho Lara một chuỗi ngọc đẹp lạ lùng.

Ai nấy trầm trồ khen ngợi. Một khách ăn đã bớt say, nói:

– Đây là hồng ngọc. Đúng là hồng ngọc rồi còn gì nữa. Thứ này không thua gì kim cương đâu.

Nhưng Nadia thì quả quyết đó là hoàng ngọc.

Lara mời Nadia ngồi bên nàng, đặt chuỗi ngọc cạnh đĩa ăn của mình và vừa tiếp món ăn cho bạn, vừa nhìn chuỗi ngọc không rời mắt. Nằm thu gọn trong cái nệm màu tím của chiếc hộp, chuỗi sáng lóng lánh, trông từa tựa một chuỗi giọt sương mai, có lúc lại như một chùm nho bé xíu.

Bây giờ vài người đã tỉnh rượu. Họ lại uống thêm mỗi người một ly nhỏ để tiếp Nadia, làm cho cô chẳng mấy chốc đã chếnh choáng.

Lát sau gian phòng đã hoá thành xứ sở của Thần ngủ. Hầu hết khách khứa, ngủ lại để có thể tiễn vợ chồng Pasa ra tàu buổi sáng. Khoảng một nửa số khách đã nằm dài ở các góc nhà mà ngáy. Lara cũng không nhớ, làm sao nàng lại để nguyên xống áo nằm trên cái đi văng, chỗ Ira Lagodina đang ngủ.

Có tiếng nói chuyện lớn ngay bên tai khiến nàng thức giấc. Đó là tiếng mấy người lạ vào trong sân tìm con ngựa lạc. Lara mở mắt ra và ngạc nhiên: “Anh chàng Pasa của mình không biết mệt là gì chăng, anh ấy tìm kiếm cái gì vậy?”. Lúc đó người mà nàng tưởng là Pasa quay mặt lại, nàng mới thấy không phải chàng, mà là một gã mặt rỗ, có vết sẹo chạy dài từ thái dương xuống cằm, trông rất gớm ghiếc. Nàng hiểu ra: nó là một tên trộm thừa dịp lẻn vào nhà. Nàng muốn thét lên nhưng không đủ sức phát ra được một tiếng. Nàng sực nhớ đến chuỗi ngọc, bèn kín đáo chống khuỷu tay nhổm dậy, liếc lên bàn.

Chuỗi ngọc vẫn còn đó, giữa các mẩu bánh mì và kẹo còn thừa. Tên trộm không tinh mắt nên không để ý tới chuỗi ngọc giữa các thức ăn thừa. Hắn chỉ lục lọi số quần áo đã xếp gọn, làm xổ tưng các gói đồ của Lara. Vừa say rượu, vừa chưa tỉnh ngủ, Lara không ý thức rõ tình hình, chỉ tiếc nhất cái công sắp dọn hành lý. Nàng tức giận, lại muốn kêu to, nhưng lần này cũng không sao mở miệng hay động môi được. Nàng bèn thúc mạnh đầu gối vào mạng sườn cô bạn Ira Lagodina nằm bên cạnh khiến cô này thét vang lên, nhờ đó Lara cũng kêu theo.

Tên trộm buông ngay gói đồ đựng các thứ đã lấy và chạy bổ ra ngoài. Vài chàng trai ngồi bật dậy, cố hiểu xem chuyện gì. Lúc hiểu ra, họ bèn đuổi theo tên trộm nhưng hắn đã biến mất.

Cơn báo động và cuộc bàn luận sôi nổi tiếp sau như một hiệu lệnh đánh thức tất cả mọi người. Lara tỉnh táo hẳn. Bất chấp sự phản đối của những người muốn ngủ thêm, nàng dựng tất cả dậy, vội vã pha cà phê cho họ uống rồi đuổi họ ai về nhà nấy, hẹn gặp nhau lần cuối cùng ở nhà ga, trước giờ tàu chạy.

Sau khi họ ra về cả rồi, công việc xếp dọn tiến triển mau lẹ. Vốn nhanh nhẹn, Lara cứ thoăn thoắt chạy từ bọc đồ này sang bọc đồ khác, nhét gối vào, siết chặt dai dạ lại, luôn miệng yêu cầu Pasa và chị giúp việc cứ để mặc nàng, kẻo chỉ làm rối thêm công việc.

Mọi sự đều xong xuôi. Vợ chồng Pasa tới ga đúng giờ. Tàu chuyển bánh rất êm, như bắt chước những chiếc mũ đang vẫy chào từ giã. Khi chiếc mũ ngừng vẫy và từ xa vẳng lại ba lần tiếng reo (hình như là tiếng “u-ra “), con tàu bắt đầu lao nhanh.

5.

Từ ba hôm nay, thời tiết rất xấu. Chiến tranh đã bước sang mùa thứ hai. Sau những trận thắng lợi của năm thứ nhất, bắt đầu các thất bại. Quân đoàn tám của tướng Bruxilov tập trung ở miền núi Karpat đã sẵn sàng từ trên núi đổ xuống, tràn sang Hungary. Nhưng thay vì làm như vậy, họ lại rút lui theo các đơn vị khác Xứ Galixi mà quân ta chiếm ngay từ mấy tháng đầu cuộc chiến, nay cũng phải bỏ.

Yuri Andrevich Zhivago, người trước đây vẫn được gọi là cậu là anh Yuri, nay đã trở thành bác sĩ, được gọi là ông, và bác sĩ Zhivago. Chàng đang đứng trong hành lang khoa sản của bệnh viện phụ sản, trước cửa căn phòng người ta mới đưa Tonia vào nằm. Chàng vừa chở nàng tới đây. Chàng đã từ biệt nàng, song còn đứng chờ cô đỡ để bàn xem có cách nào cô báo tin cho chàng trong trường hợp cần kíp, và chàng có thể dùng cách nào để hỏi thăm tình trạng sức khỏe của vợ mình.

Chàng rất bận, phải vội trở về bệnh viện của mình, mà trước khi về còn phải đến thăm hai bệnh nhân tại nhà riêng.

Chàng đã bỏ phí thời gian quý báu, đứng bên cửa sổ ngắm những làn nước mưa xiên xiên bị cơn gió mạnh mùa thu bẻ gãy gập và tạt cong, như bão làm cho các bông lúa ngoài đồng bị đổ rạp quấn vào nhau.

Mưa vẫn rơi đều đều, tẻ ngắt, không nặng hạt hơn, cũng chẳng ngớt đi, bất chấp những cơn gió giận dữ như bị chọc tức trước sự bình tĩnh của các làn nước đang rơi xuống mặt đất. Gió đang hành hạ một cây nho dại leo xung quanh hàng hiên. Hình như gió muốn bứt hẳn cả cây nho ra, tung nó lên không mà giật, rồi lại quăng phắt xuống như ném một mảnh giẻ rách.

Một chuyến xe điện ba toa chạy ngang qua hàng hiên tới cổng bệnh viện. Thương binh bắt đầu được nghiêng xuống xe.

Các bệnh viện ở đều chật ních, nhất là sau chiến dịch Lutski. Hiện nay người ta phải đặt thương binh nằm cả ở các sàn cầu thang và ngoài hành hành lang. Tình trạng chen chúc ở các bệnh viện thành phố cũng bắt đầu lan tới cả các bệnh viện phụ sản.

Bác sĩ Zhivago quay lưng lai cửa sổ, ngáp dài vì mệt mỏi, đầu óc trơng rỗng. Đột nhiên chàng nhớ rằng có một nữ bệnh nhân mới chết ở khoa ngoại của bệnh viện Crestovodvigien là nơi chàng làm việc. Bác sĩ Zhivago khẳng định rằng bệnh nhân bị bệnh sán gan. Tất cả các bác sĩ khác không công nhận ý kiến đó. Hôm nay, người ta sẽ mổ tử thi. Thực tế ra sao sẽ rõ.

Nhưng tay trợ lý giải phẫu của bệnh viện là một thằng cha nghiện rượu, không biết hắn sẽ làm ăn thế nào.

Bóng tối xuống nhanh. Bây giờ không thể nhìn rõ cảnh vật bên ngoài cửa sổ nữa. Như có chiếc gậy thần đập một cái làm hiệu, tất cả các cửa sổ đều bừng sáng.

Qua cái ngăn đệm cửa phân cách phòng bệnh của Tonia với hành lang, bác sĩ chủ nhiệm khoa bước ra. Viên bác sĩ sản khoa này là một người to béo, nghe hỏi gì cũng chỉ ngước mắt lên trần và nhún vai. Bộ điệu ấy của ông ta ngụ ý: dù khoa học tiến đến đâu đi nữa, nhưng anh bạn Horasiô của tôi ơi, vẫn có những câu đố hiểm hóc mà khoa học đành bó tay.

Ông ta bước ngang qua chỗ Zhivago đứng, cúi đầu mỉm cười và giơ hai bàn tay to bè, mập mạp làm mấy động tác như người đang bơi, ngụ ý rằng phải chịu khó chờ, đoạn ông ta theo hành lang đi tởi phòng đợi để hút thuốc.

Lúc ấy, phụ tá của bác sĩ chủ nhiệm khoa bước ra. Ông kia ít lời bao nhiêu thì chị phụ tá này lắm lời bấy nhiêu. Chị ta bảo bác sĩ Zhivago:

– Ở địa vị ông, tôi sẽ về nhà. Mai tôi sẽ gọi điện thoại đến bệnh viện chỗ ông. Việc ấy chắc không bắt đầu sớm đâu. Tôi tin rằng bà nhà sẽ sinh nở tự nhiên, khỏi cần sự can thiệp. Nhưng về phương diện khác, cũng có phần nào lo ngại vì xương chậu hơi hẹp, cái thai lại ở ngôi gáy, bà nhà không thấy đau và ít chuyển bụng. Nói chung, dự đoán bây giờ chưa phải lúc. Tất cả tuỳ thuộc vào các cơn đau lúc bắt đầu sinh. Mà cái đó thì thời gian sẽ trả lời.

Hôm sau chàng gọi điện thoại hỏi. Người nhấc máy nghe là tay gác cổng của bệnh viện phụ sản. Hắn bảo bác sĩ đừng buông máy, để hắn đi hỏi đã. Chàng phải chờ đến mười phút sốt cả ruột, mới thấy tiếng hắn ta trả lời một cách khiếm nhã và chẳng mạch lác tí nào: “Người ta bảo tôi nói với ông: bảo lão ta, họ dặn thế, đưa vợ đến sớm quá, lại mà chở về”. Chàng nổi giận, yêu cầu một người khác hiểu biết công việc hơn, đến trả lời điện thoại. “Triệu chứng chưa rõ ràng – tiếng cô y tá nói trong máy, – xin bác sĩ đừng lo, phải đợi một hai hôm nữa”.

Hai ngày sau, chàng được tin cơn đau đẻ của Tonia đã bắt đầu từ đêm, rạng sáng thì vỡ ối, và bắt đầu các cơn co thắt dữ dội liên tục từ sáng đến giờ.

Chàng đâm bổ tới bệnh viện phụ sản, và lúc đi ngoài hành lang, chàng nghe thấy tiếng Tonia đang kêu, qua cánh cửa người ta vô ý chỉ khép hờ. Tiếng nàng kêu nghe thật thảm thiết, y như tiếng kêu của người bị xe cán gãy chân đang được lôi từ dưới gầm xe ra.

Chàng không được phép tới bên vợ. Chàng bèn ra đứng bên cửa sổ, vô tình cắn một ngón tay gập lại đến rớm máu. Bên ngoài trời vẫn mưa xiên xiên đều đều như hôm qua và hôm kia. Một bà hộ lý từ trong phòng bước ra, và có tiếng oa oa của trẻ mới sinh từ đó vọng ra theo.

Nàng thoát chết rồi! Nàng thoát chết rồi? – Yuri thầm sung sướng nhắc đi nhắc lại.

– Một chú bé. Con trai. Mẹ tròn con vuông. – Bà hộ lý dài giọng. – Không, lúc này chưa được vào đâu. Bao giờ xong xuôi, người ta sẽ cho ông xem. Ông phải tặng cho bà ấy một món quà đích đáng. Bà nhà đã phải chịu đau rất lâu. Con so mà lại. Con so bao giờ cũng đau tợn.

Thế là nàng thoát chết! Thế là nàng thoát chết, – Yuri đang vui mừng nên không hiểu và hộ lý vừa nói gì, cũng không hiểu tại sao bà ta lại liên kết chàng với việc vừa xảy ra, trong khi chàng có liên quan gì đâu? Cha, – con – chàng chưa cảm thấy có gì đáng hãnh diện trong cái danh hiệu làm cha tự nhiên mà được ấy. Tình phụ tử vừa từ trên trời rơi xuống. Tất cả những cái đó ở ngoài ý thức của chàng. Điều chủ yếu là Tonia, Tonia bị lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, song đã may mắn thoát nạn…

Bác sĩ Zhivago có một bệnh nhân ở gần bệnh viện này. Chàng đi thăm và nửa giờ sau quay lại. Cả hai cửa, cửa từ hành lang vào ngăn đệm cửa và tiếp đến cửa phòng sanh đều hé mở. Không để ý mình đang làm gì, Yuri bước vào ngăn đệm cửa. Ông bác sĩ sản khoa to béo, mặc áo blu trắng, giang hai tay như từ dưới đất chui lên ngay trước mặt Yuri.

– Đi đâu vậy? Ông ta nói khẽ để sản phụ khỏi nghe thấy, và ngăn Yuri lại. – ông điên hả? Vết thương, máu me, rồi việc sát trùng, đấy là chưa nói đến chấn động tâm lý. Hay thật? Cũng đòi là bác sĩ?

– Nhưng tôi có… Tôi chỉ định đứng đây… nhìn qua khe cửa thôi!

– À, nếu thế thì được. Phải vậy chứ. Nhưng chớ có… Cẩn thận đấy. Bà ấy mà trông thấy, thì tôi giết ông!

Trong buồng, hai người đàn bà, cô đỡ và nữ khán hộ, mặc áo blu, đứng quay lưng ra cửa. Trên tay nữ khán hộ là một đứa bé mềm yếu, kêu oe oe, hết co vào lại ưỡn ra, trông như một miếng cao su đỏ sẫm. Cô đỡ đang buộc rốn sau khi tách đứa bé ra khỏi nhau thai. Tonia nằm trên bàn mổ tự động ở giữa buồng. Nàng nằm khá cao. Vì đang xúc động nên Yuri cứ phóng đại mọi sự, chàng có cảm tưởng Tonia nằm cao ngang các giá sách người ta vẫn dùng để đứng mà viết…

Được nâng lên cao gần trần nhà, hơn những người trần tục khác, Tonia chìm trong lớp sương mù của cơn đau đởn vừa trải qua, nàng như đang bốc khói vì mệt rã rời. Nàng nổi cao lên giữa phòng như một con tàu nhỏ bồng bềnh giữa vịnh. Con tàu ấy vừa cập bến và dỡ hàng, sau khi vượt qua biển chết, chở không biết từ đâu tới lục địa sống những con người mới. Nàng vừa đưa một con người như thế lên bến và đang thả neo nghỉ ngơi với hai bên sườn trống trải, nhẹ nhõm. Cùng nghỉ ngơi với nàng là các thứ buồm, chão và vỏ bọc đã bị hư vì phải chịu đựng thái quá, là sự quên lãng của nàng, là ký ức bị xoá nhoà của nàng – nàng không còn nhớ vừa rồi nàng đã ở đâu, đã bơi qua cái gì và cập bến như thế nào. Và vì không ai biết vị trí địa lý của xứ sở nàng tới thả neo, nên không rõ nên nói với nàng bằng thứ tiếng nước nào.

Ở bệnh viện của chàng, tất cả mọi người thi nhau chúc mừng chàng. “Sao họ biết nhanh thế nhỉ!” – Yuri ngạc nhiên tự hỏi”.

Chàng đến phòng bác sĩ điều trị, một gian phòng bị gọi là tửu quán và hố rác, bởi lẽ từ khi bệnh viện phải nhận quá nhiều bệnh nhân, không còn chỗ nào nữa, mọi người cứ tới đây mà cởi áo khoác, trùt giầy guốc, bỏ quên đủ thứ mang từ chỗ khác tới, vứt các mẩu thuốc lá và giấy vụn.

Viên trợ lý giải phẫu béo bệu, phù thũng đứng bên cửa sổ phòng, giơ lên trước mặt, ra ngoài sáng, một cái bình nhỏ đựng thứ nước đụng lờ nhờ, nhìn lên trên đôi mắt kính bị trễ xuống, mà xem xét! Ông ta không buồn quay lại phía Yuri, tiếp tục xem xét như cũ, miệng nói:

– Xin chúc mừng ông Zhivago.

– Cám ơn. Tôi rất cảm động.

– Có gì mà cám ơn. Tôi có công trạng gì đâu. Bác sĩ Pichuskin mổ tử thi đấy. Ai cũng lấy làm lạ. Đúng sán gan ông ạ! Người ta bảo chẩn bệnh thế này thì thánh thật! Ai cũng chỉ nhắc đến chuyện này.

Lúc ấy bác sĩ trưởng của bệnh viện bước vào. Ông chào cả hai và nói:

– Bẩn quá trời. Không phải là phòng bác sĩ điều trị nữa, mà là hố rác! À mà ông Zhivago này, không ngờ bệnh sán gan thật! Chúng tôi đã lầm. Xin chúc mừng ông. Nhưng bây giờ đến tin không vui. Quân đội lại đang xem xét lĩnh vực chuyên môn của ông. Lần này chúng tôi chắc không thể giữ ông lại được nữa. Thiếu nhiều bác sĩ quân y quá. Ông sắp phải hít mùi thuốc súng mất rồi.

Bác sĩ Zhivago – Chương 04 – Phần 06 + 07

6.

Vợ chồng Pasa Antipop thu xếp cuộc sống ở Yuratin một cách dễ dàng, vượt qua sự trông đợi. Dân chúng vùng này còn giữ ấn tượng tốt đẹp về gia đình nàng ngày trước. Điều đó đã giảm bớt cho Lara những khó khăn thường gặp khi mới chuyển đến sống ở một nơi khác.

Lara bận bịu suốt ngày với đủ thứ việc. Nàng phải trông nom nhà cửa, săn sóc đứa con gái lên ba, bé Katenka. Cô ở gái tóc hung Marphutka dù rất chịu thương chịu khó, cũng không thể giúp chủ làm hết viêc. Lara chia sẻ mọi mối quan tâm của chồng. Chính nàng cũng bận giảng dạy ở một trường nữ sinh trung học. Nàng làm lụng không ngơi tay và cảm thấy hạnh phúc. Đây chính là cuộc đời nàng hằng mơ ước.

Nàng thích thành phố Yuratin, nơi sinh trưởng, của nàng. Thành phố quê hương này nằm trên bờ sông Rynva, một dòng sông lớn, tàu bè có thể đi lại ở quãng trung lưu và hạ lưu; ngoài ra, một trong những tuyến đường xe lửa của miền Ural chạy qua thành phố này.

Ở Yuratin, khi các chủ thuyền kéo thuyền lên bờ sông, dùng xe chở vào thành phố, đó là dấu hiệu mùa đông sắp tới.

Thuyền đem về để ở trong sân nhà, và suốt mùa đông sẽ nằm ngoài trời. Ở Yuratin, những chiếc thuyền lật úp làm thành các vệt trắng ở cuối sân cũng có ý nghĩa hệt như ở nơi khác người ta thấy đàn sếu bay đi vào cuối thu hoặc thấy những bông tuyết đầu mùa.

Trong sân ngôi nhà vợ chồng Antipop đã thuê, cũng có một chiếc thuyền sơn trắng để lật úp và bé Katenka chơi đùa bên dưới như chơỉ dưới mái một ngôi nhà nhỏ giữa vườn.

Lara sống hợp với phong tục ở cái góc trời xa xôi này, với tầng lớp trí thức trong vùng là những người quen phát âm “ô” theo kiểu người dân miền Bắc, đi loại ủng da và mặc áo ngoài may bằng nỉ xâm, nàng thích sự cả tin ngây thơ của họ. Nàng ưa sống với ruộng đất, với những người dân chất phác.

Trái lại, Pasa, con một người thợ hoả xa Moskva, thì lại nhớ cảnh sống thành thị một cách ghê gớm. Thái độ của chàng đối với người dân Yuratin nghiêm khắc, khác hẳn thái độ của vợ. Chàng khó chịu trước sự thô thiển và dốt nát của họ.

Bây giờ mới thấy rõ chàng có cái khả năng hiếm có là thu thập và ghi nhớ những kiến thức trong sách báo, dù chỉ đọc lướt qua. Trước đây, chàng đã đọc rất nhiều, một phần cũng nhờ Lara trợ giúp. Nhưng mấy năm sống ẩn dật ở tỉnh lẻ, chàng đọc nhiều và mở rộng tầm hiểu biết tới mức chàng cảm thấy ngay cả Lara cũng có vẻ thiếu kiến thức. Chàng cao hơn các bạn đồng nghiệp hẳn một cái đầu và phàn nàn rằng chàng thấy nặng nề khó thở khi ở bên họ. Trong thời kỳ chiến tranh này, lòng ái quốc tầm thường, hơi mù quáng và thịnh hành ở họ không phù hợp với những hình thức phức tạp hơn của lòng ái quốc hiện có ở chàng.

Pasa dù đã nghiên cứu thời cổ đại và hiện giờ chàng dạy tiếng La tinh, cùng môn cổ sử ở trường trung học. Nhưng thiên hướng bẩm sinh về toán học, vật lý và các khoa học chính xác bỗng dưng bừng dậy trong lòng chàng. Bằng con đường tự học, chàng đã nắm vững chương trình đại học về các môn đó.

Chàng mơ ước khi gặp dịp sẽ thi lấy văn bằng mới trước một hội đồng thi ở địa phương, chuyển sang dạy môn toán và đưa gia đình lên sống ở Petersburg. Những đêm thức khuya miệt mài học tập đã làm cho sức khỏe của Pasa sa sút. Chàng bắt đầu bị mất ngủ.

Quan hệ của Pasa với vợ rất tốt, nhưng cũng rất không đơn giản. Lara chiều chuộng, săn sóc chồng rất chu đáo, còn chàng thì không hề mở miệng chê trách nàng. Chàng sợ rằng một lời chỉ trích nhỏ cũng có thể bị nàng hiểu lầm là lời trách móc kín đáo, chẳng hạn nàng có thể nghĩ, chàng thuộc giai cấp bình dân, còn nàng xuất thân từ một gia đình thượng lưu, hoặc trước khi lấy chàng, nàng đã thuộc về người khác. Vì sợ nàng nghi ngờ chàng có ý nghĩ xúc phạm, sai trái nào đó về nàng, nên cuộc sống giữa hai vợ chồng cớ một cái gì giả tạo. Người này cố đối xử cao thượng hơn người kia, nhưng cũng vì lẽ đó mà họ chỉ làm cho mọi chuyện trở nên rắc rối thêm.

Hôm đó, vợ chồng Pasa có khách: mấy giáo viên cùng trường với Pasa, bà giám đốc trường của Lara, một pháp quan của toà án hoà giải, – Pasa cũng đã có lần ngồi ghế pháp quan ở toà án ấy, – và mấy vị khác. Dưới mắt Pasa, tất cả bọn họ đều là những kẻ ngu xuẩn. Chàng lấy làm lạ, thấy Lara tử tế nhã nhặn với hết thảy bọn họ, chàng không thể tin rằng trong số đó lại có ai khiến nàng thành thực ưa thích.

Khi khách khứa đã ra về, Lara mở hết các cửa một lúc lâu cho thoáng khí, quét dọn nhà cửa, rồi xuông bếp rửa chén đĩa với Marphutka. Sau khi tin chắc rằng bé Katenka đã được đắp chăn cẩn thận và Pasa đã ngủ, nàng mới nhanh nhẹn cởi áo, tắt đèn và lên giường nằm cạnh chồng, tự nhiên như một đứa trẻ được nằm bên mẹ.

Nhưng Pasa chỉ giả vờ ngủ. Những ngày gần đây chàng bị bệnh mất ngủ. Biết còn phải nằm trằn trọc ba, bốn giờ nữa mới chợp mắt được và để trốn mùi thuốc lá do khách khứa để lại, chàng rón rén trở đậy, đội mũ, mặc áo lông, và bước ra đường.

Đêm thu, trời quang và rét buốt. Lớp băng mỏng vỡ vụn, kêu lạo xạo dưới chân chàng. Bầu trời sao toả xuống trái đất tối den và những dám bùn dóng băng cứng ngắc một thứ ánh sáng xanh lơ lập lòe như ngọn lửa đốt cồn.

Nhà Pasa ở khu vực đối diện với bến tàu. Đó là ngôi nhà cuối phố, tiếp đó là cánh đồng, có đường xe lửa chạy qua. Gần đường sắt, chỗ đường cái cắt ngang đường xe lửa, có một trạm gác.

Pasa ngồi xuống chiếc thuyền úp ở sân, nhìn lên trời sao. Những ý nghĩ chứa chất trong lòng mấy năm qua bây giờ trỗi dậy mãnh liệt đến mức đáng ngại. Chàng thấy sớm muộn cũng phải nghĩ cho đến cùng, và tốt nhất là làm việc đó ngay hôm nay.

Không thể káo dài tình trạng này được, – chàng nghĩ bụng. – Đáng lẽ đã có thể thấy trước chuyện này, nhưng chàng tỉnh ra hơi muộn. Ai bảo nàng cứ để chàng ngắm nàng bằng con mắt của một đứa trẻ và tại sao nàng lại cứ uốn nắn chàng theo ý nàng muốn? Sao chàng không đủ khôn ngoan mà xa nàng, khi chính nàng từng tha thiết yêu cầu như vậy, vào mùa đông trước khi cưới? Lẽ nào chàng không hiểu rằng nàng yêu không phải chàng, mà là nàng yêu cái nghĩa vụ cao quý của nàng đối với chàng, cái chiến công được hiện thân của nàng? Có gì giống nhau giữa cái sứ mệnh cao quý, đáng khen ấy với cuộc sống gia đình chân chính? Tai hại nhất là hiện giờ chàng vẫn yêu nàng tha thiết như xưa. Nàng đẹp, đẹp mê hồn.

Và có lẽ tình cảm của chàng cũng chẳng phải là tình yêu, mà chỉ là tấm lòng xao xuyến biết ơn trước sắc đẹp và tâm hồn cao thượng của nàng chăng? Trời ơi, ngươi hãy thử phân tích xem nào! Thế này thì có quỷ may ra mới hiểu nổi.

Vậy phải làm gì trong trường hợp này? Giải thoát cho Lara và Katenka khỏi tình trạng giả dối ấy chăng? Điều đó thậm chí còn quan trọng hơn việc tự giải thoát cho mình. Đúng rồi, nhưng bằng cách nào? Ly dị ư? Nhảy xuống sông tự vẫn ư? Chàng đâm ra bực tức – Hừ, chỉ nghĩ bậy. Không đời nào mình hành động như thế. Đã vậy, tại sao mình còn kể đến giải pháp hèn hạ đó, dù chỉ trong ý nghĩ.

Chàng nhìn lên trời như muốn hỏi ý kiến các ngôi sao. Các ngôi sao vẫn lấp lánh, từng chòm bay rải rác, to và nhỏ, màu xanh lơ và ngũ sắc. Bỗng dưng ánh sao bị lu mờ; một quãng sáng rực lên, chiếu vào sân, soi rõ chiếc thuyền chàng đang ngồi, dường như có ai đó tay vung ngọn đuốc chạy từ ngoài đồng vào cổng. Đó là chuyến tàu chở quân sang phía Tây, một trong vô số chuyến vẫn chạy qua đây từ năm ngoái, đang phả lên không trung những cụm khói vàng pha ánh lửa đỏ rực.

Pasa mỉm cười, đứng dậy đi vào nhà ngủ. Chàng đã tìm ra lối thoát hằng mong đợi.

7.

Lara sững sờ và thoạt đầu không tin vào tai mình khi nàng biết quyết định của Pasa. – Vô lý. Lại một ý định kỳ quặc đó thôi – nàng nghĩ thầm. – Chả đáng lưu tâm, rồi tự anh ấy sẽ quên đi thôi.

Nhưng hoá ra là chồng nàng đã lo sửa soạn suốt hai tuần lễ rồi, chàng đã gửi các giấy tờ đến phòng tuyển quân, đã có giáo viên thay thế chàng ở trường trung học, và từ thành phố Omsk người ta đã gửi giấy báo tin đồng ý nhận chàng vào trường võ bị. Ngày chàng lên đường đã gần kề…

Lara khóc om lên như một mụ đàn bà bình dân, nàng nắm lấy tay Pasa, lăn xuống đất dưới chân chàng mà kêu:

– Pasa, Pasa thân yêu! Không có anh, mẹ con em sẽ ra sao? Anh đừng làm thế? Anh đừng đi. Không muộn gì hết, anh cứ để em lo liệu việc đó. Mà anh đã đi khám bác sĩ cẩn thận đâu. Tim anh như thế mà đòi đi lính ư? Anh không biết xấu hổ à? Hy sinh cả gia đình vì một trò điên rồ mà không xấu hổ ư? Tình với chả nguyện! Suốt đời anh vẫn chế nhạo thằng Rodion nhà em là một đứa ngu, thế mà bỗng dưng anh lại muốn bắt chước nó à? Đang yên đang lành lại muốn kéo lê thanh gươm và lên mặt sĩ quan. Pasa, anh làm sao vậy? Em không còn nhận ra anh nữa? Ai đã xui xiển anh? Hay là anh quẫn trí? Nói đi, em xin anh hãy vì Chúa mà nói cho thực lòng, chớ có đọc những câu đang thịnh hành. Nước Nga đâu còn cần những thứ đó kia chứ?

Đột nhiên nàng hiểu rằng vấn đề hoàn toàn không phải ở chỗ đó. Vốn không quen nhận thức các chi tiết, nàng đã nắm bắt được điều cốt yếu. Nàng đã đoán biết rằng Pasa đã hiểu lầm thái độ của nàng đối với chàng. Chàng đã không thấy giá trị của tình cảm người mẹ mà suốt đời nàng vẫn đem hoà lẫn vào tình yêu của nàng đối với chàng, chàng không hiểu rằng một tình yêu như thế sâu đậm hơn tình yêu thông thường của một người vợ.

Nàng cắn môi, dằn dỗi như kẻ bị đòn, không nói thêm nửa lời, yên lặng nuốt nước mắt, bắt tay chuẩn bị cho chồng lên đường…

Khi chàng đi rồi, nàng có cảm tưởng cả thành phố trở nên vắng lặng, thậm chí quạ trên trời cũng ít hơn. “Thưa bà, thưa bà”, – Marphutka gọi mà chẳng được nàng trả lời. “Mẹ, mẹ ơi!”- Katenka cứ luôn miệng bập bẹ và níu áo nàng. Đây là thất bại cay đắng nhất trong cuộc đời nàng. Những hy vọng cao quý, trong sáng nhất của nàng đều bị sụp đổ.

Qua những lá thư từ Sibiri gửi về, Lara được biết khá rõ về chồng. Không bao lâu sau khi rời bỏ gia đình, chàng đã thấy rõ hơn, phần nào sáng mắt ra. Chàng vô cùng thương nhớ vợ con. Vài tháng sau, chàng được phong cấp thiếu uý trước thời hạn, và, cũng bất ngờ như thế, được sung vào quân thường trực. Chuyến tàu tốc hành đưa chàng ra mặt trận không chạy qua Yuratin, và ngay cả khi qua Moskva, Pasa cũng chẳng dủ thời gian ghé thăm bất cứ ai.

Bắt đầu có thư của chàng từ mặt trận gửi về, nghe có vẻ phấn chấn và đỡ buồn hơn những lá thư hồi còn ở trường võ bị Omsk. Pasa muốn vượt trội hơn mọi người. Chàng định khi lập được chiến công hoặc nếu bị thương nhẹ, chàng sẽ xin phép về thăm gia đình. Dịp đó chẳng mấy lúc đã tới. Sau cuộc đột phá, mà sau này người ta gọi là cuộc đột phá của Brusilov quân Nga chuyển sang thế công, không nhận được thư của Pasa nữa. Lúc đầu, Lara chẳng mấy lo ngại. Nàng cho rằng Pasa không viết vì chiến sự đang lan rộng, hơn nữa chàng cũng đang vất vả trên đường hành quân.

Đến mùa thu, cuộc tấn công tạm ngừng, bộ đội trụ lại trong chiến hào. Nhưng Pasa thì vẫn biệt tăm tin tức. Lara bắt đầu lo lắng. Nàng dò hỏi tin tức ở Yuratin, rồi viết thư về Moskva và ra mặt trận theo hòm thư dã chiến của đơn vị chàng. Không chỗ nào người ta biết gì về chàng; không chỗ nào trả lời nàng.

Từ lúc chiến tranh nổ ra, cũng như nhiều phụ nữ có thiện tâm trong vùng, mỗi khi có giờ rảnh rỗi, Lara lại tới giúp việc ở quân y viện đóng tại Yuratin. Nàng chăm chỉ học theo lớp y tá và đã thi lấy bằng ở quân y viện đó.

Lara xin nghỉ việc sáu tháng ở trường, giao cho Marphutka trông nom nhà cửa ở Yurahn, rồi dem con lên Moskva. Đến đó, nàng trao bé Katenka cho Lipa nhờ trông nom hộ; chồng cô này là kỹ sư Phrizendang, quốc tịch Đức, lúc ấy bị giam ở Upha với đám tù binh dân sự.

Lara đinh ninh rằng mọi việc tìm kiếm từ xa đều vô ích, nên nàng quyết định đến tận vùng mới xảy ra chiến sự để tìm chồng. Với mục đích ấy, nàng đã xin một chân nữ y tá trên đoàn tàu quân y đi qua Liski đến Mezo-Labor sát biên giới Hungary… Đó là nơi Pasa đã viết lá thư cuối cùng cho nàng.

Còn tiếp

(Kho tư liệu của Hội NVHP)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder