Bí mật của Mùi – Nguyễn Bảo


Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.

Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Bí mật của Mùi” của nhà văn Nguyễn Bảo in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.

Từ sau năm 1945 đến nay, nền văn chương nước nhà luôn được tô đậm bởi một đội hình nhà văn – chiến sĩ trưởng thành từ trong khói lửa của cách mạng và chiến tranh. Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị làm nên bản sắc văn chương nước nhà, mới đây Hội Nhà văn Việt Nam cho xuất bản Tuyển tập văn xuôi và Tuyển tập thơ thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.

Kỳ này vanhaiphong.com xin được giới thiệu cùng bạn đọc truyện ngắn “Bí mật của Mùi” của nhà văn Nguyễn Bảo in trong Tuyển tập văn xuôi thế hệ nhà văn chống Mỹ cứu nước.


Nhà văn Nguyễn Bảo (Ảnh internet)



NGUYỄN BẢO

HỌ VÀ TÊN KHAI SINH: NGUYỄN NGỌC BẢO. SINH NGÀY 02 THÁNG 4 NĂM 1950. QUÊ QUÁN: XÃ VĨNH THỊNH, HUYỆN VĨNH LỘC, TỈNH THANH HOÁ. DÂN TỘC: KINH. HIỆN THƯỜNG TRÚ TẠI: BA ĐÌNH, HÀ NỘI. NĂM 1970: HỌC XONG ĐẠI HỌC TỔNG HỢP HÀ NỘI, KHOA NGỮ VĂN. NHẬP NGŨ, LÀM PHÓNG VIÊN CHIẾN TRƯỜNG TẠI MẶT TRẬN TRUNG TRUNG BỘ (4/1971). SAU GIẢI PHÓNG ĐƯỢC ĐIỀU VỀ TẠP CHÍ VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI. TỪNG LÀ TRƯỞNG BAN VĂN XUÔI, PHÓ TỔNG BIÊN TẬP RỒI TỔNG BIÊN TẬP.

 

BÍ MẬT CỦA MÙI

Mùi ở đây sao? Một người đàn bà gầy tong teo, mắt nhỏ thó, ẩn sâu trong một lớp da nhăn nheo. Không thể còn một cô Mùi trắng ngần, duyên dáng quyến rũ trong ký ức Tâm, nhưng lẽ nào một cô Mùi mới chừng ấy năm xa anh đã tàn tạ đến nhường này. Năm nay Mùi chừng bốn mươi tuổi. Lẽ nào ở tuổi bốn mươi người ta đã có thể thành một bà già, run rẩy, lập cập thế kia?

Ngôi nhà anh đã trót bước vào như một sự a dua về nỗi ngờ vực của anh. Một túp lều tranh, cũ mèm. Một chiếc giường nhỏ ọp ẹp trương ra giữa nhà. Một cô Mùi từng đảm đang tháo vát lo toan cho cái ăn của cả một vùng đầy khó khăn trong chiến tranh không thể lại để cho gia cảnh mình tồi tàn đến như thế này được! Không thể! Hoặc cô ấy đã chết, hoặc cô đang ở đâu đó. Cái địa chỉ anh cần đến đã nhầm chăng?

Trong khi Tâm lưỡng lự, băn khoăn chưa biết phải cư xử thế nào thì chính người đàn bà lại nhận ra anh một cách dễ dàng:

– Anh Tâm, không nhận ra em sao? Mời anh vào đi, trời ơi, lâu quá! Anh chẳng khác được bao nhiêu.

Cho đến lúc ấy, Tâm mới dám tin đây là cô gái từng xáo trộn đời anh, gây cho anh những căng thẳng, khổ đau.

* * *

Sự việc diễn ra vậy mà cũng đã hơn mười năm. Hậu cứ cánh bắc Hoà Thượng bỗng phập phồng chao đảo khi có tin Mùi đi chiêu hồi. Mùi làm trong ban lương thực cánh bắc. Cô sống trên cứ đã nhiều năm, từng trải, nổi tiếng gan góc, trung kiên, nắm rất nhiều bí mật của tổ chức. “Để đó cho tôi”, Tâm nhận nhiệm vụ trước đội đặc nhiệm và thề với mình nếu không giết hoặc bắt được Mùi anh sẽ không trở lại đơn vị. Anh túm được Mùi khá dễ dàng khi cô vừa ra khỏi khu đồn. Mùi không chống cự, không van vỉ, tự nguyện làm theo yêu cầu của anh: lên núi. Đến đỉnh dốc Gió, Mùi ôm bụng nôn thốc nôn tháo, khẩn khoản xin Tâm được trở lại khu dồn. Cô chỉ vào cái bụng cồm cộm của mình. Từng câu nói của cô thả theo những giọt nước mắt rơi xuống: “Em có lỗi, nhưng không phản bội các anh. Em muốn được sinh con rồi sau tự mình đi nạp cho tổ chức. Anh tha cho em vài tháng nữa thôi, được không?”. “Đừng giỡn, tôi chỉ có một nhiệm vụ, giết cô, hoặc nạp cô cho tổ chức”. “Vậy thì giết em đi, giết ngay đi, em van anh đấy!”. Mùi đổ sụp xuống dưới chân Tâm, hai tay chới với. Tâm lùi lại, chĩa nòng súng ngắn vào ngực Mùi. Anh hoàn toàn vô can. Mùi là bạn, là đồng chí của anh. Nhưng lúc này, anh nổ súng là để giết một tên phản bội, một tên chiêu hồi. Từ hôm Mùi bỏ cứ, hai hầm gạo dưới ranh đã lọt vào tay địch. Mùi còn dẫn bọn cảnh sát đến lục soát đánh đập bà già Quang, một cơ sở cách mạng tin cậy. Mọi cơ quan đơn vị đóng trên núi phải vội vã di chuyển. Không biết chuyện gì còn xảy ra nếu trong chuyến đi này anh không bắt hoặc giết được Mùi. Mặc dù thế, bàn tay từng bắn, giết vô khối những tên ác ôn, những tên chiêu hồi của Tâm cứ run lật bật. “Ủa sao lâu vậy?”. Mùi ôm bụng, mặt co rúm đau đớn. Cô từ từ ngã xuống, giãy đành đạch như người động kinh. Hình như không còn làm chủ được nữa, cô lăn lông lốc mấy vòng. Hai tay ôm riết cái bụng. Đỉnh dốc Gió bỗng nghẹt thở, im phắc. Tưởng chừng chỉ còn tiếng thở dốc và sự cựa quậy của cái bào thai trong bụng Mùi. Nhưng rồi Mùi cũng trấn tĩnh, gắng gượng ngồi dậy. Đôi mắt mở to: “Lẹ đi anh”. Cô giục, ưỡn ngực về phía nòng súng trên tay Tâm. “Cô có cần nói gì trước khi chết không?”. “Có chứ! Em không phản bội. Anh hãy nói lại với mấy anh như thế. Còn đứa bé này không có tội tình. Em muốn… nhưng thôi, thế là đủ. Em không nói gì thêm nữa đâu. Anh làm nhiệm vụ của anh đi thôi!”. Từ đó trở đi Mùi như người câm điếc. Tâm nói gì cô cũng chỉ trơ như tượng gỗ. Tâm xốc tơi, xốc nách cô kéo đi. Vạt áo anh ướt nhủn. Mùi oặt người trên tay anh, miệng tuôn ra một thứ nước nhầy nhớt. Hai tay Mùi vẫn vòng lấy bụng như đấy là vật bất khả xâm phạm. Nắng rang rảng giội xuống đỉnh dốc mà Tâm cảm thấy có một dòng nước buốt chạy dọc sống lưng. Anh không thể bắn bỏ một người đàn bà bụng mang dạ chửa thế này. Tiếp tục lôi cô đi, cô sẽ chẳng về tới cuối chặng đường. Một nỗi bực dọc sôi lên trong anh. Chiến tranh biết bao nhiêu tình huống không lường đã đến với anh. Kể cả những tình huống gay cấn nhất anh vẫn có phương án xử lý nhanh chóng. Nghề của anh, một phút do dự, lãnh đủ mọi cay đắng thất bại. “Mày là thằng hèn!”. Anh tự mắng mình. Những lời của cô ta chỉ là giả dối, phỉnh nịnh. Cô không phản bội, sao đi chiêu hồi? Cô không phản bội sao đưa cảnh sát vào nhà bà Quang? Hãy thú nhận đi: cuộc chiến kéo dài, cô không thể chịu được gian khổ ác liệt. Cô xinh đẹp, lại đang ở tuổi cồn cào tình ái. Cô chọn con đường về đồng bằng, lấy một thằng địch như cơ sở báo là ý đồ của cô. Ta chẳng có gì phải băn khoăn. Đứa bé trong bụng cô cũng vậy thôi, đừng hòng lấy nó đánh vào sự yếu mềm của ta. Nó là gì? Là con của một kẻ chiêu hồi, là con của một tên lính cảnh sát ác ôn? Giết nó có gì sai? Ta đang làm công việc trừ hậu hoạ cho tương lai. Nào! Bắn! Tiếng nói ấy thét lên trong đầu Tâm. Nhưng viên đạn thì chẳng chịu phóng ra. Bắn mà làm gì nữa. Trên tay anh chỉ còn là một cái xác không hồn. Anh nhẹ nhàng đặt cái xác mềm nhũn nóng hôi hổi xuống đất. Những giọt nước mắt vo tròn ứa ra khoé mắt anh. Anh vuốt lại mớ tóc rối bù cho Mùi, lục trong túi áo, lấy dầu gió xoa lên người cô. Một niềm ân hận xót xa ngập tràn trái tim anh. Không còn oán trách, thù hận, không còn gì cả ngoài một nỗi mong mỏi: Mùi đừng chết, đừng chết vào lúc này… May thay, Mùi đang tỉnh dần. Cô ngơ ngác: “Anh không bắn em sao?”. Tâm không trả lời. “Anh tha cho em chớ?”. Yên lặng. Giông bão lại trào lên trong lòng Tâm. Tha cho Mùi ư? Anh sẽ nói thế nào với tổ chức. Kỷ luật anh chịu. Cái chết anh cũng chẳng sờn. Nhưng còn danh dự – điều thiêng liêng nhất của đời anh. Anh làm sao chịu nổi, nếu tổ chức nghi anh là đồng loã với sự phản bội, rằng anh đã bị Mùi lung lạc, mua chuộc… Khốn nạn, khốn khổ cho anh là ở chỗ đó. Nhưng anh cũng chẳng còn cách nào khác.

* * *

Tổ chức không hành hạ Tâm nhưng cũng không thể tiếp tục để anh hoạt động ở cánh bắc Hoà Thượng, mặc dù anh là linh hồn của đội đặc nhiệm vùng này. Theo nguyện vọng, anh được chuyển đến một vùng xa lắc trên Tây Nguyên. Ở đây, anh được nhận về một tiểu đoàn đặc công của tỉnh. Anh bằng lòng và sống thanh thản. Mỗi trận dánh, phía trước anh chỉ có thằng địch – một thằng địch chăm bẵm, bổ dao, xả đạn vào anh. Anh chẳng phải day dứt băn khoăn khi xông lên đối mặt với chúng. Xa cái miền đất thấm đẫm kỷ niệm vui buồn, những đau đớn mất mát, những người bạn, người đồng chí thân thuộc, anh không khỏi buồn nhớ. Nhưng buồn nhớ hơn cả vẫn là gương mặt nhoà lệ của Mùi trong buổi trưa nắng xiết trên đỉnh dốc. Anh đinh ninh rằng: Mùi sẽ chẳng khai báo chỉ điểm gì thêm. Anh cũng có cảm giác rằng việc cô đi chiêu hồi có gì uẩn khúc mà cô không thể nói ra được. Dẫu muốn quên đi tất cả những điều ấy, thi thoảng trong đầu anh vẫn lởn vởn câu hỏi: Hiện nay Mùi ở đâu? Sống ra sao? Vì sao Mùi đi chiêu hồi? Và vì sao lúc đó Mùi một mực không nói gì thêm? Cái bào thai nhỏ nhoi của Mùi ngày đó giờ ra sao? Ra vào sống chết với bao nhiêu trận đánh, anh vẫn tự nhủ mình: “Ngày hoà bình, nếu còn sống sẽ quyết tìm Mùi bằng được”. Lúc đó anh sẽ hỏi Mùi những câu hỏi vẫn ghi trong lòng anh như một món nợ truyền kiếp.

*

Bây giờ, Tâm đang ngồi đối mặt với Mùi đây. Có chậm quá chăng? Sau năm 1975, anh những tưởng có thể dành riêng cho mình một khoảng thời gian, nào ngờ…

– Con em đâu?

Tâm nghe giọng mình lạc đi. Lẽ ra khi gặp Mùi, câu hỏi đầu tiên không phải là vậy. Nhưng nói cho cùng anh biết hỏi gì khác. Chính vì đứa con ấy anh đã tha cho Mùi. Vì nó, anh đã chịu kỷ luật và tự nguyện đi khỏi vùng đất xiết bao gắn bó của đời anh.

Trả lời câu hỏi đó là một tiếng nấc. Người đàn bà hơi cúi đầu, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi xuống chiếu. Căn lều vắng lặng. Ngoài trời gió roàn roạt xói thốc như muốn nhấc bổng căn lều đi! Có chuyện gì thế? Đứa con ấy đã không ra đời, hay nó đã chịu một nỗi bất hạnh gì? Mình đã cứa một nhát dao vào nỗi đau của người đàn bà này chăng?

Mùi đã ngẩng đầu lên, đưa vạt áo lau mặt. Căn phòng vơi bớt sự ảm đạm. Ngoài kia, cơn giông không thành đang tan dần. Những vạt nắng lại loé lên ở phía chân trời.

– Sinh con xong, em có lên cứ nhưng không gặp anh – Mùi chậm rãi kể. – Em được tin anh chuyển vùng. Giá em được tự do, em đã tìm anh bằng được. Sau giải phóng, em mới được tha nhưng không biết anh ở đâu mà lần. Mới lại hoàn cảnh em…

Chừng đó thôi, Tâm đã hiểu ra tất cả. Anh đã có linh cảm không yên ổn khi Mùi lên cứ. Lẽ nào trông Mùi già nua, tiều tuỵ đến thế kia.

– Khốn nạn, có ai bắt cô lên cứ đâu? – Tâm đổi cách xưng hô.

– Em đã hứa với anh!

– Thế họ giam em vì lẽ gì?

– Răng biết được, em có tội. Họ sợ em không thành thật.

– Chiến tranh, cũng không thể trách các anh ấy được.

– Em biết, nào em có oán trách gì.

– Em đi, đứa bé ai nuôi?

– Em gửi bà con cô bác ở khu dồn.

Tâm thở phào đứng dậy. Sự căng thẳng nặng nề trong anh vơi đi phần nào. Căn lều ngột ngạt quá. Anh muốn ra ngoài trời. Nhưng rồi câu hỏi vẫn canh cánh bên lòng, níu giữ anh lại. “Bố đứa bé là ai?”. Mùi đỏ mặt lúng túng né tránh câu trả lời. Càng né tránh, Tâm càng tò mò. Khi anh nhắc đến lời hứa của Mùi năm xưa, Mùi ngập ngừng miễn cưỡng:

– Anh Chín, Chủ tịch huyện Hoà Thượng. Anh còn nhớ chứ?

– Anh Chín? – Tâm kêu lên thảng thốt. Hình như có tiếng sấm vừa dội vào tai anh. Anh Chín, Tâm không lạ gì. Những ai đã công tác ở cánh bắc Hoà Thượng những năm chiến tranh, không thể không biết anh Chín. Anh một lòng một dạ với cách mạng. Gan cóc tía. Hiền như đất. Anh sống trong sáng, mẫu mực, hết lòng chăm sóc, thương yêu mọi người. Tiếp xúc với phụ nữ, anh lóng ngóng, mặt đỏ tía. Anh hy sinh vào cuối năm 1971 trong một cuộc chống càn. Có phải vì anh không còn trên mặt đất này mà Mùi đổ vấy tội cho anh?

– Em đã kể chuyện này với ai chưa?

– Đây là lần đầu. Ngay cả con bé nhà em cũng không được biết!

Thật lạ lùng, dẫu chẳng muốn tin, Tâm vẫn muốn được nghe Mùi kể ngọn ngành.

– Anh Chín, khỏi nói anh cũng biết, thật tốt, thật dễ thương. Ảnh suốt ngày suốt đêm lo toan công việc chung. Vợ con kẹt trong khu dồn hằng năm trời không gặp. Ở cạnh cơ quan huyện, em thương ảnh quá. Rảnh rỗi, em thường qua đó chơi, giúp được gì thì giúp ảnh. Thế rồi ma xui quỷ khiến thế nào, em đem lòng yêu ảnh. Tội lỗi là ở em. Biết ảnh có vợ, có con rồi mà vẫn không rời ra được.

Một thoáng nghi ngờ vụt qua trong đầu Tâm. Hồi đó, cơ quan huyện của anh Chín, cơ quan lương thực của Mùi, đội đặc nhiệm của Tâm cùng đóng một khu vực. Mùi xinh đẹp, nết na nhất vùng. Biết bao chàng trai muốn yêu Mùi, đều không được Mùi đáp lại.

– Ảnh có biết đứa con của Mùi cũng là con của ảnh không?

– Răng biết! Khi phát hiện có thai và mấy đứa bạn nghi ngờ, em vội vã về quê ngay.

– Sao vậy?

– Em muốn giữ uy tín cho ảnh.

– Còn thằng đại uý cảnh sát mà dân khu dồn bảo là bồ của em?

– Chẳng có gì sất. Em muốn được nó che chở cho cái bào thai của em. Em muốn đánh lạc hướng mọi người. Em mách nó hai hầm gạo và dẫn đến nhà bà Quang là thế. Nếu không có gì làm sao nó tin mình chiêu hồi! Thật ra hai hầm gạo đó không còn bao nhiêu. Còn bà Quang nó không dám làm gì. Bà con mà.

Càng nghe Mùi kể, Tâm càng hoang mang. Trời đất ơi, lẽ nào lại có chuyện đó! Đang nửa tin nửa ngờ, bất chợt anh nghe tiếng trẻ nhỏ vọng từ ngoài sân:

– Má ơi! Con về rồi nè! Bữa ni con hên ghê!

Mùi lập cập chạy ra, ôm chầm lấy con, vuốt tóc con:

– Chào bác đi con. Hôm nay bác đến thăm con nên con gặp hên đó.

Tâm cũng đứng dậy bước ra sân. Mắt bé sáng lấp lánh. Nhìn thấy những xếp giấy áo, giấy lộn, những vỏ chai, vỏ hộp, những chiếc vung nhôm, nồi nhôm thủng nát chất đầy đôi quang, trĩu vai đứa bé, mặt Mùi rạng rỡ hẳn lên.

Thật ra, những thứ hai mẹ con Mùi hớn hở khôn xiết kia đáng giá bao nhiêu tiền? Ấy là sau này Tâm nhận ra điều ấy. Còn lúc này, cái đập vào mắt anh là đứa bé gái mười tuổi, mặt lấm lem, loắt choắt, da đen cháy. Anh giật thót nhận ra nó giống anh Chín như đúc. Giống từ cái mũi thẳng đến đôi lông mày rậm. Giống từ khoé mắt có ánh nâu đến cái dái tai to mà thầy bói vẫn bảo là số giàu có… Bao nhiêu lời kể của Mùi đã không lay chuyển được anh vậy mà hình ảnh cháu bé lại chinh phục được anh hoàn toàn. Anh thấy mắt mình cay xé. Lẽ đời, con bé phải được đi học, có ăn, có mặc đàng hoàng. Nó là con anh Chín. Anh bỗng thấy giận Mùi sôi sục. Thôi thì hồi chiến tranh, hồi anh Chín còn sống, Mùi giữ uy tín cho anh là một nhẽ. Nhưng từ hoà bình đến nay mắc gì Mùi không nói chuyện đó với mọi người, với chính quyền địa phương. Xã hội này hẹp hòi gì để mẹ con Mùi đến nông nỗi này? Trong lúc cháu bé qua nhà bên tắm giặt, Tâm đã nói hết ý nghĩ ấy của mình.

– Thôi mà anh. Mẹ con em, có khổ cũng đã khổ rồi. Em muốn để anh Chín yên. Em không muốn bất cứ ai nghĩ xấu về ảnh…

Bây giờ đến lượt nước mắt Tâm trào ra. Anh vội vàng quay mặt đi. Trời đang tối dần. Đã đến lúc anh phải đi tìm một chỗ ngủ, một nơi ăn uống. Đây cũng là điều anh không lường trước khi đến thăm Mùi. Hoàn cảnh mẹ con Mùi thật éo le. Anh chưa biết phải giải quyết cách gì?

– Hai mẹ con em đi với tôi. Tôi sẽ tìm nơi ăn chốn ở. Cháu bé phải được đi học em ạ.

Người mẹ mừng rơn khi nghĩ đến con mình được đi học. Sự biết ơn, vui sướng như đang làm cho các nếp nhăn quanh mắt giãn ra. Nhưng chẳng hiểu sao, ngay sau đó, cô trở nên đăm chiêu, tư lự:

– Thôi anh à! Mẹ con em đi, ai hương khói, ai chăm sóc phần mộ anh Chín? Gia đình ảnh hy sinh ráo trọi trong chiến tranh rồi.

– Ơ! Thế em vẫn thờ cúng anh Chín sao?

– Sao lại không? Anh Chín thiêng lắm. Hôm qua em mơ thấy ảnh về. Vậy là hôm nay anh đến. Anh thắp cho anh Chín nén nhang hỉ?

Thì ra, cạnh căn phòng Tâm đang ngồi còn có cái chái nhà nhỏ hẹp, tối như hốc cua. Ở đó có bàn thờ đặt ảnh anh Chín. Tâm cắm lên ba nén nhang: “Anh Chín ơi! Anh sống khôn chết thiêng, sao không về phù hộ độ trì cho mẹ con Mùi…”. Bất giác anh quay lại hỏi Mùi đang chắp tay cúi đầu phía sau, lã chã nước mắt.

– Em giải thích với con thế nào về cái bàn thờ này?

– Nó chỉ được biết: đó là ba của nó, đã hy sinh khi nó chưa ra đời. Anh là người duy nhất ngoài mẹ con em được biết về cái bàn thờ này đấy!

Ngay sau đó, Tâm lên xe về đơn vị. Anh biết Mùi khi đã quyết ở lại thì không có cách gì khiến cô thay đổi. Đương nhiên, không thể để mẹ con Mùi tiếp tục cuộc sống khốn khổ này. Tất cả những việc làm của ngày hôm nay sẽ vô nghĩa biết bao nếu như bí mật kia không được làm sáng tỏ, những cuộc đời kia không được thay đổi. Anh sẽ trở lại. Với anh đó là một lời thề.

Hà Nội, 10 -1995
N.B

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder