NHÀ THƠ BẰNG VIỆT
Họ tên khai sinh: Nguyễn Việt Bằng. Sinh 15 tháng 6 năm 1941. Quê quán: xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Dân tộc: Kinh. Hiện thường trú tại: Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1969.
VỀ HỎA TUYẾN THĂM CON
(Tặng Trinh)
Bầy ong ngoan của con
Những cánh tơ thơ bé
Bộng ong bào mỏng thế
Vết phân trâu miết đều
Mảnh vườn khi nắng xế
Nghe ong rù rì kêu!
Con đường ra bến sông
Mỗi ngày bom lại thả
Vẫn tiếng súng phòng không
Nổ rền theo vách đá
Vụ chiêm, mùa vất vả
Mùi cơm thơm cứ thơm!
Ôi nùn rơm, nùn rơm
Sợi vàng vương mái tóc
Con che rơm đi học
Vai nhấp nhô đường xa
Em chơi cùng trẻ xóm
Bầy ong coi giữ nhà
Buổi chiều đi học về
Bà con đông đủ cả
Bầy ong ơi bầy ong
Bay cần cù dưới lá
Lâu cha chẳng về thăm
Mật ong màu óng quá!
Cha về rồi đây con!
Cha nhìn con bỡ ngỡ
Con đan lá nguy trang
Con che đèn đánh lửa
Con đưa em xuống hầm
Biết xoay lưng chắn cửa
Ai dạy con bao giờ
Mà quá chừng ý tứ
Ôi con tôi, con tôi!
Tháng bảy ong bay đi
Chuồn chuồn chao trên sóng
Nhớ mùa đông rất dài
Nhớ mùa thu rất rộng
Bao lâu cha vắng nhà
Bao lâu con đã sống
Bao đêm ngoài biển động
Pháo sáng xanh vườn sau
Trăng mài mòn guốc võng
Giặc rít ngang trên đầu…
Nhưng con vẫn học đều
Mỗi năm lên một lớp
Cha vẫn đọc thư con
Chữ dần dà cứng cáp
Cha về mà kinh ngạc
Thấy con còn bé không!
Cha ôm con rưng rưng
Mừng vui lòng nghẹn cả…
Con đường ra bến sông
Mỗi ngày bom lại thả
Nhưng cần cù dưới lá
Bầy ong bay rộn rã
Mùi cơm thơm cứ thơm!
1966
TÌNH YÊU VÀ BÁO ĐỘNG
1.
Anh nắm bàn tay em khi nói đến tương lai
Thành phố đang cơn mưa ướt đẫm trong tiếng hát
Chúng ta đi giữa bè bạn mỉm cười.
Cơn báo động tan rồi
Anh muốn nói một câu gì dữ dội
Nhưng không thể tìm ra lời để nói
Chúng ta đi giữa bè bạn mỉm cười.
Cơn báo động tan rồi
Cảm động quá, khi mùa thu lại đến!
Anh nhớ phút ngồi bên nhau trực chiến
Anh nghe thời gian trong mạch đập tay em
Mạch đập bình yên…
2.
Vườn vàng phơi lá thu
Ánh sáng mênh mông, đối mặt quân thù
Ánh sáng tinh khôi như trong mắt trẻ
Soi hạnh phúc tự hào, đơn giản thế!
Ngày xưa anh chưa nghĩ ra.
Sông Hồng nước lên. Em đưa anh qua
Tháng tám cầu nhô hai nhịp gãy
Sông Hồng nước lui khi anh trở lại
Ta nắm tay nhau trên nhịp đã liền
Hai bên bờ Long Biên
Nghìn lá sắc trổ cờ trên ngọn mía
Hạnh phúc lớn, tự hào, đơn giản thế
Ngày xưa anh chưa nghĩ ra…
3.
Không ai trở về thời đồ đá
Ta khinh bỉ nhìn kẻ thù dậm doạ!
Ba năm rồi, tự buổi đó em ơi…
Thành phố bao phen rung động hồi còi
Em biết dập kho dầu khi lửa bén
Biết trồng lại đôi hàng cây cháy sém
Biết bắn địch hôm nay vì đích của ngày mai
Ba năm rồi em ơi
Ta khinh bỉ nhìn kẻ thù dậm doạ.
Không ai trở về thời đồ đá
Khi tình yêu tới độ chín đang vừa!
4.
Những mùa ta qua nghe dài hơn xưa
Những mùa ta qua không có ngày thừa
Dù phải chịu đôi lần căng thẳng nhất
Chỉ nghĩ đến nhau đã là hạnh phúc
Những màu ta qua… chẳng thể lấy gì so.
Sau ba năm, mặt đối mặt quân thù
Cảm động quá, khi mùa thu lại đến!
5.
Ta quen sống những giờ đột biến
Bỗng sững sờ trước một sớm không đâu:
Thành phố trong mưa. Hoa rắc trên đầu
Hoa mưa nở từng bông trên mái tóc
Em tươi tắn như mùa xuân thứ nhất
Nhưng thuỷ chung như một sắc mai già
Đôi mắt mở to, dịu dàng thấm mát
Sau rất nhiều gian khổ đi qua…
6.
Bây giờ sau tất cả mọi điều
Anh muốn nói một câu gì dữ dội
Nhưng vẫn không tìm ra lời để nói!
Anh chỉ nhìn sắc thắm mùa thu
Thấy hết sự vô duyên và thảm hại của quân thù
Trước tất cả những gì ta sống
Trước một bầu trời, gương xanh lồng lộng
Soi cơn mơ của anh và của em
Của triệu người giao kết một lòng tin.
1967
NHỮNG GƯƠNG MẶT VÀ NHỮNG KHOẢNG TRỜI
Chiến trường quen, mới đó lại xa rồi,
Gió thổi theo tôi dọc những vùng trời
Những chiến sĩ trẻ măng hẹn ngày gặp lại
Những gương mặt bình thường như lẽ phải
Mỗi gương mặt sinh ra để đón một vòm trời!
Dẫu ở nơi đâu cũng mắc nợ cuộc đời,
Những binh trạm tiền tiêu thổi cơm trong lòng đất
Những em bé Vân Kiều, đôi mắt tươi như hát
Quen nhìn xuyên trăm đám lửa mù đen
Bỗng mở xanh lạ lùng trước một khoảng trời yên!
Nhớ bà mẹ Trường Sơn, thăm thẳm trước rừng đêm
Nấu bát canh dong tây, nhường con ăn khỏi đói,
Nhớ em gái Thừa Thiên, hy sinh rồi chẳng nói
Mãi mãi để dành ta một khoảng thắm bầu trời
Ta vuốt mắt cho em, đôi mắt vẫn trong ngời!
Im lặng trước cơn đau và khóc trước niềm vui
Ôi tôi nhớ đêm công đồn Quảng Trị
Một vạn quả pháo ta bay lên trời kỳ dị1
Rực thác lửa vàng xanh, tuôn xuống mặt quân thù,
Phút đứng dậy xung phong, mắt rớm lệ không ngờ.
Sống cảm động suốt đời, đất nước chiến trường ơi!
Mỗi gương mặt tôi quen, một lần nhìn, thương mãi…
Bao em bé ngây thơ, bao mẹ già từng trải,
Những chiến sĩ băng qua khắp đất nước hầm hào,
Mỗi gương mặt bình thường, sau nghìn lần sống chết
Rọi ánh sáng vào tôi, cùng những khoảng trời cao!
1970
__________
1. Trong trận Quảng Trị, lần đầu trong chiến tranh chống Mỹ, quân ta dám dùng đến một cơ số đạn đại bác lớn đến thế (đúng 1 vạn quả đạn pháo lớn) để khai hỏa, mở màn cho cả chiến dịch.
BẾP LỬA
Một bếp lửa chờn vờn sương sớm,
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!
Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói,
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi,
Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy,
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu,
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay.
Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa,
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa.
Khi tu hú kêu bà còn nhớ không bà?
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế,
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế.
Mẹ cùng cha công tác bận không về,
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học,
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc.
Tu hú ơi chẳng đến ở cùng bà,
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?
Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh.
Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:
“Bố ở chiến khu bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên”.
Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen!
Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn,
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…
Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa!
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ,
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm,
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi,
Nhóm niềm xôi gạo mới sẻ chung vui,
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ,
Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!
Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
– Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?
NGHĨ LẠI VỀ PAUXTÔPXKY1
1.
Đồi Trung du phơ phất bóng thông già,
Trường sơ tán, hồn trong chiều lặng gió,
Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ
Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu!
“Lẵng quả thông” trong suối nhạc nhiệm màu
Hay “Chuyến xe đêm” thầm thì mê đắm,
Mùi cỏ dại trên cánh đồng xa thẳm
Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa…
Có thể ngày mai ta cũng đi qua
Một cánh cửa nao lòng trong truyện “Tuyết”,
Có tiếng chuông rung và con mèo Áckhíp
Ánh nến mơ hồ như hạnh phúc từng mong…
Xa xôi sao… Thời thơ ấu sau lưng!
2.
Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu,
cuộc đời không phải thế!
Giọt nước soi trên tay không cùng màu sóng bể,
Bể mặn mòi, sôi sục biết bao nhiêu
Khi em đến bên anh trước biển cả dâng triều…
Ta thu hết xa khơi vào trong lồng ngực trẻ
Dám thử mọi lo toan để vạch dấu chân trời,
Dấu xanh thẳm khi bình minh vụt đến
Dấu đen rầm khi đáy bóng đêm trôi…
Và hạnh phúc vỡ ra như một nốt đàn căng,
Nốt cao quá trong đời xao động quá,
Hạnh phúc cực hơn mọi điều đã tả
Lại ngọt ngào, kỳ lạ, lớn lao hơn!
Anh đã đi qua bão lốc từng cơn
Cây rung lá trong chiều thanh thản nhất,
Anh qua cả màu không gian ngây ngất
Một tiếng thầm trong nắng mới lao xao…
Em đã đến rồi đi như một giấc chiêm bao!
3.
Bây giờ, anh biết nói gì hơn?
Có thể, ngày mai thôi… Có thể…
“Hoa tóc tiên ơi! Sớm mai và tuổi trẻ…”
Lật trang nhật ký nào cũng chỉ xát lòng thêm.
Pauxtốpxky là dĩ vãng trong em
Thành dĩ vãng hai ta. Bây giờ anh ngoảnh lại:
Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu,
anh hiểu rằng không phải,
Như tuổi thơ, vừa đó đã xa vời!
Đưa em đi… Tất cả thế xong rồi…
Ta đã lớn. Và Pauxtốpxky đã chết!
Anh vẫn khóc khi nghĩ về truyện “Tuyết”,
Dầu chẳng bao giờ mong đợi nữa đâu em!
1969
_________
1. Cônxtantin Pauxtốpxky (1892–1968): Nhà văn Nga, thần tượng của tuổi trẻ một thời, với những truyện ngắn nổi tiếng như: Lẵng quả thông, Chuyến xe đêm, Tuyết… và nhiều tác phẩm khác, có phong cách lãng mạn cao thượng, có bút pháp phóng túng, tràn đầy lòng cảm thương và trân trọng con người, cũng như những khát vọng cháy bỏng về hạnh phúc con người.
TRỞ LẠI TRÁI TIM MÌNH
1.
Tôi trở lại những bờ đường mùa xuân
Cây già trắng lá
Ôi thành phố tôi yêu kỳ lạ
Cái sống như trăn trở ngày đêm
Tôi lớn lên, lo nghĩ nhiều thêm
Thành phố cũng như tôi đang lớn
Những gác xép bộn bề hy vọng
Những đầu hồi bóng nắng nhấp nhô…
Tôi trở về những ngõ quen xưa
Mỗi ngõ nhỏ giấu một lời tâm sự
Tôi trở lại những lối mòn quá khứ
Có tấm tình ta mắc nợ cha ông
(Nhịp chày sương hay tiếng trống thu không
Nét son đượm trên vòm cong mái cổ)
Tôi trở lại những lối mòn tình tự
Cánh bướm màu hạnh phúc cứ bay đôi
Tiếng ve ran những điệp khúc mùa vui…
…Ôi rất lâu rất lâu
Tôi mới lại đi một ngày thong thả
Thành phố như tim tôi êm ả
Sau rất nhiều gian lao.
2.
Hãy nghe hãy nghe tiếng người lao xao
Chỗ những căn nhà bom xô tốc mái
Nay ta về lợp lại
Che ấm cuộc đời vun vén bên trong
Hãy theo những ngả đường sang sông
Cầu phao cót két
Những chuyến hàng đi hoài không hết
Mỗi chuyến xe mang một tấm lòng.
Hà Nội thức bao đêm ròng?
Không ai nhớ nữa
Nhưng mỗi sớm nhìn vào cửa chợ
Lại thấy hoa bày trên lối đi
Hà Nội bao lần chia ly?
Không ai nhớ nữa
Nhưng cách đánh quân thù phải sợ
Thì không đâu biết rõ nơi đây
Hà Nội mang tầm vóc hôm nay
Cộng với tầm cao quá khứ
Tôi đi dọc những lối vào lịch sử
Nghe suốt năm châu bè bạn nối gần
Tôi đi ngang những cuộc đời thường
Biết ở đó chia nỗi lo nhân loại.
3.
Có phải bao nhiêu vui buồn thời đại
Soi vào đây càng đậm sắc màu riêng?
Tấm lòng Hà Nội thiêng liêng
Vẫn nguyên vẹn sau rất nhiều từng trải
Con đường loá bóng hoa vàng trẻ mãi
Tiếng lanh canh trên gạch lát hồn nhiên
Âm vang bao biến thiên
Thế giới gửi nơi này ghi nhớ
Bao hạt cát hạt vàng lịch sử
Hà Nội kiên tâm gạn lọc công bằng
Nghe tiếng Bác mỉm cười đôn hậu
Nghe bước mình vững chãi tháng năm…
4.
Ôi những hàng ô-rô ta vẫn xén
Làm vui mắt mỗi người đi kháng chiến
Mỗi nét đơn sơ cũng đượm tình nhiều
Từ ánh nê-ông pha biếc buổi chiều
Đến hơi mưa trong khóm hoa màu tím
Gáy sách cũ xếp chồng như kỷ niệm
Lá thiếp mừng đám cưới mát trên tay
Bao điều không ai hay
Bỗng thấm thía giữa ngày chống Mỹ
Hà Nội bận dẫu không hề phút nghỉ
Vẫn còn nguyên phong thái hào hoa!
5.
Ở đây tôi bắt gặp hôm nay, tôi bắt gặp ngày qua,
Tôi bắt gặp những ngày chưa tới
Trong mỗi dáng người gặp vội
Đều chín muồi những dự định tương lai
Trong mỗi ba-lô quàng vai
Đều cất giữ kho tàng chưa mở hết
Như Hà Nội mười năm tôi đã biết
Sớm hôm nay vẫn lạ nét ban đầu!
6.
Sông Hồng ơi! Dông bão chẳng thay màu
Rùa thần thoại vẫn nhô lưng đội tháp
Chùa Một cột đổ trên đầu giặc Pháp
Lại nở xoè trọn vẹn đoá hoa sen
Dù nhiều điều tôi nhớ tôi quên
Nhưng Hà Nội trong tôi là vĩnh viễn
Dù mười năm, hai mươi năm kháng chiến
Hà Nội vẫn rèn sắt thép lòng tin
Dù quân thù bắn phá cuồng điên
Tim ta đỏ vẫn nguyên lành Hà Nội
…Ôi trái tim nóng hổi
Tôi về đây là thêm sức đi xa…
Hà Nội, 1967
EM VÀ TÔI
Em có nét buồn sâu như ngọn gió
Thổi lang thang qua năm tháng hao gầy,
Tôi có chút buồn xa như vạt cỏ
Khuất chìm sau cát bỏng đến chân mây
Khi quay lại nhìn nhau trong khoảnh khắc
Gió qua truông thương cỏ cháy ven trời
Chỉ em biết, cỏ rồi xanh mút mắt
Chỉ một mình em biết – cỏ là tôi!
Em có thể có gì xa cách lắm
Những ưu phiền chưa nói hết cùng tôi
Mưa sau núi trải về xa thẳm thẳm
Lối em đi, mù xoá dấu chân rồi…
Như gương mặt qua sa mù trở lại
Tươi như sương mà lãng đãng như sương
Có thể hoá hồ ly trong truyện cổ
Có thể hoá nàng tiên trong cuộc đời thường
Tôi chớp mắt nhìn phút giây huyễn hoặc
Em vẫn vô tâm, lặng lẽ như thiền
Nếu hoá nước, hẳn hoá nguồn trong suốt
Chỉ một mình tôi biết – đó là em!
1999
B.V
(Rút ra từ tuyển tập Thơ thế hệ nhà thơ chống Mỹ cứu nước – NXB Hội Nhà văn 2014)