Dũng hồ hởi khoe: “Ở Hà Thành có một người sưu tầm đồ cổ nổi tiếng”…
Truyện ngắn của Phạm Xuân Hiếu
Dũng hồ hởi khoe: “Ở Hà Thành có một người sưu tầm đồ cổ nổi tiếng”. Huấn đặt chén rượu xuống bàn giọng nhạt nhẽo: “Bây giờ ở đâu cũng có người chơi đồ cổ nổi tiếng, cứ gì phải đất Hà Thành. Vấn đề là họ chơi đồ gì? Có giá trị văn hoá, nghệ thuật, kinh tế không? Có danh, giá, nguồn gốc xuất xứ, được giới chơi tôn vinh không hay chỉ là ngộ nhận!”. Dũng khẳng định: “Nếu người bình thường thì Dũng khoe với Huấn làm gì, ở đó có nhiều đồ đáng để Huấn nghiên cứu, mở rộng tầm nhìn”. Huấn cười: “Dũng nói có quá lời không đấy”. Dũng xua tay: “Sao Dũng dám ba hoa với Huấn như người mới tập chơi, còn thiếu tư duy, giả thật chưa tường, mua bán chờn vờn, nói năng thiếu suy nghĩ”. Huấn vỗ vai Dũng giọng đàn anh: “Đã biết thế, đừng khoe nữa. Huấn đã từng đến nhiều bảo tàng trên thế giới, xem nhiều đồ nổi tiếng của những người nổi tiếng khắp các miền. Chiêm nghiệm nhiều chuyện trong thế giới cổ vật cao sang, ma mãnh nhưng luôn hấp dẫn người chơi”.
Người nổi tiếng Hà Thành là La Vương, ông đã được báo chí trong nước và nước ngoài giới thiệu những món đồ qúy. Huấn chưa có dịp được mục sở thị, rất muốn đến chiêm ngưỡng nhưng còn giả bộ làm ngơ. Thấy Huấn hững hờ, Dũng đứng lên hai tay chống nách, đi lại, mặt vênh vênh đỏ như say rượu: “Dũng đánh cuộc với Huấn nếu người này không xứng đáng để Huấn xem, Dũng sẽ chịu phạt một chuyến du lịch Bắc Kinh ngắm Vạn Lý Trường Thành, xây dựng từ thời Tần Thuỷ Hoàng, thăm kho cổ vật của Hoà Đại Nhân thời Càn Long, thế đã được chưa?” Huấn lắc đầu: “Hai nơi đó, Huấn đã đến cả rồi, đi nơi nào mới lạ hơn?”. Dũng dịu giọng: “Được mai chúng mình đi xem nơi mới lạ hơn. Thật đấy, không uổng công đâu”.
Như hẹn, mấy hôm sau, Dũng kiếm một chiếc xe máy cà tàng chở Huấn đến nhà chơi đồ cổ nổi tiếng ở 22 Lạc Long Quân, Hà Thành. Dũng bấm chuông, một người đàn ông khó đoán tuổi, da trắng, trán cao, mắt sáng mặc bộ bà ba xanh trứng sáo ra mời hai người vào nhà.
Dũng giới thiệu: “Đây là Huấn bạn em, nhà sưu tầm, nghiên cứu cổ vật lâu năm”. Ông Vương thoáng nhìn Huấn dò xét. Còn Huấn, ngỡ ngàng vì nhiều đồ đồng, đồ sứ xếp chồng chồng, lớp lớp sát nhau. Dũng len chân ngồi vào ghế. Huấn lách qua những pho tượng đồng đen, đồng vàng đứng ngồi cao, thấp hơn đầu người. Đến bên cặp ngà hình cung đối nhau, to như hai cây chuối bóc nõn đặt trên giá gỗ chạm long ly. Quả danh bất hư truyền, cặp ngà khổng lồ. Huấn chưa nhìn thấy cặp ngà nào to đẹp hơn. Hồi giải phóng Sài Gòn, khi vào dinh Độc Lập. Huấn được xem cặp ngà nặng vài chục ký đã thấy khủng khiếp, bây giờ nhìn cặp ngà 125 kg, mới thấy tầm hiểu biết của mình hạn hẹp quá.
Huấn vuốt cặp ngà tìm lạc khoản. Ông Vương đến bên giới thiệu: “Ngày tôi sang Châu Phi, Bộ ngoại giao họ tặng cặp này. Còn một cặp nữa to hơn, do tổng tham mưu trưởng quân đội zambia tặng bày trên gác. Đó là cặp ngà cổ, màu cánh dán vàng óng, đẹp long lanh”.
Huấn mải xem, quên cả uống nước, Dũng ra kéo tay: “Huấn chả lịch sự chút nào, vừa vào nhà, mắt đã liếc ngang, liếc dọc như đạo chích, chui rúc sờ lần, ra uống nước đã”. Huấn bị mắng cũng không oan. Bởi thú đam mê của người chơi đồ cổ ai cũng thế, bị hút hồn mỗi khi bắt gặp món đồ đẹp. Huống hồ Huấn, người luôn kiếm tìm những huyền bí còn tiềm ẩn trong nền văn hóa cổ xưa.
Huấn nâng chén trà nguội, Dũng lại thao thao: “Bạn em, đam mê nghiên cứu đồ cổ nhiều lần quên ăn mà không thấy đói. Hôm nay đến đây muốn được xem nhiều cổ vật đẹp, được thưởng ngoạn tiếng linh ngân Bạch Ngọc Mô Ni”. Ông Vương cười: “Uống nước đã. Tôi nghe tên anh rồi, cùng là dân sưu tầm, bảo tồn cổ vật cả”. Như vậy, ông đã thông cảm! Huấn thầm cảm phục nhà tình báo già trong quân đội nghỉ hưu, có được nhiều bộ sưu tầm cổ vật. Chắc ông cũng cần chia sẻ thú chơi với những người cùng hội cùng thuyền “Chu tầm chu, mã tầm mã”.
Ông Vương dẫn Huấn xuống tầng hầm, tầng bày toàn đồ kim khí, đồ tuỳ táng. Trên các giá ngổn ngang nồi xoong, gươm giáo, cung nỏ mũi tên đồng… toàn đồ cổ khai quật khu địa táng các chiến binh. Không biết ông sưu tầm từ bao giờ mà nhiều thế. Gần bốn trăm chiếc trống đồng to, nhỏ chồng xếp lên nhau gần hết nửa gian kho rộng lớn.
Tầng ba, tầng tư bày đồ sứ, đồ trang phục. Tầng năm, bày tranh và những đồ được chế tác từ ngọc, đá quý, ngà voi tê giác, hổ phách… chưa được sắp đặt theo chủng loại. Tất cả đều dồn xếp trong các hòm, tráp, tủ ba huy, két sắt… nhiều pho tượng quý đặt dưới nền nhà.
Huấn tiến về chiếc tíu được bày đẹp nhất trong căn nhà năm tầng cổ vật. Ông Vương đi theo, giới thiệu pho tượng Quan Âm cao chừng 30 cm bằng vàng ròng, nặng ngoài hai chục ký, ngồi trên bệ gỗ chạm khảm đen bóng. Phía trước là chiếc chuông bằng đá ngọc giống chiếc bát cao thành, đặt trên chiếc kỷ. Hai bên treo hai bức tranh phù điêu, khổ 40×50, nặng 14 kg, 16 kg bằng vàng ròng.
Huấn chú ý chiếc chuông, ông giới thiệu: “Đây là chiếc chuông Bạch Ngọc Mô Ni quý lắm, đặt tạm thế này được chưa?” Huấn phụ hoạ theo: “ Chắc chuông đặc biệt mới được bày trân trọng thế này?”. Ông ghé sát tai, nói nhỏ: “Người nước ngoài trả triệu đô rồi đấy”. Để chứng minh giá trị đích thực, ông rút chiếc dùi gỗ nhỏ cắm trong ống bút gõ vào thành: “Boong”. Tiếng linh ngân rung trong không trung như những nốt dương cầm. Ông trầm giọng: “Anh đoán không nhầm, chiếc chuông này còn nhiều điều kỳ diệu hơn anh tưởng. Ba tiếng“boong… boong…boong…”Âm thanh ngân nga to, nhỏ, trầm, bổng hoàn toàn phụ thuộc theo chiếc dùi gỗ quay tròn xa gần xung quanh chuông… Tất cả bị thôi miên, mọi rung động chỉ dừng, khi chiếc dùi ngừng quay, giống người nhạc công ngừng gẩy giây đàn. Dũng kéo áo Hiền đang bần thần thốt lên: “Kỳ lạ quá! Kỳ lạ quá”. Huấn không ngỡ ngàng vì nhận ra chiếc chuông kỳ lạ này trong câu chuyện người thầy kể hồi đi thực tập nghiên cứu khảo cổ học miền sơn cước. Thấm thoắt gần bốn thập niên, không ngờ hôm nay Huấn lại được nhìn tận mắt, sờ tận tay chiếc chuông huyền bí đã mất tích nhiều lần trên giang hồ .
***
Nguồn gốc câu chuyện không biết có được thêu dệt thêm cho ly kỳ hay không nhưng nội dung Huấn nghe được như thế này: Vùng núi Tản Vân quanh năm mây mù, phủ tuyết, hiếm thấy ánh mặt trời. Dân ở đây theo đạo Hin Đu, chuyên nghề săn bắn, hái thuốc. ở đó có quán cơm Thành Tâm nổi tiếng đông khách. Một hôm, xuất hiện vị Đạo Sỹ râu dài, cao, gầy, da xám đen, mắt sáng xanh vào quán, ngồi bàn góc, dáng vẻ huyền bí, mắt đảo khắp phòng, chăm chú nhìn về phía bàn bên,
Bàn có nhiều người, cười nói ồn ào, thức ăn bày kín bàn, tiếng ly chạm nhau “cạch, cạch”. Giữa bàn là chiếc bát bằng đá không hợp với bộ đồ ăn. Chủ quán thường mang ra chiêu khách mỗi khi được yêu cầu. Ngoài vẻ kỳ lạ bên ngoài, chiếc bát còn có đặc tính giữ nhiệt nên thu hút khách. Lời đồn: “Ai biếng ăn, khó ngủ dùng nước canh nóng đựng trong chiếc bát đá sẽ ăn ngon, ngủ say…”. Nhiều người tò mò đến kiểm nghiệm. Họ còn truyền tai nhau điều cấm kỵ trong khi dùng: không được va chạm vào thành bát. Nếu tạo ra âm thanh dù nhỏ vang lên, tác dụng sẽ ngược lại, những người ăn bữa đó về nhà đều đau đầu, nôn mửa.
Vị Đạo Sỹ đi du hành qua, linh cảm có điều lạ, vào quán cơm gọi mấy món ngồi quan sát. Từ bàn giữa, nhiều luồng hào khí rung lên u uất. Lắng nghe, ngắm tìm, Đạo Sỹ phát hiện thanh khí phát ra từng luồng từ chiếc bát đựng canh ở bàn giữa, liền đứng lên gọi chủ quán lại: “ Anh bê chiếc bát đựng canh kia lại đây”. Chủ quán ngơ ngác: “Không được. Ngài muốn dùng canh con mang bát khác?” Đạo Sỹ nghiêm giọng: “Không được, ta bảo mang chiếc bát kia lại đây”. Những người ngồi quanh bàn bị xúc phạm, quay cả lại nhìn Đạo Sỹ. Một người cao nghều xấn sổ: “Tên Đạo Sỹ già từ đâu đến đây? Muốn gì ? Định phá bữa của chúng tao hả?”
Đạo Sỹ cúi người, ngoáy ngón tay trỏ, múa bàn tay phải miệng lẩm bẩm đọc thần chú rồi quát lớn: “ Các người muốn sống, mang ngay chiếc bát lại đây!” Từ bàn bên, một tên to béo mặt đỏ gay, mắt lơ láo khệnh khạng bê chiếc bát đặt trước mặt Đạo Sỹ, tay trái túm cổ áo, tay phải vung lên: “Mày muốn gì?” Đạo Sỹ búng nhẹ vào thành bát, tên béo, giơ tay lên định đánh Đạo Sỹ nhưng không cử động được, người ngay như phỗng, trước sự chứng kiến của nhiều người ngồi im như bị điểm huyệt.
Đạo Sỹ đặt tay trước ngực: “Mô Phật! Mô Phật. Phạm thượng! Phạm thượng!”. Đám người vừa chết lặng nhìn Đạo Sỹ mang chiếc bát đi rửa, rồi nhẹ nhàng đặt trên bàn, xoay tròn tứ phía, lật đáy lên xem, đưa lên soi. Ngắm đường tròn tam cấp chạm hoa văn li ti, trầm giọng đọc bài thơ khắc bên thành: “Thiên nhập nhân, địa nhập linh…”. Phía dưới bài thơ là hai triện vuông to, nhỏ sát nhau niên đại mờ nhạt. Đạo Sỹ nghiêm nét mặt nhìn chủ quán đang đứng lặng: “Đây là chiếc chuông Bạch Ngọc Mô Ni nổi tiếng huyền bí. Khi âm thanh phát ra đều có thần khí vui buồn, tuỳ thuộc vào tình cảm người gõ chuông cầu nguyện. Chỉ cần nghe tiếng linh ngân là có thể hiểu được tâm địa của người gõ. Vì âm khí nhiều linh hồn đã hoà nhập vào chuông thành tinh khí nên chuông có nhiều đặc tính kỳ lạ, chịu nhiều biến cố thăng trầm của xã hội, luôn ẩn hiện trên giang hồ.
Đạo Sỹ kể đến đó, vẫy chủ quán: “Sao Bạch Ngọc Mô Ni lại ở quán này?”. Chủ quán chắp hai tay: “Con vô tình. Có người mang cho”. Đạo Sỹ quát: “Vô tình làm sao? Kể lại đầu đuôi”. Chủ quán run như cầy sấy, miệng lắp bắp:
Con theo đạo Phật, không hợp với người trong vùng nên bỏ làng ra mở quán bên vệ đường. Ngày quán còn thưa vắng khách, một buổi sớm, có tiếng gọi, đập cửa “ình… ình”. Một người đàn ông đứng liêu xiêu như không còn sức, quần áo tả tơi, vai đeo súng săn, tay, chân bê bết máu, thều thào: “Giúp với!”. Con đỡ anh ta vào nhà. Uống cạn bát nước anh ta lại hỏi: “Có gì ăn không?” Con lắc đầu. Anh ta ôm bụng. Thương tình con đưa khẩu phần trưa. Ăn xong, anh ta lục tìm các túi không tiền, tần ngần đứng một hồi rồi tháo khẩu súng trên vai đưa cho con: “Tôi đặt khẩu súng này, hai ngày sau lại chuộc”. Con giẫy nẩy: “Chiếc bánh có đáng là bao. Anh đừng làm thế, thôi về đi!”. Anh thợ săn đặt khẩu súng. Nhưng con dứt khoát không cầm. Hai người đưa đi, đẩy lại, cuối cùng anh buông một câu: “Thôi được, mấy hôm nữa tôi trả tiền” .
Ít ngày sau, anh ta trở lại, mặt vẫn sưng, vai không súng, tay cầm bát, không phải- chiếc chuông bước vào nhà, ngồi bần thần, giọng lí nhí thanh minh: “Tôi thất hứa nhưng nhà không còn đồng nào. Mấy tuần nay đi săn không được, lại bị gấu tát gần chết. Tôi có cái bát này mang cho anh, để ở nhà tôi cũng phí”. Con bảo: “Anh mang về đi, tôi lấy làm gì?” Anh ta vò đầu : “Nhà tôi cũng không để làm gì? Anh dùng tiện hơn”. Con đặt chiếc bát vào chạn, hỏi anh lấy ở đâu ra chiếc bát lạ thế này? Anh ta kể:
“Một đêm đi săn, tôi bắn con chồn trắng bị thương, nó chạy vào hang. Tôi đuổi theo, không biết nó chui đường nào? Hang rộng, sâu thăm thẳm, nhiều ngách, lạnh rờn rợn. Tôi soi đèn nhìn quanh, thấy chiếc bát phát sáng đẹp như sao trong vách hang. Tôi cầm về để ở xó nhà, đêm đêm soi đèn không thấy sáng nữa. Để mãi không biết làm gì? Nên mang lại đây”. Chủ quán kể tiếp:
Từ ngày có bát, khách đến ăn uống nhiều hơn. Một hôm thiếu bát, con liều mang bát đá múc canh. Từ đó, quen lệ hay lấy ra dùng. Rồi ngẫu nhiên phát hiện ra nước canh đựng trong bát nóng rất lâu, gần như không ngưội.
Đạo Sỹ ngắt lời: “Phúc cho nhà ngươi, vì không biết nên dùng bừa. Nếu không, đã khuynh gia bại sản từ lâu rồi, không được như ngày hôm nay. Ngươi có tin không?”. Chủ quán run rẩy lắp bắp: “Con tin. Con tin”. Vị Đạo Sỹ múa hai tay, lấy bút viết mấy chữ đặt trong chuông, ghé tai nói nhỏ với chủ quán rồi bước vội ra cửa. Chủ quán đứng lặng một lát, chạy theo nhưng không biết Đạo Sỹ đi đường nào? Nhanh như bóng ma. Chiếc chuông được đặt lên ban thờ.
Đúng ba mươi ngày sau, theo lời dặn: 12 giờ đêm, thắp ba nén nhang, vái ba vái, chờ hương tàn một nửa, gõ ba tiếng, đứng bên cửa sổ. Quả nhiên, một lúc sau, ngoài đầu nhà nghe rõ hai tiếng rơi “bịch, bịch”. Tiếng bước chân giẫm lá lạo xạo. Chủ quán ngó qua khe cửa. Hai bóng đen biến vào vườn cây, khi ra xem, thấy búa, đục và mấy thứ đồ khoét ngạch dưới gốc cây gạo của bọn đạo tặc.
Từ đó, quán thưa vắng khách dần, một tháng sau, mọi người ngơ ngác thấy quán đóng cửa, không biết chủ nhân đi đâu? Câu chuyện chiếc chuông chỉ còn lời đồn đại.
***
Hồi ấy, Huấn nghe chuyện tưởng thầy bịa cho vui. Làm gì trên đời lại có chiếc chuông kỳ lạ như thế? Bây giờ được xem tận mắt, sờ tận tay, nhưng trong thâm tâm vẫn nghi hoặc chưa tin chiếc chuông lại ở đây? Tại sao ông La Vương có?
Huấn muốn được nghiên cứu, thử nghiệm chất liệu, chế tác, tiếng linh ngân theo phương pháp riêng của mình, nhưng không dám hỏi, sợ vô lễ. Huấn đứng tần ngần ngắm Bạch Ngọc Mô Ni .
Đoán được tâm trạng Huấn, ông La Vương đưa chiếc đen pin giục: “Anh gõ một tiếng rồi soi từ trong ra ngoài“. Ý ông muốn kiểm nghiệm tiếng linh ngân với người không tin ma thuật. Huấn làm theo. Quả nhiên thấy điều kỳ diệu, mầu bạch ngọc biến thành mầu hồng. Nhìn kỹ, có rất nhiều tia đỏ nhỏ li ti dài ngắn đan xen nhau, chờn vờn như ảo ảnh.
Huấn gõ liền mấy tiếng, âm thanh ngân dồn dập. Những tia màu hồng rung rinh tạo thành mảng màu huyết dụ. Quay tròn chiếc dùi, màu hồng biến thành màu trắng trong suốt. Hết âm thanh, chuông lại trở về mầu bạch ngọc. Màu sắc biến thiên lạ thường khiến Huấn hoa mắt, choáng váng quay lại nhìn Dũng đang lảo đảo: Dũng làm sao? Dũng đỡ Huấn: Có sao đâu?
Từ trước tới nay, Huấn đi xem lên đồng, hầu bóng, gọi hồn, chưa bao giờ thấy tâm trạng như thế này. Cả khi khai quật, bật nắp quan tài, vào hang, động u ám đào xới hài cốt, đầu óc vẫn minh mẫn.
Tiếng chuông ngừng vang, Huấn bừng tỉnh giọng tò mò: “Ông Vương thứ lỗi! Chiếc chuông này ông mua có đắt không? Câu hỏi ngớ ngẩn, ông La Vương thản nhiên: “Tôi không sưu tầm, cũng không mua. Trời Phật xui khiến, ngẫu nhiên có cơ duyên nhận chiếc chuông này”.
***
Rồi ông kể: “Mấy năm trước, tôi tổ chức triển lãm trên trăm pho tượng Phật bằng các chất liệu: gỗ, đá, gốm sứ, đồng, vàng, ngọc… chạm đúc tinh vi của nhiều triều đại trong, ngoài nước, được sưu tầm nhiều năm. Lần đầu tiên trưng bày tại bảo tàng lịch sử. Sắp đến ngày bế mạc, tôi nhận được cuộc điện thoại của anh bảo vệ nhắn đến triển lãm, có người cần gặp.
Tôi đến, khách đã đi. Anh bảo vệ trao cho chiếc hộp kể lại: Có một người đàn bà ngoài 60 tuổi, đến thăm triển lãm nhiều ngày liền. Bà ta đứng rất lâu trước các pho tượng Phật, vẻ mặt buồn, thái độ lạ, khác người xem bình thường. Chiều nay bà lại đến. Tay ôm chiếc hộp, rụt rè tìm gặp người chủ bộ sưu tập tượng. Em bảo: Bà nhắn gì? Em gọi điện… Bà ta đồng ý đợi, rồi thay đổi ý. Trước khi đi, có trao lại chiếc hộp này, dặn đi, dặn lại: phải đưa tận tay cho chủ nhân những pho tượng.
Tôi cầm về nhà, mở hộp ra, thấy chiếc bát đá, tưởng bình thường nên không ngắm kỹ, đặt luôn vào giá. Bụng thầm nghĩ: bà nào lại tặng chiếc bát nặng chịch thế này? Để làm gì? Rồi bận viêc quên đi.
Nhiều đêm, tôi thao thức nghe tiếng chuông ngân, lòng bồn chồn như có người xui khiến, tôi dậy ngắm đồ, sờ lần… cầm chiếc bát đá lên xem. Tôi chợt nhận ra không phải là bát. Bởi bát không cao thành, chân không tiện tam cấp, không chạm hoa văn cầu kỳ, tạo dáng như vậy. Tôi búng vào thành, tiếng vang kỳ lạ. Chuông. Nhưng chuông gì? Đặt ở đâu? Gõ kiểu gì?… Cứ vậy tôi suy đoán, mường tượng rồi thiếp đi.
Ngày hôm sau có đoàn nhà sư Tây Tạng đến thăm, bàn về Phật giáo. Tôi kể chuyện chiếc chuông. Vị Đại Sư đòi xem ngay, tôi dẫn lên gác. Vừa nhìn thấy Bạch Ngọc Mô Ni Đại Sư chắp tay: “Mô Phật! Mô Phật! Hồng phúc, hồng phúc” rồi giải thích, chứng minh cho tôi cùng mọi người xem những đặc tính kỳ lạ của chiếc chuông Bạch Ngọc Mô Ni. Đại Sư bảo: “Quý vật tìm ông. vì ông có tâm với Phật”. Đến lúc đó tôi mới biết hết những bí ẩn kỳ diệu của chiếc chuông Bạch Ngọc Mô Ni. Tôi đặt bên tượng Phật và hai bức tranh quý này. Ông La Vương nhìn Dũng và Huấn ý hỏi : “Có kỳ lạ không?”
Thế là rõ. Dũng cúi đầu. Huấn chắp hai tay: “Mô Phật. Mô Phật. Nếu không nhìn, nghe kể khó tin. Chúng em hỏi khí không phải, sau này ông định sử dụng chiếc chuông như thế nào?”. Ông Vương cười, nụ cười sảng khoái: “Hai anh biết cả rồi. Tôi là người theo Phật, có tâm có phúc mới sưu tầm được những cổ vật quý hiếm này, ý nguyện của tôi: tìm một nơi long mạch tốt xây bảo tàng Phật giáo. Dựng chiếc tháp cao chín tầng, đặt chiếc chuông Bạch Ngọc Mô Ni trên đó để những người có tâm lên cầu nguyện”.
Huấn cúi đầu tâm tưởng trong cõi hư vô, tiếng linh ngân sẽ mang lại thanh thản cho nhiều tâm hồn.
PXH