Bài thơ “Dặn con” của Trần Nhuận Minh

Bài thơ giọng kể ngỡ như đơn điệu bởi cách đặt các nhân vật: Người cha, đứa con, người ăn mày, chú chó trong một không gian hẹp nhưng chuyển cảnh, chuyển trạng thái tình cảm rất nhanh từ tình huống ngoại cảnh đến tâm trạng.

 

Trần Nhuận Minh

Dặn con

Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn

Nhà mình sát đường, họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào

Con chó nhà mình rất hư
Cứ thấy ăn mày là cắn
Con phải răn dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán

Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này…

(Cửa Lục Thuỷ 13–11–1991)

 

Lời bình của  Nguyễn Ngọc Phú

Bài thơ “Dặn con” của nhà thơ Trần Nhuận Minh in trong tập “Nhà thơ và hoa cỏ” – một tập thơ có nhiều bài thơ hay ấn tượng viết về cuộc sống đời thường. “Dặn con” cũng nằm trong mạch cảm xúc, cảm hứng thế sự ấy.

Nhà thơ sử dụng thể thơ 6 chữ, với lối tâm tình thủ thỉ “Dặn con” mà như tự độc thoại với mình về một kinh nghiệm sống, một bài học đạo lý làm người. Tình huống nhà thơ chọn ta thường gặp hàng ngày và dễ bỏ qua. Chỉ có những trái tim thi sĩ nhạy cảm đau đáu với nỗi thương người, thương đời, thương những hoàn cảnh éo le mới dễ cảm thông và chia sẻ. Nhà thơ vẽ nên chân dung của người hành khất “hôi hám úa tàn” nhưng lại giàu lòng trắc ẩn, xem đây như là một quy luật của tạo hóa: “Tội trời đày ở nhân gian” với sự đồng cảm sâu sắc và độ lượng. Nhịp thơ thắt lại như cái ngoái đầu của nhà thơ khi dặn con: “Con không bao giờ được hỏi – Quê hương họ ở nơi nào” đã chạm vào ta một nỗi rưng rưng khó tả khi đụng vào nỗi đau và lòng tự ái của con người đã chịu thiệt thòi về số phận. Câu thơ “Dặn con” thật sâu thẳm và hàm chứa cả nghĩa bao dung cộng đồng. Bài thơ có một tình tiết rất xúc động khi viết về con chó: “Con chó nhà mình rất hư – Cứ thấy ăn mày là cắn – Con phải răn dạy nó đi – Nếu không thì con đem bán”. Từ răn dạy đến bán là cả một hành trình ứng xử vừa kiên quyết vừa mở ngỏ đầy tính thương lượng, tôn trọng lòng tự trọng của đứa bé là một cấp độ cao hơn ở thế chủ động trong tình huống bất trắc này. Phải thật khôn khéo và vị tha mới có hàm chứa ân tình đó. Ở đây ta chú ý mở đầu bài thơ tác giả không gọi họ là “ăn mày” mà là “hành khất” đó cũng là cái nhìn vị tha bác ái.

Bài thơ giọng kể ngỡ như đơn điệu bởi cách đặt các nhân vật: Người cha, đứa con, người ăn mày, chú chó trong một không gian hẹp nhưng chuyển cảnh, chuyển trạng thái tình cảm rất nhanh từ tình huống ngoại cảnh đến tâm trạng. Khổ thơ kết viết thật hay, bất ngờ, thấu đáo, trải nghiệm sống với một dự cảm rất phương đông của triết lý luân hồi nhà Phật: “Lòng tốt gửi vào thiên hạ – biết đâu nuôi bố sau này”. Bài thơ ngắn chỉ 16 câu mà đã tải được một trạng thái sống, kinh nghiệm sống và cao hơn hết là đạo lý sống. “Dặn con” cũng chính là dặn mình.

Hà Tĩnh, ngày 19 tháng 5 năm 2015

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder