TRỊNH CÔNG LỘC
Mộ gió
Dâng hương những chiến binh giữ biển, đảo không về!
Mộ gió đây,
đất thành xương cốt
Cứ gọi lên là rõ hình hài
Mộ gió đây
cát vun thành da thịt
Mịn màng đi
dìu dặt bên trời…
Mộ gió đây
những phút giây biển lặng
Gió là tay ôm ấp bến bờ xa
Chạm vào gió như chạm vào da thịt
Chạm vào
nhói buốt
Hoàng Sa…
Mộ gió đấy
giăng từng hàng, từng lớp
Vẫn hùng binh giữa biển – đảo xa khơi
Là mộ gió
gió thổi hoài, thổi mãi
Thổi bùng lên
những ngọn sóng
ngang trời.
Mộ gió” – bài thơ hướng về giá trị lớn
“Mộ gió” là bài thơ của Trịnh Công Lộc, đoạt giải nhì cuộc thi thơ, nhạc chủ đề “Đây biển Việt Nam” do Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, báo Vietnamnet đồng tổ chức tổng kết tháng 2-2012.
Theo Phủ biên tạp lục (1776) thì từ thời chúa Nguyễn Phúc Lan cho đến sau này các vua nhà Nguyễn đã tổ chức những hải đội ra bảo vệ trấn giữ đảo Hoàng Sa. Họ đã hy sinh nằm lại nơi biển đảo mãi mãi không về. Rồi những năm 70 của thế kỷ trước, biết bao người lính ra giữ đảo. Họ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho biển đảo quê hương. Theo tục lệ từ xưa, người dân Lý Sơn làm những ngôi mộ gió và tổ chức lễ chiêu hồn cầu an cho những linh hồn nằm lại nơi biển cả giữ gìn lãnh hải Tổ quốc. Hướng về những người lính đã quên mình vì chủ quyền biển đảo quê hương, nhà thơ Trịnh Công Lộc đã viết lên bài thơ “Mộ gió” đầy cảm xúc.
“Mộ gió” như ẩn chứa sự đớn đau và cảm phục, tôn vinh những người con đã hy sinh nơi đầu sóng ngọn gió cho biển – đảo quê hương. Với một cấu trúc chặt chẽ, bài thơ bộc lộ một cảm xúc mạnh mẽ dâng trào, dồn lên như những đợt sóng vô cùng vô tận. Bài thơ có ba khổ viết theo thể tự do, nhiều câu thơ được tổ chức theo lối leo thang, bắc cầu tạo nên nhịp nhấn cho cảm xúc.
Khổ một bài thơ là những nén hương dâng lên linh hồn “những chiến binh/giữ biển đảo không về”. Là mộ gió nên chỉ có cát “cát vun thành da thịt” mà xương cốt chỉ là những cành dâu tượng trưng được vùi trong đất. Nắm đất quê hương mịn màng vẫn ấp ủ linh hồn của các chiến binh đã hy sinh vì đất nước. Những ngôi mộ gió không chỉ tồn tại trên đảo Lý Sơn, nó tồn tại cả trong những tấm lòng mỗi người dân Việt Nam yêu nước.
Khổ hai bài thơ là niềm xúc động lắng sâu. Đó là những phút giây biển lặng. Gió như những bàn tay mơn man trên mộ gió. Gió như những bàn tay “ôm ấp bến bờ xa”. Cảm xúc ấy lắng sâu đến đau buốt khi chạm vào những ngôi mộ gió “như chạm vào da thịt/chạm vào/nhói buốt/Hoàng Sa”. Câu thơ cuối khổ hai như một lời thổn thức.
Khổ ba của bài thơ là nỗi xúc động dâng trào. Những chiến binh ra đi giữ biển đảo quê hương. Khi đã hy sinh họ vẫn là những “Hùng binh giữ biển đảo xa khơi”. Hình tượng gió được tác giả nhân cách hóa để gió thành những linh hồn của những chiến binh yêu nước. Gió là tình yêu nước của mỗi người dân Việt Nam trong nước và hải ngoại. Những ngọn gió tình yêu nước ấy cứ: “Thổi hoài thổi mãi/thổi bùng lên/ những ngọn sóng/ngang trời”.
Hình tượng gió vô hình đã biến thành những ngọn sóng hữu hình tượng trưng cho tình yêu nước, quyết tâm giữ vững biển, đảo quê hương của mỗi người dân đất Việt.
“Mộ gió” là một bài thơ có tầm, hướng về giá trị lớn như nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch ban giám khảo về thơ của cuộc vận động đã nhận xét.
HỒ TRỌNG XÁN
Nguồn Báo Hải Dương