Bản lĩnh của sự lựa chọn – Hoàng Vũ Thuật

VHP: Đăng một bài tham luận viết và đọc cũng đã lâu nhưng đến nay vẫn mang tính thời sự…

VHP: Đăng một bài tham luận viết và đọc cũng đã lâu nhưng đến nay vẫn mang tính thời sự…

Tôi biết nhiều người phải suy nghĩ, chuẩn bị rất nhiều ngày để viết một bài tham luận ngắn, có khi rất ngắn cho cuộc hội thảo hôm nay(*). Bởi vì, trong khi chúng ta đang ngồi lại để bàn về văn học – chuyện hàng trăm, hàng nghìn năm nay, bàn về sự nghiệp đổi mới của nó, thì dễ thường ở đâu đó có người bị bắt oan, có gia đình xã viên bị cạy rương hòm, xiết đồ đạc do không nộp đủ sản lượng, mặc dầu họ phải cày cấy trên phương thức “khoán trắng” đang áp dụng khá phổ biến trong nông nghiệp; có những đơn vị bộ đội chốt cách địch vài mét yêu cầu tiếp đạn dược, quân nhu, rau và sách báo; có cặp vợ chồng đành phải ly dị sau nhiều lần cãi vã, sinh sự vì đời sống quá chật vật; lại biết đâu có những người rất ủng hộ cái mới, nhưng khi thấy báo chí phê phán chống tiêu cực đầy dẫy thì hoang mang: “Ôi dào, cánh báo chí, đang tìm cách hạ thấp vai trò ông này, bà nọ, rốt cuộc họ chỉ làm cho dân không còn tin vào Đảng. Họ đang cản trở chúng ta…”; có giám đốc không đủ năng lực quản lý, điều hành ở cơ quan này đang điều động sang quản lý, điều hành cơ quan khác, hoặc đưa lên giữ chức vụ cao hơn, để rồi trở về chỉ đạo kiểm tra cấp dưới…Rồi bọt bia xuất khẩu vẫn cứ trào ra khỏi miệng cốc, kẻ ăn cắp vẫn cứ ăn cắp, người ăn hối lộ vẫn tiếp tục ăn hối lộ, bọn cơ hội vẫn tiến thân trên sự thao túng của người có chức quyền, thầy giáo vẫn đạp xe thồ, rau cho quân đội vẫn thiếu, bản án oan trái tám năm tù giam của một cán bộ đã từng trong quân ngũ chiến đấu giải phóng cho quê hương anh, vẫn chưa được giải quyết…

Kể ra những điều này để khẳng định chúng ta đang ở trong một sự thật cay đắng, một sự thật có thật. Làm ngơ trước những hiện tượng đó, quay lưng với nó khác nào chúng ta cũng là thứ bọt bia đang trào ra miệng cốc kia! Phải can đảm và có dũng khí nói lên sự thật lòng mình là bản lĩnh của nhà văn. Lương tri giúp chúng ta hướng sự rung cảm về phía lẽ phải, phân biệt rạch ròi đúng sai, thật giả để sáng tạo những giá trị tinh thần bổ ích.

Thời nào cũng vậy, cuộc sống đặt ra cho người nghệ sĩ một sự lựa chọn. Nguyễn Trãi hướng ngòi bút của mình về phía nhân tâm, phanh phui tội ác, bày tỏ khát vọng. Nguyễn Du theo gót những số phận bi thương trong một xã hội đầy bất công. Rồi Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu…Thời đại ngày nay đã có Đảng, nhưng không vì thế  bản lĩnh của sự lựa chọn không còn nữa. Người ta sẽ mỏi mệt nếu đọc một tác phẩm mà chắc chắn đoán biết xu hướng của vấn đề nghệ thuật được cài đặt – một xu hướng được giáo lý sẵn. Có nghĩa ngòi bút của anh đã bị tước đi cái  quyền của nó, quyền nói lên sự thật của cảm hứng. Bản lĩnh nghệ thuật tạo nên nhân cách nghệ sĩ của các nhà văn tiền bối và các nhà văn trong thời đại  chúng ta. Tôi cúi mặt trước nhân cách sống và lao động của nhà văn Nguyễn Tuân, các nhà thơ Hữu Loan, Phùng Quán, các nhạc sĩ như Văn Cao…Họ chịu đánh đổi một đời người cho ý tưởng tốt đẹp của nghệ thuật, cho sự lựa chọn ấy. Tôi biết rằng Hữu Loan, cũng như Văn Cao và còn nhiều người nữa có thể “uốn cong ngòi bút của mình” để yên thân, thậm chí còn tiến thân trên con đường danh vọng. Họ đã sống với nhân cách của mình đến cuối đời, trong số họ có người đã ngã xuống. Ngày hôm qua tôi bàng hoàng đọc ba câu thơ trong bài tham luận viết bằng thơ của nhà thơ Hải Bằng:

Tôi xé thơ, châm lửa đốt

Đốt như một lời từ biệt

Những bài thơ đã viết dối lòng mình

(Tôi biên tập thơ tôi)

Cũng tâm trạng ấy, đêm thơ tự chọn ở Tạp chí Sông Hương tôi còn gặp nơi  nhà thơ Xuân Hoàng:

Tự xỉa xói mình hoài nghe cũng ngán

Ôi chiều nay tôi thấy chán tôi rồi

Xanh vẫn vậy trời thu thực sáng

Và cuộc đời vẫn tập nập quanh tôi

Các toà án đầy hồ sơ mật báo

Các ban thanh tra thở vắn than dài

Các tỉnh uỷ mệt nhoài về kiện cáo

Báo phê điều tiêu cực vẫn chưa vơi

(Phút động giao)

Trong chúng ta rất nhiều người biết bài thơ Viết trên giấy có kẻ dòng của nhà thơ Phùng Quán. Đó là bài thơ hay, kiên định với bản lĩnh ngay thẳng của mình. Các anh đã trên dưới sáu mươi, tuổi những người lao động thông thường đang chuẩn bị nghỉ ngơi. Thế mà giờ đây, ngay lúc này các anh vẫn lựa chọn và kiên trì cho nhân cách lao động đúng đắn.

Điều rất lạ, cho tới hôm nay báo chí và các diễn đàn chính thức vẫn chưa công khai về sự thật của những vụ án và vụ việc có liên quan đến văn nghệ trước đây, trong lúc nhận thức công chúng và dư luận xã hội đã phân biệt phải trái rạch ròi. Chẳng lẽ thú nhận những sai lầm trong quá khứ của mình là bất lợi cho công cuộc đổi mới, là giảm uy tín của Đảng hay sao? Hay tại vì kẻ địch bấy lâu vẫn lợi dụng những điều không tốt của ta mà tuyên truyền xuyên tạc, nói xấu ta, bây giờ nếu “khui” ra chỉ có lợi cho địch? Công cuộc đổi mới trong văn học có phần phải nói hết cái dở, cái xấu đã qua, cái đang tồn tại để xây đắp cái mới, cái tốt. Bởi lẽ hôm nay, ngày mai, có thể lâu hơn, sự công bằng xã hội vẫn chưa thực sự được xác lập, những bi kịch trong đời sống hàng ngày vẫn chưa chấm dứt. Văn học cũng như các mặt trận khác còn phải xoay trần ra mà đánh vật với cuộc sống. Những người tích cực ủng hộ công cuộc đổi mới của Đảng ta hôm nay, tôi nói không nhầm là những người khó khăn nhất, nghèo túng nhất, có khi, có người đang bị trù úm, sa thải dù họ làm việc với tất cả sự nổ lực của mình. Tôi biết khi rời diễn đàn hội thảo, không ít anh chị em trở về với bữa cơm qua quýt, chui rúc trong những căn hộ tồi tàn, thiếu ánh sáng, thiếu điều kiện lao động nghệ thuật. Phải nói cả những điều ấy để chúng ta cùng nhất trí: lương tâm đang kêu gọi những ai yêu đất nước thật sự hãy là thành viên của đội quân trong công cuộc đổi mới. Chúng ta cũng phải thừa nhận một cách công khai, những kẻ chống lại đổi mới không ít. Họ tìm cách tạo nên những “vùng cấm” trong từng địa phương, từng khu vực và cả trong từng cơ quan. Họ bối rối trước sự thật, lúng túng như gà mắc tóc. Họ sợ “rút dây sẽ động rừng”. Họ giả tảng, làm ngơ trước nguyện vọng, mong ước của nhiều người. Tại sao vậy, tại sao họ lại có cái quyền bưng bít để thao túng cho sự ngang trái hoành hành? Trong nghệ thuật cũng vậy, tác phẩm văn học nói lên sự thật có thể bị cấm đoán, đe dọa hoặc cản trở. Vượt qua thời gian, các tác phẩm văn học ấy tự khẳng định giá trị, sống cùng độc giả để trở lại vị trí xứng đáng của mình, là bài học cay đắng về nhận thức và quản lý không riêng một ai. Sự thật đáng buồn là ngay trên địa phương chúng ta căn bệnh ấu trĩ, chụp mũ, hướng dẫn sai nội dung của một tác phẩm văn học vẫn thường xảy ra, xảy ra cả trong khi đang tiến hành các biện pháp chống tiêu cực trong và ngoài Đảng. Tôi từng nghe có nơi người ta đã ghi lại không ít thơ và danh sách những người làm ra nó để theo dõi, nếu quả thực có chuyện ấy, tôi tin có thể đó là những bài thơ hay và tốt. Bởi vì trong đội ngũ các nhà văn, nhà thơ đang có mặt tại đây, những người tôi được tiếp xúc và đọc họ hàng ngày, không có ai phản bội lại nhân dân, Tổ quốc, phản bội lại chính mình. Bởi vì, những bài thơ, những truyện ngắn bút ký ấy là thứ sản phẩm viết ra không nhằm mục đích lừa dối, trá hình, vụ lợi. Còn những kẻ dùng văn học uốn lưỡi ba lần để lừa bịp, mưu cầu thì quả thực đó không phải là văn chương, đó là ngoại đạo của văn chương.

Nhiều người khuyên anh chị em làm thơ hãy viết thêm văn xuôi bởi hai lẽ: một là nói được nhiều điều cần nói, hai là tiền nhuận bút khắm khá hơn, trong khi đang tồn tại chế độ nhuận bút rẽ mạt và bất công nhất trong lịch sử chế độ nhuận bút. Đó là những lời khuyên chân thành. Văn xuôi có khả năng bao quát nhiều sự kiện, nhiều thời điểm, nhiều vấn đề. Là nhà thơ, tôi được phép giải bày riêng cho thơ. Thơ vẫn có sức mạnh  kỳ diệu của nó. Thơ Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi vốn đã so bằng vạn lần gươm giáo là gì ? Nhân dân ta từ lâu rất yêu thơ, ngày nay cũng vậy, tình yêu ấy không giảm sút. Hoạ chăng vì cuộc sống túng quẩn phải tạm gác một bên, mà cũng tạm gác một lúc thôi. Điều ấy có lẽ không cần chứng minh. Còn những kẻ sợ thơ, vì thơ vạch trần tim đen của chúng, chúng cố tình làm ngơ, lãng đi. Và cũng không phải chỉ có thơ bút chiến mới sợ. Chúng sợ tất cả, như bóng tối sợ ánh sáng, cái xấu sợ cái đẹp, cái tốt. Vì thơ là ánh sáng, là cái đẹp. Cũng không ít kẻ tâm hồn đã nguội lạnh vì quen sống lọc lừa, đánh bạc với cuộc đời, thừa mứa của cải, vật chất chiếm được, cướp được, những kẻ ấy không đủ sức để hiểu nổi một câu thơ, cho dù câu thơ tả cảnh sắc. Không ai trong chúng ta có thể quên những câu thơ của các nhà thơ từ bao thế hệ nối tiếp nhau đã viết nên bằng máu chính mình. Những câu thơ đích thực ấy được chắt ra từ những cảm xúc đích thực. Thơ đối thoại với cuộc sống, thơ trên bệ pháo, trong phòng trà, thơ cho đôi lứa yêu nhau và thơ cho chính người viết ra nó đều có thể bật lửa  lòng người.

Nhà lí luận Trần Độ nói thay cho chúng ta rằng: “Điều quan trọng bây giờ phải quan tâm về vai trò văn nghệ đây đủ hơn, toàn diện hơn. Đúng văn nghệ trong nhiều trường hợp đã là và còn sẽ là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, nhưng văn nghệ không chỉ có thế, văn nghệ có đời sống sâu sắc hơn, cao rộng hơn, đó là đời sống tinh thần của toàn xã hội, đó là những giá trị tinh thần của cả nhân loại tích lũy từ nhiều đời, đó là sự sáng tạo tinh thần mạnh mẽ của con người, luôn luôn tạo ra những giá trị tinh thần mới vừa cao đẹp vừa lâu dài trong cuộc sống của con người”

Xét cho cùng, mọi thứ đều có giá. Cái giá phải trả cho người người cầm bút bây giờ quả thực rất đắt, cái giá ấy đòi hỏi sự trung thực và dũng cảm của mỗi chúng ta, của anh và của tôi.

Chọn vị trí trong lao động nghệ thuật không phải dễ. Có người đi suốt cuộc đời mới tìm ra nó. Có người ngay trang viết đầu tay đã nhập cuộc. Hãy gõ vào trái tim anh, thiên tài ở nơi đó, câu nói ấy nổi tiếng bởi nói đúng tính đặc thù của lao động nghệ thuật. Tố Hữu viết Trái tim lầm chỗ để trên đầu. Hãy đặt trái tim trong lồng ngực. Và hãy để trái tim rung vì thiên chức của nó.

H.V.T

 

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder