Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.
Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Bạn bè một thuở” của nhà văn Nguyễn Quang Hà in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước – NXB Hội Nhà văn 2014.
NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG HÀ
HỌ VÀ TÊN KHAI SINH: NGUYỄN MẠNH TRÀNG. SINH NGÀY 15 THÁNG 01 NĂM 1941. QUÊ QUÁN: XÃ QUANG CHÂU, HUYỆN VIỆT YÊN, TỈNH BẮC GIANG. DÂN TỘC: KINH. HIỆN THƯỜNG TRÚ TẠI: 147/6 PHAN ĐÌNH PHÙNG, TP HUẾ, TỈNH THỪA THIÊN – HUẾ. TỪ 1958-1967 DẠY HỌC Ở BẮC GIANG. NĂM 1967 ĐI BỘ ĐỘI. CHIẾN ĐẤU VÀ CÔNG TÁC Ở THỪA THIÊN – HUẾ, THỜI CHỐNG MỸ. NĂM 1975: BỊ THƯƠNG, RA BẮC, HỌC LỚP BỒI DƯỠNG VIẾT VĂN CỦA HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM TẠI QUẢNG BÁ, HÀ NỘI. CHUẨN BỊ GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, TRỞ LẠI CHIẾN TRƯỜNG. TỪ 1977 ĐẾN 2000: CHUYỂN NGÀNH. CÔNG TÁC TẠI TẠP CHÍ SÔNG HƯƠNG THUỘC HỘI VHNT BÌNH TRỊ THIÊN VÀ NAY LÀ THỪA THIÊN HUẾ.
BẠN BÈ MỘT THUỞ
Cao điểm này không có tên, chúng tôi lấy sức vóc của nó để gọi cao điểm 815.
Cứ sau mỗi trận đánh, cao điểm lại khác đi. Chóp núi xanh um đã bị bom đạn cạo trọc, nhẵn bóng. Mỗi lần gió kéo qua bụi cuốn tung mù mịt. Tổ ba người chúng tôi chốt ở đây. Gọi là ba nhưng thực chỉ còn hai. Ngọ bị thương đi trạm xá tiền phương rồi.
Còn lại tôi và Lầu.
Lầu vạm vỡ da đen nhánh màu đất đồng chiêm quê anh trộn với nắng gió và lửa khói nơi chiến trận. Cái xốc vác ở đồng áng có thể thay thế hai, ba người, nhưng ở mặt trận không thể thay một cây súng che kín sườn cho mình được. Đang lúc thèm người thì một chiến sĩ về cánh Nam bị tắc đường vào ở nhờ. Anh lật chiếc mũ bạc phếch lau mồ hôi trán rồi mở rộng chiếc mũ ra quạt, mặt anh vẫn đỏ găng. Anh tựa cây AK vào đôi chân trần ngầu bụi, bắt tay tôi và tự giới thiệu:
– Tôi là Mai, trở về cánh Nam, nhưng tắc đường vào ngủ nhờ các đồng chí vài ngày.
Tôi đưa cho Mai bình tông nước, Mai ngửa cổ dốc ngược bình tu ừng ực thẳng một hơi dài:
– Đã đời!
Con nhà lính nhận ra anh em thật chẳng khó gì. Ngay cử chỉ đầu tiên này tôi đã có cảm tình với Mai.
Tôi dẫn Mai đi men qua bờ những hố bom ngoằn ngoèo, lởm chởm, luồn dưới hào sực mùi thuốc súng đặc sệt xộc vào mũi. Mai hắt xì luôn mấy cái. Tôi cười thầm: biết trận địa chúng tớ chưa? Đến hầm chữ A hai mái gỗ ken dày, tôi đỡ gùi cho Mai.
– Nhà chúng mình đấy.
Mai ngồi xuống phiến đá trước hầm duỗi thẳng hai chân khoan khoái. Anh đưa mắt nhìn từng cây gỗ, từng ngách hầm:
– K4 chúng mình cũng vậy.
– Cậu ở K4 à – tôi hỏi – nghe mấy trận Phú Hải Mông A, đồi 330 bọn mình mê đi. Nện thế mới là nện. Các cậu cừ thật.
– Xê mình chơi 330 đấy. Trời hại mình. Đang đánh thì bị đạn xuyên vào đùi. Thế là họ xách mình đi viện. Giờ trở về lại tắc đường. Mình ngụ cư ít ngày, thông đường, các cậu có vái mình cũng không ở lại. Được chứ?
Ở mặt trận, tình yêu thương đồng đội y như một đức tính bẩm sinh. Chả phải dò ý tứ hay e dè câu nệ gì. Gặp nhau là tin ngay được. Ngồi với nhau mấy phút là thân luôn. Lầu cảnh giới từ đầu hào phía trước đi lại. Hai người nắm tay nhau một lúc lâu, tự nó đã nói với nhau những gì cần nói. Lầu đột ngột hỏi như hai người bạn thân đã lâu ngày mới gặp loại:
– Cơm cháo gì chưa?
Mai lắc đầu:
– Có gì ăn không?
Tính hiếu khách của Lầu vớ dịp may. Mấy hộp thức ăn của Mỹ mới lượm được dọc đường trinh sát, Lầu mở hết đãi khách. Mai rút trong gùi ra cái ống bơ rỗng không, lẳng đánh coong xuống đất. Hoá ra anh cũng chẳng còn bát ăn. Anh thanh minh:
– Không mang thì ăn bốc. Mang thì để tiếng cái thằng nhặt nhạnh.
Chẳng còn ai cười ai. Ba đứa ba lon làm bát, bẻ cành cây làm đũa. Thức ăn để nguyên trong lon, bày ngay ra đất. Bỗng nhiên pháo bầy từ hạm đội Mỹ ngoài biển bắn vào, thi nhau chụp lên đầu chúng tôi. Mảnh bay vèo vèo, đất rơi rào rào, bụi đỏ quạch trùm kín mít, sau bàn tay chỉ kịp xoè ra như tay ếch, che thức ăn. Mai bỗng cười khanh khách, thích thú:
– Điểm chốt các cậu lịch lãm quá. Đón khách không phải hai mươi mốt phát đại bác mà cả hàng mấy trăm phát liền.
Đường chưa thông. Dẫu có nóng lòng Mai vẫn phải nằm lại. Mỗi giờ ở thêm với nhau chúng tôi lại có thêm những gắn bó không muốn để Mai đi. Một sự việc bất ngờ không hẹn mà đến, làm cho cái nơi cây cối bị bom đạn bắn xơ xác này, bỗng ngạt ngào hẳn lên. Ấy là khi tôi nhận được thư nhà.
Lá thư phải đi những sáu tháng trời để đến đây. Phong bì đen nhẻm, nét mực nhoè nhoẹt và chẳng phải nắn nót bóc sợ rách phong bì vì chỗ dán đã mốc đen, tự nó rời nhau ra rồi. Thương lá thư thuỷ chung vượt bao nắng mưa, qua bao chặng đường bom đạn đến đây, Mai vồ lấy đọc trước. Chiến trường chuyện ấy bình thường lắm và nên thơ nữa là khác. Bởi vì mỗi con người riêng cũng đã là của nhau rồi, còn gì. Đây, Mai đang giơ lên đầu lá thư, quay tít, chân nhảy tâng tâng như múa, miệng tíu tít, chỉ kém hét lên nữa thôi.
– Tuyệt! Tuyệt! Vợ Đăng đẻ con trai, bay ơi! Đặt tên đi, đặt tên đi.
Cứ thế, lá thư bay phấp phới trên tay Mai như đôi cánh chim bồ câu trắng vỗ tới tấp. Ba đứa chụp đầu nghe thư Mai đọc lướt nhanh như gió. Nó ngốn ào ào như kiểu tu bình tông nước bữa nào. Lầu đọc thứ tư, thứ năm nó mới đủ bình tâm nhấm nha nhấm nháp từng chữ, từng dòng, để cái vị ấm áp, đậm đà vô hình thấm vào từng thớ thịt.
Ra ở nhà cái thằng chó Cún ấy vẫn đang đợi bố nó đặt tên để làm giấy khai sinh.
Chuyện đứa bé thành chuyện trọng tâm ở chốt. Mai bác ý kiến của Lầu. Mắt anh mơ màng xa xăm như bỗng bắt gặp điều gì ở mãi chân trời xa kia:
– Cậu cứ lấy tên Mai đặt cho con cậu. Này nhé hoa mai là dấu hiệu mùa xuân này, mai là nói đến tương lai này. Mai lại là tên của tớ, một thằng bạn nơi đầu sóng của cậu, chia lửa với cậu, chia từng trang thư với cậu. Mai này chỉ cần gọi cái tên ấy lên là bao nhiêu kỷ niệm và ước mơ sẽ hiện lên nhắc nhở cuộc đời.
– Nhưng nhỡ bà cụ nổi tam bành réo tên cậu mà chửi thì sao? – tôi hỏi.
Mai gật đầu lia lịa:
– Ừ, ừ mẹ cậu cũng là mẹ tớ chứ gì?
Việc đặt tên coi như xong. Thư viết về cả ba đứa cùng ký tên. Dòng chữ ghi đầu trang thư 815 ngày… như dấu ấn thời vẻ vang của chúng tôi. Nếu đúng có cái giác quan thứ sáu của sự linh cảm chắc gia đình cũng đang vui lây cái vui của chúng tôi ở đây. Giờ này chắc vợ tôi đã đi làm đồng. Cô ấy thật là một phụ nữ hay lam hay làm, dãi nắng, dầm mưa. Màu đất thẫm vào da thịt trẻ trung làm cho con người cứng rắn lên. Cả nhà trông vào bàn tay cô ấy. Cô ấy là hậu phương vững chắc cho tôi bám trụ ở đây kiên cường. Thằng cún hẳn đang nằm trong vòng tay nâng niu của bà trên võng ru kẽo kẹt và bà lại ru nó bằng những câu hát xưa đã ru tôi. Suy nghĩ cứ sa đà vào những ký ức miên man, hai bàn tay xúc đất liên hồi mà tôi không biết mệt.
Dọn xong đoạn hào mới đào, mỗi đứa tản đi một nơi chuẩn bị bữa cơm chiều, chuyện mới dứt. Lầu xuống khe nước. Mai hái củi. Tôi lấy rau. Rau từ thời ở rừng là môn voóc. Đầu tiên hái lá và cuống nấu canh. Cái khó đẻ cái khôn. Giờ chúng tôi biết tận dụng đến mức tuyệt đối. Nụ giả xúp lơ xào, rễ giả nấu miến. Bữa nào có củ môn voóc độn cơm cho chặt bụng thì sáng mắt lên. Hết luộc chuyển sang nấu canh. Không có mỡ thì làm dưa muối xổi đùm trong ni-lông. Cái món cháo môn voóc thì nhớ đời. Ăn chung một bữa môn voóc cũng đủ lý do để thương nhau rồi.
Ba đứa lịch kịch nấu nướng. Lầu được mệnh danh là chuyên gia nhóm bếp. Bếp Lầu bao giờ cũng ít khói. Biết chọn củi đã đành, nhưng kỹ thuật xếp củi cháy đều đâu phải sờ đến là làm được. Đun lửa giữa trời mưa mới thật là oái oăm. Ngồi nghe Lầu kể kinh nghiệm làm anh nuôi của nó ở chiến dịch ai cũng mê và phục lăn. Tuy vậy Mai vẫn phải cầm một cành lá đứng bên cạnh khua tan những sợi khói mỏng tang cho khỏi lộ mục tiêu. Vì bọn địch “căn” không phải xoàng đâu. Lơ mơ là nó “cả cái” liền. Tôi gắng lo nồi rau cho tươm. Thử ba ngày ăn khan xem. Có ở chốt có hành quân liên tục mới cảm thông được bọn lính chiến chúng tôi chật vật về ăn uống. Chả thế mà Kiền Đình Đán, một chiến sĩ cùng tiểu đội với tôi đã làm ca dao:
Một ngày ba bữa cơm khan.
Thèm rau thèm cả nước chan suối rừng.
Ấy, tôi lo nồi rau vì thế.
Tối Lầu gác phiên đầu. Tôi và Mai thay lá lót hầm, trải ni-lông làm chiếu. Gối đất nằm sương cũng như cơm bữa của đời lính. Ngày làm “thổ, mộc” đêm đặt lưng kéo gỗ được ngay. Tôi trở mình, Mai trở mình theo:
– Ngủ tí nào chưa? – Tôi hỏi.
– Chưa – Mai với chiếc lá mục lân tinh sáng xanh soi đòng hồ xem giờ – Mình nghĩ thương lũ cháu mình quá, chị mình lấy chồng mười tám năm sinh một đàn mười nhóc. Đứa lớn tha đứa bé, ậm ạch như chuột tha trứng.
– Tội quá – Tôi chép miệng.
Mai thở dài:
– Được tin bé Mai ra đời, mình lại nghĩ tới lũ cháu mình. Cha mẹ thương con phải nghĩ tới tương lai của chúng, chứ đừng thương ở cái lỗ mồm. Sòn sòn năm một quăng đứa này đầu nhà, đứa kia góc sân còn ra thể thống gì nữa. Đứa nào cầm nổi cái cuốc là phải góp mồ hôi nuôi cái đám tàu há mồm. Thế thì còn nói gì tới học hành nữa. Lớn lên thua em kém chị trách sao chúng nó khỏi trách cha mẹ tham lam, ngốc nghếch đã buộc chân, trói tay chúng nó. Cậu đừng để bé Mai phải chịu cảnh như lũ con chị mình nhé. Thế cậu định cho bé Mai học gì?
Tôi trả lời:
– Thời đại này là thời đại kỹ thuật. Mình định cho nó đi học máy móc.
Mai nói như reo lên:
– Trúng ý mình quá. Tớ mà có con thì tớ cũng…
Trong giọng nói của Mai có cái gì mơ mộng. hệt như những đêm ngồi với nhau dưới trời sao ước mơ cứ muốn chắp cánh. Có lẽ ít ở đâu đuợc gần sao và nhìn được khoảng trời rộng như ở cao điểm 815 chúng tôi. Chuyện cứ trào đi, quên ngủ mãi cho đến khi đổi gác.
Tôi gác vào phiên cuối cùng của đêm. Mai là khách nhưng nó đã giao hẹn rằng cứ coi nó như người nhà nên nó cũng nhận nhiệm vụ của một người lính ở đây.
Tôi đang căng mắt nhìn vào đêm thì chiếc C130 nặng trịch, lượn vòng mấy quả đồi trước mặt, bỗng tiếng máy lặng đi, chìm xuống. Nghe tiếng động cơ thoi thóp giữa đêm yên tĩnh, Mai và Lầu vọt ra hầm đến bên tôi hướng đăm đăm về phía chiếc C130. Nó bỗng rú ga vọt lên.
– Thả thám báo rồi.
Chúng tôi đều nhận định như thế. Bọn Mỹ không giỏi, vẫn lòi cái đuôi ngốc nghếch. Chiếc máy bay đưa bọn thám báo đi ăn đêm tự tố cáo nó ngay trong tiếng nổ máy của chính nó. Khác gì lạy ông con ở bụi này. Bám ngay lấy thắt lưng chúng là một nguyên tắc ở chốt dù kinh nghiệm ấy chưa được ghi ở sách báo nào. Cứ để cáo đào lỗ ngay bên cạnh chuồng gà khéo mất gà lúc nào không biết. Phải nắm được chúng mới tránh nổi cái trò ú tim chụp xuống bất chừng. Mai và Lầu xách súng đi ngay.
Tôi gọi Lầu:
– Cậu mới đổi gác, để mình đi cho.
Mai nói lại:
– Cậu đang phiên gác thì cứ lo tròn việc của cậu đi.
Hai bóng đen vụt đi khuất hẳn trong đêm tối.
Suốt đêm tôi phấp phỏng không yên. Chưa hất bọn quấy rối ra khỏi khu vực mình, chả còn lòng dạ nào nghĩ chuyện gì khác nữa. Lựu đạn, thủ pháo tôi bày trên bờ đất, thách thức bất kỳ kẻ nào liều mạng tập kích vào đây.
Vừa tảng sáng, bỗng hai loạt AK đồng loạt nổ như một tay nghéo cò rít lên quyết liệt. Tiếng AK đanh và chắc của Lầu khó lẫn được. tôi lẩm bẩm một mình: “chủ động rồi!” tiếp đó tiếng AR15, M72 hốt hoảng, loạn xạ bắn như điên, đó đúng là kiểu giãy giụa của những tên kẻ cắp bị chộp giữa gáy. Chưa đầy năm phút sau bốn trực thăng võ trang đã quây tròn quanh vùng có tiếng nổ. Cối bắn từng tràng. Rốc-két có cái đuôi khói dài như những con rắn nối đuôi nhau phun ú ú, mười hai ly bảy vãi đạn như quạt thóc để trấn an bọn sống sót dưới mặt đất. Khói và lửa trùm lên khu rừng suốt hai tiếng đồng hồ liền. Không biết Mai và Lầu có kịp thoát khỏi vòng lửa ấy không! Lòng tôi day dứt. Nếu Mai có việc gì thì tôi rất ân hận. Dù sao Mai cũng vẫn là người tạm trú chân ở chốt chúng tôi thôi. Lẽ ra không để Mai đi mới đúng. Đã đành sống chết ở chiến trường là lẽ thường tình, tôi vẫn thấy bị cắn xé trong lòng. Phải giữ chốt chứ không tôi đã lao đi rồi.
Chiếc HU1A từ từ hạ cánh. Chúng hốt quân rồi. Mai và Lầu đã bẻ gẫy mũi thọc sâu của chúng. Một lúc sau chiếc trực thăng phành phạch nặng nề bay lên, treo lủng lẳng dưới bụng nó ba cái túi ni-lông gói xác chết. Vừa lúc đó Mai và Lầu cũng về đến nơi. Cả hai áo đều rách toạc. Vết gai cào đầy người những vạch dài sẫm mầu. Ba đứa ôm lấy nhau thiếu gì gẫy lưng nhau nữa. Hai đứa mệt quá, dựa súng bờ hào nằm vật ra thở như kéo bễ.
Tôi khen rối rít:
– Giá biết có các cậu chúng nó chẳng dám nhảy xuống đâu.
Mai xua tay:
– Thôi đừng ba hoa nữa. Đem cả ba bình tông nước ra đây là thiết thực nhất..
Ba chiếc trực thăng vẫn xối xả bắn trả thù những cây rừng nhiệt đới im lặng lầm lì đứng trơ ra như thách thức.
Sực nhớ, Mai lục lọi khắp các túi, cuối cùng rút trong bao đạn một củ lông li, khoe:
– Cậu trông nó có giống con gấu không?
– Giống. Nhưng cậu định làm con nít lại đấy à?
Mai chê tôi là thằng dốt đặc cán tán:
– Tớ sẽ gởi “gấu” về cho bé Mai.
Ra thế. Mai nó có tình hơn tôi. Mai như quên rằng có chúng tôi ngồi bên cạnh, nó chúi mũi vào con dao găm sắc bén, gọt gọt sửa sửa “con gấu” nhỏ của nó. Không biết nhặt nhạnh từ bao giờ, Mai đổ trong túi ni-lông ra một quả thông khô như con sóc xù lông, một vỏ ốc sên, một cành khô rất giống con thỏ đang nhảy, dăm bảy hòn sỏi đủ màu… Mai ngắm nghía, mơn trớn chúng làm tôi phật lòng phát ghen về lòng yêu bé Mai của anh.
Ầm… ầm… ầm… Bất thình lình pháo dội lên điểm chốt. Các điểm chốt trong tầm mắt chúng tôi đều mù khói. Chúng tôi nép vào vách hào tránh mảnh đạn viu viu cắt không khí ngang đầu, cắm phầm phập xuống đất. Mỗi tiếng nổ đất tung lên, rơi lả tả xuống hầm. Đây là loại pháo nặng của Mỹ từ ngoài biển bắn vào. Mỗi lần chúng huy động pháo biển thế này là lại sắp có chuyện. Mai ngồi tỉnh bơ, vẫn cầm con dao, một tay thu “gấu” vào bụng làm như sợ xước da chảy máu “con gấu” bằng củ lông li ấy.
Chốt trang nghiêm hẳn lên khi có lệnh của tiểu đoàn “sửa sang trận địa, sẵn sàng bẻ gẫy hoàn toàn cuộc tấn công tới của Mỹ -nguỵ”
Địch giở trò.
Bữa cơm trưa chúng tôi ăn cơm trong không khí căng thẳng. Linh tính điều gì, Mai phá vỡ không khí ấy:
– Các cậu thuê ở đâu hai bộ mặt đưa ma thế. À, hay có chuyện gì? – Không đợi trả lời, Mai hỏi dồn ngay – hay tớ không phải người đơn vị này, cần giữ bí mật thì cứ giữ.
Lầu nháy tôi nói. Cũng chả có dịp nào nói đúng lúc hơn. Tôi ở trong tâm trạng ngập ngừng.
– Đừng hiểu lầm chúng mình. Chắc ngày mai chiến sự sẽ nổ ra ở đây. Nằm chờ ở chốt không lợi, Mai ạ. Có lẽ đợi thông đường ở trạm giao liên tốt hơn. Phải xa cậu chúng mình buồn thế thôi.
Nói rồi, tôi vẫn không trút được khối vô hình đè lên ngực mà càng nặng hơn. Tôi chẳng lòng nào muốn xa Mai. Nhưng sự thể cần như thế và đúng như thế. Chúng tôi bỏ giở bữa ăn, Mai chẳng có lý gì tranh cãi. Anh quyết định ra đi. Đeo gùi, xách súng, thế là xong. Mai đưa cho tôi “con gấu”, “con thỏ”, đá màu, ốc sên và dặn tôi giữ gìn cẩn thận, bao giờ về phép sẽ làm quà cho bé Mai.
Chúng tôi bắt tay nhau. Mai nói, buồn rầu:
– Chúng mình hẹn “tập kết” ở nhà bé Mai nhé.
Không thể giữ Mai nhưng cuộc chia tay cứ bàng hoàng. Chúng tôi nhìn theo Mai đi trên con đường ngoằn ngoèo, Mai bước từng bước nặng nề, uể oải, không quay đầu lại một lần. Mai như không hề nghe thấy tiếng pháo địch rú qua đầu. Chúng tôi nhìn mãi đến khi anh khuất vào bóng cây xanh. Lầu rưng rưng nước mắt. Đời bộ đội biết bao nhiêu là cuộc chia tay, nhưng chưa lần nào tôi phải chứng kiến một cuộc chia tay nặng nề khó phân trần như thế này.
Cầm những đồ chơi Mai gửi lại cho con tôi, tôi bỗng bâng khuâng nghĩ tới ngày về phép, trao cho bé Mai những thứ này. Thế nào nó cũng hỏi: “Bác ấy ở đâu? tôi sẽ kể tỉ mỉ cho con tôi nghe về cái cao điểm chúng tôi đang chốt đây, tôi sẽ kể cho nó nghe lịch sử cái tên của nó cùng con người mà con tôi mang tên. Và chắc mỗi lần gọi con tôi bằng cái tên thân yêu ấy tôi sẽ lại nhớ tới cuộc chia tay khó diễn tả nhưng rất yêu thương này.
Được chừng nửa giờ bỗng Mai quay lại. Tưởng Mai quên gì. Nhưng mặt anh tươi rói, chả thoáng nào ưu tư. Mai vừa cười vừa nói hồ hởi:
– Khỉ thật, có thế mà không nghĩ ra. Tớ đã ngốc, các cậu càng ngốc. Tớ lại cả nghe cái điệu nhạc dớ dẩn, lẩm cẩm của các cậu nữa chớ. Tớ hỏi các cậu, ngày mai bé Mai nó lớn lên, nó hỏi mình: tại sao giữa lúc khó khăn, ác liệt ấy, chú lại bỏ 815, chú sợ chết à, thế thì tớ biết trả lời thế nào. Bỏ 815 nghĩa là bỏ bạn bè, anh em, đồng chí, cắt đứt cái tình bấy lâu chúng mình thương yêu nhau để tớ lo cái sống cho tớ. Các cậu bảo tớ không phải người đơn vị này, thế thì tớ là cái gì, các cậu là cái gì, chúng ta không phải là người con của đại gia đình quân đội nhân dân Việt Nam à? Các cậu trả lời xem nào?
Lầu bế thốc Mai quay tít mấy vòng.
– Rõ rồi, khỉ ạ. Lo là lo cho cậu thôi – Lầu quay sang tôi – Đăng ơi, chúng mình khỏi xin bổ sung quân Đăng ạ.
Quảng Bá, 12-1974
N.Q.H