Bản tình ca mùa xuân – Truyện ngắn của Trần Ngọc Dương

 

Cô ấy còn trẻ qúa? Còn những mấy ngày nữa mới tròn tuổi mười bảy? Một nấm mồ giữa rừng? Chiều nay đã là ba mươi tết? Không một nén hương? Lạnh lẽo quá chừng! Chẳng biết ở quê nhà giờ này có ai nhắc đến tên cô?..

 

Cô ấy còn trẻ qúa? Còn những mấy ngày nữa mới tròn tuổi mười bảy? Một nấm mồ giữa rừng? Chiều nay đã là ba mươi tết? Không một nén hương? Lạnh lẽo quá chừng! Chẳng biết ở quê nhà giờ này có ai nhắc đến tên cô?

Tôi đồng ý cùng Hải tham gia đợt biểu diễn văn nghệ không nhận thù lao khi biết mục đích của chương trình: Gây quĩ ủng hộ những nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam và quĩ đền ơn đáp nghĩa. Ngoài việc đóng góp bằng một liên khúc những bài ca quen thuộc, tôi còn yêu cầu anh tìm cho một bản nhạc hay nói về mùa xuân, về tình yêu của những người lính trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Bài hát ít người biết đến và nó chưa hề được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nếu Hải chịu, tôi có dịp dùng bản nhạc của chính mình, lời thơ do bố viết tặng mẹ hồi hai người mới yêu nhau. Thời hạn sắp hết Hải vẫn im lặng. Tôi đang tìm cách tiếp cận thăm dò xem Hải xoay sở ra sao, thì bác My – mẹ anh – nhắn sang nhà lấy hoa. Số hoa bác giành biếu bố mẹ tôi mỗi khi đón xuân về. Bước chân vào cổng, tôi thấy Hải đứng chờ:

– Nghe tiếng xe máy biết ngay em tới  – Anh đưa cho tôi một bản nhạc – Của em đây.

– Chắc anh tập rồi, hát lại cho em nghe xem nào.

Hải với cây đàn ghi ta, khúc nhạc dạo đầu vang lên, anh say sưa hát: “Ngẩng đầu lên em thấy trời xuân. Thấy nắng vàng, thấy mây, thấy gió. Gió hồn anh thổi mây lòng em đó. Sợi nắng vàng thêu dệt những ước mơ…” Tôi bàng hoàng, mình nghe nhầm chăng: “Gió với mây có bao giờ xa cách. Anh với em không thể cách xa. Khi con tim chúng ta…

Tôi giơ tay chặn ngang cần đàn:

– Sao anh có bài ca này?

Hải đưa tôi tờ giấy ép Plas tic, nhiều chỗ nhoè nhoẹt không rõ chữ:

– Lời của một người lính, nhạc mẹ anh viết.

Thấy tôi nhìn chằm chằm vào tờ giấy, Hải nói tiếp:

– Bài thơ viết tặng gì Chi, vậy mà gì không bao giờ được đọc.

Tôi run lên không tin vào điều vừa được biết, ngoài sức tưởng tượng. Những nét chữ quen thuộc nhảy múa trước mắt, chẳng thể nào nhầm được – Chữ ký của bố đây. Bố từng bảo khi thấy tôi tập ký tên mình: “Chữ ký như một lời thề, đừng bao giờ thay đổi .”

Tôi ngập ngừng hỏi Hải:

– Anh cho em mượn bài thơ.

Không chú ý đến thái độ của tôi, Hải hồn nhiên:

– Nó sẽ giúp em có cảm xúc khi biểu diễn.

Tôi không biết mình ra khỏi nhà Hải bằng cách nào, phóng xe luồn lách trên đường, mọi người dạt cả ra. Dựng xe, tôi lao vào nhà, bố mẹ ngừng nói chuyện. Bố nghiêm khắc:

– Con đi xe kiểu gì vậy? Hết ga, hết số, vào nhà cũng chẳng chịu tắt máy.

Tôi gào lên:

– Mẹ! Từ trước đến giờ bố đã lừa dối mẹ.

– Con không được hỗn với bố.

Tôi ấm ức đưa tờ giấy cho mẹ:

– Mẹ xem, bố vẫn bảo từ trước đến giờ chỉ yêu có mình mẹ, chưa bao giờ nghĩ đến ai. Bài thơ viết tặng mẹ, thế mà nó đến với người khác trước khi mẹ được đọc. Lại còn lời đề: “Tặng em, người anh yêu quí – Xuân 1972.” Chữ ký của bố đây, mẹ còn bênh bố nữa không?

Tôi oà lên:

– Mẹ ơi! Ngay cả cái tên Quỳnh Chi đặt cho con cũng để tưởng nhớ về người ấy.

Mẹ trao cho bố:

– Anh xem.

Cầm tờ giấy bố nói ngay:

– Đúng là của anh! Con lấy nó ở đâu?

– Bố đi mà hỏi bác My…

– Không phải sang nữa, tôi đây…

…Mẹ con Hải đến từ lúc nào cả nhà tôi không hay, bác nhìn tôi thanh minh cho sự có mặt của mình:

– Gớm, Quỳnh Chi phóng xe nhanh quá, vội gì mà quên cả hoa. Bác vừa mắng cho Hải một trận, nó trêu trọc gì cháu?

– Nó bực vì vật này! – Bố kéo ghế mời bác – Tôi cũng đang thắc mắc sao chị lại có, nó vốn là của tôi!

– Thì ra anh, tôi tưởng mình không bao giờ được gặp tác giả của bài thơ.

…Năm ấy, đoàn văn công không chuyên của nhân dân vùng mỏ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao: Biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ ngoài tiền tuyến. Lúc nhận lệnh quay ra, chúng tôi để lại toàn bộ nhạc cụ thiết bị sân khấu cho đội văn nghệ xung kích của mặt trận.

`        Ngoài niềm vui được trở lại quê hương, được gặp mặt những người thân sau một thời gian xa cách, tiếp tục làm công việc mà mình yêu thích. Niềm vui của tôi còn được nhân lên gấp nhiều lần, làm tròn lời hứa với mẹ: Tìm được Quỳnh Chi, cô em bướng bỉnh bỏ học trốn nhà đi thanh niên xung phong.

Tôi biết nơi em đóng quân hoàn toàn tình cờ. Hôm chia tay với chiến trường, tư lệnh mặt trận cử một cán bộ tuyên huấn đưa đoàn ra Quảng Bình. Lúc vào qua binh trạm K5 đón cô gái thanh niên xung phong có giọng ca của con chim hoạ mi bổ sung cho đội văn nghệ mặt trận, người ấy chính là Quỳnh Chi. Khi biết quan hệ của chúng tôi, tư lệnh đổi lịch: Bố trí cho đoàn nghỉ ăn tết ở K5. Không nói ra, nhưng ai cũng biết cấp trên tạo điều kiện cho hai chị em tôi gặp nhau.

Tôi và Chi giống nhau như hai giọt nước. Vừa thấy tôi đồng đội của em ôm chầm lấy khóc: Em đã hy sinh trước đó mấy ngày. Họ dẫn tôi tôi thăm mộ em. Đến nơi chúng tôi thấy: Một đống lửa nhỏ âm ỉ cháy, mùi hương bài thơm ngào ngạt. Một cái bánh chưng mới bóc để trên nóc mộ, chắc người viếng còn quanh quẩn đâu đây. Chúng tôi toả ra tìm nhưng không gặp. Trời sắp tối, mọi người gịuc tôi ra về. Khi thu dọn, tôi để ý tờ giấy lót dưới bánh có ghi bài thơ. Đọc những lời đề tặng tôi rất ngạc nhiên. Ở nhà em chưa có bạn trai thân! Đồng đội của em cho hay: Chẳng có ai đến thăm và cũng không bao giờ thấy em nhắc đến một người con trai.

Tôi giữ gìn nâng niu tờ giấy như một báu vật, đọc đi đọc lại nhiêu lần, đọc đến nỗi thuộc lòng và đoán ra cả những chỗ bị nhoè. Những lúc nhớ em, tôi ngâm nga bài thơ, nó thành bài hát lúc nào chẳng hay.

Khi sinh cháu Hải, ngoài những làn điệu ru con quen thuộc, tôi còn hát bài ca này dỗ cháu. Lúc Hải nói sõi cũng là lúc cháu bập bẹ thuộc lời. Mới rồi Hải nằm nì xin phép cho Quỳnh Chi tập bài hát, tôi đồng ý, không ngờ gây rắc rối cho anh…

**

… Quên sao được chiều ba mươi tết năm ấy, đoàn chúng tôi cũng dừng chân tại binh trạm K5. Theo kế hoạch – Nghỉ một ngày ăn tết. Đang tắm giặt xả hơi thì được lệnh: Sáng ngày mồng một đơn vị hành quân gấp. Tiểu đội tôi được cử vào binh trạm lĩnh bánh chưng cho bộ đội ăn tết. Thấy giao liên nói ở bãi khách gần trạm có đoàn ra Bắc. Không đủ thời gian viết thư, tôi xé trong sổ tay bài thơ mới viết, ghi vội thêm mấy dòng, hy vọng nhà tôi nhận được vào dịp cuối giêng.

Lĩnh bánh xong, tôi đeo cả gùi bánh theo đường mòn giao liên lần ra bãi khách. Lúc vượt qua trảng cỏ, thấy ở bìa rừng kề bên, trên một thân cây cháy nham nhở có giò phong lan đang nở hoa rực rỡ. Tôi rẽ vào lấy, phát hiện dưới gốc cây có một ngôi mộ còn mới. Mảnh đuya ra lấy từ xác chiếc máy bay có khắc tên, quê quán, ngày tháng năm sinh, ngày tháng năm mất. Tôi không cầm được lòng mình khi đọc những dòng chữ đó.

Cô ấy còn trẻ qúa? Còn những mấy ngày nữa mới tròn tuổi mười bảy? Một nấm mồ giữa rừng? Chiều nay đã là ba mươi tết? Không một nén hương? Lạnh lẽo quá chừng! Chẳng biết ở quê nhà giờ này có ai nhắc đến tên cô?

Tôi rút dao găm dọn dẹp, chặt ít cành cây nhỏ xếp lên nóc mộ. Gom một đống củi, nhổ cụm hương bài ngoài trảng cỏ để lẫn châm lửa đốt. Tôi thì thầm: “Trên đường hành quân ra mặt trận, tình cờ chúng mình gặp nhau, mời em ăn tết cùng anh.”

Tiếng gọi của các  đồng chí trong đoàn vang lên cắt ngang dòng tâm tưởng. Tôi hú trả lời, vội vã đeo gùi bánh trở về nơi đóng quân. Tối hôm đó bị phê bình một trận vì thiếu một cái bánh – Tiêu chuẩn hai người một cái trừ vào bữa ăn chính. Tôi không kể câu chuyện hồi chiều, mặc mọi người bàn tán.

* *

Tôi nghe rõ tiếng đập con tim mình. Cả không gian xung quanh im lặng, nhịp thời gian điểm chiếc lá rơi. Mùi thơm của hương, của hoa tràn ngập căn phòng. Tôi ngước cặp mắt đẫm lệ nhìn bố, bác My:

– Bác cho cháu tập bài hát này.

Bác đưa tôi tờ giấy:

– Cháu phải hỏi xin phép mẹ, bài thơ này được viết  tặng mẹ!

Tôi ngả đầu vào vai mẹ nũng nịu:

– Mẹ!

Mẹ vuốt những sợi tóc xoà trên má, lau nước mắt cho tôi, rồi quay sang Hải

– Có nhiều bài thơ được bạn đọc yêu thích, nâng niu, quí trọng. Được phổ nhạc trở thành những bản tình ca. Bài thơ này cũng vậy, nó có một số phận đặc biệt, ngay từ khi ra đơì đã không còn là của riêng ai. Cũng giống như những bản tình ca viết về người lính khác, nó sẽ sống mãi cùng năm tháng. Mong sao trong đêm diễn tới, qua sự trình bày của hai đứa, bài ca sẽ bay cao bay xa hơn nữa.

T.N.D

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder