BAY VỀ NÚI VIỄN SƠN – Truyện ngắn của Bão Vũ

Cây đa ấy có từ trước khi những cụ già nhất hiện nay ra đời, trước cả khi ông nội của các cụ ấy được sinh ra… Kể một câu chuyện cổ, thay cho câu mở đầu “ngày xửa ngày xưa”, người ta nói theo những cữ phát triển của cây đa: “Từ hồi cây đa Phụng Hạ mới cao đến bụng… Hồi cây đa thôn mình mới cao đến vai người…

 

 

Cây đa ấy có từ trước khi những cụ già nhất hiện nay ra đời, trước cả khi ông nội của các cụ ấy được sinh ra… Kể một câu chuyện cổ, thay cho câu mở đầu “ngày xửa ngày xưa”, người ta nói theo những cữ phát triển của cây đa: “Từ hồi cây đa Phụng Hạ mới cao đến bụng… Hồi cây đa thôn mình mới cao đến vai người…

Người chơi cây cảnh bắt chước tự nhiên, tạo ra những cây tý hon có hình dáng cầu kỳ, đẹp hơn cả cây tự nhiên. Còn cây đa đầu thôn Phụng Hạ là cây tự nhiên nhưng đẹp hơn cả những cây cảnh nhân tạo. Bảy gốc đa mọc rải đều trên một thửa đất rộng. Những cành cây có lớp vỏ mốc thếch như những con trăn lớn vắt ngang vươn ra các hướng. Có chạc cây cùng với các cành phụ rất giống hình gạc hươu.

Lũ trẻ thường leo trèo cưỡi trên lưng, trên cổ những con trăn, con hươu ấy. Chúng đuổi bắt, đánh trận giả, rồi nằm hóng gió trên cây. Người lớn đi qua, nhìn lên thấy mấy chú nhãi đang thoăn thoắt chuyền từ cành nọ sang cành kia, lo ngại quát: “Xuống ngay, lũ khỉ! Ngã giập mặt bây giờ!” Nhưng chẳng đứa nào nghe lời, bởi chưa thấy ai bị thương vì cây đa này. Cũng có đứa tuột tay ngã nhưng không hề hấn gì, bởi những cành cây trèo được thì có tầm thấp, còn đất dưới gốc cây rất mềm và cỏ rất êm. Cây đa hiền lành, không làm đau lũ trẻ.

Tôi, khi còn trẻ con cũng là một chú khỉ trong “lũ khỉ” ấy. Đến khi thành gã trai mười bảy, mười tám, tôi không trèo leo lên cây đa nữa. Chiều chiều, tôi theo các đàn anh trong thôn ra quán nước ông Lãng bên gốc đa ấy ngồi tán gẫu. Chúng tôi tranh nhau nói đủ mọi thứ chuyện linh tinh vớ vẩn, rồi sau cùng, bao giờ cũng nhường cho ông Lãng làm chủ câu chuyện chính. Ông Lãng có tài dẫn những mẩu chuyện vụn không đầu không đũa của chúng tôi vào một câu chuyện dài mạch lạc, có tình tiết hấp dẫn. Bọn tôi há miệng nghe chăm chú, tin, và rất thích thú. Khi về nhà, hoặc đến hôm sau chúng tôi mới nhận ra là ông phịa. Nhưng rồi lại vẫn nửa tin nửa ngờ vì những điều ông nói cũng có lý.

Ông Lãng rời làng từ khi còn trẻ. Gần hai mươi năm lang bạt khắp nơi, đến khi đứng tuổi mới về quê. Người thân chẳng còn ai. Ông xin phép dựng cái quán dưới gốc đa đầu thôn, ngày bán hàng nước với mấy thứ lặt vặt, đêm ngủ luôn trong quán. Nhìn khuôn mặt dãi dầu khắc khổ, chúng tôi gọi ông Lãng là “bố”. Cái quán của ông khiến lũ trai quê chúng tôi đỡ buồn.

Có lần thằng Bào, nhà làm thợ mộc trong thôn, hỏi ông Lãng:

– Hôm nọ nhà con giỗ tổ. Các cụ trong họ đến ăn cỗ, nói chuyện, bảo cây đa này do một cụ tổ nhà con trồng. Ban đầu cây đa thẳng đuỗn, đến đời các cụ nhà con sau này đã uốn nắn, chăm tỉa công phu mới thành cây đa đẹp như ngày nay. Bố có nghe thấy thế bao giờ không?

Gã đầu đàn của chúng tôi thêm vào:

– Đúng rồi. Hôm nọ tao thấy bố cu Bào cầm kéo trèo lên xén tỉa cành lá cây đa này.

Một gã khác ra vẻ quan trọng:

– Nó đã nói thế, nếu không ngăn chặn sớm, mấy hôm nữa, nó vác cưa ra hạ cây này xuống làm gỗ đóng đồ, là thôn mình mất toi cây đa…

Bào hốt hoảng:

– Ấy, không! Nếu đúng là cây đa này do cụ tổ tớ trồng thì nhà tớ sẽ hiến cho làng. Vì gỗ đa chẳng làm được việc gì cả.

Cả bọn được trận cười.

Cây đa ấy có từ trước khi những cụ già nhất hiện nay ra đời, trước cả khi ông nội của các cụ ấy được sinh ra… Kể một câu chuyện cổ, thay cho câu mở đầu “ngày xửa ngày xưa”, người ta nói theo những cữ phát triển của cây đa: “Từ hồi cây đa Phụng Hạ mới cao đến bụng… Hồi cây đa thôn mình mới cao đến vai người…”.

Một lần khác, chúng tôi hỏi nhau:

– Vì sao cây đa thôn mình có bảy gốc?

Không ai biết, đành bằng lòng với câu của gã đầu đàn: “Trời sinh thế!”.


Nhưng rồi ông Lãng đã trả lời câu hỏi ấy. Ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cây đa bảy gốc.

Làng Hiệp Phụng gồm bảy thôn có tên đầu là Phụng, gồm Phụng Đông, Phụng Nam, Phụng Bắc, Phụng Trung, Phụng Tây, Phụng Thượng và Phụng Hạ. Thôn Phụng Hạ của chúng tôi ở tách biệt các thôn khác, cách một khu đầm nước nước rộng. Phụng Hạ nhỏ hẹp, dân toàn những người từ nhiều nơi dạt đến, nghèo nhất làng. Cả thôn nhà tranh vách đất, chỉ mỗi nhà ông trưởng thôn xây gạch lợp ngói. Phụng Hạ thường bị các thôn khác kỳ thị gọi là dân “Phụng ngụ”, ý là thôn của dân ngụ cư. Các cuộc thi của hội làng Hiệp Phụng hằng năm, Phụng Hạ đều bị xếp hạng chót. Trai gái Phụng Hạ khó lấy vợ, lấy chồng thôn khác.

Hồi cây đa này mới chỉ có một thân chính cao chừng ba thước tây, một hôm có chàng trai dắt ông bố già ốm yếu đến Phụng Hạ xin được giúp đỡ. Trưởng thôn hỏi lai lịch. Chàng trai xưng tên là Phi, nói:“Bố con cháu từ mạn Thủy Tú, hoàn cảnh cơ nhỡ phải tha phương cầu thực, xin các ông bà cho nương nhờ”. Người trong thôn cũng toàn dân tứ xứ nên cảm thông, xẻ cho hơn sào đất công rìa thôn cho hai bố con, Phi dựng túp nhà tranh, sinh sống bằng nghề thợ mộc. Hơn năm sau, ông bố chết, còn mình Phi tự lo thân. Phi khỏe mạnh, khéo tay, chăm chỉ, lễ phép, thường được các bậc hương trưởng giao việc công trong thôn.

Một năm, các cụ bề trên trong thôn bàn nhau làm một cái diều sáo thật đặc biệt cho ngày hội làng. Phải làm cái diều thật kỳ vĩ để giật giải cao, cho thiên hạ hết khinh Phụng Hạ. “Thôn mình có ai biết làm diều sáo?” – Trưởng thôn hỏi. Không ai biết. Rồi có người sực nghĩ ra Phi là người Thủy Tú, đất diều. Trưởng thôn đến nhà Phi, hỏi. Mắt Phi sáng lên:

– Thưa ông, làm diều cũng là nghề của nhà con ạ. Bố con quê gốc ở Đại Trà mới chính là đất diều. Thủy Tú là quê mẹ con.

Trưởng thôn sửng sốt như thấy một kỳ nhân:

– Đại Trà chế diều bậc nhất Bắc Hà. Đúng là trời ban của quý là con cho thôn Phụng Hạ rồi. Ta giao cho con chủ sự việc làm diều. Nhân lực tiền bạc, vật tư… con cứ kê ra, ta sẽ cấp đủ. Thôn mình giật giải làng kỳ này, ta sẽ xin các cụ cấp thêm cho con hai sào ruộng nữa làm vốn cưới vợ.

– Dạ, con xin vâng.

Phụng Hạ lập “đội Diều” do Phi đứng đầu cùng những gã trai tháo vát, nhanh nhẹn.  Chuyện làm diều được giữ kín, ngay trong thôn cũng ít người biết.

Trước hội làng ba ngày, diều được làm xong. Chiếc diều vĩ đại bày ra chật cái sân gạch nhà trưởng thôn, hình dáng lạ lùng, không hề giống những diều thường từ trước đến nay. Đó là con chim đại bàng khổng lồ sải cánh dài đến hơn 8 thước tây. Xương diều bằng tre lựa chuốt, uốn cầu kỳ. Da diều là vải chúc bâu nhuộm củ nâu, khâu chỉ gai. Hệ dây chằng là sợi gai se, tẩm nến, tạo thành hình chiếc diều gân guốc căng thẳng, cứng cáp như có nội lực ngay khi còn nằm trên mặt đất.

Bộ sáo bằng ống tre và gỗ vàng tâm do một tay Phi đẽo gọt tỉ mỉ công phu, gồm 9 quả lớn nhỏ theo các bậc âm. Phi giảng giải, nghe rất lạ: “Bộ sáo này chế theo các âm: ầm, ì, bi, bu, bô, do, de, dídị. chia thành sáo cái, sáo nhì, sáo ba… Mỗi người chơi diều tinh thông có lối tính toán sắp xếp các ống sáo theo hợp âm riêng. Làm sáo phải biết thẩm âm, chỉ nghe qua là biết có chuẩn không. Lỗi một chút là có thể hỏng chất lượng cả bộ sáo. Sáo kêu lệch chuẩn là loại tầm thường, gọi là “sáo huýt chó”.

Phi cho thử diều, rồi tuyên bố: Diều thuần, không nghịch. Sáo chuẩn, đằm mà vang.

***

Lễ hội làng Hiệp Phụng diễn ra trên khu đồng bãi bên con đường đất liên thôn dẫn đến cây đa Phụng Hạ. Các thôn đem những vật phẩm, tiết mục đặc sắc đến dự, như cuộc đấu xảo. Phụng Đông là thôn trồng hoa, có những chậu hoa cảnh đủ màu sắc kiểu dáng, mùi hương ngát lừng. Phụng Nam nghề đan lưới cá, đã dựng hệ dàn khung treo các tấm lưới nhiều màu sắc với các cỡ, các kiểu mắt lưới tinh vi đan bằng các loại tơ, cước, đay gai. Phụng Bắc trình bày các món ăn quê được chế biến lạ miệng mà đẹp mắt. Phụng Trung có nghề làm giả sơn, trưng những bể cảnh tinh tế, kỳ thú. Phụng Tây đem ra những cây cảnh quý hiếm đủ hình dạng lạ lẫm. Phụng Thượng có dàn đồng ca nhà thờ Thiên Chúa và đội nhạc Tây với các loại kèn trống kim loại sáng chóe, năm nào cũng làm vang động cả lễ hội bằng những bài thánh ca, nhạc lễ.

Thôn Phụng Hạ, như mọi năm, ở thế nhược tiểu, vào nhập hội sau cùng. Năm nay, những gã trai của Đội Diều đầu quấn khăn vàng, thắt lưng điều, khiêng trên vai chiếc diều kỳ vĩ hình khổng tước hiên ngang tiến vào bãi trong tiếng trống hiệu rầm rập. Cả làng trầm trồ thán phục vóc dáng phi thường của chiếc diều với bộ sáo lớn sơn đỏ dựng trên đầu diều như cỗ mào của con đại bàng khổng lồ sắp vỗ cánh bay vụt lên.

Trưởng thôn Phụng Hạ thắp hương bàn thờ lễ hội, trịnh trọng vái các vị chức sắc và bô lão làng Hiệp Phụng, xin phép thăng diều.

Lựa gió, Phi cho tung diều. Trống hiệu thúc vang. Chiếc diều lừng lững bay lên theo một đường dốc. Mấy gã trai lực lưỡng cầm dây chạy diều. Phi nới dây, chiếc diều lên cao dần. Gió bỗng như hụt hơi. Chiếc diều loạng choạng chúc xuống. Mọi người thót tim. Phi bình tĩnh nắm dây giật mồi cho diều vững lại. Cơn gió tiếp theo đến kịp. Diều lại lên. Cuộn dây to bằng cái rổ lớn vơi dần. Chiếc diều lên hết chừng ba phần tư cuộn dây, đến cữ  nút đánh dấu đúng ba trăm thước ta, Phi cho đứng lại. Lúc này, được gió, bộ sáo phối âm cất tiếng của một dàn đồng ca từ trời cao vọng xuống. Đội thánh ca nhà thờ Phụng Thượng sửng sốt dừng các nhạc khí của họ, cùng ngước lên trời nhìn chiếc diều, lặng nghe hợp âm du dương mê hồn của dàn sáo với vẻ thành kính như ngưỡng mộ đấng thiên thần đang ngự trên cao. Khi gió giật hay đổi hướng, cánh diều lắc khẽ, bộ sáo đổi hợp âm, khi êm dịu mơ hồ, khi lảnh lót rành rọt. Đấy là cách Phi chế thêm những lưỡi gà ở miệng sáo, khác với sáo diều thường.

Cả làng trầm trồ thán phục. Hình dáng và âm thanh của chiếc diều khổng tước đã chinh phục ban giám khảo lễ hội. Các vị hạ bút chấm giải thượng hạng cho Phụng Hạ.

Quá Ngọ, kết mục Hội thí, trưởng thôn Phụng Hạ lên nhận thưởng rồi cho dong diều về thôn. Dân thôn theo về thành đám rước. Khi gần đến cây đa, một cơn gió mạnh tràn đến, chiếc diều vùng vằng như con ngựa bất kham kéo căng dây. Đội Diều hò nhau ghì diều xuống. Chiếc diều vùng vẫy  tức giận. Phi chạy lên hàng đầu, nắm chặt dây gào lên: “Thả dần ra dụ cho nó yên.” Đội Diều làm theo. Con diều bốc lên gần hết cuộn dây. Nhưng trên cao gió càng mạnh, chiếc diều hung dữ hơn, lồng lộn muốn dứt đứt dây.

Đã đến gốc đa đầu thôn. Phi thét: “Cột vào cây đa!” rồi anh cắn sợi dây đu lên chỗ chạc cây cao chừng hơn đầu người. Sợi dây thít ghì ngực Phi vào thân cây, làm anh đau quá nhăn mặt ú ớ. Cả đội Diều hốt hoảng buông dây. Phi quàng buộc vội được một vòng dây vào chạc cây thì chiếc diều hung hãn đã giật đứt cả ngọn cây đa vụt bay lên cao kéo theo Phi, miệng vẫn cắn chặt sợi dây.

Mọi người nhìn rõ con diều vùn vụt bay đi kéo theo anh chàng Phi dần nhỏ xíu, cho đến khi bằng một ngón tay. Cảnh tượng thật đáng sợ. Chiếc diều cuốn Phi bay về hướng núi Viễn Sơn xanh mờ.

Cả thôn khiếp hãi, nhốn nháo. Mãi sau, một cụ già thở dài:

– Cao như thế, buông ra rơi xuống là chết. Mà cố bám đến khi diều rơi cũng chết! Thôi, nếu ba ngày nữa không thấy tin gì thì lấy ngày này làm giỗ, cả thôn đóng góp lo cho anh ta.

Mọi người ngẩn ngơ bên cây đa cụt ngọn một lúc lâu.

Rồi thời gian và những chuyện đời khác khiến người ta dần quên câu chuyện. Cây đa cụt ngọn đã trổ những cành ngang. Từ các cành ấy, những bộ rễ buông xuống đất phát triển thành các thân cây phụ, làm cho cây đa có hình dáng kỳ vĩ ngoạn mục.

Nhiều năm sau… một hôm, có người đàn ông tóc bạc trắng đi vào thôn Phụng Hạ. Dân trong thôn không ai nhận ra, cho đến khi người đàn ông nói mình là anh chàng Phi năm xưa.

Phi kể qua câu chuyện của mình:

Chiếc diều lôi Phi lên cao. Phi cố tìm cách thoát chết. Anh buộc chặt dây diều quanh người rồi nắm sợi dây điều khiển cho chiếc diều bay thật vững. Gió cuốn Phi đến mạn Viễn Sơn, bay qua rặng núi thì gặp cơn mưa. Chiếc diều ướt sũng hạ xuống một thung lũng tràn ngập những cây hoa đào, thứ hoa đào màu trắng thanh giống hoa mai. Phi rơi xuống những cành đào mềm mại và lớp hoa đào rụng êm ái như tấm đệm, không thương tích gì. Phi đi sâu vào thung lũng, gặp một bản làng hẻo lánh nhưng trù phú. Dân gọi là bản Đào Động. Người ở đây chất phác tốt bụng đã nuôi dưỡng Phi. Anh lưu lại đấy, tự chế lấy đồ nghề mộc để sinh sống. Người trong bản quý mến anh. Rồi Phi được một nhà phú ông gả cho cô gái út xinh đẹp. Vợ Phi sinh đôi hai đứa con trai kháu khỉnh. Tháng trước, Phi lần tìm lối ra khỏi thung lũng, tìm xuống vùng xuôi đổi quần áo cho vợ con và kiếm mấy thứ đồ cần thiết cho nghề mộc. Nhưng đến khi về thì Phi lạc lối, luẩn quẩn trên những đường mòn giữa núi non trập trùng, không sao tìm lại được lối cũ. Loay hoay mãi phải bán hết mọi thứ để ăn  đường mà vẫn không về được nhà. Trạnh nhớ tới Phụng Hạ, Phi trở về thôn xưa, định tá túc tạm rồi sẽ lại tìm đường về Đào Động. Ở lại Phụng Hạ nhưng Phi bồn chồn không yên. Ít lâu sau, một đêm, Phi lặng lẽ bỏ đi. Từ đó chẳng ai biết gì về Phi nữa.

Chúng tôi ngồi thừ ra ngẫm nghĩ về câu chuyện của ông Lãng. Rồi vẫn là thằng cu Bào, nhà thợ mộc rụt rè nói:

– Cứ như bố nói thì có lẽ cụ Phi ấy là cụ tổ nhà con, vì cũng là thợ mộc.

Lại là gã đầu đàn của chúng tôi mắng Bào:

– Thằng đần. Cụ ấy đi khỏi làng từ hồi đó thì làm sao sinh con đẻ cháu để thành cụ tổ nhà mày ở Phụng Hạ? Mà liệu chuyện bố Lãng kể có thật không?

Chúng tôi lại cười phá lên, rồi giải tán, và như mọi lần, trong lòng vẫn bán tín bán nghi câu chuyện của ông Lãng.

***

Chiều hai mươi tám tết, chúng tôi vẫn kéo nhau ra quán ông Lãng. Toàn một lũ trốn việc. Gần tết, nhà nào cũng có hàng đống việc đổ xuống đầu bọn trai trẻ.

Ngoài trời mưa bụi. Bọn tôi đang ầm ỹ về những chuyện linh tinh như thường ngày thì một thiếu phụ rất xinh xắn chừng ngoài ba mươi tuổi mặc chiếc áo bông xanh chấm hoa, vai đeo túi vải, tay cầm cây hoa đào có gốc bồng, bước vào quán. Cây đào thế rất đẹp, hoa màu trắng rất lạ mắt. Ông Lãng sững sờ nhìn chị ta. Chúng tôi ngồi dồn vào, nhường ghế. Chị áo xanh vẫn đứng nhìn ông Lãng đăm đăm, rồi chợt đưa tay bưng mặt, nói trong nước mắt:

– Em xin lỗi. Mình về với các con đi.

Một lát sau, ông Lãng nói:

– Tôi kém cỏi không làm vợ con được đầy đủ như người ta thì… cứ như thế này vậy.

– Thôi, em đã xin lỗi rồi mà. Còn thằng Du, con Hà nữa, chúng nó suốt ngày khóc lóc trách móc, bảo tại mẹ ác nên bố bỏ đi. Em phải hứa sẽ tìm anh về. Tiền chẳng có, dịp Tết cầm theo dăm cây đào cảnh bán ăn đường.

Chuyện có vẻ nghiêm trọng, chúng tôi nháy nhau đứng lên, khẽ chào “cô chú” rồi lục tục ra về. Trời vẫn lấm tấm mưa bụi. Mưa xuân. Qua gốc đa, gã đầu đàn khẽ nói với chúng tôi:

– Này, chúng mày biết không, chuyện cụ Phi chính là chuyện bố Lãng. Nhưng bố ấy không đu dây diều bay đến núi Viễn Sơn. Bố lang thang đến Đào Động, lấy chị này. Sau, lủng củng gì đó, bố bỏ về làng mình. Chị vợ đi tìm dò la mãi mới tóm lại được.

Vẫn cu Bào thợ mộc chuyên nói vớ vẩn:

– Chị ấy đẹp thật! Liệu chúng mình bỏ về, quán vắng vẻ, bố Lãng có “thơm” chị ấy không?

Chúng tôi lại cười, rồi ngơ ngẩn:

– Bố Lãng theo chị kia đi thì chẳng còn ai nói chuyện với cánh mình nữa. Buồn!

Nhưng ông Lãng không đi đâu cả. Ông đưa vợ con về Phụng Hạ, nới rộng cái quán nước. Đầu quán trồng cây đào hoa trắng. Chị vợ mở hàng may sửa quần áo. Cũng bởi chị ấy cầm cây đào hoa trắng đến đây mà gã đầu đàn của chúng tôi bảo chị ta là người ở thung lũng Đào Động, mạn Viễn Sơn, nơi chiếc diều khổng tước của anh chàng thợ mộc hạ cánh.

B. V

Giáp Xuân Mậu Tuất

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder