Bản quyền sở hữu trí tuệ – đạo đức và pháp luật – Minh Anh

Năm 2004, Việt Nam chính thức gia nhập công ước Bernen (về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật), đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ cho tác phẩm văn học, nghệ thuật…

Năm 2004, Việt Nam chính thức gia nhập công ước Bernen (về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật), đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ cho tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Không thể phủ nhận hiệu quả của công ước Bernen đã thổi một luồng gió mới thay đổi cục diện ngành xuất bản ở Việt Nam, sự chuyên nghiệp hóa và bài bản đã làm xuất hiện những nhà sách, nhà xuất bản sở hữu dòng sách cũng như đối tượng cho riêng mình. Điều này đã khiến cho nhiều nhà xuất bản nổi tiếng trên thế giới như Cambridge, Oxford,… bắt đầu quan tâm một cách thiết thực hơn, như đặt văn phòng đại diện, bắt tay cho những khảo sát thị trường và liên kết hợp tác… Nhưng trong vòng năm năm sau đó, thị trường xuất bản Việt lại phát triển theo chiều hướng mới với sự trở lại “lợi hại hơn xưa” của các nhà làm sách lậu. Các đơn vị này sang Trung Quốc, mua cả bao tải sách về thuê dịch và xin giấy phép liên kết in ấn, phát hành, hoặc in lậu những cuốn sách được mua bản quyền, thậm chí họ còn phát hành trước cả sách của những đơn vị mua bản quyền thực sự. Người làm sách bản quyền nản, các nhà xuất bản nước ngoài lặng lẽ rút văn phòng đại diện khỏi Việt Nam. Kết quả là thị trường xuất bản Việt những năm 2009 – 2013 hoàn toàn bị lũng đoạn bởi là những mảng sao chép vi phạm bản quyền hoặc được bán bản quyền lậu với giá bèo từ các môi giới hoặc Nxb địa phương của Trung Quốc. Cho đến đầu năm 2013, truyền thông đã phải lên án những vi phạm và sự xuống cấp nghiêm trọng về chất lượng, vì sự sao chép cẩu thả, vô thức của một số bộ sách đó. Điều này phần nào khiến cho thị trường sách bản quyền lậu và rẻ từ Trung Quốc chững lại.

 

 

Sau công ước Bernen, vấn đề quản lí và bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan/ sở hữu trí tuệ được Nhà nước thực thi tích cực hơn với động thái tham gia một loạt các công ước quốc tế bảo hộ quyền tác giả, sở hữu trí tuệ sau đó: Công ước Rome (2007 – bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng), Công ước Geneva (2005 – bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống việc sao chép không được phép), Công ước Brussels (2006 – liên quan đến việc phân phối tín hiệu màn chương trình truyền qua vệ tinh), Hiệp định Trips (2007 – về những khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ),… Đồng thời ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật quy định cụ thể, hướng dẫn thực thi… và các luật, nghị định chuyên ngành về xuất bản, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn khác.

 

Có thể thấy hệ thống pháp lý về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan ở ta như vậy là đã tương đối đầy đủ để Việt Nam có thể tham gia các hiệp ước, hiệp định bảo hộ quyền tác giả quốc tế. Thế nhưng vì sao hiện tượng sách bản quyền không hợp pháp vẫn tràn lan, làm lũng đoạn thị trường xuất bản Việt Nam trong nhiều năm qua? Vì sao sau mỗi đợt xử lý tình trạng in lậu, phát hành sách lậu, các nhà làm sách kiểu này lại vẫn trở lại với quy mô cửa hàng to lớn, khang trang hơn, và sách vi phạm bản quyền, in nhái, in lậu lại tiếp tục xuất hiện ngang nhiên hơn?… Câu trả lời là chúng ta chưa có chế tài thực thi mạnh mẽ khiến các điều luật bảo vệ tài sản trí tuệ trở nên thiết thực trong đời sống mà vẫn chỉ tồn tại trên giấy tờ. Cùng với nó là hệ thống quản lí, giám sát lỏng lẻo… Chưa nói đến những khía cạnh tiêu cực khác. Tất cả những điều đó khiến cho sách lậu, sách nhái bị đánh đồng với sách thật, thậm chí người tiêu dùng còn tìm mua sách lậu để được hưởng giá thấp, và mặc nhiên như đấy là hành vi cả xã hội được lợi. Một cái lợi trước mắt mà “cập hại” kéo dài.

 

*

 

Sự phát triển của công nghệ số một lần nữa đẩy những tồn tại đầy thách thức trong hoạt động bảo vệ sở hữu trí tuệ vào một thực thức mới phức tạp hơn. Vấn đề này vừa được các nhà quản lí, các chuyên gia đặt ra với nhiều cảnh báo trong cuộc hội thảo “Quản lí tập thể Quyền sao chép trong môi trường số” do Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO) phối hợp với đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức, cuối tháng 11 vừa qua. Tại cuộc Hội thảo này, các diễn giả đã dựng lên toàn cảnh hiện trạng và phần nào chạm đến những lỗ hổng, thách thức trong hoạt động bảo vệ, quản lí quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt trong môi trường số và internet ở Việt Nam. Tuy nhiên các giải pháp cho những thách thức này vẫn chưa được đề cập một cách thỏa đáng.

 

GS. TSKH Hồ Ngọc Đại, Chủ tịch VIETRRO, mặc dù vẫn khẳng định tầm quan trọng của Internet cũng như các cơ hội do nó mang lại trong xã hội hiện đại; song những thách thức đối với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, đặc biệt là việc bảo hộ quyền tác giả, và các biện pháp để bảo vệ hữu hiệu hơn các quyền trên trong bối cảnh công nghệ số nói chung và internet nói riêng đang phát triển như vũ bão trên thế giới và đã len lỏi tới các ngõ xóm ở Việt Nam cũng đang là những hệ lụy song hành không thể tránh khỏi.

 

Hoạt động “Quản trị tập thể quyền sao chép trong môi trường số” đã được đánh giá là vấn đề hoàn toàn mới ở Việt Nam, và quản lý tập thể quyền sao chép trong môi trường số rất phức tạp về nhiều mặt, trước hết là việc hệ thống quy định pháp luật, tổ chức quản trị tập thể quyền sao chép còn chưa được chuẩn bị đầy đủ, cũng như nhận thức của nhà quản lí và dư luận xã hội còn khá thờ ơ với vấn đề này. Theo ý kiến của chuyên gia sở hữu trí tuệ Nguyễn Khắc Chiến thì: “Công chúng thường xem vi phạm bản quyền như một dạng “tội phạm không có nạn nhân”… Thế nhưng đây thực sự là một quan niệm sai lầm. “Nếu các ý tưởng không được bảo vệ, sau đó các nghệ sĩ, các nhà phát minh và các doanh nghiệp sẽ không được tận hưởng được thành quả sáng tạo ban đầu của họ. Nếu điều đó xảy ra, khuyến khích đầu tư vào đổi mới sẽ không còn hiệu quả, gây thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế, phát triển con người và xã hội của chúng ta. Nếu không bảo vệ sở hữu trí tuệ cho các ý tưởng tốt nhất, nền thơ ca, sách, âm nhạc và nhiều hơn thế nữa, có thể bị gạt ra ngoài lề… ” – Ông Jack Labert, tùy viên kinh tế Mỹ tại Việt Nam đã đưa ra cảnh báo như vậy trong cuộc hội thảo.

 

Quyền sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đang đặt ra ngày càng cấp thiết như cội rễ của phát triển xã hội, đặc biệt trong kỷ nguyên toàn cầu hóa với đòn bẩy công nghệ số và internet. Đồng thời vấn đề bảo hộ bản quyền và minh bạch trong bảo vệ, quản lí, thực thi bản quyền tác giả, quyền liên quan cũng như quyền sở hữu trí tuệ đang là những thách thức cam go trong các vòng đàm phán gia nhập các tổ chức cũng như hiệp định hợp tác quốc tế của Việt Nam. Các chính phủ Mỹ, Australia,…  đặt ra những yêu cầu và đòi hỏi Chính phủ Việt Nam cần tăng cường hơn nữa môi trường pháp lý, cam kết cao hơn nữa trong hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ trong các vòng đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định được kỳ vọng là kiểu mẫu của khu vực, với diện cam kết rộng và mức độ cam kết sâu, đang là thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, mà ở đó có tới 80% đang sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền.

 

 

M.A

(Nguồn: báo Văn nghệ )

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder