
Bán mở hàng đầu năm là một vấn đề rất được chủ cửa hàng coi trọng, nhưng chỉ là quan niệm dân gian theo tâm lý của người bán hàng mong muốn hàng hóa của mình được bán chạy. Tuy nhiên trên thực tế vì mê tín quá, hoặc lợi dụng quan niệm này để bắt chẹt khách phải mua hàng lại là câu chuyện khác…
Bán mở hàng đầu năm là một vấn đề rất được chủ cửa hàng coi trọng, nhưng chỉ là quan niệm dân gian theo tâm lý của người bán hàng mong muốn hàng hóa của mình được bán chạy. Tuy nhiên trên thực tế vì mê tín quá, hoặc lợi dụng quan niệm này để bắt chẹt khách phải mua hàng lại là câu chuyện khác.
Tập tục mang màu sắc duy tâm
Tục bán mở hàng đã tồn tại trong dân gian từ rất lâu. Theo tâm lý chung mọi việc khởi đầu đều khó khăn, mà “Đầu đi thì đuôi lọt!”. Riêng người trong nghề buôn bán rất coi trọng tục mở hàng, vì vậy không những chọn ngày mở hàng đầu năm, mà cả đầu tháng, đầu tuần, từng ngày còn phải để ý đến chuyện mở hàng: mở hàng vào lúc nào ? Bán cho ai “Nhẹ vía” để cả ngày bán đắt hàng?
Sáng ra, khi cửa hàng, cửa hiệu vừa mở cửa, thường thì chủ hiệu rất vồn vã với người khách hàng đầu tiên và đôi khi còn bán giá rẻ hơn so với bình thường. Sở dĩ vậy là chủ hàng mang nặng tâm lý mong muốn khách mua nhiều, nhanh để hàng hóa hôm đó của họ bán chạy và đắt. Ngược lại, khi khách mở hàng là một người khó tính, kỳ kèo mặc cả giá..,thì chủ hiệu rất bực mình và thường lấy giấy, hoặc đóm đốt vía xua khí nặng của người khách để mong bán được hàng chạy hơn. Khi hỏi sao phải làm vậy, Chị Nguyễn Thị Nguyệt chủ sạp hàng quần áp đống tại đường Hai Bà Trưng nói: thực ra chị cũng chẳng biết sao lại như vậy, thấy các chủ hàng khác làm vậy chị cũng theo. Ở đây còn có tục trước khi bày hàng thì đốt vía khu chuẩn bị bày hàng để đuổi tà ám.
Những điều kể trên hoàn toàn không khó gặp khi đi mua hàng ở các chợ ở Hải Phòng, thậm chí các cửa hiệu tại nhà riêng. Bản thân khách hàng khi vào cửa hiệu đã thấy bàn thờ thổ địa sơn son thếp vàng và hương khói, hình ảnh này tạo ra sự phản cảm, bởi người mua lập tức cảm giác mất hết tự do, phải đi lại nhẹ nhàng khéo léo. Còn khi gặp cảnh chủ hàng đốt vía nhiều khách hàng là nữ sinh phát hoảng. Sinh viên Nguyễn Thu Huệ (Khoa Văn -ĐHHP) kể “ Khoảng 8h sáng em vào chợ Đổ chọn một cái áo màu như đứa bạn, nhưng chọn mãi chả được cái nào, có cái ưng ý một chút thì giá lại cao em đành thôi. Chị chủ hàng nguýt một cái rõ dài mồm làu nhàu “ranh con” và xòe lửa châm một nắm giấy khua vòa mặt, em sợ quá vội ra khỏi chợ”. Những việc làm như vậy rõ ràng mang nặng yếu tố dị đoan, hoàn toàn không có căn cứ khoa học nào và kết quả là chủ hàng sẽ mất đi một người khách vĩnh viễn. Điều nguy hiểm là tập tục cứ tồn tại trong niềm tin mơ hồ thyế hệ này nối tiếp thế hệ kia và càng ra đời sau thì càng có những biến tướng tệ hại. Tại Hội An còn có tập tục khi mở hàng phải có người nữ cho thần tài được thờ ngay trong quán hôn “nhũ hoa” ba lần. Những tập tục như vậy phi văn hoá và thực sự đã trở thanh một hủ tục.
Văn hóa thương mại “ khách hàng là thượng đế”
Để bán hàng chạy, ở thời điểm bây giờ ai cũng biết là do hàng có chất lượng tốt phù hợp với sở thích và khả năng kinh phí người tiêu dùng bên cạnh đó là kinh nghiệm tiếp thị của người bán. Thông thường muốn được đông khách đến mua thì thái độ người bán hàng phải niềm nở, vồn vã, ân cần, bán nới giá phải chăng giữ được chữ Tín thì bao giờ cũng đông khách lui tới,. Song có người lại tưởng nhầm bán mở hàng gặp khách khó tính mà xử sự với thái độ thô lỗ, chửi rủa ngầm và “Đốt vía” người mở hàng thì sẽ khó có khách hàng nào dám đến lần sau. Người bán hàng như vậy không biết rằng: chính mình là người nặng vía nhất. Tại các chợ ở nội đô còn phát sinh một cái tục, bất cứ ai mua và ở thời điểm nào cũng đều là mở hàng. Tất nhiên ai cũng hiểu đây là một cách câu khách , nó không sao cả, song vấn đề quan trọng là sau khi sự chèo kéo không thành, người bán bao giờ cũng có những cử chỉ hoặc lời nói bất nhà với khách. Tại tầng 2 của chợ Sắt (HP), Chị Trần Thu Hồi, giáo viên THCS Xã Việt Hùng Vũ Thư Thái Bình, đứng trông một đống đồ, chia sẻ: biết Hải Phòng có nhiều đồ để mua, nhưng sang đây, tôi không bao giờ dám mua thứ gì vì người bán chèo kéo làm tôi rất sợ và khi không mua của họ thì hay bị nói móc hoặc lườm nguýt. Có lần tôi bị bà chủ cầm con dao chém vía trông hết hồn luôn. Hầu hết những mặt hàng tôi mua đây là do cô em gái tôi sống ở Quận Ngô Quyền HP mua hộ.
Kinh nghiệm bán hàng ở các nước tiên tiến khách hàng luôn là thượng đế. Khẩu hiệu của họ là “khách hàng luôn đúng”, nhờ vậy mà người mua có tâm lý muốn đến để lựa chọn mua hàng bởi ở đó họ được tôn trọng và được mua thứ đúng với sở thích dù giá có đắt hơn chăng nữa. Vậy tục mở hàng còn có ý nghĩa gì, nếu cứ mỗi người khách vào lại bị xua đuổi bằng những hành vi kém văn hóa như vậy. Và vô tình chúng ta đã đảo ngược khẩu hiệu thương mại mang tính quốc tế để biến thành “Người bán hàng là thượng đế”.
N.Đ.L. H