Trong thông cáo báo chí của nhà thơ – tiến sỹ Lars Vargö, Chủ tịch Ban giám khảo có nêu: “Giải Cikada được trao cho các nhà thơ Đông Á, nơi cảm quan thơ ca của họ chỉ ra tính bất khả xâm phạm của đời sống. Tôi thực sự tâm đắc với nhận định này và rất hạnh phúc khi biết rằng, giải thưởng Cikada được sáng lập năm 2004 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Harry Martinson, nhà thơ đoạt giải Nobel Văn học năm 1974…
Trong thông cáo báo chí của nhà thơ – tiến sỹ Lars Vargö, Chủ tịch Ban giám khảo có nêu: “Giải Cikada được trao cho các nhà thơ Đông Á, nơi cảm quan thơ ca của họ chỉ ra tính bất khả xâm phạm của đời sống. Tôi thực sự tâm đắc với nhận định này và rất hạnh phúc khi biết rằng, giải thưởng Cikada được sáng lập năm 2004 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Harry Martinson, nhà thơ đoạt giải Nobel Văn học năm 1974.
Tôi vui mừng và cũng bất ngờ khi nhận được thư của nhà thơ – tiến sỹ Lars Vargö, Chủ tịch Ban Giám khảo giải thưởng Cikada báo tin tôi đoạt giải năm nay. Trước đó, tôi thật khó hình dung không gian thơ riêng biệt, thậm chí có phần dị biệt của tôi có thể chạm tới trái tim bạn đọc ở những địa tầng văn hóa, chính trị khác. Phải chăng thơ ca, với quyền năng và vẻ đẹp tinh khôi của nó luôn đủ sức dẫn dụ, gắn kết những tâm hồn đồng điệu dù ở bất kỳ đâu trên hành tinh này.
Khoảng mười năm gần đây tôi ít khi xa nhà, hàng ngày hầu như chỉ qua lại với lối ngõ nhỏ và những cảnh quan quen thuộc của mình. Tôi kết nối được với thế giới và biết được từng cơn dư chấn bên ngoài chủ yếu thông qua chiếc máy tính cá nhân. Từng đợt sóng của những cơn dư chấn ấy đã dội vào tôi, thôi thúc tôi không ngừng sáng tạo. Bằng cảm xúc và năng lượng cá nhân, tôi biết nhìn những điều tưởng như đơn giản, lặp đi lặp lại, thậm chí vặt vãnh trong đời sống hàng ngày qua lăng kính của một đứa trẻ. Chứng kiến những biến động khôn lường của đời sống xã hội, của môi trường sinh thái bị hủy hoại, của trật tự thế giới bị đảo lộn… Tôi khao khát một xã hội công bằng, bác ái, không có áp bức, con người được tôn trọng, được tự do, được hưởng hạnh phúc, được sống trong môi trường thiên nhiên trong sạch…
Song hành với đời sống nhân loại, thơ ca ngày một hiện đại hơn trong cách thức biểu đạt và đa dạng hơn về quan niệm thẩm mỹ. Thơ đã góp phần quan trọng làm nên thế giới tinh thần đẹp đẽ của con người. Cõi thơ ấy cảm hóa, liên thông tâm hồn nhà thơ với bạn đọc. Và thơ chỉ trường tồn, sinh sôi với những người thủy chung, say đắm nó. Ngược lại, với những ai đứng ngoài từ trường đặc biệt ấy, thơ không hề tồn tại. Nhà thơ có được tứ thơ hay, thực sự là một mối duyên. Càng hạnh phúc hơn khi mối duyên ấy được hòa đồng cùng khát vọng của con người tiến bộ, dũng cảm đấu tranh để bảo vệ đời sống con người, vì mọi người
.
Trong thông cáo báo chí của nhà thơ – tiến sỹ Lars Vargö, Chủ tịch Ban giám khảo có nêu: “Giải Cikada được trao cho các nhà thơ Đông Á, nơi cảm quan thơ ca của họ chỉ ra tính bất khả xâm phạm của đời sống. Tôi thực sự tâm đắc với nhận định này và rất hạnh phúc khi biết rằng, giải thưởng Cikada được sáng lập năm 2004 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Harry Martinson, nhà thơ đoạt giải Nobel Văn học năm 1974.
Thơ H. Martinson cũng như thơ của các nhà thơ lớn của Thụy Điển như Karin Boye (1900-1941), Artur Lundkvist (1906-1991), Gunnar Ekelöf (1907-1968), Edith Södergran (1892-1923), gần đây nhất là Tomas Tranströmer (1931-2015) có sự hòa quyện giữa minh triết, sự chính xác của thơ phương Tây với thế giới tâm linh huyền hoặc, thẳm sâu của phương Đông.
Nhân đây, tôi xin dẫn một đoạn thơ trong bài “Cánh bướm*” của H. Martinson để minh chứng:
“Trăng lên, xa lắc. Tôi không sợ hãi
Tôi nghe từng ánh trăng
Đôi mắt tôi kéo màng bảo vệ
Hạt sương dán đôi cánh tôi dấp dính
Tôi đậu trên cây tầm ma”
Qua đoạn thơ trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy cách thiết lập không gian đa chiều cùng những thủ pháp đồng hóa các thi ảnh của H. Martinson khá gần gũi và có phần tương đồng với thi pháp của các nhà thơ châu Á như Sô Sakon (Nhật Bản), Bắc Đảo (Trung quốc), Ko Un và Shin Kyong-Rim (Hàn quốc), cũng như một số nhà thơ Việt Nam theo khuynh hướng cách tân hiện nay.
Nếu so sánh với những loại hình nghệ thuật khác, thơ luôn bị hạn chế và chịu sự ràng buộc bởi rào cản ngôn ngữ mỗi khi tìm đến một quốc gia khác. Dĩ nhiên, ngôn ngữ mỗi dân tộc đều tiềm ẩn những vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt, và cũng chính điều đó đã góp phần tạo nên thần thái, bản sắc độc đáo cho nền thơ của dân tộc đó.
Nhà thơ, dịch giả Erik Bergqvist khi nói về tiếng Thụy Điển của mình đã viết, “Tiếng Thụy Điển có một đặc điểm thường được người nước ngoài nhận xét: đó là tiếng nói “như đang hát” với ngôn điệu phóng khoáng và uyển chuyển. Tiếng nói Thụy Điển giống như phong cảnh thay đổi liên tục, với đồi núi, thung lũng, những cánh rừng rậm bước ra với ruộng đồng bát ngát, những hồ nước lạnh thẫm mầu và những dòng suối ngoằn ngoèo lên xuống, khi dề dà khi chảy siết, lúc chồm lên lúc tỉa tót, chỗ là những hang hốc phụ âm và chỗ bất ngờ với những nguyên âm rộng mở. Những yếu tố này thực sự diễn cảm hơn là ngữ nghĩa, và chúng thay đổi ở từng người nói, ở phương ngữ, ở tâm trạng con người mỗi ngày v.v. Người nước ngoài học tiếng Thụy Điển thường nhận thấy học ngôn điệu ấy là một trong những điều khó khăn nhất. Thêm nữa, tiếng Thụy Điển cũng có điểm này đặc biệt – hiếm có trong các ngôn ngữ phương Tây – một số từ có âm và vần giống nhau, dựa trên vô số những thanh điệu rất tinh tế lại mang những nghĩa khác nhau”**. Trong khi, tiếng Việt của chúng tôi là ngôn ngữ có nhiều thanh điệu đơn âm, đa thanh và giàu tính biểu cảm. Dù viết bằng bất kỳ thủ pháp nào, các nhà thơ Việt Nam thường sử dụng thanh điệu để diễn tả những biến thái tinh vi, phong phú của tâm hồn. Một số nhà thơ còn sử dụng cách chơi chữ, hoặc cố ý làm mờ nhòe ngữ nghĩa của từ vựng nhằm tạo nên sự rung vang, đa nghĩa của câu thơ. Và đó cũng là cách để tác giả “nhập đồng” vào tác phẩm của mình. Tôi muốn nói thêm về khái niệm “nhập đồng” trong thi ca Việt. Chắc các bạn có cách diễn đạt riêng về khái niệm này, song những người sáng tạo chúng tôi khi viết thường hóa thân vào không gian thơ do mình tạo ra. Ở đó, chúng tôi trở lại bản ngã của mình, là chính mỗi nhân vật trong cõi thơ mà mình vừa thiết lập. Đây là khái niệm đặc trưng gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, mang đậm nét văn hóa của Việt Nam.
Từ những đặc thù của mỗi ngôn ngữ cho thấy, việc dịch một bài thơ từ nguyên tác sang một ngôn ngữ khác là công việc khó khăn và rất khó trọn vẹn. Nhà thơ Tomas Tranströmer từng nói, “Dịch thơ nên được coi là điều phi lý, nhưng thực tế chúng ta vẫn phải tin vào nó.”, và “Làm thơ, ngay từ ban đầu đã là một công việc dịch thuật”.
Xin điểm xuyết công việc dịch thuật như vậy, nhằm bầy tỏ lòng biết ơn của tôi tới các dịch giả, đặc biệt tới dịch giả – nhà thơ – nhà phê bình văn học Erik Bergqvist và dịch giả – nhà phê bình văn học Maja Thrane, những người đã lao động hết sức nghiêm túc và say mê, vượt qua những rào cản, khó khăn của đặc thù từng ngôn ngữ để đưa trọn vẹn những tác phẩm thơ của tôi tới tay bạn đọc nước ngoài, đặc biệt là bạn đọc Thụy Điển.
Tôi chân thành cảm ơn Ban Giám khảo giải thưởng Cikada, cảm ơn Viện Thụy Điển, cảm ơn nghệ sĩ Gunilla Sundström đã sáng tạo tác phẩm tranh gốm tuyệt đẹp dành tặng những tác giả đoạt giải. Xin cảm ơn Ngài Styrbjörn Gustafsson, Tổng Biên tập nhà xuất bản Tranan đã tuyển chọn và xuất bản tác phẩm của tôi cùng tác phẩm khác của các nhà văn, nhà thơ VN sang tiếng Thụy Điển.
Trân trọng cảm ơn Ngài Pereric Högberg, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam và Bà Ylva Jansson, Đại diện Đại sứ quán Thụy Điển đã trao cho tôi giải thưởng cao quý này.
Xin cảm ơn Ban Quản lý Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã tạo điều kiện tốt nhất để buổi lễ trao giải diễn ra trang trọng và ý nghĩa.
M.V.P