Phạm Đình Trọng người làng Khinh Dao, huyện Giáp Sơn, trấn Hải Dương ( nay là huyện An Dương, thuộc Thành phố Hải Phòng). Ông sinh vào gờ Tý, ngày 22 tháng 2 năm Giáp Ngọ, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 10 (tức năm 1714). Dung mạo giống thần Ngũ Hổ bên Tầu, bởi vậy tương truyền rằng ông là hậu thân của thần Ngũ Hổ.
Tướng mạo khôi ngô, tư chất thông minh, lại được học sớm, từ bảy tuổi gia đình đã cho theo các thày nổi tiếng trong vùng, học võ, học văn nên 20 tuổi, ông thị đỗ Hương Cống. Khoa thi năm Bính Thìn niên hiệu Vĩnh Hựu (1739) ông thi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ. Một năm sau, năm Cảnh Hưng thứ 1 (1740) ông được triều đình bổ nhiệm làm Hiệu thảo viện Hàn lâm.
Thời đi học, ông luôn được các thầy đánh giá là lanh lợi, tài năng hơn người, và luôn được đồng môn nể vì.
Vào giai đoạn đó, lấy danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh, nhiều cuộc khởi nghĩa chống lại chúa Trịnh nổi lên. Cuộc khởi nghĩa có quy mô và tạo được thanh thế nhất là cuộc khởi nghĩa của anh em Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển ở Hải Dương. Quan quân triều đình đi đánh dẹp nhiều lần, nhưng đều thất bại. Biết Phạm Đình Trọng là người mưu lược, văn võ song toàn, triều đình phong ông giữ chức Hiệp thống kiêm Phòng ngự sử và phái đi đánh dẹp quân khởi nghĩa. Với tài năng quân sự bẩm sinh, không bao lâu, Phạm Đình Trọng bắt được Nguyễn Cừ. Ông được phong làm Hữu thị lang Bộ Công.
Nguyễn Tuyển mất, Nguyễn Hữu Cầu, con rể Nguyễn Tuyển, mang quần về mạn Đông Bắc, lấy vùng Vân Đồn, Cát Bà, Đồ Sơn… làm căn cứ, xưng là Đông Đạo tống quốc bảo dân Đại tương quân. Nguyễn Hữu Cầu là người nhanh nhẹn, quyền biến, có sức khỏe hơn ngươi, dân gian vẫn ví ông như Hạng Võ của nước Nam. Có tài thao lược, Nguyễn Hữu Cầu đánh đâu thắng đó, uy thế lẫy lừng. Năm 1743 ông đánh bại quân Triều đình, giết chết Thủy đạo đốc binh Trịnh Bảng ở sông Cổ Trai ( Kiến Thụy bây giờ). Tiếp đó Nguyễn Hữu Cầu đánh lên Kinh Bắc. Trấn thủ và Đốc binh Kinh Bắc bấn loạn, bỏ cả ấn tin thoát thân. Nghĩa quân tiếp tục đánh tới Bắc Giang. Quân triều đình do Trương Khuông và Đinh Văn Giai phái tới thua to, chạy toán loạn… Trước thế lực của Nguyễn Hữu Cầu, chúa Trịnh lo sợ, liền phong Phạm Đình Trọng làm thống lĩnh Bình khẩu Đại tướng quân, thống lĩnh quân Triều đình và sai đi dẹp Nguyễn Hữu Cầu. Phạm Đình Trọng thật xứng là đối thủ của Nguyễn Hữu Cầu! Sáu năm chinh chiến cam go, cuối cùng cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cậu bị Phạm Đình Trọng dẹp tan. Sau chiến thắng này, Phạm Đình Trọng, lúc ấy mới 36 tuổi được thăng Thương thư bộ Binh, ( tức tương tự Bộ trưởng bộ Quốc phòng ngày nay), hàm Thái bảo, tước Hải quận công, Dương võ tuyên lực công thần, hưởng hoa lợi 12 xã và 150 mẫu lộc điền.
Những năm bọn phí quấy nhiễu vùng Đông Bắc, giáp giới giữa ta và Tầu, trấn thủ xứ Quảng Yên của ta và quan quân Quảng Đông bên Tầu cũng bó tay, dẹp không nổi. Trước tình cảnh ấy, triều đình lại phái Phạm Đình Trọng đảm nhận tuần tiễu khu vực này. Không lâu sau, dưới sự chỉ huy của ông, đám phỉ bị xóa sổ, những tên cầm đầu bị bắt. Không chỉ dân Đông Bắc nước Nam được bình yên mà dân Quảng Đông của Tầu cũng không còn bị quấy nhiễu. Vua Tầu mừng rỡ, liền sai người mang lụa, vang bạc và mũ áo Thượng thư sang nước Nam ban cho Phạm Đình Trọng. Bởi vậy đời sau gọi ông là Lưỡng quốc thượng thư.
Năm Tân Mùi (1751) Phạm Đình Trọng được phái đi trấn thủ Nghệ An, kiêm Đốc binh châu Bố Chính. Ông vừa trấn áp bọn đạo tặc trộm cướp, và tàn dư của Nguyễn Hữu Cầu, vừa thi hành chính sách đức trị, coi dân là gốc mọi sự, thương quý dân như con nên vùng Nghệ An, Bố Chính dân an cư, lạc nghiệp, đời sống ấm no, nhà nhà vui vẻ hòa thuận. Phạm Đình Trọng được nhân dân trong vùng kính trọng, quý nể.
Nhưng điều ấy đẩy ông vào thảm họa. Do ghen ghét tài năng , đức độ của Phạm Đình Trọng, và không thích những lời nói thẳng nói thật của ông, những kẻ tài không, đức không nhưng ngồi các ghế quan trọng trong triều do ham hố quyền hành và ham hố vật chất, đứng đầu là Đỗ Thế Giai đem lời ghèm pha với chúa. Bọn này ton hót với Trịnh Doanh rằng Phạm Đình Trọng gây thanh thế, uy đức lấn cả triều đình, và đó là gốc của mầm họa. Triều đình mù quáng, bất tài, chủ quan, luôn cho rằng mình đúng, lúc nào cũng nơm nớp lo mất quyền lực, mất quyền lợi, lại khoái nghe lời xiểm nịnh nên đã bất nhẫn, cuống cuồng “ban” cho người tài đức, đã có nhiều công dẹp phản loạn vì sự tồn vong của triều đình chén rượu độc. Hay tin này, nhiều tướng dưới quyền khuyên ông chạy vào Nam với chúa Nguyễn, nhưng Phạm Đình Trọng không nghe, ông cả cười mà rằng, người trung thực không thờ hai chúa. Sau đó ông vào thư phòng, quay mặt về phía Bắc, vái vọng vua Lê rồi bình thản đưa chén rượu độc lên miệng, uống cạn.
Phạm Đình Trọng mất vào đêm trừ tịch năm Nhâm Ngọ (1754) lúc mới 40 tuổi.
Âu đó cũng là bi kịch chung của những người tài!
Ông mất rồi, triều đình nhận ra, hối lỗi, vua Lê liền ban gấm vóc, tiền bạc và cho thuyền đưa linh cữu ông về quê, đồng thời cử nhiều quan, trong đó có quan thượng Nguyễn Nghiêm về Khinh Dao chọn đất an táng. Vua Lê ân hận viết mấy chữ viếng: “Dẹp loạn yên dân, giữ vững biên cảnh, yêu nước trung vua, danh tiết vẹn toàn”. Chúa Trịnh thì gửi ban câu đối: “Cái thế anh hùng kim cổ hiếm / Tài đức bên lâu cùng đất trời”. Dẫu vậy, cái tội đố kỵ, hợm mình, không nhìn trước ngó sau, vội vã xử oan người tài là một vết nhơ của triều đình Lê Trịnh, lịch sử ghí nhớ và khó gột rửa.
Phạm Đình trọng mất đi để lại sự tiếc thương trong lòng nhân dân. Tại xứ Bố Chính, Nghệ An và quê hương Khinh Dao đều có đền thờ, miếu thờ ông và vẫn tồn tại cho tới ngày nay.
Phạm Đình Trọng hưởng dương không nhiều, làm quan ngắn ngủi, nhưng ông đã được các bậc Danh nho và sử gia xếp vào loại “văn võ toàn tài”. Phan Kế Bính xếp ông là một trong 6 người thuộc bậc danh nhân đất Việt…
Việc nước bề bộn, nhưng ông đã để lại cho hậu thể một tập thơ chữ Hán ( tiếc là đã thất lạc). Chỉ riêng bài tản văn ” Tượng đầu đoán tụng ký ” không mấy dài của ông, người đời đã đủ đánh giá nhân cách, đức độ và tài văn chương ở con người này.
ĐK.