Bàn thêm về nhân vật Hồ Tôn Hiến trong “Truyện Kiều”

Chỉ với bốn câu: “Có quan tổng đốc trọng thần/ Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài/ Đẩy xe vâng chỉ đặc sai/ Tiện nghi bát tiễu việc ngoài đổng nhung” (câu 2451-2454), Hồ Tôn Hiến đã được tác giả giới thiệu một cách khái quát: chức quan to đứng đầu một tỉnh thời phong kiến, có tài cai trị, được vua tin tưởng cử ra trận.

Chỉ với bốn câu: “Có quan tổng đốc trọng thần/ Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài/ Đẩy xe vâng chỉ đặc sai/ Tiện nghi bát tiễu việc ngoài đổng nhung” (câu 2451-2454), Hồ Tôn Hiến đã được tác giả giới thiệu một cách khái quát: chức quan to đứng đầu một tỉnh thời phong kiến, có tài cai trị, được vua tin tưởng cử ra trận.

Ngay từ đầu, Hồ Tôn Hiến đã nghiên cứu kỹ đối phương, không đánh giá thấp Từ Hải, biết “Từ là đấng anh hùng”, lại biết người luôn sát cánh, cùng bàn bạc việc quân với Từ Hải là Thúy Kiều – vợ của Từ Hải  nên chỉ “đóng quân” chứ không động binh vội mà thực hiện mưu kế để làm tan rã ý chí chống đối của đối phương. Mưu kế đó là “Chiêu an” (kêu gọi ra hàng để được yên ổn, nghĩa là ân xá cho kẻ chống đối, kẻ nổi loạn).

Sau khi tuyên bố ân xá thì thuyết phục đầu hàng. Cùng với lời “thuyết hàng” là của cải vật chất “ngọc vàng gấm vóc” kèm theo. Có thể nói ngay từ đầu, Hồ Tôn Hiến đã định ra được chiến lược (tức kế hoạch bao quát để thắng địch), cụ thể là đánh vào ý chí đối phương, đánh vào lòng tham của con người rồi tùy theo sự biến chuyển mà có chiến thuật tiếp theo. Trước những lý lẽ thuyết hàng và những vật phẩm hậu hĩnh đó, thái độ của Từ Hải ra sao? Người anh hùng vẫn rất tự hào rằng “Một tay gây dựng cơ đồ/ Bấy lâu bể Sở, sông Ngô tung hoành”, Từ Hải cũng nghĩ đến nỗi nhục nhã, sự bỡ ngỡ lạc lõng… khi “Bó thân về với triều đình/ Hàng thần lơ láo phân mình ra đâu”.

Từ Hải đã khẳng định: “Sao bằng riêng một biên thùy/ Sức này đã dễ làm gì được  nhau” và tỏ ra ý chí không chịu khuất phục: “Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”.

Tóm lại, dù mưu kế “chiêu an”, dù lễ vật hậu hĩnh, dù lời “thuyết hàng” ngon ngọt cũng không có tác dụng gì, cũng không lay chuyển được người anh hùng chống bất công, ưa tự do, không chịu khuất phục. Ta có thể nói rằng: ngón đòn đầu tiên mà Hồ Tôn  Hiến tung ra đã không tác dụng mảy may nào đối với Từ Hải. Nếu chỉ có thế thì cuộc chiến đôi bên sẽ diễn ra theo cách khác, nhưng sự đời lại không thế.

Như trên đã nói, Hồ Tôn Hiến biết Thúy Kiều “cũng dự quân trung luận bàn” nên ngoài lễ vật cho Từ Hải, Hồ Tôn Hiến “lại riêng một lễ” với nàng Kiều gồm: “Hai tên thể nữ, ngọc vàng nghìn cân”. Cách làm này của Hồ Tôn Hiến đã tỏ ra có tác dụng rõ rệt; “Lễ nhiều, nói ngọt, nghe lời dễ xiêu”. Ta thấy có hai thứ: “lễ nhiều” và “nói ngọt”. Thứ nào có ý nghĩa quyết định? “Nói ngọt” mà nói suông thì chẳng có giá trị gì. Vấn đề quyết định là “lễ nhiều”. “Lễ” là “lễ vật”, “lễ vật” nhiều đưa đến kết quả là “dễ xiêu”. “Xiêu” là “xiêu lòng”, là ngả theo ý người khác. Nói như bây giờ là nàng Kiều “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo chiều hướng thuyết hàng của triều đình. Ta thấy rõ cái “chước” của Hồ Tôn Hiến tỏ ra bước đầu có hiệu lực.

Trước khi nói đến những cái cớ mà nàng Kiều vin vào để thực hiện sự “xiêu lòng” của mình, ta cần phải nêu những đặc trưng của “tự diễn biến”… ra sao? Đặc trưng của “tự diễn biến”… là do chính mình cố tìm xem cái lý, cái cớ phù hợp với lợi ích của chính mình, bất kể nó đúng ở thời quá khứ nhưng lại sai ở thời hiện tại. Sau đây là bốn cái cớ mà nàng Kiều vin vào để biện minh cho sự xiêu lòng của mình.

Cớ thứ nhất là “Nghĩ mình mặt nước cánh bèo/ Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân”. Cớ này xem ra đúng nhưng tiếc rằng đúng với quá khứ chứ không phải đúng với hiện tại, khi nàng là phu nhân của Từ công. Cớ thứ hai là “Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương”. Xem ra điều mong ước này của kẻ tha hương muốn trở về quê quán của mình là một mong ước đúng, nhưng lấy gì đảm bảo rằng về với triều đình thì thực hiện được điều này? Không có gì bảo đảm cả! Nàng đã quên (hoặc cố tình quên) điều mà Từ Hải đã nói với nàng: “Xót nàng còn chút song thân/ Bấy lâu kẻ Việt người Tần cách xa/ Sao cho muôn dặm một nhà/ Cho người thấy mặt là ta cam lòng”. Rõ ràng lời Từ Hải, lời của một người anh hùng đáng tin cậy chứ!

Cớ thứ ba để, đó là danh vọng: cũng chỗ ngồi của vợ quan được vua phong tước, thật là oai nghi (“Cũng ngôi mệnh phụ đường đường/ Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha”. Nàng cố tình không nhớ rằng nàng đã ở ngôi vị rất cao: khi Từ Hải cho người đến đón nàng “Cung nga thể nữ nối sau/ Rằng vâng lệnh chỉ rước chầu vu quy” (“lệnh chỉ” là lệnh của vua chúa. Từ Hải khác gì vua chúa!).

Cớ thứ tư là “Trên vì nước, dưới vì nhà/ Một là đắc hiếu, hai là đắc trung”. Chỉ cần đầu hàng là đạt được cả hai điều quan trọng: trọn đạo hiếu với mẹ cha, trọn đạo trung với vua! Nàng đã quên mất một điều cực kỳ quan trọng là đạo phu thê. Từ Hải không những là người chồng mà còn là ân nhân của nàng, đã cứu nàng ra khỏi lầu xanh, đã đem đến vinh hoa phú quý cho nàng.

Hồ Tôn Hiến đã rất hiểu đối phương nên ra ngón đòn “chiêu an”, “lễ vật”, “thuyết hàng” tuy bước đầu không làm Từ Hải mắc mưu nhưng cũng đã làm cho bộ phận “hậu phương” của Từ Hải tan rã ý chí, “tự diễn biến” theo chiều hướng có lợi cho triều đình. Kiều khôn ngoan ở chỗ không khuyên Từ Hải về với triều đình mà đánh vào điều cơ bản của người anh hùng là ưa sự công bằng (vì triều đình bất công nên phải nổi dậy) và danh tiếng của một con người. Nàng nói đến ơn của nhà vua thật sâu rộng trong nhân dân: “Rằng trong Thánh trạch dồi dào/ Tưới ra đã khắp thấm vào đã sâu/ Bình thành công đức bấy lâu/ Ai ai cũng đội trên đầu xiết bao”. “Ai ai” là số đông, là mọi người. Mọi người cung kính nhớ đến công ơn to lớn của nhà vua. Điều đó nói lên sự công bằng mà triều đình đem lại cho họ. Thế mà lại có người nổi dậy chống lại nhà vua đem đến bao chết chóc cho người dân: “Ngẫm từ dấy việc binh đao/ Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu”. Nàng đã gián tiếp lên án cuộc nổi dậy của Từ Hải và nhắc khéo cái gương Hoàng Sào nổi dậy chống nhà Đường “Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào” làm cho Từ Hải phải nghĩ đến danh tiếng để lại chẳng hay ho gì mà chọn con đường về với triều đình, như vậy vừa đúng lẽ “công bằng”, vừa không gây cảnh chết chóc, lại không bị đời sau chê cười, lại được “lộc trọng quyền cao”, được “công danh” sung sướng.

Nàng Kiều đã đánh trúng tâm lý của người anh hùng: “Nghe lời nàng nói mặn mà” nên đang “Thế công”, “Từ mới trở ra thế hàng”. Thật là bất ngờ! Sự biến đổi được thực hiện “vội vàng” bằng những việc cụ thể như sắp đặt mọi thứ cho oai nghiêm và đúng nghi thức để đón tiếp sứ giả của triều đình. Trong lần tiếp sứ giả, Từ đã nói rõ là bó giáp lại (“thúc giáp”) nghĩa là thôi đánh nhau, thôi hoạt động quân sự (“giải binh”). Hai bên cùng nhau ăn thề dưới thành (“thành hạ yêu minh”), tỏ ý không làm hại nhau và thật thà tuân theo những điều đã ước hẹn.

Từ Hải quá tin nên “việc binh bỏ chẳng giữ giàng”, việc canh phòng thì “trễ tràng”. Tất cả những biểu hiện đó đã bị quân của Hồ Tôn Hiến nắm chắc. Và Hồ Tôn Hiến “quyết kế thừa cơ” nhân cơ hội này, phía trước thể hiện lễ nghi chiêu hàng, phía sau thì phục sẵn binh mã để đánh úp Từ Hải. Vì mất cảnh giác, vì quá tin kẻ thù nên Từ Hải chỉ nghĩ đến việc ăn vận theo phục sức của vị quan lớn (“Đại quan lễ phục”) để ra đầu hàng ở cửa viên (“cửa viên”: xưa, lúc quân đội cắm trại thường chồng xe lên làm cửa gọi là “cửa viên” – “viên môn”).

Kết quả thì ai cũng biết: Từ Hải bị giết chết, cả sự nghiệp phút chốc tan tành! Câu hỏi được đặt ra là: Ai đã đẩy Từ Hải vào bi kịch thảm thương? Ai? Có người cho rằng chính nàng Kiều đã gây ra bi kịch này! Từ Hải “Nghe lời nói mặn mà” của nàng Kiều nên đang “thế công” chuyển sang “thế hàng”. Hãy khoan kết tội nàng Kiều!

Để khẳng định, sự không thay đổi, ca dao có câu “Dù ai nói ngả nói nghiêng/ Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”. Như vậy sao lại kết tội nàng Kiều được! Có người lại kết tội Hồ Tôn Hiến lật lọng, “chiêu an”, “thuyết hàng”… rồi mật phục giết người ta.

Vâng xem ra có lý đây, nhưng xin thưa: Binh pháp có câu “Binh bất yếm trá”, nghĩa là việc quân sự cho phép tha hồ dối trá. Thế thì cái chết của Từ Hải do ai gây ra? Dù yêu mến nhân vật Từ Hải anh hùng, ta cũng phải công bằng mà nói: Chính Từ Hải đã “tự đánh mất mình”, đưa mình vào chỗ chết, đã tự phá tan tành sự nghiệp của mình. Từ Hải đã “đánh mất mình” nghĩa là “tự chuyển hóa” từ người anh hùng “Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” thành một kẻ đớn hèn, đầu hàng kẻ thù đến nỗi bị Hồ Tôn Hiến giết chết.

Sau khi diệt được Từ Hải, Hồ Tôn Hiến cho mở tiệc mừng thắng trận, lại bắt nàng Kiều hầu hạ bên bàn tiệc, lại dở say bắt nàng đánh đàn… Trong bữa tiệc này, Hồ Tôn Hiến có nói với nàng Kiều: “… hương lửa ba sinh/ Dây loan xin nối cầm lành cho ai”. Có người cho rằng Hồ Tôn Hiến đã quan tâm đến nàng Kiều. Tôi thực sự nghi ngờ ý này vì: “Nghe càng đắm, ngắm càng say/ Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình” diễn tả sự say đắm đến mức “ngây” (đờ đẫn, thừ mặt) ra vì tình.

Hồ Tôn Hiến biết ý Kiều, đến lúc rạng ngày mới nhớ ra “… Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên trông xuống, người ta trông vào”, và ép nàng Kiều “gán cho người thổ quan”. Rõ ràng Hồ Tôn Hiến là người biết sợ, biệt ngượng, biết xấu hổ.

Với tài năng kiệt xuất của mình, Nguyễn Du tiên sinh đã làm cho nhân vật này sống động như một con người thật trong cuộc đời: có ưu, khuyết rõ rệt chứ không phải một con người thiếu sức sống được làm bằng giấy, bằng gỗ đá. Chính sự sống động của nhân vật như vậy mà ta rút ra những bài học thấm thía: sự mất cảnh giác, sự “đánh mất mình”, sự “tự chuyển hóa” của Từ Hải đã làm cho Hồ Tôn Hiến thực hiện được mưu kế của mình.

Năm 2015, kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Nguyễn Du tiên sinh, xin thắp nén hương thơm tỏ lòng biết ơn Người đã để lại cho con cháu bài học “cảnh giác” bài học kiên định… muôn đời bất hủ!

 

Nguyễn Duy Hiển

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder